Thứ năm, 22/8/2013
Bạc Hy Lai nói nhân chứng là 'chó điên'
Khi công tố viên đọc lời chứng của bà Cốc
Khai Lai về việc họ có quỹ chung hàng trăm nghìn nhân dân tệ và hàng
chục nghìn đôla, Bạc Hy Lai khẳng định lời khai của vợ là 'nực cười', và
mô tả một nhân chứng khác là 'chó điên'.
Ông Bạc Hy Lai phát biểu tại tòa. Ảnh: Weibo |
Phiên tòa xét xử ông Bạc Hy Lai chiều nay tiếp tục đưa ra lời khai của
các nhân chứng, trong đó có Đường Tiêu Lâm, giám đốc công ty Phát triển
Đại Liên, và lời khai của vợ ông, bà Cốc Khai Lai.
Theo các công tố viên, bà Cốc thừa nhận giữ hàng trăm nghìn nhân dân tệ
và hàng chục nghìn USD trong két sắt của gia đình tại Thẩm Dương và Bắc
Kinh. Bà dùng số tiền trong quỹ này để sinh sống cùng con trai Bạc Qua
Qua tại Anh.
Tuy nhiên, ông Bạc phủ nhận thông tin này và nói lời khai của bà là nực
cười. Ông nói bà Cốc không dùng số tiền chung của gia đình vì bà có quỹ
riêng và con số lớn hơn rất nhiều số tiền mà bà khai là lấy từ ông.
Về lời khai của Đường Tiêu Lâm, giám đốc một công ty ở Đại Liên, cho
rằng ông Bạc nhận hối lộ, Bạc Hy Lai nói lời khai đó "phi lý" và ví giám
đốc Đường như "chó điên".
Trong phần thứ hai của phiên chiều nay, tòa án xét cáo buộc ông Bạc
nhận hối lộ của Từ Minh, tỷ phú và là chủ công ty Dalian Shide, thông
qua vợ của ông là bà Cốc. Bạc nói hai ông bà chỉ có rất ít liên hệ kể từ
năm 2007 và kể cả khi bà Cốc quay về Trung Quốc sau đó. Bà Cốc Khai
Lai, luật sư nổi tiếng ở cả Trung Quốc và Mỹ, từng có thời gian ra nước
ngoài sinh sống để chăm sóc con trai Bạc Qua Qua."Trong những lần gặp
nhau, bà ấy không nói gì đến việc kiểu như Từ Minh cho tiền mua vé hay
chỗ ở gì cả", ông Bạc nói.
Trong khi đó tỷ phú họ Từ nói ông hối lộ hơn 3,2 triệu USD cho bà Cốc
để mua một biệt thự ở Pháp, lại tài trợ cho "cậu ấm" Bạc Qua Qua đi châu
Phi, và chi nhiều khoản khác nữa. Từ cũng nói rằng ông Bạc không biết
các món tiền này.
Phiên tòa sẽ tiếp tục vào sáng mai.
Trước đó vào cuối giờ sáng, Bạc phản cung, bác bỏ một lời khai đã đưa
ra khi trong quá trình điều tra của Ủy ban Kỷ luật đảng. Bạc nói rằng
mình viết ra lời tự thú đó trong tình trạng "bị áp lực và bị dụ dỗ". Ông
thừa nhận được các nhà điều tra "đối xử một cách văn minh, nhưng vẫn đi
kèm với những áp lực về tinh thần như đã nói".
"Tôi không phải là một người hoàn hảo, tôi không phải lúc nào cũng cứng
rắn, và tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm pháp lý" cho việc khai báo sai
dưới tình trạng bị áp lực, ông Bạc nói trước tòa.
Video Bạc Hy Lai tại tòa án:
Sáng nay tòa án trung cấp thành phố Tế Nam tỉnh Sơn Đông mở phiên tòa
xét xử cựu ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Bạc Hy Lai. Các tội danh mà
ông này bị cáo buộc gồm tham nhũng, biển thủ và lạm quyền. Hơn 110 người
được phép tham dự phiên tòa gồm 5 người
thân, 2 người hộ tống, 19 nhà báo và 84 người dự khác. Phiên tòa dự
kiến kéo dài 2 ngày và bản án có thể sẽ được công bố vào tháng 9.
Sự kiện này được giới quan sát cho là phiên tòa thế kỷ của Trung Quốc,
liên quan đến chính trị gia cao cấp và rất có ảnh hưởng trong xã hội. Sự
chú ý không chỉ đến từ Trung Quốc mà toàn thế giới. Hầu hết các hãng
thông tấn và báo lớn của thế giới đều đưa tin phiên xét xử ông Bạc trên
trang nhất, hoặc thậm chí tường thuật trực tiếp.
Ông Bạc Hy Lai từng là bộ trưởng Thương mại, thị trưởng thành phố Đại
Liên, tỉnh Liêu Ninh. Trong thời gian giữ chức bí thư Trùng Khánh từ năm
2007-2012, ông nổi tiếng với phong trào khôi phục các bài hát cách mạng
và trấn áp tội phạm rất mạnh tay. Các chính sách cứng rắn của ông nhận
được sự ủng hộ của phe cánh tả đang khao khát một lãnh đạo có sức lôi
cuốn.
Bạc Hy Lai từng là ủy viên Bộ Chính trị và được dự đoán thăng tiến mạnh
sau đại hội đảng năm ngoái của Trung Quốc. Thế nhưng ngay đầu năm, ông
bị tuyên bố khai trừ khỏi Bộ Chính trị, mất hết các chức vụ trong đảng
và chính quyền. Việc này diễn ra sau khi một trợ thủ đắc lực của Bạc tố
cáo vợ ông giết người và ông thì góp phần che đậy vụ việc. Bạc ra tòa
hôm nay với các cáo buộc tham nhũng, biển thủ và lạm quyền. Vợ của ông,
bà Cốc Khai Lai, trước đó đã nhận án tử hình ân hạn hai năm, do giết một
doanh nhân người Anh.
Vũ Hà
Bạc Hy Lai 'lọt thỏm' giữa hai cảnh sát
Trong bức ảnh đầu tiên sau gần 18 tháng, cựu
bí thư Trùng Khánh mang nét mặt trầm ngâm, và bé nhỏ hơn đáng kể so với
hai cảnh sát bên cạnh, dù có chiều cao 1m86. Tỷ lệ này lập tức thu hút
sự chú ý của giới quan sát.
Hình ảnh đầu tiên của Bạc Hy Lai tại phiên tòa sáng nay (trên) và hình ảnh khi ông còn đương chức. Ảnh: Twitter |
"Ông Bạc cao hơn 180 cm. Những cảnh sát đứng cạnh ông ta phải cao trên 190 cm", AFP dẫn
lời một nhà báo tại trung tâm báo chí nói sau khi bức ảnh đầu tiên của
cựu bí thư Trùng Khánh được đăng trên tài khoản mạng xã hội Sina Weibo
của tòa án.
