Han Qiang, một thuyền trưởng khác kể rằng những người bắt
giữ họ đã tịch thu hết quần áo và đôi khi kể cả giày dép, lấy đi tất cả những
gì có thể lấy được trên tàu. « Họ
lấy thậm chí cả bột giặt. Rồi họ hút dầu diesel trong bồn chứa, chỉ để lại một
lượng dầu đủ để quay về ». Theo ông Han, thì dù sao các ngư dân bị bắt
lần này cũng là những người đầu tiên « được
thả về mà khỏi phải trả tiền chuộc » nhờ có sự can thiệp của chính
quyền Trung Quốc.
Việc kiểm tra thô bạo ba tàu cá Trung Quốc cho thấy tình
trạng tệ hại của một bộ phận quân đội Bắc Triều Tiên (những người bắt giữ thuộc
đơn vị nào vẫn chưa rõ), nhưng đây còn là hệ quả của sự nhập nhằng về đường
biên giới lãnh hải giữa Trung Quốc và hai nước Triều Tiên, bên này tranh chấp
với bên kia.
Hoạt động đánh cá cũng vạch ra một đường biên biến thiên
trên thực tế giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên : các ngư dân Trung Quốc thường
phải trả « phí bảo vệ » cho lính tuần duyên Bắc Triều Tiên, để đổi
lấy một thứ « giấy phép » đánh cá lậu.
Sự cố trên đây đã khiến báo chí và giới blogger Trung Quốc
đòi hỏi chính phủ phải giải thích rõ hơn về những người chịu trách nhiệm trong
vụ « bắt cóc các ngư dân »
- bị chỉ trích gay gắt vì sự nhu nhược. Nhật báo Global Times có khuynh hướng
dân tộc quá khích, đã lớn tiếng hôm 21/5 : « Trung Quốc không thể cho phép bất cứ một sai lầm nào dù nhỏ nhặt
trong cách cư xử của Bắc Triều Tiên. Chính Bình Nhưỡng phải tôn trọng những lợi
ích cụ thể của Trung Quốc, đặc biệt là tất cả những gì liên quan đến đời sống
và sở hữu của các công dân Trung Quốc ! ».
Trên mục diễn đàn của tuần báo China Newsweek hôm 23/5, Sun
Xingjie, chuyên gia về quan hệ quốc tế trường đại học Jilin, còn kêu gọi xem
xét lại cả hiệp ước liên minh với Bắc Triều Tiên. « Những người có trách nhiệm tại đại sứ quán Bắc Triều Tiên ở
Trung Quốc đang khoan khoái với tình hữu nghị Trung-Triều và lịch sử cuộc chiến
tranh Triều Tiên. Đã đến lúc phải chỉnh đốn lại quan điểm ngoại giao đã có từ
thời chiến trước đây. Bởi vì hiệp ước liên minh này, ở một số điểm, đã trở
thành một ván bài tẩy cho phép Bắc Triều Tiên bắt bí Trung Quốc ».
Chuyên gia này đã viết như trên, khi đề cập đến vụ phóng vệ tinh và các vụ thử
nguyên tử, đã liên tục đe dọa gây ra những rắc rối cho « đất nước anh
em ».
Còn trên lãnh vực điện
ảnh, đây là bài viết trên blog của thông tín viên đài RFI tại Bắc Kinh ngày
24/05/2012 với tựa đề : « Bình Nhưỡng cho Bắc Kinh xơi thịt
thỏ », nói về một bộ phim hợp tác giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã bị
Bình Nhưỡng hoãn chiếu vô thời hạn vào giờ chót.
|
Áp-phích phim "Cuộc hẹn ở Bình Nhưỡng" |
Buổi trình chiếu lẽ ra diễn ra ngay thời điểm Liên hoan điện
ảnh Cannes hôm 22/5 vừa rồi, nhưng đã bị chính quyền Bắc Triều Tiên đơn phương
hủy bỏ vào phút cuối. « Cuộc hẹn ở
Bình Nhưỡng » như vậy đã không diễn ra, ít nhất là trong lúc này…
Theo Jean-Luc Godard, thì các bộ phim luôn là những câu
chuyện tình, và có thể suy luận tương tự đối với tuyên truyền và tình hữu nghị.
Về mặt chính thức thì do hai nước đồng sản xuất, nhưng với tình hình tài chính
của Bắc Triều Tiên, có lẽ chủ yếu là do Trung Quốc. « Cuộc hẹn ở Bình Nhưỡng » thực ra nhằm đề cao tình bạn giữa hai nước
đồng minh Đông Bắc Á.
Bắc Kinh và Bình Nhưỡng tay trong tay, qua cuộc gặp gỡ đắm
say giữa một nữ biên đạo múa trẻ tuổi Trung Quốc, Wang Xiaonan, và giám đốc bộ
môn thể dục người Bắc Triều Tiên, Jin Yinshun. Trong một đất nước chịu ảnh
hưởng nặng nề của đạo Khổng như Bắc Triều Tiên, tất nhiên là ông bà của đôi bên
đều can thiệp vào. Một bộ phim xuyên thế hệ, đi từ Bình Nhưỡng ngày nay đến những
xâu xé trong quá khứ, và cuộc chiến chống lại « quân xâm lược Mỹ ».
|
Một cảnh trong phim "Cuộc hẹn ở Bình Nhưỡng" |
Nhưng màn đã hạ. Trung Quốc sẽ phải gởi đến một
đoàn gồm khoảng mười lăm người để tham gia sự kiện, tuy vậy buổi chiếu duyệt đã
bị hủy mà không một lời giải thích – theo như trang web tin tức của Trung Quốc
sohu.com.
Kịch bản hứa hẹn những cảnh quay đẹp đẽ, với những màn múa
tập thể mà Bình Nhưỡng vốn rất siêu – một trăm ngàn người cùng nhảy múa theo
một nhịp để mừng tình hữu nghị (lại hữu nghị) giữa hai nước.
Việc hoãn chiếu vô thời hạn này tiếp theo sự kiện sáng 21/5,
28 ngư dân Trung Quốc bị những người Bắc Triều Tiên vũ trang bắt giữ đã được
thả về. Các con tin này bị giam 13 ngày trong một kho đựng lưới, cùng với những
con cá đã ươn thối. Một số ngư dân khẳng định đã bị đánh đập. Và bốn ngày sau
khi họ được trả tự do, cư dân mạng Trung Quốc vẫn tiếp tục đặt ra cùng một câu
hỏi : ai là những người đã bắt và động cơ của họ là gì ?
(Xin phép được nhắc lại, đây là blog cá
nhân của Thụy My. Ngoài những bài mang tag « Bài đăng trên RFI »,
những bài viết, bài dịch khác trong blog không phải là quan điểm của RFI)
No comments:
Post a Comment