Thursday, September 26, 2013

(489) Hàng hóa Tàu Cộng ở Hà Nội

Lồng đèn Phố Cổ đặm nét Trung Quốc
Lồng đèn Phố Cổ đặm nét Trung Quốc
Hà Nội vào thu, khí trời se lạnh, những chiếc khăn len choàng cổ cao dưới hàng cây đang vặn mình trút lá, những mảng tường rêu và hơi thở phảng phất của ngàn năm Thăng Long ẩn chất hơi may, khói thuốc và hương cốm, hương chè xanh. Một Hà Nội xưa đâu đó huyền nhiệm mặt hồ và một Hà Nội hiện tại với ba mươi sáu phố phường nhuộm màu Trung Quốc, nhìn đâu cũng thấy bóng Trung Quốc.
Bản photo Bắc Kinh tại Hà Nội

Hàng hóa Trung Quốc đã tràn lan khắp phố phường Hà Nội, đặc biệt, nơi phố cổ ba mươi sáu phố phường, từ Phố Hàng Ngang cho đến phố Hàng Buồm, phố Thuốc Bắc, phố Hàng Thiếc, phố Hàng Cỏ… Tất cả đều bán các loại hàng hóa Trung Quốc, từ chiếc nhẫn trang sức giả kim cho đến quần áo trẻ em, giày dép, đồ chơi trẻ em và thuốc Bắc của người lớn, tất cả đều ngập hàng Trung Quốc.
Một người dân Hà Nội bức xúc nói: “Sản phẩm Trung Quốc tràn lan luôn. Mẫu mã phong phú, mặt hàng đa dạng, Những mặt hàng này ở Việt Nam hay Thái Lan giá rất cao, mua không được, đồ Trung Quốc thì nó rẻ, tiện dụng nên được người dân sài rất nhiều. Thậm chí trên phố cổ thứ gì đa phần cũng toàn đồ Trung Quốc không à. Có cả những nơi mặc dù là shop, trên phố cổ họ bán hàng Trung Quốc nhưng giá thành và chất lượng cao hơn một chút so với hàng chợ, nhưng đó cũng là hàng Trung Quốc đổ bộ sang nhưng mẫu mã chất lượng đẹp hơn, giá thành cao hơn một chút thì được bày bán ở khu đó.
Mà dân mình đang bị phụ thuộc vào hàng Trung Quốc quá nhiều, và đang trở thành nô lệ cho những mặt hàng của nó. Tại vì việc nó tràn lan hàng hóa vào trong mình vô hình trung mình không còn cách nào khác, phải sử dụng hàng của nó. Hàng nó tràn lan quá rồi, thị trường hết 80- 90% là hàng Trung Quốc.”
Một gian hàng ở phố Hàng Ngang. RFA
Ông Khương, chủ một gian hàng ở phố Hàng Ngang, chia sẻ với chúng tôi rằng Hà Nội bây giờ, trong mắt ông, là một Bắc Kinh thứ hai, sở dĩ nói Hà Nội là một bản photo Bắc Kinh là vì Hà Nội cũng có thể chế chính trị na ná Bắc Kinh, cũng là trung ương Cộng sản và một đảng duy nhất lãnh đạo đất nước. Thứ đến, dường như mọi kiến trúc xây dựng sau này đều mô phỏng kiến trúc Bắc Kinh, từ khu vực trung tâm quận Ba Đình cho đến các cơ quan hành chính sự nghiệp của thủ đô đều có dấu hiệu sao chép Bắc Kinh. Và, hàng hóa ở Hà Nội hầu như rất hiếm những mặt hàng có xuất xứ Việt Nam, có thể nói rằng có đến 95% hàng hóa có gốc gác Trung Quốc.
Ông Khương nói thêm là ông vẫn biết Trung Quốc chẳng tốt đẹp gì với Việt Nam, thậm chí, họ có thể xâm lăng bất kì giờ nào nếu như có cơ hội. Và bán hàng Trung Quốc là tiếp tay cho tội ác. Nhưng nếu bây giờ, thử đặt ngược vấn đề, hàng triệu người mua bán hàng Trung Quốc ở ba mươi sáu phố phường, giá thành mềm mại, linh động, dễ mua, dễ bán. Nếu như chỉ riêng ông và gia đình bài trừ hàng Trung Quốc, mua bán hàng Việt Nam, thì sẽ ra sao khi với giá thành hiện tại mọi loại hàng hóa cùng loại thì hàng Trung Quốc rẻ gấp ba, gấp bốn lần so với hàng Việt Nam, mẫu mã hàng Trung Quốc lúc nào cũng bắt mắt hơn, đẹp hơn. Đó là bi kịch của nhà buôn trước cơ chế quản lý nhà nước hết sức lỏng lẻo.
Bà Vân, vợ ông Khương cho chúng tôi biết thêm là hiện tại, ông bà không còn lựa chọn nào khác ngoài chuyện nhận hàng Trung Quốc về bán kiếm lãi. Vì cả khu phố đã đầy rẫy hàng Trung Quốc vừa rẻ vừa đẹp, ví dụ như một chiếc đèn pin Trung Quốc dùng pin sạc, mẫu mã gọn gàng, đẹp, nhẹ, bà mua vào với giá rất thấp và bán ra với giá 50 ngàn đồng, trong khi đó, chiếc đèn pin cùng loại của Việt Nam, cùng chức năng, thậm chí thời gian lưu năng lượng thấp hơn, trọng lượng gấp đôi, gấp ba, cầm rất nặng nề, kềnh càng nhưng giá thành lại đắt gần gấp 5 lần, giá bán trên thị trường là 230 ngàn đồng. Thử hỏi, với giá thành như thế, người nhà buôn nào dám mua về để bán nữa! Và không hiểu nhà nước quản lý thị trường kiểu gì mà hàng Trung Quốc luôn có cơ hội chiếm lĩnh thị trường Việt Nam!
Người dân ngộp thở vì hàng Trung Quốc
Ông Hà, sống ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, than thở với chúng tôi là ông quá sợ Hà Nội bây giờ, không biết Hà Nội xưa đi đâu mất rồi mà bây giờ hiện ra trước ông toàn là Hà Nội của phở mắng, cháo chửi, bánh Trung Thu tụt quần mắng nhiếc… Một Hà Nội đầy rẫy hàng Trung Quốc, đi đâu cũng thấy bóng Trung Quốc ám mắt. Từ ngoài phố về đến đầu ngõ, từ ngoài khách sạn vào đến giường ngủ đều thấy Trung Quốc xuất hiện. Ông Hà buồn rầu nói rằng không chừng, một ngày nào đó, những cây sấu ở Hà Nội sẽ mọc ra toàn trái made in China, và những người vốn yêu Hà Nội xưa ăn vào sẽ chết hết. Đó là nỗi lo không lãng mạn một chút nào.
Hà Nội, phố phường. RFA
Hà Nội, phố phường. RFAÔng Hà nói: “Hàng Trung Quốc thì lâu nay càng ngày càng nhiều hơn. Kể cả chợ đêm , hàng cổ để làm du lịch đó, cũng toàn Trung Quốc cả.
Hiện nay nếu nói là Bắc Kinh thu nhỏ cũng không ổn. Vì toàn hàng cấp thấp của nó, còn hàng Tàu cao cấp nó cũng ở hàng riêng.Tức là hàng Tàu cao cấp nó ở hàng riêng của nó, chỉ có hàng Tàu cấp thấp, rẻ tiền thì nó tràn lan. Như vậy thì không thể nói nó là Bắc Kinh photo được, mà nó chỉ là một cái gì đó của Trung Quốc, nói nó là một cái tỉnh nhỏ của Bắc Kinh thì đúng hơn. Trong một cái sạp hàng thì có nhiều hàng từ Quảng Tây, Quảng Đông…nhiều nguồn từ phía Bắc, từ Trung Quốc thì đúng hơn. Hàng bên mình chủ yếu là hàng tiêu dùng hay hỏng, rẻ tiền, đi vào bằng tiểu ngạch vì tiểu ngạch mới rẻ. Bảo nó là Bắc Kinh không đúng vì Bắc Kinh nó đồ sộ hơn, vùng dưới này chỉ là một tỉnh lẻ,  một cái rốn để nó đem rác vào nó thải vào thôi.”
Bà Nguyên, sống ở phố Yết Kiêu, một con phố có nhiều cơ quan cấp bộ tọa lạc, chia sẻ với chúng tôi rằng bà rất buồn mỗi khi đi thăm, đi mua sắm ở Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Vì với người dân Hà Nội, những phố Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Ngang, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Thùng… ám ngộn ký ức một thời với phức hợp mùi rất ư Hà Thành, rất ư Tràng An thanh lịch, bây giờ đã trôi tuột vào quá khứ, thay vào đó là thứ mùi hỗn tạp có xuất xứ Trung Quốc làm cho một người nội trợ như bà thấy lo lắng và dần dà thấy mình liều lĩnh, thây kệ, sắm bừa, mua bừa cho qua ngày đoạn tháng vì không còn lựa chọn nào khác.
Chị Huyền Thư, một người mẹ trẻ cũng đang sống ở phố Yết Kiêu, phàn nàn với chúng tôi là bây giờ, muốn mua sắm quần áo cho trẻ con, chỉ còn một cách duy nhất là tìm đến các cửa hàng Made in Việt Nam. Nghiệt nỗi là hệ thống cửa hàng này tuy rất phong phú về mẫu mã nhưng lại có giá thành quá cao, không hợp với giới bình dân, mà phần đông người bình dân mới cần đến chỗ bán hàng giá vừa phải để mua sắm cho con cái. Nếu như hệ thống Made In Việt Nam bán với giá như hiện tại, cách gì người bình dân, người lao động nghèo cũng không dám bén mảng đến cửa hàng, rồi cũng chỉ quanh quẩn quanh các cửa hàng ở ba mươi sáu phố phường để mua hàng Trung Quốc về xài. Chính vì thế, trong mắt người Hà Nội nghèo như chị bây giờ, Hà Nội đã là một Bắc Kinh thứ hai.
Với đà mọi thứ đang dần dần biến dạng, mang dáng dấp Bắc Kinh và đẩy tâm thức tiêu dùng người dân đến chỗ thân thiện, xem hàng Trung Quốc như một thứ không thể thiếu trong gia đình, thì sớm muộn gì, Hà Nội cũng sẽ là một Bắc Kinh khác.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.


No comments: