Thursday, September 25, 2014

(669) Vương Lập Quân và Việc Giết Người Mổ Cắp Nội Tạng Sống

Vương Lập Quân Điên Cuồng Phát Minh, Bằng Chứng Mới Về Việc Giết Người Mổ Cắp Nội Tạng Sống
Thứ Hai, ngày 22 tháng 9 năm 2014 
Không được đào tạo về y tế, nhưng Vương Lập Quân (đứng đầu tiên bên phải) quan tâm nhiệt tình về nghiên cứu cấy ghép nội tạng, ông ta được coi là đồng phạm với hệ thống ĐCSTQ tham gia vào tội ác mổ cắp nội tạng sống của các học viên Pháp Luân Công. (Ảnh Internet)

Hiện nay các tầng lớp lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đang đấu đá dữ dội, gây ra chấn động lớn tại Trung Nam Hải, tiêu biểu với sự kiện cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh – Vương Lập Quân trở thành cái tên nóng đứng đầu danh sách tại đại lục vào ngày 27 tháng 8, khi phương tiện truyền thông đại lục thông báo rộng rãi về sự đa dạng chủng loại trong các sáng chế do Vương Lập Quân tạo ra, trong đó bao gồm việc phát minh ra sản phẩm hết sức tinh vi dùng để giết người: “máy làm tổn thương não bộ”. Sáng chế của Vương Lập Quân được coi là bằng chứng mới về việc tham gia trực tiếp vào tội ác mổ cướp nội tạng sống, đồng thời đây cũng được coi là bằng chứng mới cho tội ác của hệ thống ĐCSTQ trong việc mổ cắp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công.
Truyền thông của ĐCSTQ đưa tin: cựu cảnh sát trưởng say mê phát minh
Trong thời gian còn tại chức tại Trùng Khánh, Vương Lập Quân đã nhận được tổng cộng 254 bằng sáng chế, trong đó có tới 211 bằng là được nộp trong năm 2011, điều đó cũng có nghĩa là trung bình 1,7 ngày nộp đơn 1 lần để xin bằng sáng chế về tính “siêu hiệu quả” của những công cụ này, báo cáo đồng thời mô tả vị cựu công an này như một “người điên cuồng vì thành tựu trong lịch sử ”.
Trong số bằng sáng chế đã nộp có một ứng dụng về một sản phẩm công nghệ mang tên “máy nguyên tính gây tổn thương não bộ” . Cái được gọi là phát minh sáng chế kỳ lạ này có thể được tạo ra nhằm sử dụng để gây tổn thương não bộ con người, nó nghi ngờ được sử dụng trong trường hợp không có thuốc gây mê, gây ra mất ý thức đối với người bị hại nhưng vẫn giữ cho trái tim và hơi thở của họ còn tồn tại, đây được coi là “sản phẩm công nghệ tinh vi cao cấp.”
“Trung tâm nghiên cứu tâm lý” thực chất là trung tâm giải phẫu.
Không có một nền tảng y học nào nhưng  Vương Lập Quân đã nhiệt tình tham gia vào việc nghiên cứu cấy ghép nội tạng. Khi còn tại chức, Vương Lập Quân đã  thành lập các “Trung tâm nghiên cứu tâm lý” ở tại Trùng Khánh và Cẩm Châu cùng nhiều nơi khác, nhưng thực chất là trung tâm tiến hành mổ cướp nội tạng sống, mổ lấy cơ quan nội tạng từ thân thể sống để tiến hành nghiên cứu. Từ những số liệu chính thức do các cơ quan nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy, hiện trường của trung tâm nghiên cứu tâm lý của Vương Lập Quân là nghiên cứu để làm thế nào với án tiêm tử hình để có thể tăng thời gian tồn tại của nội tạng và hiệu quả trong cấy ghép.
Giáo sư Arthur Caplan – Chuyên gia y học nổi tiếng của Mỹ, chủ nhiệm khoa nghiên cứu lý luận y học quốc tế, chủ nhiệm trung tâm lý luận sinh vật Đại học Pennsylvania Hoa Kì, cho biết hiện trường tại trung tâm nghiên cứu tâm lý này thật “khiến người ta rợn tóc gáy”. “Một nơi được gọi là trung tâm nghiên cứu chuyên được quan sát tại chỗ và nghiên cứu các quá trình tâm lý của con người tại thời điểm tử vong được quản lý bởi cảnh sát, điều này là không thể được chấp nhận bởi giới y học quốc tế. Bất luận về phương diện pháp lý hay lý luận đạo đức mà nói thì đều là phi nhân tính. Cái gọi là “Trung tâm nghiên cứu tâm lý hiện trường ” này chính là trực tiếp giết người tại hiện trường và mổ cắp nội tạng sống của họ”.
Chương Hồng
(Đại Kỷ Nguyên)
Vụ Bạc Hy Lai đã vỡ lở như thế nào?
Việc cựu giám đốc công an Trùng Khánh đến Lãnh sự quán gây bất ngờ cho chính các quan chức Mỹ, khiến họ phải nghĩ cách bảo toàn tính mạng cho ông Vương mà không mất lòng Trung Quốc.

Vào buổi tối ngày 6/2, phó thị trưởng Trùng Khánh, thành phố lớn của Trung Quốc, xuất hiện tại Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô trong trạng thái bối rối, kể một câu chuyện về tham nhũng và mưu sát.

Theo The New York Times, Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an Trùng Khánh, khi đó là phó thị trưởng thành phố, xin tị nạn Mỹ vì lo sợ cho sự an toàn của mình. Trong khi đó, lực lượng an ninh Trung Quốc nhanh chóng bao vây tòa nhà của lãnh sự quán và yêu cầu các nhà ngoại giao Mỹ trao trả Vương Lập Quân ra.

Trong lúc các nhân viên lãnh sự quán gọi điện tới tấp về Washington, thậm chí các cuộc điện đàm còn vươn tới tận Nhà Trắng, ông Vương ở lại qua đêm, cho đến khi một quan chức từ Bắc Kinh được sắp xếp đến để hộ tống Vương vượt qua hàng rào của cảnh sát địa phương trung thành với ông Bạc. Các nhà chức trách Bắc Kinh hiện tạm giữ và điều tra tội danh tiết lộ các bí mật quốc gia cho Mỹ của Vương Lập Quân. Nếu bị kết tội phản quốc, ông này có thể phải đối mặt với án tử hình.

Các quan chức chính phủ, nghị sĩ và các nhà ngoại giao Mỹ nói thông tin mà ông Vương tiết lộ có liên quan đến Bạc Hy Lai, người vừa bị cách chức bí thư thành ủy Trùng Khánh và đình chỉ chức vụ ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên trung ương đảng. Ông Vương từng là người thân tín của ông Bạc trước khi phải đến Lãnh sự quán xin tị nạn.

Theo các quan chức chính phủ Mỹ thì các nhà ngoại giao không đưa tờ khai để ông Vương xin tị nạn vì những đặc thù về nhân thân của ông Vương. Họ cũng lo ngại về những khó khăn sẽ gặp phải nếu đồng ý đưa ông ra khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, Bộ Ngoại giao Mỹ bảo vệ ông Vương khỏi bị cảnh sát địa phương bắt và để ông này cung cấp những thông tin mình biết cho Bắc Kinh.

Sau đó, Bạc Hy Lai bị cách chức, vợ ông, bà Cốc Khai Lai, bị nghi ngờ là thủ phạm giết hại doanh nhân người Anh Neil Heywood. Đây được coi là vụ scandal chính trị lớn nhất Trung Quốc trong nhiều năm qua.

Thời điểm Vương Lập Quân đến Lãnh sự quán Mỹ không thể nhạy cảm hơn được nữa, bởi nó xảy ra chỉ một tuần trước khi phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du tới Washington theo lời mời của Phó tổng thống Joseph R. Biden. Đồng ý cho ông Vương tị nạn sẽ có thể ảnh hưởng thậm chí phá hủy chuyến thăm của ông Tập.

Vì vậy, vai trò của Mỹ trong vụ việc được giấu kín trong im lặng. Các quan chức của Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng từ chối bình luận về mối liên hệ của Vương Lập Quân với nhân viên ngoại giao Mỹ.

