Tuesday, November 11, 2014

(694) Dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân: Dẹp bỏ ngay ! (Updated)

Vị trí của dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân trọng yếu như thế nào?
Infonet - Hải Châu
10-11-2014 - Theo Đại tá Thái Thanh Hùng, nguyên Chỉ huy phó Bộ chỉ huy Quân sự TP Đà Nẵng, dự án Trung Quốc trên núi Hải Vân nắm ở vị trí “yết hầu” có thể chia cắt đất nước, khống chế toàn bộ vịnh Đà Nẵng!
Sau khi báo điện tử Infonet đưa tin Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Chính phủ yêu cầu tỉnh Thừa Thiên – Huế (TT-H) chỉ đạo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khu nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Thế Diệu (Trung Quốc) trên núi Hải Vân do nằm trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa hai địa phương và có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, đông đảo bạn đọc đã bày tỏ sự hoan nghênh.
H1Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Để bạn đọc hiểu rõ thêm tính chất trọng yếu về an ninh quốc phòng của vị trí mà phía Trung Quốc được cấp phép xây dựng dự án, PV Infonet đã trao đổi với Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng, nguyên Chỉ huy phó Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (QN-ĐN), Chỉ huy phó BCH Quân sự TP Đà Nẵng (sau khi chia tách tỉnh năm 1997) và một số người khác.
Đại tá Thái Thanh Hùng: “Nắm vị trí đó là nắm cả vùng trời, vùng núi, vùng biển khu vực phòng thủ Đà Nẵng!”
Toàn bộ vùng rừng núi và đèo Hải Vân là khu vực phòng thủ của TP Đà Nẵng. Thực tế trong thời kỳ chiến tranh, tỉnh TT-H không đưa quân vô trấn giữ mà Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao cho lực lượng vũ trang Quân khu 5 và mà cụ thể là lực lượng vũ trang tỉnh QN-ĐN phải bảo đảm giữ vững khu vực phòng thủ đó. Sau ngày giải phóng, Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh QN-ĐN, sau đó là BCH Quân sự TP Đà Nẵng tiếp tục xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ Hải Vân.
Nếu để cho đối tác nước ngoài, chưa nói là Trung Quốc, vào xây dựng, chiếm lĩnh vị trí trọng yếu đó sẽ không bảo đảm được khu vực phòng thủ cho cả nước nói chung, đặc biệt là đối với TP Đà Nẵng. Đây là vị trí chiến lược, là địa bàn trọng điểm. Ở miền Trung thì khu vực đèo Hải Vân mọi người đều biết cả rồi. Nếu xảy ra chiến tranh, nơi này bị chiếm thì đất nước bị chia cắt liền. Do nó đặc biệt quan trọng như vậy nên theo tôi là không nên cho nước ngoài đầu tư vào khu vực đó.
Hơn nữa, vị trí tỉnh TT-H cấp phép cho phía Trung Quốc xây khu du lịch lại nằm ngay mũi Cửa Khẻm (nơi núi Hải Vân đâm ra biển) và coi như bao trùm cả hòn Sơn Trà con cách đó không xa. Khu vực này chính là “yết hầu” của vịnh Đà Nẵng với núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà tạo thành hình cánh cung trấn giữ phía Bắc và phía Đông Bắc. Mà vịnh Đà Nẵng là một trong những khu vực cực kỳ trọng yếu trên dọc tuyến biển Việt Nam.
H1Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng Lê Tự Gia Thạnh chỉ vị trí dự án Trung Quốc được cấp phép xây dựng trên núi Hải Vân (Ảnh: HC)
Tàu bè vô ra cảng Đà Nẵng đều phải qua đó. Nếu phía nước ngoài nắm được vị trí này thì tất cả tàu quân sự ra vô khu vực cảng Vùng 3 Hải quân họ đều biết hết. Và đây là vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang tăng cường năng lực phòng thủ trên biển để sẵn sàng ứng phó với tình hình trên biển Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp. Ai nắm được vị trí này sẽ làm chủ cả cửa biển Đà Nẵng. Nếu phía nước ngoài khống chế vị trí này thì tàu bè sẽ không vô cảng Đà Nẵng được.
Trước đây, Tiểu đoàn 72 của lực lượng vũ trang QN-ĐN đóng quân tại hòn Sơn Trà con. Sau cơn bão số 2 năm 1988, do nhà cửa bị sập đổ nên BCH Quân sự tỉnh báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho tạm thời rút vào khu vực núi Hải Vân. Khi Tiểu đoàn 2 chưa trở lại kịp thì phía TT-H đưa lực lượng ra giữ hòn Sơn Trà con (mà TT-H gọi là hòn Sơn Chà).
Đà Nẵng hay TT-H trấn giữ chỗ đó cũng được, nhưng cho nước ngoài đầu tư làm ăn trên địa bàn đó là hết sức phức tạp. Ở vị trí mà sau lưng là đỉnh Hải Vân, trước mặt hướng ra biển Đông, chỉ cần thiết lập trạm ra-da dã chiến ở đó thì coi như nắm giữ cả không phận rộng lớn trên vùng núi, vùng biển của một TP mà cả Pháp, Mỹ đều chọn nơi đây làm nơi đầu tiên để đổ quân vào xâm chiếm hoặc chia cắt đất nước Việt Nam.
Chúng tôi đã định ở kỳ họp sắp tới của HĐND TP Đà Nẵng sẽ lên tiếng không đồng tình với việc tỉnh TT-H cho phép phía Trung Quốc đầu tư vào khu vực này. Điều đáng quan tâm nhất ở đây là ảnh hưởng vị trí quốc phòng an ninh, chứ chưa nói là đất của ai. Đất của TT-H hay của Đà Nẵng thì cũng đều là đất Việt Nam. Vấn đề là không nên để cho nước ngoài đầu tư vào một vị trí chiến lược như vậy.
H1                          Nằm ở vị trí vòng đỏ, dự án của Trung Quốc sẽ nắm rõ tình hình tàu bè ra vào cảng Đà Nẵng và cảng Vùng 3 Hải quân ở vị trí vòng vàng (Ảnh: HC)
Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng, HĐND TP đã ra Nghị quyết phản đối. Bây giờ tỉnh TT-H lại cấp phép cho họ vào vị trí vô cùng trọng yếu trên núi Hải Vân. Đây không còn là chuyện giữa hai địa phương mà đã trở thành vấn đề quốc gia. Chúng tôi định đề nghị UBND TP Đà Nẵng có ý kiến báo cáo Thủ tướng. Nay Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản trình Thủ tướng thì Hội Cựu chiến binh TP rất đồng tình. Và chúng tôi tin Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý rốt ráo vấn đề này.
Ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng: “Bè cá ngoài đảo Sơn Trà và khu du lịch trên núi Hải Vân chỉ là một!”
Dự án này nằm trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa Đà Nẵng và TT-H. Từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo hai địa phương giữ nguyên trạng mọi thứ, không được làm phức tạp thêm tình hình. Trong thời gian qua, TP Đà Nẵng đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên hiện nay tỉnh TT-H lại cấp phép cho phía Trung Quốc xây dựng dự án tại đây.
Ai cũng biết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ngoài làm kinh tế thì còn có những động cơ khác nữa. Không hà cớ chi họ đi mua móng chân trâu, móng chân bò. Đặc biệt là họ tìm những khu vực trọng điểm để làm kinh tế nhưng thực chất là nắm tình hình diễn biến của ta. Không bỗng dưng họ đi nuôi cá ngay trong khu vực cảng Cam Ranh. Ở Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Từng có người Trung Quốc nuôi cá bè ngoài bán đảo Sơn Trà, và những người đó cũng cùng “group” với Công ty CP Thế Diệu này chứ không phải ai khác cả, cũng một chủ thôi nhưng “chẻ” ra nhiều nhánh. Hiện nay đã dẹp rồi.
Bè cá ngoài đảo Sơn Trà với khu du lịch trên núi Hải Vân đều nằm ở vị trị “yết hầu” của vịnh Đà Nẵng, nhắm ngay vào khu vực cảng Vùng 3 Hải quân, và đều chung “tập đoàn” chứ không ai khác. Nên không phải chuyện đơn giản như một số người nghĩ. Tại sao ở một chỗ heo hút như vậy mà họ vẫn tính đổ hàng trăm triệu USD vào đó? Tại vì chỗ đó bao trùm cả vịnh Đà Nẵng. Qua hai cuộc Pháp, Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam đã cho thấy rõ, ai nắm giữ chỗ đó sẽ nắm giữ cả vùng biển này, từ chỗ đó vô cửa Hàn thâm nhập sâu vào trung tâm Đà Nẵng chỉ vài cây số. Chiều dài lịch sử cũng đã phản ảnh rất rõ rồi.
H1Ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng (Ảnh: HC)
Người dân bình thường cũng thấy điều đó, cần chi tới tôi là người làm công tác xây dựng chính quyền, quản lý địa giới hành chính. Đây là chuyện mang tính chất quốc gia, ở tầm chiến lược. Hiện chúng tôi đang tham mưu cho lãnh đạo TP làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, đề nghị họ sớm lên tiếng về vấn đề này để Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành hữu quan quyết định chính thức trong thời gian sớm nhất, chứ không để xảy ra chuyện đã rồi ở một khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng như vậy. Hiện cử tri và người dân rất quan tâm đến việc này.
Ông Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa: “Đây là câu chuyện chủ quyền!”
Nếu chỉ là chuyện chưa thống nhất về phân định ranh giới giữa hai địa phương thì chỉ là chuyện trong nhà, không phải là chuyện lớn. Ai giữ chỗ đó cũng được hết. Nhưng câu chuyện ở đây là câu chuyện chủ quyền, câu chuyện an ninh, quốc phòng của quốc gia có nguy cơ bị đe dọa. Nếu cho rằng đây chỉ là chuyện tranh chấp giữa hai địa phương sẽ không giải quyết được vấn đề chi mà còn khiến nhiều người có cái nhìn sai lệch.
Việc để cho doanh nghiệp nước ngoài vào những vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng như vậy là hết sức thiếu cẩn trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực phòng vệ trên biển để sẵn sàng ứng phó với diễn biến tình hình trên biển Đông ngày càng phức tạp, nhất là trong lúc Trung Quốc đang ngày càng hung hăng đe dọa, xâm phạm chủ quyền lãnh hải của nước ta!
Ông Lê Tự Gia Thạnh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng: “Không phải không khai thác, nhưng…”
Về mặt quy hoạch, tôi cho rằng khu vực đó hai bên nên thống nhất với nhau giữ nguyên trạng một khu vực tự nhiên. Không phải là không khai thác. Vẫn có thể khai thác nhưng với hình thức tham quan, ngắm cảnh có kiểm soát chứ đừng ở lại là hay nhất. Có chăng thì làm một vài điểm khai thác du lịch nhưng không được lưu trú. Du khách có thể ra đó khám phá rồi quay về đất liền chứ không nên xây dựng những công trình phục vụ lưu trú có thể dẫn đến những “biến tấu” khó lường!
KHỐNG CHẾ YẾT HẦU VN, CÁC TƯỚNG LĨNH QUÂN ĐỘI LÊN TIẾNG