Bạc Hy Lai hôm nay không còn máng dáng vẻ của một quan chức cấp cao
ăn mặc chỉnh tề, phong thái tự tin trước khi vụ bê bối của vợ chồng ông
liên quan đến giết người, tham nhũng và lạm dụng quyền lực vỡ lở.
Đứng trước tòa đầu giờ xét xử, người từng rất được chú ý trong đảng
Cộng sản Trung Quốc, mặc một chiếc sơmi với vẻ mặt trầm ngâm, hơi khom
người và mái tóc điểm bạc ở thái dương. Dường như người đàn ông 64 tuổi
này đã sút cân.
Phiên xử ông Bạc ở Tế Nam hôm nay là lần đầu tiên ông xuất hiện trước
công chúng kể từ kỳ họp Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc
đầu năm 2012.
Ông bị bắt không lâu sau đó và bị giam tại một địa điểm bí mật. Nhiều người đồn đại rằng ông tuyệt thực và từ chối cắt tóc.
Các nhà báo đưa tin về sự kiện hôm nay tập trung tại khách sạn Tế Hoa,
gần tòa án, nơi được chỉ định là trung tâm báo chí. Tại đây có một màn
hình lớn, chiếu tài khoản mạng xã hội Weibo của Tòa án Trung cấp Tế Nam
tại tỉnh Sơn Đông, cập nhật liên tục các hình ảnh và động thái trong
phiên xử. Bức ảnh chụp ông Bạc đứng tại tòa được chia sẻ 26.000 lần chỉ
trong 30 phút đầu tiên.
Phiên tòa xử ông Bạc dự kiến kéo dài hai ngày và bản án có thể được tuyên vào tháng 9 tới.
Các phóng viên chụp ảnh màn hình
tại trung tâm báo chí trong khách sạn gần tòa án ở Tế Nam. Ảnh: SCMP
Phiên tòa xử cựu lãnh đạo Trung Quốc Bạc Hy Lai bước qua ngày
thứ ba vào hôm nay, 24/08/2013. Hôm qua, vợ của bị cáo – Cốc Khai Lai –
đã khai trước tòa về các tội tham nhũng và lạm quyền của chồng mình.
Bạc Hy Lai đã bác bỏ các lời chứng kể trên, gọi vợ mình là một người vô
trách nhiệm và điên rồ.
Bạc Hy Lai cứng cỏi : Bắc Kinh lúng túng
Phiên xử ông Bạc Hy Lai tại toà án Tế Nam - REUTERS /CCTV via Reuters TV
Phiên tòa xử cựu lãnh đạo Trung Quốc Bạc Hy Lai bước qua ngày
thứ ba vào hôm nay, 24/08/2013. Hôm qua, vợ của bị cáo – Cốc Khai Lai –
đã khai trước tòa về các tội tham nhũng và lạm quyền của chồng mình.
Bạc Hy Lai đã bác bỏ các lời chứng kể trên, gọi vợ mình là một người vô
trách nhiệm và điên rồ.
Trả lời đặc phái viên RFI Stéphane Lagarde, Lý Đại Đồng (Li
Datong), cựu Tổng biên tập viên tuần san Băng điểm (Bingdian) - bị cách
chức vì một bài viết bị coi là nhạy cảm – đã phân tích về hai ngày đầu
tiên của phiên tòa.
RFI : Lần đầu tiên, biên bản phiên tòa được công bố trên mạng
xã hội. Liệu điều đó có đủ để chứng tỏ tính minh bạch của vụ xử hay
không ?
Lý Đại Đồng : Dẫu sao thì đây là cũng là một tiến
bộ, vì đây là lần đầu tiên mà hình thức thông tin này được áp dụng cho
một phiên tòa. Tòa án đã làm đúng khi tôn trọng quyền của bị cáo. Thông
qua mạng tiểu blog, tòa án có thể công bố bản ghi chép các lập luận của
cả hai bên bị cáo và bên công tố một cách khá đầy đủ vào nhanh hơn. Điều
này cho phép chúng ta có được ý kiến riêng về vụ xử. Một lần nữa,
đây là lần đầu tiên mà điều này được thực hiện ở Trung Quốc, do đó cần
được hoan nghênh.
RFI : Bạc Hy Lai đã bác bỏ các cáo buộc nhắm vào ông ấy. Ông nghĩ gì về thái độ đó ?
Lý Đại Đồng : Tôi cho rằng Bạc Hy Lai đã khiến chính
quyền Trung Quốc bất ngờ khi ông phủ nhận những lời thú tội của mình.
Ngay ngày đầu tiên của phiên tòa, chế độ đã bị lúng túng. Trong các bản
tin buổi tối lúc 19g00 rất quan trọng ở Trung Quốc, chúng tôi đã không
nghe thấy nói gì về phiên tòa vừa diễn ra. Rõ ràng là chính quyền không
biết phải đối phó như thế nào với tình huống đó.
RFI : Một số nhà phân tích nói rằng phiên tòa là một phần trong một màn diễn để biện minh cho quyết định thanh trừng ...
Lý Đại Đồng : Chúng ta không thể nói rằng tất cả mọi
thứ đã được an bài. Chính quyền rõ ràng là đã không lường trước được
tình huống này. Bạc Hy Lai đã nhận tội trong quá trình điều tra của cơ
quan kỷ luật đảng, và không ai nghĩ rằng ông ấy sẽ phủ nhận lời thú của
mình.
Tôi cho rằng phiên tòa sẽ kéo dài thêm hai ngày, và đó cũng là một
yếu tố mới. Ai cũng tưởng rằng phiên tòa lần này cũng sẽ được kết thúc
nhanh chóng, tương tự như vụ xử bà Cốc Khai Lai, với tất cả mọi thứ đã
được dự tính trước. Thế nhưng ông Bạc Hy Lai đã nhét một hạt cát vào
trong guồng máy.
Phiên tòa xử ông Lưu Chí Quân (Liu Zhijun) - nguyên Bộ trưởng Bộ
Đường sắt bị kết án án tử hình treo vì tội tham nhũng – chỉ kéo dài nửa
ngày, cho dù ông ta đã nhận được hàng trăm triệu nhân dân tệ hối lộ. Tất
cả mọi người lúc ấy đều coi phiên tòa đó là trò hề, với mọi sự được sắp
xếp trước. Thậm chí bị cáo còn thèm kháng án. Ai cũng tưởng lầm rằng
trường hợp ông Bạc Hy Lai cũng sẽ như thế.
RFI : Làm thế nào để giải thích thái độ cứng cỏi của ông Bạc Hy Lai ?