"Sẽ là cực kỳ không khôn ngoan nếu Mỹ công khai tham gia vào các sự việc nội bộ của Trung Quốc. Mỹ và Trung Quốc đang cần củng cố mối quan hệ", ông Orville Schell, giám đốc trung tâm quan hệ Mỹ-Trung thuộc viện xã hội châu Á nói.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm qua không trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc có thực là ông Vương xin tị nạn hay không. Theo nguyên tắc, nhà chức trách không bao giờ tiết lộ không tin liên quan đến các đơn dạng này. Ông Vương hiện đang được tạm giữ bởi giới chức Trung Quốc để phục vụ điều tra.

Vũ Hà (Theo New York Times)
Tiết lộ vụ trùm công an xin tị nạn 
Tuesday, April 24, 2012 
BẮC KINH (NV)  -Ngày 15 tháng 3 năm 2012, Bạc Hy Lai (Bo Xilai), ngôi sao đang lên trong tập đoàn lãnh đạo tối cao ở Trung Quốc, bị cách chức bí thư đảng ủy Trùng Khánh. Vụ cách chức làm chấn động dư luận, nhưng bí ẩn và nguồn gốc của trận động đất chính trị này phải kể từ vụ cảnh sát trưởng thành phố Trùng Khánh lái xe cả trăm dặm, vào Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ, xin tị nạn.

Giám đốc Công An Trùng Khánh, Vương Lập Quân, ngày còn quyền lực. (Hình: Feng Li/Getty Images)
Vương Lập Quân (Wang Lijun), cựu cục trưởng Cục Công An Trùng Khánh, vào ngày 6 tháng 2, chạy vào tị nạn tại Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Thành Ðô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, cách Trùng Khánh khoảng 200 dặm về phía Tây Bắc. Chính quyền thành phố Trùng Khánh hai ngày sau chính thức loan báo sự “mất tích” của Vương là “được nghỉ phép để điều dưỡng do bị căng thẳng thần kinh qua thời gian làm việc quá sức lâu dài.” Nhưng cùng ngày Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ở Washington xác nhận Vương đã vào tòa lãnh sự rồi 30 giờ sau “tự nguyện rời khỏi” và cơ sở ngoại giao này không có liên hệ gì được nữa.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc tiếp đó thừa nhận Vương có đến tòa lãnh sự và “vấn đề đang được điều tra.”
Thông thường đối với Hoa Kỳ, Vương có thể là người đủ tư cách để được hưởng sự bảo vệ chính trị hay tị nạn chính trị, nhất là đương sự có quan hệ tới những giới chức cao cấp đảng Cộng Sản Trung Quốc và cung cấp được nhiều tin tình báo. Nhưng chính quyền Obama trong trường hợp này rõ ràng không muốn dính dáng nhiều đến chuyện chính trị nội bộ của Trung Quốc. Những giới chức Hoa Kỳ am hiểu vấn đề giải thích rằng không có chính sách dành cho Vương quy chế tị nạn. Vương là một viên chức, nhất là một cựu giới chức ngành công an, không phải trong hoàn cảnh bị đàn áp nhân quyền như những người tranh đấu dân chủ.
Từng có một vụ tị nạn, tưởng chừng như tương tự, nhưng không tương tự. Sau vụ đàn áp Thiên An Môn năm 1989, Phương Lệ Chi (Fang Lizhi) đã được Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Bắc Kinh cho tị nạn và ở đó hơn 1 năm, và sau đó chính quyền Tổng Thống George H.W. Bush (Bush bố) thương lượng với Ðặng Tiểu Bình cho hai vợ chồng ông được sang Hoa Kỳ tái định cư. Các giới chức Hoa Kỳ nói trường hợp Vương Lập Quân khác xa Phương Lệ Chi, và không có lý do nhân quyền để bảo vệ một cựu viên chức công an dù người này cung cấp những tin tức về tình trạng tham những lạm quyền ở địa phương.Vương có thể bị truy tố về hành động bội phản trong việc chạy vào một cơ sở ngoại giao nước ngoài, một tội trạng ở Trung Quốc có thể lãnh án nặng từ nhiều năm tù đến tử hình. Nhưng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhấn mạnh là Vương tự ý muốn rời tòa lãnh sự, và như vậy để cho chính quyền trung ương Bắc Kinh bắt giữ thay vì chính quyền địa phương Trùng Khánh trả thù. Ðiều này được coi là đủ an toàn cho đương sự.