Tướng quân đội phản đối việc xây khu nghỉ dưỡng trên núi Hải Vân



Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5, khẳng định đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm quân sự cấp độ 1 được Chính phủ quy định. Thừa Thiên - Huế tự động cho doanh nghiệp nước ngoài vào xây khu nghỉ dưỡng là "dứt khoát không được".


Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa cấp phép cho Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine nằm ở khu vực Cửa Khẻm - mũi vươn ra biển xa nhất của đèo Hải Vân. Dự kiến khoảng 200 ha đất được giao cho Công ty cổ phần Thế Diệu (thuộc Công ty TNHH World Shine Hong Kong đăng ký đầu tư tại Thừa Thiên - Huế từ tháng 10/2013), thời hạn 50 năm. Đánh giá dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 250 triệu USD sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh này đã đầu tư 50 tỷ đồng mở con đường 5 km vào Cửa Khẻm.

.
 
Dự án khu nghỉ dưỡng quốc tế tại Cửa Khẻm (vùng khoanh đỏ) của đèo Hải Vân. 

Trong khi đó, trao đổi với VnExpress ngày 14/11, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế chỉ nói ngắn gọn: "Cho đến nay tỉnh Thừa Thiên - Huế khẳng định đã làm đúng quy định của Nhà nước. Còn Đà Nẵng đã có ý kiến gửi Thủ tướng thì tôi không bình luận thêm mà chờ ý kiến chính thức của Chính phủ để có hướng xử lý".


Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng cho rằng, toàn bộ diện tích cấp cho dự án đều nằm trong quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô được Thủ tướng phê duyệt năm 2008.Mọi việc tưởng chừng "suôn sẻ" và trong tương lai không xa tại Cửa Khẻm sẽ có sự hiện diện của một khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi... thì phía Đà Nẵng phát hiện nơi đất cấp cho Công ty Thế Diệu là vùng chưa được Chính phủ phân định ranh giới rõ ràng giữa hai địa phương. Sau đó, Đà Nẵng gửi công văn đến Thủ tướng đề nghị rút giấy phép dự án với lý do không thể giao đất cho một doanh nghiệp được đại diện bởi các doanh nhân nước ngoài ở khu vực trọng điểm về quân sự.
DSC-0039-4658-1416030658.jpg
Tuyến đường 5 km đã được trải nhựa dẫn từ đèo Hải Vân xuống khu vực triển khai dự án. Ảnh: Nguyễn Đông.
"Đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm quân sự cấp độ 1 được Chính phủ quy định. Đất tại khu vực này muốn làm bất cứ việc gì phải báo cáo và được sự nhất trí của Bộ Quốc phòng để xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ mới được làm", Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu V, khẳng định. "Khu vực này cũng chưa phân định rõ ràng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu dừng lại rồi nhưng phía Thừa Thiên - Huế vẫn tự động cho doanh nghiệp nước ngoài làm dự án là không đúng quy định", ông nói thêm.
Nguyên chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ nói: "Đây là câu chuyện chủ quyền, bởi Hải Vân là vị trí quốc phòng của quốc gia, không chỉ những người làm trong lĩnh vực quân sự mà những người dân bình thường đều nhìn nhận được. Tàu quân sự các nước khi đến Việt Nam lại chọn Đà Nẵng không phải là điều ngẫu nhiên. Muốn quản lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam bằng công nghệ ở đất liền thì chỉ cần đặt trên núi Hải Vân.
Đất Cửa Khẻm đang được giao cho doanh nghiệp Hong Kong được ví như cánh cửa của vịnh Đà Nẵng, nhìn thấu bán đảo Sơn Trà - mắt thần Đông Dương nên để doanh nghiệp này hoạt động thì nhất cử nhất động về quân sự ở Đà Nẵng đều bị thâu tóm. Từng chiếc máy bay hay tàu thuyền ra vào đều đếm được hết. Chúng ta mà mất cảnh giác là vô cùng nguy hiểm".
Tướng Chiêm cho hay, khu vực của dự án là trọng yếu về quốc phòng của Đà Nẵng nên Quân khu V đã có ý kiến gửi Bộ Quốc phòng, nêu quan điểm "dứt khoát không được làm", đồng thời đề nghị công an, Bộ chỉ huy quân sự Đà Nẵng tham mưu cho UBND thành phố Đà Nẵng có ý kiến trình Thủ tướng. "Tôi chưa nắm thông tin Chính phủ đã phản hồi hay chưa. Giới truyền thông đang phản ánh đúng tinh thần để giúp bảo toàn vị trí quân sự này", vị Tư lệnh nói.

Đồng quan điểm, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV, cho biết khu vực đèo Hải Vân chính là điểm quân sự then chốt và sẽ chia cắt đất nước trong trường hợp có chiến tranh. Theo phân tích của nhà quân sự này, về vị trí trên đất liền thì ai làm chủ được Hải Vân sẽ thâu tóm luôn Đà Nẵng và Huế. Còn về thế trận trên biển, Cửa Khẻm là điểm vươn xa nhất của đèo Hải Vân và gần nhất với đảo Hải Nam của Trung Quốc. Có được Hải Vân sẽ nắm quyền kiểm soát cả vùng biển.

Ông bày tỏ sự quan ngại đặc biệt vị trí Cửa Khẻm, bởi đây là nơi gần nhất với bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Một khi doanh nghiệp xây dựng dự án thì mọi bí mật của căn cứ quân sự vùng 3 Hải quân sẽ khó giữ được. Theo tướng Thước, Hải Vân có tầm quan trọng về quân sự nên phải tập trung trấn thủ.

Vị tướng này liên hệ ngay đến Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) và nói rằng nhẽ ra Thừa Thiên - Huế đã phải rút kinh nghiệm. "Hải Vân còn nguy hiểm hơn Vũng Áng với sự chia cắt hai miền Nam - Bắc. Đồng ý là phát triển kinh tế nhưng không thể vì kinh tế mà xem nhẹ quốc phòng. Ở vị trí chiến lược mà không đặt mục tiêu quốc phòng lên trên hết là rất nguy hiểm. Việc cấp phép này không phải là giúp ích mà làm cho kinh tế nước nhà đứng trước nguy cơ bị suy thoái", tướng Thước dự đoán.
DSC-0012-1998-1416030658.jpg
Công ty Thế Diệu đã cho xây dựng một căn nhà làm trụ sở tạm thời để triển khai dự án. 
Ảnh: Nguyễn Đông.
Từng giữ chức Chỉ huy phó Bộ Chỉ huy Quân sự Đà Nẵng, đại tá Thái Thanh Hùng - Chủ tịch Hội cựu chiến binh Đà Nẵng, nhận định việc cấp phép cho đối tác nước ngoài vào xây dựng ở vị trí trọng yếu nhất của đèo Hải Vân không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc phòng thủ ở miền Trung mà còn cho cả nước. Dẫn chứng lịch sử thời điểm đất nước bị xâm lược, cả Pháp và Mỹ đều chọn Hải Vân làm nơi đổ bộ đầu tiên, ông Hùng nói dứt khoát không thể để doanh nghiệp nước ngoài xây dựng dự án ở đây.

Ông Hùng cho rằng việc phân chia địa giới của Đà Nẵng và Huế ở thời điểm hiện tại không quan trọng bằng việc Chính phủ sớm chỉ đạo xử lý để dừng dự án World Shine lại. "Đây là vấn đề của quốc gia, phải kiên quyết phản đối. Về khái niệm thì kinh tế mạnh ắt quốc phòng sẽ mạnh, nhưng chưa chắc. Thời điểm này kinh tế Việt Nam chưa mạnh nhưng quốc phòng phải mạnh", ông nói.
Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine triển khai từ năm 2013 đến 2023, gồm có khu nghỉ mát tiêu chuẩn 5 sao công suất 450 phòng, khu nhà nghỉ dưỡng năm tầng với 220 căn hộ cao cấp, 350 căn hộ biệt thự, trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ ngồi, khu dịch vụ, nhà hàng, bãi tắm...

Nguyễn Đông
Cấp phép cho doanh nghiệp nước ngoài xây khu nghỉ dưỡng ở đèo Hải Vân: Vị trí chiến lược, sao lại lơ là!
(LĐ) - Số 271 ĐĂNG KHOA - HƯNG THƠ

Phối cảnh Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế được cấp phép trên đèo Hải Vân.
Tới khi TP.Đà Nẵng lên tiếng về “2 công trình xây dựng trái phép tại khu vực đỉnh đèo Hải Vân, giáp ranh giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế”, dư luận mới hay vị trí trọng yếu về quốc phòng này đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho các Cty nước ngoài xây dựng các khu nghỉ dưỡng với vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD.
“Đúng quy trình”
Năm 2013, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đồng ý cấp gần 200ha đất ở khu vực đèo Hải Vân (nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô của Chính phủ) cho Cty CP Thế Diệu (thuộc Cty TNHH World Shine Hong Kong, TQ) thực hiện dự án xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế.
Dự kiến, khi hoàn thành, ở khu vực mũi Cửa Khẻm sẽ có một khu nghỉ mát cao cấp. Ngoài một khách sạn đạt chuẩn 5 sao với 450 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 2.000 chỗ, nơi này sẽ hiện diện 350 biệt thự, 220 căn hộ cao cấp với đầy đủ các loại hình giải trí như: Sân golf mini, bãi tắm… với tổng mức đầu tư lên đến 250 triệu USD.
Để đến nơi Cty CP Thế Diệu triển khai dự án trên, phải vượt qua đèo dốc ngoằn ngoèo, hiểm trở lên gần tới đỉnh đèo Hải Vân (thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ngay cạnh QL1A trên đèo, chủ đầu tư đã trưng panô ghi giấy phép đầu tư, mặt sau in phối cảnh khu du lịch nghỉ dưỡng hoành tráng. Cạnh đó, có một con đường thảm nhựa hơn 5km theo hướng đông ra biển dẫn đến khu vực tới đây sẽ xây dựng khu nghỉ dưỡng.
Mặc dù đã triển khai được 1 năm, nhưng Cty CP Thế Diệu vẫn đang trong quá trình làm các thủ tục đầu tư và thực hiện rà phá bom mìn, đo vẽ bản đồ địa chính. Riêng ở khu vực ngã ba Bãi Chuối (sát trạm bảo vệ rừng 251 của Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân), chủ đầu tư đã xây dựng nhà điều hành 2 tầng.
Ông Nguyễn Quê - Phó Trưởng ban phụ trách Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) - cho biết, tỉnh đã đồng ý cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Cty này với thời hạn 50 năm. “Chúng tôi cấp theo đúng quy trình đầu tư, Luật Đầu tư” - ông Quê khẳng định.
Trước khi cấp phép cho Cty này, các sở, ban, ngành và cả quân đội đã họp và thống nhất chủ trương chứ không phải muốn cấp cho ai là cấp. Sát phần đất đã cấp cho Cty CP Thế Diệu, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã cấp phép cho một Cty nước ngoài xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng có mức đầu tư 100 triệu USD vào năm 2009.
Không nên vì lợi ích trước mắt
Theo đại tá Trần Đình Phòng - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế - khu vực cấp cho dự án World Shine - Huế không ảnh hưởng lớn đến an ninh quốc phòng và phòng thủ bờ biển của tỉnh. Toàn bộ các cao điểm ở đây đều được lực lượng quân sự của tỉnh và Quân khu 4 khống chế, có thể kiểm soát được các tình huống xấu xảy ra.
Nhà điều hành Cty CP Thế Diệu xây dựng tại khu vực ngã ba Bãi Chuối.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu tại Huế đều nhấn mạnh yếu tố trọng yếu của đèo Hải Vân. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan nói: “Trong tình hình hiện nay, việc cấp phép hàng trăm hécta đất dọc bờ biển từ Bắc vào Nam với thời hạn sử dụng nhiều chục năm cho các doanh nghiệp nước ngoài làm các dự án phải cân nhắc, không thể vì lợi ích kinh tế trước mắt mà quên đi các yếu tố quốc phòng an ninh. Đặc biệt, ở khu vực đèo Hải Vân lại càng phải cẩn trọng hơn nữa”. 
Ông Phan dẫn chứng rằng, Hải Vân là vị trí chiến lược đã tồn tại qua nhiều thế kỷ từ thời Trần, thời Pháp lẫn thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đó là bình phong vững chắc để chống chia cắt đất nước.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Hoa - nhà nghiên cứu có uy tín ở Huế, từng có nhiều năm lãnh đạo, quản lý về văn hóa, du lịch xứ Huế - cho rằng, toàn bộ khu vực đèo Hải Vân là một địa điểm quốc phòng. “Huế hay Đà Nẵng đều không nên phát triển du lịch ở đó, đặc biệt là du lịch lưu trú. Điều đó không dừng lại ở dự án của Huế đang triển khai, mà dự án làng Vân ở Đà Nẵng cũng vậy” - ông Hoa nói.