Lý Đại Đồng : Bạc Hy Lai là một nhân vật thuộc về
lịch sử của Trung Quốc và ông ấy biết rõ điều đó. Ông ấy không giống như
các nhà lãnh đạo tham nhũng khác mà thuộc tầng lớp quý tộc đỏ và từng
là Ủy viên Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Do vậy, ông muốn để lại một dấu ấn trong lịch sử. Chính quyền cáo
buộc ông là sử dụng mưu mẹo, nhưng tôi không nghĩ như vậy. Ông ấy rất
trầm tĩnh trong phiên xử, ông đã chỉ tự bảo vệ mà thôi.
RFI : Tại sao thỏa hiệp đạt được với chính quyền trong lúc ông Bạc Hy Lai bị giam giữ lại không thực hiện được ?
Lý Đại Đồng : Trong thực tế, người ta nghĩ rằng thỏa
hiệp đã dựa trên hai điều. Lẽ ra Bạc Hy Lai đã có thể dùng sự ăn năn
của mình để xin giảm án và yêu cầu cho con trai ông là Bạc Qua Qua được
an toàn và được quyền trở về Trung Quốc. Thế nhưng chúng ta thấy rằng
tình thế đã thay đổi. Bạc Hy Lai đã phủ nhận mọi cáo buộc, đẩy chính
quyền vào tình trạng rất bối rối.
Bây giờ đến lượt cấp lãnh đạo cao nhất của đảng phải quyết định.
Phiên tòa như vậy sẽ phải tiếp tục cho đến khi guồng máy lãnh đạo của
nhà nước đưa ra phán quyết.
RFI : Điều đó có thể thay đổi bản án cuối phiên tòa hay không ? Và bản án đó sẽ ra sao ?
Lý Đại Đồng : Không. Sẽ không có gì có thể ảnh hưởng
đến bản án vì điều này đã được quyết định. Nhưng cách thức mới trong
việc tiến hành một phiên tòa chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự phát
triển của hệ thống tư pháp Trung Quốc.
Bạc Hy Lai không thể thoát khỏi cảnh tù tội. Lập luận « Rất tiếc,
nhưng tôi không hay biết » của ông không đủ sức giúp ông thoát tội. Ông
phải đối mặt với một bản án 20 năm tù. Còn án tử hình sẽ khó mà áp dụng
đối với với ông vì ông ấy đã không giết bất cứ ai, trong lúc tiền hối lộ
ông nhận không cao. So với các quan chức cao cấp khác, nó không phải là
nhiều.
RFI : Về ngôi biệt thự ở Pháp, liệu con trai của ông Bạc Hy Lai có thể bị điều tra hay không ?
Lý Đại Đồng : Điều chắc chắn là việc ông Bạc Hy Lai
không biết về ngôi nhà này không có nghĩa là ông ấy vô tội. Có thể là
Bạc Hy Lai không hay biết về sự tồn tại của tòa biệt thự đó, nhưng ngay
cả khi đó là sự thật, trong luật pháp Trung Quốc, nếu các thành viên gia
đình ông thủ lợi, thì ông phải chịu trách nhiệm.
Nhưng kể cả trong trường hợp đó, tôi không nghĩ rằng vụ ngôi biệt thự
sẽ ảnh hưởng đến bản án trong trường hợp của ông Bạc Hy Lai. Chính bà
vợ và đứa con trai của ông mới là sở hữu chủ của tòa biệt thự và do đó
chính cậu con trai này mới phải giải thích về bất động sản đó.
Bạc Hy Lai nhận "trách nhiệm" trong vụ biển thủ gần 800 ngàn đôla
Bo Xilai au premier jour de son procès, le 22 août 2013.REUTERS/China Central Television /Tú Anh
Ngày thứ ba của phiên tòa tại Tế Nam, cựu lãnh đạo đảng Cộng
sản Trung Quốc Bạc Hy Lai công nhận « có phần trách nhiệm » trong một vụ
biển thủ ngân sách. Người thừa hưởng là phu nhân Cốc Khai Lai. Được dự
trù trong hai ngày, vụ xử Bạc Hy Lai sẽ kéo dài sang ngày mai Chủ nhật
25/08/2013, tức ngày thứ bốn.
Hôm nay 24/08/21013, hoàng tử đỏ của tỉnh Trùng Khánh đối chất
với hai nhân chứng quan trọng là Vương Chính Cương (Wang Zhenggang),
giám đốc Phòng Quy hoạch Đô thị thành phố Đại Liên và người thứ hai là
Vương Lập Quân, cựu chỉ huy cảnh sát Trùng Khánh, hiện đang thọ án 15
năm tù sau khi tố cáo tình trạng bê bối tại Trùng Khánh và chạy vào lãnh
sứ quán Mỹ tại Tứ Xuyên xin bảo vệ.
Theo bản tin của AFP, Vương Chính Cương giải thích với tòa án là
đã tiếp xúc với vợ chồng ông Bạc Hy Lai để « hiến » số tiền 5 triệu
nhân dân tệ và thấy ông Bạc Hy Lai, lúc đó là thị trưởng thành phố Đại
Liên đã cầm điện thoại gọi bà vợ là Cốc Khai Lai đi nhận tiền.
Về chi tiết này, ông Bạc Hy Lai đã chế giễu nhân chứng như sau : «
Không bao giờ một quan chức tham ô , dù ngu xuẩn đến đâu, lại cầm
điện thoại nói đến tiền hối lộ ». Tuy nhiên, Bạc Hy Lai nhìn nhận rằng
ông có « một phần trách nhiệm » trong vụ biển thủ ngân sách lẽ ra dành
cho một dự án tân trang đô thị.
Ngược lại, ông Bạc Hy Lai kiên quyết phủ nhận lời cáo buộc nhận hối
lộ khoảng 3 triệu đôla của hai doanh nhân Trung Quốc trong đó có một
biệt thự tại Pháp.
Cuối cùng, với tư cách là cựu lãnh đạo Trùng Khánh, Bạc Hy Lai đã đối
chất với Vương Lập Quân. Nguyên là cánh tay mặt của bí thư Trùng
Khánh, ông Vương Lập Quân đã chỉ huy chiến dịch chống tham nhũng gây
tranh cãi tại địa phương giàu có này.
Khi bị thất sủng vào năm 2012, ông Vương Lập Quân đã chạy vào lãnh sự
quán Mỹ tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, tiết lộ những chuyện bê
bối nghiêm trọng tại Trùng Khánh.
Những bí mật đời tư và phòng the của cặp vợ chồng hoàng tử đỏ này
cũng tiếp tục được ông Bạc Hy Lai khai ra trong ngày hôm nay : Cốc
Khai Lai bị khùng, Cốc Khai Lai nói dối… gửi con sang Anh du học vì
giận chồng bà ngoại tình …
Cũng theo hãng tin AFP, vụ án với biên bản được phổ biến trên mạng
internet đang được hàng triệu người dân Trung Quốc theo dõi thích thú
như là phim của Hollywood.
Bạc Hy Lai phủ nhận ngôi biệt thự sang trọng ở Pháp
Đăng ngày 2013-08-22 20:19 /Thụy My
Trong phiên tòa hôm nay 22/08/2013 cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai khẳng định « hoàn toàn không biết gì »
về ngôi biệt thự nằm trong một khu phố sang trọng ở thành phố Cannes
(đông nam nước Pháp), mà theo công tố viên là một món hối lộ.
Nằm trên một ngọn đồi trồng toàn thông xanh cao ngất, tòa
biệt thự hai tầng với những giàn hoa giấy trang điểm mặt tiền, đã được
những người thân cận với Bạc Hy Lai quản lý trong một thời gian dài, tuy
ông không trực tiếp đứng tên.
Trả lời câu hỏi về tòa nhà này ở vùng Côte d’Azur nước Pháp, Bạc Hy Lai nói : « Tôi không hề biết gì về biệt thự đó, và đây hoàn toàn là một vụ dàn dựng ».
Ngược lại công tố viên khẳng định có « nhiều bằng chứng » cho thấy đây
là món quà của tỉ phú Từ Minh hối lộ cho Bạc Hy Lai và vợ là Cốc Khai
Lai.
Doanh nhân hào hiệp của thành phố cảng Đại Liên bị giam giữ từ một
năm qua vì tội tham nhũng. Còn Bạc Hy Lai vốn là Thị trưởng và Bí thư
Đại Liên trong thập niên 70.
Được tòa thẩm vấn khoảng một tiếng đồng hồ hôm nay, ông Từ Minh khai
là đã tặng 3,23 triệu đô la cho bà Cốc Khai Lai, vì năm 2000 bà thổ lộ
với ông là muốn mua một căn nhà ở vùng Côte d’Azur. Theo nhà tỉ phú, thì
ông Bạc Hy Lai có mặt trong buổi trò chuyện.
Ngôi biệt thự tọa lạc tại đại lộ Cây Thông - một khu phố mà đại đa số
các vụ giao dịch địa ốc là với những người ngoại quốc giàu có. Theo như
Patrick Montavon, một người kinh doanh địa ốc ở California, thì đây là «
khu phố của những tỉ phú ».
Với cánh cửa ra vào kiểu tân cổ điển, các bao lơn với những hàng cột
và mái che rợp bóng sân thượng mênh mông , tòa biệt thự có vẻ khiêm tốn
nếu so với các dinh thự xung quanh được kêu giá từ 50 đến 60 triệu euro.
Nhưng cơ ngơi này có thể đè nặng lên cán cân trong hồ sơ của các thẩm
phán ở Tế Nam.
Biệt thự trên là nơi đặt trụ sở của công ty trách nhiệm hữu hạn «
Résidences Fontaine Saint Georges » thành lập năm 2001, và thuộc quyền
sở hữu của công ty, theo như các giấy tờ đăng ký chính thức mà AFP được
tham khảo. Công ty này nhiều lần được rót vốn từ các tổ chức khác nhau,
và một trong số đó là công ty nặc danh « Russel International Resorts »
đăng ký hoạt động tại Luxembourg.
Các tài liệu chi tiết về những thủ thuật lắt léo còn cho thấy có ba
người thay nhau quản trị công ty trong năm 2000, trong đó có ngôi biệt
thự trên.
Người quản lý đầu tiên là Patrick Devillers, một kiến trúc sư Pháp có
quan hệ làm ăn và bạn bè với vợ chồng Bạc Hy Lai. Bị bắt vào tháng
6/2012 tại nhà riêng ở Cam Bốt theo yêu cầu của Bắc Kinh, ông Devillers
đã bị thẩm vấn trong nhiều tuần lễ tại một địa điểm bí mật ở Trung Quốc
về các vụ tham ô của ông Bạc Hy Lai. Devillers luôn kín kẽ về những gì
ông biết, trước những nhà báo hiếm hoi tiếp cận được với ông.
Người thứ hai thay chân ông Devillers vào tháng 10/2007 chính là Neil
Heywood, một doanh nhân Anh cũng nằm trong số bạn bè thân cận của vợ
chồng ông Bạc, nhưng sau đó quan hệ đã xấu đi. Heywood từ chức quản trị
viên vào tháng 5/2011, do « những khó khăn rất lớn vì ở xa » cũng như do
« thời khóa biểu » - theo biên bản của công ty nộp cho Phòng Thương
mại. Bảy tháng sau, Neil Heywood bị ám sát chết tại Trung Quốc và thủ
phạm, bà Cốc Khai Lai bị kết án tháng 8/2012.
Cuối cùng kể từ tháng 5/2011, việc quản lý « Résidences Fontaine
Saint Georges » được giao cho bà Feng Jiang Dolby, trước đây là người
dẫn chương trình truyền hình có tiếng tại Trung Quốc, cũng thân thiết
với Bạc Hy Lai.
Một
góc của biệt thự Fontaine Saint Georges ở Cannes (Pháp), được cho là
món hối lộ dành cho ông Bạc Hy Lai. Ảnh chụp ngày 19/08/2013.
REUTERS/Jean-Pierre Amet
URL nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20130822-bac-hy-lai-phu-nhan-ngoi-biet-thu-sang-trong-o-phap
Bạc Hy Lai từ đỉnh cao
chói lọi xuống vực thẳm nhớp nhơ
Thứ tư, 21/8/2013
Từ địa vị của một trong những chính trị gia quyền lực hàng đầu Trung Quốc
và có tương lai xán lạn, ông Bạc bị đình chỉ mọi chức vụ và sắp bị đưa ra xét
xử trong phiên tòa nhằm khép lại vụ án chính trị lớn nhất Trung Quốc trong
nhiều thập kỷ qua.
Cựu ủy viên Bộ Chính trị
Trung Quốc, bí thư thành ủy Trùng Khánh, Bạc Hy Lai sẽ được xét xử vào ngày
22/8 tại thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Phiên tòa nhằm chứng minh rằng ban lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm
chống tham nhũng và lạm quyền trong nội bộ đảng.
Tại Trùng Khánh, con
đường đầy gió dẫn đến khách sạn Lijing ở vùng ngoại ô. Khách sạn này là nơi bà
Cốc Khai Lai, vợ ông Bạc Hy Lai, bí mật đầu độc người bạn làm ăn Neil Heywood
vào tháng 11/2011. Heywood được pháp y kết
luận chết vì đau tim và hỏa táng ngay sau đó.
Tháng 2/2012, giám đốc
công an Trùng Khánh Vương Lập Quân bất ngờ chạy trốn đến Lãnh sự quán Mỹ ở
Thành Đô xin tị nạn và tiết lộ với các nhà ngoại giao Mỹ một thông tin động
trời, rằng vợ bí thư thành ủy là hung thủ giết người.
Bạc Hy Lai bị đình chỉ các chức vụ từ tháng 3/2012.
Trước đó, ông được dự kiến sẽ thăng tiến mạnh mẽ sau kỳ đại hội đảng quan trọng, thời điểm chuyển
giao quyền lực cho thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc sau 10 năm.
Ông Bạc là con trai của
một trong những quan chức cao cấp nhất của Trung Quốc một thời, gặp Heywood khi
ông còn là chủ tịch thành phố Đại Liên, tỉnh Sơn Đông, những năm 1990.
Từ một giáo viên tiếng
Anh trở thành chuyên gia tư vấn kinh doanh cho gia đình Bạc, Heywood gây dựng
được một cuộc sống sang trọng và trở nên thân thiết với Bạc và người vợ luật sư
tài giỏi của ông.
Heywood dường như
là người rất phù hợp với việc dẫn dắt con trai của ông Bạc, Bạc Qua Qua, trong
những ngày mới tới học tập tại trường trung học Harrow, sau đó là đại học
Oxford ở Anh và Harvard của Mỹ.
Mối quan hệ giữa Heywood
và bà Cốc ngày càng thân thiết. Ông này đã mua được một biệt thự đắt tiền ở Bắc
Kinh, một xe hơi thể thao Jaguar. Gia đình ông Bạc cũng được cho là đã
tích lũy được khối tài sản lớn, sở hữu bất động sản ở Pháp, Anh, Mỹ và các báo
cáo cho biết Heywood giúp họ đầu tư hàng triệu USD ở nước ngoài.
Vợ chồng ông bà Bạc Hy Lai, Cốc Khai Lai. Ảnh: AP
Tuy nhiên, bà Cốc còn
thân thiết hơn với "cánh tay phải" của ông Bạc, Vương Lập Quân, một
cảnh sát được tin cậy trong phong trào "đả hắc", phong trào chống tội
phạm ở Trùng Khánh do ông Bạc chỉ huy.
Dần dần mối quan hệ của
bà Cốc với Heywood rạn nứt do hai bên có những xung đột về lợi ích kinh doanh,
cáo trạng trong phiên xử bà Cốc viết. Và trong căn phòng khách sạn tồi tàn, bà
tiếp đãi Heywood với rượu, trước khi đổ chất độc cyanua vào miệng ông này.
Vương Lập Quân, cảnh sát
trưởng Trùng Khánh, đã bị sếp Bạc tát vào mặt khi báo cáo với ông này về vụ án
giết người của vợ. Vương lo sợ và chạy đến Lãnh sự quán Mỹ, tài liệu trong
phiên tòa xét xử Vương Lập Quân viết.
Từ lãnh sự quán, Vương
được một quan chức an ninh hàng đầu của Trung Quốc hộ tống về Bắc Kinh, với lý
do Vương sợ bị ám sát.
Các tin đồn về việc bắt
giữ ông Bạc bắt đầu lan đi nhanh chóng, nhưng ông vẫn tự tin, nói rằng các tin
đồn chống lại ông đều là "rác rưởi". "Một số người đã trút những
thứ rác rưởi lên Trùng Khánh, lên tôi và gia đình tôi", ông nói.
Tuy nhiên, một thông báo
ngắn gọn của hãng thông tấn nhà nước vào những tháng đầu năm 2012 đã quyết định
số phận của ông: Bạc bị đình chỉ mọi chức vụ và bị cơ quan kỷ luật của đảng
điều tra, đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông.
Vợ ông, bà Cốc Khai Lai
đã được xét xử hồi tháng 8 năm ngoái và nhận án tử hình vì tội sát hại Heywood,
nhưng được hoãn thi hành án hai năm. Theo các chuyên gia, án tử hình ân hạn này
thực tế thường được rút xuống thành chung thân. Còn ông Vương Lập Quân cũng
được xét xử một tháng sau đó và nhận án 15 năm tù.
Tháng trước, ông Bạc
chính thức bị truy tố tội nhận hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Hãng
tin nhà nước Trung Quốc cho biết phiên tòa diễn ra ở thành phố cách xa Trùng
Khánh để việc xét xử không phải chịu áp lực nào.
Các nhà phân tích thì dự
đoán phiên xét xử bắt đầu sáng mai sẽ diễn ra ngắn gọn và có kết quả dễ đoán là
ông Bạc có tội và phải nhận án tù nhiều năm.
Trong bức thư gửi đến
báo chí hôm qua, Bạc Qua Qua, 25 tuổi, con trai của ông Bạc và bà Cốc, nói đã
không được liên lạc với cha mẹ trong suốt 18 tháng qua và hy vọng phiên xử sẽ
diễn ra công bằng.
Cập nhật: 20/08/2013 11:41
Hậu trường phiên xử Bạc Hy Lai: Nữ quản gia bí ẩn
Vụ
án Bạc Hy Lai đã có thêm một cái tên lạ: Khương Phong Dolby - cựu phóng
viên, MC Đài Truyền hình Trung ương CCTV Trung Quốc, nữ quản gia một
biệt thự ở Cannes - được cho là tang chứng quan trọng
Cách
đây 3 tuần, bà Khương Phong Dolby sinh sống ở TP Cambridge, miền Đông
nước Anh, được dân địa phương biết đến như một người nội trợ bình thường
có 2 đứa con sinh đôi.
Bà Khương Phong Dolby Ảnh: INTERNET
Một biệt thự, nhiều chủ
Nay
bà Khương bỗng dưng nổi tiếng sau khi bị báo chí Anh, Mỹ bất ngờ lôi
vào vụ án Bạc Hy Lai vì đang quản lý một tang chứng quan trọng trong bản
cáo trạng buộc tội cựu bí thư Thành ủy Trùng Khánh tham nhũng, tham ô
và lạm quyền. Đó là một ngôi biệt thự có 6 phòng ngủ, 1 hồ bơi lớn, 1
vườn cây cọ mang tên Villa Fontaine Saint Georges ở số 7 Boulevard des
Pins tại TP Cannes, miền Nam nước Pháp, được định giá 3,5 triệu USD hồi
năm 2010.
Liên
quan trực tiếp đến biệt thự nói trên có 4 người: Tỉ phú Trung Quốc Từ
Minh, kiến trúc sư người Pháp Patrick Devillers, doanh nhân người Anh
Neil Heywood và bà Khương Phong Dolby. Từ Minh là một doanh nhân trẻ ở
TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, được tạp chí Forbes xếp hạng 8 trong số
những người giàu nhất Trung Quốc năm 2005.
Theo
bản cáo trạng buộc tội ông Bạc Hy Lai tham nhũng 20 triệu nhân dân tệ
(NDT), tương đương 3,36 triệu USD, ngôi nhà trị giá cả triệu USD này
được Từ Minh mua vào năm 2001 để hối lộ thị trưởng Đại Liên họ Bạc. Vì
vậy, nó trở thành chứng cứ then chốt của tội danh tham nhũng. Từ Minh đã
bị bắt hồi năm ngoái sau khi ông Bạc Hy Lai sa cơ.
Patrick
Devillers thân thiết với gia đình ông Bạc khi ông làm thị trưởng Đại
Liên. Từ Minh đã yêu cầu kiến trúc sư người Pháp đứng ra mua giùm một
biệt thự ở Pháp. Tài liệu phía Pháp cho biết đáp ứng yêu cầu này,
Devilliers đã thành lập Công ty Bất động sản Résidences Fontaine Saint
Georges và mua biệt thự dùng làm trụ sở công ty vào năm 2001. Đây là một
tấm bình phong mà vợ chồng ông Bạc tin rằng "chắc như đinh đóng cột".
Neil
Heywood cũng từng điều hành công ty nói trên từ năm 2007 đến tháng
6-2011. Năm tháng sau, ông bị bà Cốc Khai Lai, phu nhân của ông Bạc, hạ
thủ bằng thuốc độc trong một khách sạn ở Trùng Khánh - nơi ông Bạc làm
Bí thư Thành ủy. Chính giám đốc Sở Công an Trùng Khánh, ông Vương Lập
Quân, tiết lộ thông tin này cho Lãnh sự quán Mỹ biết trong một cuộc đào
thoát bất thành
Bạc
phu nhân bị tuyên tử hình vào tháng 8-2012 nhưng được hoãn thi hành án 2
năm. Vương Lập Quân bị tuyên 15 năm tù. Ông Bạc cũng bị khai trừ Đảng,
tước hết mọi chức vụ và quyền lợi chính trị hơn 1 năm nay.
Người
quản lý cuối cùng của biệt thự ở Cannes là bà Khương Phong Dolby. Phát
hiện tình tiết nhạy cảm này là 2 nhật báo Mỹ The New York Times và The
Wall Street Journal. Trích dẫn các nguồn tin giấu tên, 2 tờ báo này cho
biết bà Khương Phong Dolby đã bị cơ quan điều tra vụ án mạng của doanh
nhân Neil Heywood thẩm vấn. Từ nhân vật này, người ta biết thêm nhiều
chi tiết ly kỳ.
Những mối quan hệ đáng ngờ
Theo
điều tra riêng của nhật báo Anh Telegraph, bà Khương Phong Dolby 46
tuổi, sinh trưởng ở trấn Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh, là người thân thiết
với gia đình ông Bạc Hy Lai và có nhiều người quen nổi tiếng ở Trung
Quốc.
Năm
1991, cử nhân họ Khương vào Trường ĐH Phục Đán danh giá của Thượng Hải
học khóa thạc sĩ thẩm mỹ học phương Tây và gặp giáo sư trẻ Vương Hộ
Ninh. Khương Phong là 1 trong 4 sinh viên được ông Vương chọn và huấn
luyện tham dự một cuộc thi quốc tế ở Singapore. Đây là một mối quan hệ
quan trọng bởi ông Vương hiện nay là một trong 25 Ủy viên Bộ Chính trị
Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hồi
năm 2001, không rõ do động cơ nào, Khương Phong quyết định sang Anh
định cư. Đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn bởi sau đó, cuộc đời
của người phụ nữ họ Khương thay đổi hoàn toàn. Năm 2003, Khương Phong
học khóa tiến sĩ tại Trường ĐH Girton, Cambridge. Một năm sau, nghiên
cứu sinh họ Khương cưới ông Richard Dolby, chuyên viên tài chính của Tập
đoàn Siemens kiêm giám đốc điều hành Công ty Synergy Decisions.
Cũng
theo tờ Telegraph, mối quan hệ giữa tỉ phú Từ Minh và bà Khương là khá
rõ. Năm 2011, trang web chính thức CLB bóng đá Dalian Shide của ông Từ
Minh xác nhận Dolby Education là chi nhánh của Tập đoàn Dalian Shide do
ông này làm chủ. Tháng 5-2011, bà Khương Phong chính thức nhận làm quản
lý biệt thự ở Cannes từ tay ông Neil Heywood.
Theo Nguyễn Cao/ Người lao động
Bạc Hy
Lai tố Vương Lập Quân nói láo
Thụy My
Cựu giám đốc công an Trùng Khánh trong phiên đối chất ngày hôm qua 24/08/2013, tại tòa án Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc |
Cựu Bí thư Thành ủy Bạc Hy Lai,
trong phiên tòa được người Trung Quốc hồi hộp theo dõi, hôm nay 25/08/2013 đã
lên án cựu giám đốc công an Vương Lập Quân là nói láo. Ông Bạc Hy Lai tuyên bố
: « Vương Lập Quân đã dối trá trong phiên tòa này, và hoàn toàn không đáng tin
cậy ». Ông Bạc đánh giá người từng là cánh tay mặt của ông, đã ra tòa đối chất
với ông hôm qua là « một con người đê tiện ».
Phiên tòa xử Bạc Hy Lai được mở ra
từ hôm thứ Năm 27/8 tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông với các tội danh tham nhũng, biển
thủ công quỹ và lạm dụng quyền lực. Sự sụp đổ bất ngờ của ngôi sao đang lên
trên chính trường của nền kinh tế thứ nhì thế giới từng làm chấn động bộ máy
đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, mặc cho bề
ngoài có vẻ minh bạch của các cuộc đấu khẩu tại tòa, nhưng thực ra chính quyền
Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ vụ án hết sức nhạy cảm này và bản án dành cho Bạc
Hy Lai đã được ban lãnh đạo đảng quyết định trước đó.
Khi ra làm chứng hôm qua, Vương Lập
Quân đã mô tả cơn giận của thủ trưởng cũ hôm 29/01/2012, khi cựu giám đốc công
an đến báo cho ông Bạc biết những nghi vấn liên quan đến vợ ông là bà Cốc Khai
Lai trong vụ sát hại doanh nhân Anh Neil Heywood. Bạc Hy Lai đã nổi nóng, đánh
Vương Lập Quân, và ông Vương nói rõ rằng cú đánh này đã làm ông chảy máu miệng
và bị thủng một bên màng nhĩ.
Nhưng hôm nay Bạc Hy Lai phản bác
lời khai trên. Ông nói : « Vương Lập Quân khẳng định là tôi không tát mà đấm
ông ta. Thực tế tôi chưa bao giờ tập luyện môn võ Thiếu Lâm cả, thế nên chắc
chắn là tôi không có khả năng làm điều đó ».
Hai nhân vật trên đã từng làm việc
ăn ý với nhau trong một thời gian dài, khi Bạc Hy Lai là Bí thư đầy tham vọng
của Trùng Khánh. Vương Lập Quân hỗ trợ rất đắc lực cho ông Bạc, đặc biệt là vào
cuối những năm 2000, khi điều hành chiến dịch chống tham nhũng với bàn tay sắt
gây nhiều tranh cãi.
Tháng 2/2012, khi bị thất sủng, giám
đốc công an Trùng Khánh đã chạy vào trú ẩn tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, và
tiết lộ các sự kiện nghiêm trọng đã diễn ra tại đại đô thị này. Hành động của
Vương Lập Quân đã kéo theo sự sụp đổ của Bạc Hy Lai, và bản thân Vương Lập Quân
đã bị kết án 15 năm tù trong một phiên tòa trước đó.
Vụ đối chất bất ngờ giữa Vương Lập
Quân và Bạc Hy Lai cho phép người dân Trung Quốc có một cái nhìn toàn diện về
hai nhân vật chủ chốt của vụ xì-căng-đan. Đạo đức của giới lãnh đạo cộng sản đã
bị phơi bày ra ánh sáng, với nhiều đặc quyền, từ biệt thự sang trọng đến việc
đi du lịch bằng máy bay riêng…
Bạc Hy Lai trong hai ngày thứ Năm và
thứ Sáu đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc đã nhận hối lộ 2,67 triệu euro từ hai
doanh nhân, trong đó có cả một biệt thự tại Pháp. Nhưng đến thứ Bảy, lần đầu
tiên ông Bạc nhìn nhận « một phần trách nhiệm » trong vụ biển thủ 5 triệu nhân
dân tệ (612.000 euro), mà bà Cốc Khai Lai được hưởng.
Ông cũng nhìn nhận các « sai lầm »
trong vụ vợ ông ám sát doanh nhân Neil Heywood bằng thuốc độc hồi tháng 11/2012
tại Trùng Khánh. Ông Bạc nói : « Tôi chưa bao giờ có ý định bảo vệ bà Cốc (…)
Trong vụ này, tôi đã có những sai lầm, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng và của
đất nước. Tôi thực sự xấu hổ (…) nhưng điều này không có nghĩa tôi là thủ phạm
».
Vụ xử Bạc Hy Lai đã bộc lộ cuộc sống
vàng son và những thăng trầm của những người thân ông Bạc. Nhà lãnh đạo thất
sủng đã gọi bà vợ là « điên », « nói láo », và nhìn nhận đã có những quan hệ
ngoài hôn nhân.
Phiên tòa kéo dài hơn so với dự đoán
của các chuyên gia, diễn ra cả trong ngày hôm nay, Chủ nhật, và sẽ tiếp tục vào
thứ Hai tới.
Hai phiên tòa thế kỷ của Trung Quốc
Từ việc xử Giang Thanh, vợ của chủ tịch Mao Trạch Đông năm 1980, đến phiên xử Bạc Hy Lai vừa rồi, ngành tòa án Trung Quốc đã đi qua hai phiên tòa đặc biệt, thu hút chú ý của cả thế giới và để lại những câu đối chất kinh điển.
Hai "phiên tòa thế kỷ" xét xử Giang Thanh và Bạc Hy Lai cách nhau 32 năm. Ảnh: CNN |
Jaime FlorCruz, cựu phóng viên của tạp chí Time tại Bắc Kinh, chuyên gia về xã hội và chính trị Trung Quốc, sống tại nước này từ năm 1971 và tốt nghiệp khoa Lịch sử Đại học Bắc Kinh, mới đây có bài viết về hai phiên tòa đều được mệnh danh là "phiên tòa thế kỷ" của Trung Quốc.
Phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai, cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, chính trị gia sáng giá một thời ở Trung Quốc, gợi nhớ đến một phiên tòa khác mà FlorCruz từng theo sát để đưa tin.
Đó là phiên tòa vào đầu những năm 1980, xét xử "bè lũ bốn tên". Phiên tòa xét xử Giang Thanh, vợ của cố chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, và ba tay chân. Từ một diễn viên , Giang Thanh vươn lên ngang hàng với các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc vì mối quan hệ thân mật với chủ tịch Mao.
Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi ông Mao qua đời năm 1976, "bè lũ bốn tên" và các cấp dưới bị bắt rồi bị cáo buộc những tội danh nghiêm trọng, bao gồm âm mưu ám sát chủ tịch Mao cũng như tổ chức cuộc nổi dậy vũ trang.
Phải mất hơn 4 năm, "bè lũ bốn tên" mới được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, với các nhà quan sát, nó lại rất đáng để chờ đợi. Đây được coi là phiên tòa tầm cỡ thế kỷ với những tình tiết liên quan đến âm mưu chính trị đầy kịch tính và có những câu nói vô cùng đáng nhớ.
Hơn 600 người, phần lớn là các quan chức chính phủ, đại diện người dân, gia đình bị cáo và số ít các phóng viên được lựa chọn của Trung Quốc được gửi giấy mời tới dự phiên tòa. Các phóng viên quốc tế không được phép tham dự. Tuy nhiên, đây vẫn thực sự là phiên tòa lớn và vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc. Nó được đưa tin khắp thế giới.
Đây là lúc Trung Quốc chưa thoát khỏi bóng tối của thời kỳ trước, hệ thống chính trị vẫn rối rắm và truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ.
Phiên xét xử kéo dài gần hai tháng. Các phóng viên quốc tế phải phụ thuộc rất nhiều vào những thông tin chính thức chỉn chu đến từng câu chữ mà báo chí nhà nước Trung Quốc đưa ra, cùng với một số hình ảnh hiếm hoi trên truyền hình.
Cựu phóng viên của Time nhớ đã thức rất nhiều đêm để xem những trích đoạn của đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) về quá trình xét xử, cùng với những đồng nghiệp người Trung Quốc. Họ đã dành nhiều thời gian để phân tích những gì thực sự diễn ra đằng sau phiên tòa, nhằm tìm đến những nguồn tin không chính thức và cung cấp những thông tin hấp dẫ, bên cạnh nguồn tin nhà nước.
Cũng giống như vụ xử Bạc Hy Lai mới đây, phiên xử "bè lũ bốn tên" đã thu hút sự chú ý hơn cả dự kiến ban đầu và nhiều bất ngờ. Tại phiên tòa, nữ diễn viên một thời tự biện hộ cho mình chống lại tội phản quốc bằng cách tuyên bố rằng mọi thứ mà bà làm đều được chủ tịch Mao cho phép.
"Tôi là con chó của chủ tịch Mao", Giang Thanh hét lên trước vành móng ngựa. "Ông ấy nói tôi cắn ai là tôi cắn".