Hơn nữa một trong những điều kiện để Hoa Kỳ có thể chấp nhận cho hưởng quy chế tị nạn là cá nhân này không trốn tránh luật pháp nước mình, không phạm tội hình sự hay trợ giúp vào việc đàn áp những người khác. Với Vương Lập Quân sẽ có thể có nhiều lý do để đưa tới rắc rối về ngoại giao với Trung Quốc nếu Hoa Kỳ cho hưởng quyền tị nạn.
Tuy nhiên có lẽ vụ việc của Vương đã xảy ra trong một thời điểm không thuận lợi, chỉ ít ngày trước khi Tập Cận Bình, lãnh đạo tương lai sắp thay thế Hồ Cẩm Ðào đến Washington và Hoa Kỳ không muốn tạo rắc rối ngoại giao với Trung Quốc trong lúc ấy. Các giới chức Hoa Kỳ cho biết thành viên Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã được báo cáo đầy đủ sự kiện trong lúc Vương còn ở trong tòa lãnh sự tại Thành Ðô, nhưng Tổng Thống Obama chỉ được phúc trình sau khi Vương đã rời khỏi nơi đây.
Người ta biết rằng khi đến Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ, Vương đã cung cấp nhiều tin tức bí mật, trong đó có vụ bà vợ của Bạc Ly Hai đã tổ chức ám sát thương gia người Anh. Tuy vậy Vương không được coi như một nguồn tin tình báo có giá trị đối với an ninh của Hoa Kỳ.
Trong 30 giờ ở tòa lãnh sự, Vương đã trình bày cho các viên chức Hoa Kỳ tin tức về cái chết của thương gia Neil Heywood người Anh và điều này chỉ liên quan đến Anh và chính quyền Trung Quốc. Một phóng viên BBC ở Trung Quốc nói là Vương đã chạy tới Tòa Lãnh Sự Anh trước khi vào Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ, tuy nhiên do một sự sắp xếp không ăn khớp nào đó nên việc này đã không đưa đến kết quả.
Cách giải quyết của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong trường hợp Vương có thể được xem là thích đáng, tuy nhiên sẽ còn một trường hợp khác có thể khó quyết định, đó là con trai của Bạc Hy Lai đang học tại Harvard. Giới chức Hoa Kỳ từ chối không bình luận về khả năng sinh viên này xin tị nạn trong tương lai mà chỉ nói với các phóng viên rằng: “Anh ta là một sinh viên tốt. Quý vị có thể tự tìm ra kết luận cho chuyện ấy.”
Vương Lập Quân, 52 tuổi, dân tộc Mông Cổ, từ khi được Bạc Hy Lai cử làm cục trưởng Công An Trùng Khánh đã tích cực tham gia vào chiến dịch truy diệt băng đảng tội phạm và tham nhũng. Trong vòng hai năm, Vương đã phát giác hơn 12,000 vụ án, bắt giữ hơn 3,300 đối tượng hình sự trong đó có hơn 100 cảnh sát biến chất. Trùng Khánh là đất hoạt động của các băng đảng xã hội đen lâu từ hai thế kỷ và có liên hệ với các tổ chức tội ác ở Hong Kong và Macao. Vương đã là cánh tay đắc lực của Bạc Hy Lai, đem lại danh tiếng cho Bạc về “mô hình Trùng Khánh” với một xã hội ổn định theo kiểu Mao Trạch Ðông.
Nhưng ngày 2 tháng 2 năm 2012, Vương đột ngột bị chuyển đổi công tác sang một vị trí “trách nhiệm về giáo dục, khoa học và môi trường.” Có lẽ nguyên nhân của việc này là do Vương đã có ý định điều tra vụ vợ của Bạc Hy Lai liên can tới cái chết của Neil Heywood và mọi chuyện sau đó diễn biến như chúng ta đã thấy.
Mặc dù sẽ còn rất nhiều bí ẩn chưa lộ ra, cho đến bây giờ, đây là vụ tai tiếng chính trị lớn nhất ở Trung Quốc từ nhiều năm và có thể còn có dẫn đến những hậu quả không ngờ trong tập đoàn lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc. (HC)
 

No comments: