Trọng
Thành 12-01-2018
Một số loại
kim hiếm - Ảnh : Wikipedia
Đầu thế kỷ 21, lo ngại về các đảo lộn khí hậu do năng lượng
hóa thạch, nhân loại đang tìm cách chuyển nền « kinh tế xanh »,
thân thiện với môi trường, với các công nghệ điện gió, điện mặt trời… đang ngày
càng hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, ẩn đằng sau cuộc chuyển đổi mô hình kinh tế
mang lại hy vọng này là sự lên ngôi của một nguồn nguyên – nhiên liệu mới : các
kim loại hiếm. Nhiều chiến lược gia gọi đây là « dầu mỏ » của
thế kỷ 21. Nền kinh tế phụ thuộc vào kim loại hiếm chứa đầy hiểm họa, theo phân
tích của nhà báo Guillaume Pitron trong cuốn sách vừa ra mắt « Guerre
des métaux rares » (1) (tạm dịch là : Đại chiến kim loại hiếm). Le
Monde số ra hôm nay, 12/01/2018, có bài giới thiệu.
Tại sao gọi kim loại hiếm là « nguyên liệu » của thế kỷ
21 ?
Sau động cơ chạy bằng hơi nước, rồi động cơ nhiệt điện, các
công nghệ « xanh » đang đưa nhân loại bước vào cuộc cách mạng
năng lượng lần thứ ba. Giống như hai lần trước (dựa vào than đá và dầu mỏ), cuộc
cách mạng công nghiệp lần này cũng phải dựa vào một nguồn tài nguyên thiết yếu,
các kim loại hiếm.
« Từ trà đến dầu lửa, từ hạt nhục đậu khấu đến hoa
tuy-líp, từ nitrat đến than đá, (việc phát hiện ra – người viết) các nguyên liệu
khi nào cũng đi kèm với các khai thác quy mô lớn, các đế chế và chiến tranh.
Chúng thường xuyên ngăn trở dòng chảy lịch sử. Giờ đây, đến lượt mình, các kim
loại hiếm đang làm biến đổi thế giới. Không chỉ làm ô nhiễm môi trường, các kim
loại hiếm còn đặt các cân bằng kinh tế và nền an ninh toàn cầu trong tình trạng
nguy hiểm. Chính các kim loại hiếm đã giúp Trung Quốc củng cố vị thế hàng đầu
thế giới ở thời điểm bước sang thiên niên kỷ mới, đồng thời đẩy mạnh đà suy yếu
của phương Tây ».
Kim loại hiếm được khai thác khi nào và sử dụng thế nào ?
Theo Guillaume Pitron, « trong một thời gian dài,
con người khai thác các kim loại phổ biến, như sắt, vàng, bạc, đồng, chì hay
nhôm… Tuy nhiên, từ những năm 1970, người ta bắt đầu biết cách sử dụng các phẩm
chất kỳ diệu về hóa học, về điện từ của hàng loạt kim loại hiếm, vốn ẩn chứa
trong các loại quặng, với tỉ lệ hết sức nhỏ ». Các kim loại hiếm với
những tên gọi bí ẩn như «graphite, vanadium, germanium, platinoïdes,
tungstène, antimoine, béryllium, fluorine, rhénium, prométhium… »
trong tự nhiên thường trộn lẫn với các quặng kim loại phổ biến nhất. « Để
chiết ra được một cân vanadium cần đến 8,5 tấn quặng, phải 16 tấn mới có được một
kilô cerium, 50 tấn cho một cân gallium, và phải 1.200 tấn mới có được một kilô
lutécium ».
Tương tự như « tinh dầu hoa hồng », được
chiết ra rất khó khăn từ hàng núi cánh hoa, để cho ra mùi hương kỳ diệu, với các
tác dụng trị liệu lớn, các kim loại hiếm với trữ lượng vô cùng nhỏ, trở thành
hy vọng nền kinh tế thế kỷ 21, khi chúng không chỉ là nguyên liệu cho nền công
nghệ tin học hay các công nghệ mới, mà còn là « nguồn năng lượng điện từ »
quan trọng.
Tác giả ghi nhận, « chúng ta đang đa dạng hóa việc sử
dụng các kim loại hiếm trong hai lĩnh vực chủ chốt của cuộc chuyển đổi mô hình
năng lượng : các công nghệ mà chúng ta gọi là ‘‘xanh’’ và kỹ thuật số. Điều mà
người ta thường giải thích hiện nay là nhờ ở các công nghệ xanh/green techs và
tin học, mà một thế giới tốt đẹp hơn sẽ ra đời. Các công nghệ như điện gió, pin
mặt trời, xe chạy điện – sử dụng rộng rãi các kim loại hiếm – tạo ra một nguồn
năng lượng không thải ra các-bon, được đồng thời tải đi qua các mạng lưới điện
được ca ngợi là ‘‘siêu hoàn hảo’’ có thể cho phép tiết kiệm đáng kể năng lượng.
Các hệ thống này được điều khiển bởi các công nghệ số, về phần mình, cũng sử dụng
rất nhiều kim loại hiếm ».
Tốc độ phát triển các công nghệ mới là rất mau lẹ. « Trong
vòng 10 năm qua, năng lượng gió tăng gấp 7 lần, điện mặt trời tăng gấp 44 lần.
Năng lượng tái tạo chiếm tỉ trọng 19% tiêu thụ năng lượng toàn cầu, và châu Âu
dự kiến tăng tỉ trọng này lên 27% vào ngưỡng cửa 2030. Ngay cả các công nghệ sử
dụng động cơ nhiệt điện hiện nay cũng phụ thuộc vào các kim loại hiếm, bởi cho
phép chế ra được các phương tiện đi lại, máy bay hiệu quả hơn, nhẹ hơn, tiêu thụ
ít hơn năng lượng hóa thạch ».
Vì sao nói « mô hình kinh tế kim loại hiếm »
đe dọa vận mệnh « phương Tây » ?
Tác giả cuốn « Đại chiến kim loại hiếm » điểm
lại : « Nếu như vào thế kỷ 19, nước Anh thống trị thế giới nhờ vị thế
bá chủ trong lĩnh vực sản xuất than, thì một phần thế kỷ 20 có thể được giải
thích qua việc Hoa Kỳ và Ả Rập Xê Út tăng cường khai thác dầu mỏ và kiểm soát
các tuyến đường lưu thông huyết mạch để bảo vệ nguồn năng lượng này. Đối với thế
kỷ 21, có một quốc gia đang thống trị các nguồn tài nguyên kim loại hiếm và đi
đầu trong việc tiêu thụ. Đó là Trung Quốc ».
Tác giả nhấn mạnh : Trước hết xét về mặt kinh tế, công nghiệp,
cùng lúc với việc nỗ lực chuyển đổi nền kinh tế, hướng sang « kinh tế
xanh », « chúng ta đang tự nhảy vào miệng con rồng
Trung Quốc », bởi quốc gia này độc quyền chiếm hữu các mỏ kim loại
hiếm, là cơ sở cho hai trụ cột của nền kinh tế mới, công nghệ ít phát thải khí
gây ô nhiễm và kỹ thuật số. « Hành động như vậy, phương Tây đang đặt số
phận các công nghệ xanh và kỹ thuật số - phần tinh hoa nhất của nền công nghiệp
tương lai » vào tay Trung Quốc. « Chỉ cần (Bắc Kinh) siết chặt
việc xuất khẩu các nguồn kim loại này, hậu quả kinh tế và xã hội tại Paris, New
York hay Tokyo sẽ là nghiêm trọng ».
« Muốn giải thoát của nền kinh tế phụ thuộc vào các
năng lượng hóa thạch, ô nhiễm, chuyển sang một thế giới mới, nhân loại trên thực
tế, đang trên đường rơi vào một sự phụ thuộc mới, còn nặng nề hơn nữa. Hàng loạt
lĩnh vực như người máy, trí tuệ nhân tạo, bệnh viện điện tử, an ninh mạng, công
nghệ y học, đồ vật kết nối, công nghệ nano, xe hơi không người lái… »
đều phụ thuộc vào các kim loại hiếm (2).
Vì sao nói Trung Quốc độc quyền lĩnh vực kim loại hiếm ?
« Hàng năm, cơ quan điều Mỹ United States Geological
Survey (USGC), thuộc bộ Nội Vụ (…) công bố một báo báo có tầm quan trọng toàn cầu
: ‘‘Mineral Commodity Summaries’’. 90 loại nguyên liệu cần thiết hàng đầu với nền
kinh tế thế giới đương đại được xem xét tỉ mỉ, trên phương diện trữ lượng trong
thiên nhiên, nguồn dự trữ, và đặc biệt là thực trạng khai thác hiện nay. Thông
tin về thực trạng khai thác đáng báo động. USGC cho chúng ta biết Bắc Kinh sản
xuất 44% indium được tiêu thụ trên thế giới, 55% về vanadium, gần 65% spath
fluor và graphite tự nhiên, 71% về germanium và 77% antimoine ».
« Ủy Ban Châu Âu, về phần mình, cũng đưa ra một con
số tương tự : Trung Quốc sản xuất đến 61% lượng silicium, và 67% lượng
germanium thế giới. Tỉ lệ đạt tới 84% đối với tungstene và 95% đối với các loại
đất hiếm ».
Trung Quốc không chỉ đứng đầu thế giới về sản xuất các kim
loại hiếm, mà còn cả về tiêu thụ. « Để phục vụ nhu cầu của thị trường
1,4 tỉ dân, Trung Quốc hút tới 45% sản lượng kim loại hiếm toàn cầu, cũng tương
tự với các sản phẩm nông nghiệp, dầu mỏ, sữa bột hay rượu vang »…
« Mô hình kinh tế kim loại hiếm » đe dọa
đảo lộn gì ?
Theo nhà báo Guillaume Pitron, Bắc Kinh ý thức được rất rõ
giá trị của các kim loại nói chung, kim loại hiếm nói riêng đối với nền kinh tế
thế giới. Đa số các lãnh đạo Trung Quốc đều làm việc trong các ngành nghề liên
quan đến khai mỏ, hay kỹ sư. Trong thời gian ở Pháp, Đặng Tiểu Bình từng làm việc
tại một xưởng đúc, sáu chủ tịch và thủ tướng sau đó, ngoại trừ thủ tướng đương
nhiệm Lý Khắc Cường (Li Keqiang) (là luật gia), còn lại đều được đào tạo về kỹ
sư hay địa chất học. « Dựa vào một hệ thống chính trị độc đoán và ổn định
(…), Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm đã tạo lập cơ sở cho một chính sách
bảo vệ các nguồn nguyên liệu đầy tham vọng ».
« Trong vòng một vài thế kỷ, Trung Quốc đã mở rất
nhiều mỏ trong nước, mặt khác khởi sự xây dựng một ‘‘con đường tơ lụa mới’’
trên biển và trên bộ, nhằm bảo vệ hành lang vận tải khoáng sản từ châu Phi
». Tác giả ghi nhận : « Mỗi lần Bắc Kinh mưu toan mở rộng phạm
vi ảnh hưởng, các thị trường toàn cầu và cân bằng địa chính trị lại rung chuyển
». Bắc Kinh không chỉ là « một tác nhân của thị trường kim loại hiếm », mà
chính là đang trở thành ‘‘một thế lực tạo tác’’ các thị trường này ».
Theo kiểu Trung Quốc, hàng loạt quốc gia cũng đang nổi lên
theo hướng độc quyền khai thác một thứ quặng kim loại hiếm. Ví dụ như Congo sản
xuất tới 64% colbalt, Nam Phi cung ứng 83% platine, iridium và ruthénium, hay
Brazil, khai thác 90% niobium. Châu Âu cũng phụ thuộc chặt vào nước Mỹ, nơi
cung ứng 90% beryllium của thế giới.
Các đe dọa là rõ ràng đối với các hệ sinh thái, bởi tốc độ
tăng trưởng kinh tế giới hiện nay dựa rất nhiều vào việc khai thác nguồn tài
nguyên hiếm hoi này. Tốc độ khai thác kim loại hiếm cứ mỗi 15 năm lại tăng gấp
đôi. Nguy cơ kiệt quệ kim loại hiếm lơ lửng.
Về mặt quân sự và địa chính trị, nạn khan hiếm kim loại hiếm
đặc biệt tác động đến lĩnh vực quốc phòng. Hàng loạt các phương tiện quân sự tối
tân của phương Tây, như người máy, vũ khí tin học, phi cơ chiến đấu F-35… đang
phụ thuộc một phần vào « thiện chí » của Trung Quốc. « Trong
lúc các cộng sự của tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán ‘‘chắc chắn’’ sẽ có chiến
tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông, thì vấn đề kim loại hiếm là nỗi đau
đầu của các cơ quan tình báo Mỹ. Cuộc cạnh tranh khai thác kim loại hiếm vốn đã
gây thêm căng thẳng… trong tương lai có thể đưa các xung đột chủ quyền đến các
khu vực, cho đến nay vẫn được coi là các ốc đảo bình yên ».
« Cơn khát kim loại hiếm » sẽ càng bị kích
thích với đà dân số tiếp tục tăng lên đến cực điểm với khoảng 8,5 tỉ người vào
khoảng 2030, cùng với phương thức tiêu thụ kỹ thuật số đang ngày càng trở nên
phổ biến, và mức độ hội nhập kinh tế ngày càng mạnh mẽ giữa các nước phương Tây
và các quốc gia đang trỗi dậy.
----
(1) - Cuốn « Guerre des métaux rares », với phụ đề « Mặt
trái của cuộc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và kỹ thuật số »,
do nhà xuất bản Les Liens qui libèrent (gọi tắt là LLL) ấn
hành, ra mắt hôm 10/01/2018. Tác giả, nhà báo Guillaume Pitron đoạt giải thưởng
Erik-Izraelewicz. Ông làm việc cho báo Le Monde Diplomatique và Geo, National
Geographic.
(2) - Trích phần giới thiệu của nhà xuất bản về « Guerre
des métaux rares » : « …. Cuốn sách này là một nỗ lực xem xét
lại tiến trình (của nhân loại trong hàng chục năm gần đây – người viết) tìm
cách thoát khỏi nền kinh tế dựa vào năng lượng hóa thạch. Đó là một nỗ lực nhìn
nhận lại cuộc phiêu lưu công nghệ vĩ đại của nhân loại - vốn mang lại rất nhiều
hứa hẹn -, nhưng đồng thời cả những mặt khuất của cuộc truy tầm đầy khát vọng
và đầy thiện chí ấy, mà cho đến nay cũng chứa chất trong mình biết bao hiểm họa
khổng lồ, không kém gì so với các hiểm họa mà người ta vốn đặt mục tiêu phải vượt
thoát ».
Tin bài liên quan
No comments:
Post a Comment