Khi được nói lời nói cuối cùng trước tòa, người phụ nữ 66 tuổi nói bà đã "chuẩn bị chết" để chiến đấu cho chồng và là lãnh tụ của bà.
Đầu năm 1981, Giang Thanh bị tuyên án tử hình nhưng được hoãn thi hành án hai năm, sau đó giảm xuống còn chung thân. Vài năm sau, bà tự vẫn khi bị quản thúc tại gia.
Xem thêm: Giang Thanh chối tội trong 'phiên tòa thế kỷ'
Xét xử Giang Thanh - phiên tòa thế kỷ ở Trung Quốc
Xét xử Giang Thanh - phiên tòa thế kỷ ở Trung Quốc
Minh bạch hay không?
Theo dõi vụ xét xử Bạc Hy Lai tuần vừa rồi, FlorCruz băn khoăn không rõ cách thức xử án có gì thay đổi so với vụ án của Giang Thanh ba thập kỷ trước đây..
"Đây là phiên tòa cởi mở của Trung Quốc, cho Bạc Hy Lai cơ hội được phản bác các công tố viên và trình bày về vụ án của mình trước công chúng", David Zweig, chuyên gia tại một đại học ở Hong Kong nói.
Trên thực tế, phiên tòa kéo dài 5 ngày này hấp dẫn và thực chất hơn tưởng tượng. Đa số mọi người đều đã dự đoán phiên tòa sẽ đóng khung trong những bản luận tội và lời lẽ định sẵn. Nhưng bị cáo Bạc được phát biểu nhiều lần và được đối chất với các nhân chứng trong khoảng thời gian khá dài. Về việc này, chính bản thân Bạc cũng gửi lời cảm ơn tòa án, đặc biệt là chủ tọa phiên tòa.
"Thẩm phán lần này là một chuyên gia có bằng luật chính quy, không giống như chủ tọa Giang Hoa trong vụ xét xử bè lũ bốn tên, là một cựu quân nhân trong cuộc Trường chinh", Li Weijia, một nhà sản xuất phim nói. "Ngoài ra, Bạc cũng có các luật sư bào chữa do chính ông và gia đình thuê chứ không phải là được chỉ định. Điều này không xảy ra trong phiên tòa 30 năm trước".
Nhà chức trách Trung Quốc ca ngợi đây là phiên tòa "cởi mở và công khai" với việc đăng tải những hình ảnh, đoạn video và các trích dẫn diễn biến phiên tòa trên tài khoản mạng xã hội Sina Weibo cho tất cả mọi người theo dõi.
"Đây là một bước tiến lớn", nhà phân tích chính trị Victor Gao nói. "Nó thể hiện sự tích cực của chính quyền, cho thấy họ không có gì phải giấu. Nó giúp tăng cường tính minh bạch và là dấu hiệu tốt cho những cải cách tư pháp và cải cách chính trị lớn hơn".
Sự thật được chọn lọc
Tuy nhiên, các nhà quan sát lại cho rằng trình tự của phiên tòa chỉ được công khai một phần, và những công bố trên Weibo đã được kiểm duyệt chặt chẽ.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang được theo dõi một sự thật có chọn lọc", Donald Clarke, giáo sư Học viện Luật thuộc Đại học George Washington, Mỹ, nói. "Những nội dung đăng trên Weibo không phải là bản đầy đủ".
Clarke cũng cho rằng việc công bố diễn biến phiên tòa trong ngày đầu tiên đầy đủ và phong phú hơn so với ngày thứ hai và những ngày về sau. "Dường như có ai đó ở một nơi nào đó quyết định rằng nên cung cấp ít thông tin hơn", ông nói.
Chỉ có 19 phóng viên Trung Quốc "đáng tin tưởng" được cho phép vào phòng xử án. Các phóng viên quốc tế và nhiều người quan tâm khác lại một lần nữa phải tìm những nguồn tin ở bên ngoài để lấp đầy những khoảng còn trống từ thông tin trên Weibo của tòa án.
Thông tin được tòa công bố chính thức thực ra cũng là tốt cho Bạc Hy Lai. Vào phiên xét xử cuối cùng sáng 26/8, Bạc được nói lời cuối cùng trong gần nửa tiếng, thời lượng nhiều hơn nhiều so với bản công bố của tòa.
Bạc giải thích việc phản cung là bởi ông phải chịu "áp lực lớn" trong suốt 17 tháng bị quản thúc và thẩm vấn. Sau khi Bạc nói, 5 thành viên trong gia đình ông đứng dậy, vỗ tay và nói: "Rất tốt, Hy Lai. Chúng ta sẽ luôn ủng hộ em".
Tuy không thể biết toàn bộ sự thật qua Weibo, nhưng Li Weijia cho rằng phiên tòa cũng mở ra những hy vọng mới. "Chúng ta có thể cảm nhận được một phần những việc diễn ra bên trong phòng xét xử, đặc biệt là việc Bạc nói không với những tội danh chống lại mình trước mặt thẩm phán và những người thân".
Như cũ
Tuy nhiên, một số điều vẫn không thay đổi ở Trung Quốc, dù ngành tư pháp đã đạt được nhiều tiến bộ và cải cách trong những năm qua.
Ví dụ, năm 1981, tòa án Trung Quốc rất thờ ơ với việc công bố quy trình tố tụng mang tính bước ngoặt khi "Phiên tòa xét xử bè lũ phản cách mạng Lâm Bưu, Giang Thanh", và tuyên bố các bị cáo phạm tội "phản cách mạng" trước cả khi xét xử.
Hơn ba thập kỷ sau, hiện không có ai dám dự đoán Bạc Hy Lai được trắng án. Phiên tòa hiển nhiên là sẽ công bố có tội vì các điều tra trước đó đều khẳng định như vậy.
Trong vụ án của Bạc Hy Lai, các nhà quan sát nói nhà chức trách Trung Quốc tỏ ra rất thận trọng. "Họ muốn Bạc sẽ phải hổ thẹn trong quãng đời còn lại và không có cơ hội nào để quay lại chính trường. Nhưng họ không muốn bị mang tiếng và họ chỉ muốn nhanh chóng kết thúc việc này để bắt đầu một trang mới", Gao nói.
Đến thời điểm này, mọi chuyên gia đều nhận định, tòa án sẽ công bố bản án có tội. "Khoan hồng cho những người thú nhận, phạt nặng với những người chống đối", đó là nguyên tắc chỉ đạo trụ cột của hệ thống tư pháp Trung Quốc.
Với thái độ thách thức và tuyên bố không nhận tội của Bạc, câu hỏi duy nhất còn được đặt ra là mức án sẽ như thế nào mà thôi.
Vũ Hà (theo CNN)
Coi thêm bài cũ liên quan:
http://timhieusuutam.blogspot.com/2012/04/118-nhung-chuyen-ly-ky-vu-bac-hy-lai.html
No comments:
Post a Comment