'Lòi' thêm dự án Trung Quốc ở đèo Hải Vân
Thursday, November 20, 2014
HUẾ 20-11 (NV) - Không phải một mà là hai dự án đầu tư của Trung Quốc ở khu vực đèo Hải Vân được tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp giấy phép đầu tư, bị coi là khu “nhậy cảm” quốc phòng.
Khu vực Cửa Khẻm đang tranh cãi giữa Thừa Thiên – Huế và Đà Nẵng về cấp giấy phép đầu tư cho người Trung Quốc. (Hình: thi ảnh đẹp của VNExpress, Phạm Hồng Hà)
Theo tờ Lao Động hôm Thứ Năm 20 Tháng Mười Một, đưa tin, ngoài dự án lập khu nghỉ dưỡng, biệt thự sang trọng, khách sạn, trung tâm hội họp ở khu vực Cửa Khẻm của công ty World Shine của Trung Quốc, sát đó, còn có dự án nghỉ dưỡng nhỏ hơn của một nhà thầu khác, cũng Trung Quốc, đã được cấp giấy phép đầu tư.
Nguồn tin thuật theo lời ông Nguyễn Quê, phó trưởng ban phụ trách Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Chân Mây - Lăng Cô, cho biết “năm 2009 Cty TNHH MTV Bãi Chuối (Tổng giám đốc là ông Lim Kam Lo, dân tộc Hoa – quốc tịch Canada) đã được tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp 100ha đất ở khu vực Bãi Chuối (thị trấn Lăng Cô, Thừa Thiên – Huế) để xây dựng khu nghỉ dưỡng.”
Báo Lao Động nói dự án này có vốn đầu tư $102 triệu, thời hạn thực hiện 50 năm, tiến độ thực hiện qua hai giai đoạn (khởi công từ Tháng Giêng, 2009 đến Tháng Tám, 2014). “Tỉnh đang làm tiến độ với Cty này. Vị trí thực hiện dự án nằm cạnh Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế,” ông Quê nói.
Như vậy, người Trung Quốc làm chủ cả hai dự án được tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng ở chân đèo Hải Vân ở mỏm Đông Nam nhìn ra vịnh Đà Nẵng. Khu vực bị một số tướng lãnh quân đội nói là nhậy cảm quốc phòng, không thể cấp phép cho người ngoại quốc đầu tư khai thác.
Hôm Thứ Năm, tỉnh Thừa Thiên – Huế mở cuộc họp báo phản bác lại các lời cáo buộc của giới chức dân sự và quân sự của thành phố Đà Nẵng, quả quyết khu vực họ cấp phép cho nhà đầu tư ngoại quốc “không có tranh chấp” và cũng không nhạy cảm quốc phòng.
“...dự án khu du lịch nghỉ dưỡng này thuộc khu vực Mũi Khẻm và hòn Sơn Chà, thuộc Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô của tỉnh. Ranh giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên- Huế và TP.Đà Nẵng là ranh giới lịch sử, có tính pháp lý, được xác định rõ ràng và tồn tại ổn định từ bao đời nay. Do vậy, việc phân định ranh giới giữa hai địa phương không thuộc diện giải quyết tranh chấp. Tỉnh Thừa Thiên- Huế hoàn toàn không có tranh chấp về ranh giới với Đà Nẵng về khu vực cấp phép dự án,” ông Hoàng Ngọc Khanh, chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết trong cuộc họp báo, theo tường thuật của tờ Dân Việt.
Còn Đại Tá Trần Đình Phòng, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh Thừa Thiên- Huế, thì có vẻ  bất nhất. Trước thì nói phía quân đội đã khảo sát thấy “không ảnh hưởng” nên không xin ý kiến Bộ Quốc Phòng, nhưng sau lại nói khác.
Khúc trước bản tin Dân Việt thuật lời ông Phòng nói “ngày 21.3.2014, sau khi có chủ trương cấp phép dự án  Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine- Huế, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh có ý kiến về dự án này. Tại thời điểm đó, phía Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tiến hành khảo sát và thấy khu vực này không nằm vào các quy hoạch liên quan đến quốc phòng và không ảnh hưởng đến quốc phòng.”
Đoạn sau thì ông nói, theo báo Thanh Niên kể “Ngày 14.10 vừa qua, UBND tỉnh có triệu tập cuộc họp để xem xét báo cáo quy hoạch chi tiết dự án, chúng tôi thấy có một số nội dung liên quan đến an ninh quốc phòng nên đã đề nghị UBND tỉnh có văn bản chính thức báo cáo với Quân Khu 4 và Bộ Quốc Phòng để xin ý kiến.”
Theo lời ông, UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh xin ý kiến của Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4 và Bộ Quốc Phòng về khu vực này. Cho nên “Ngày 17.11, Bộ Chỉ Huy Quân Sự tỉnh đã có văn bản xin ý kiến của Quân Khu 4 và Bộ Quốc Phòng về khu vực 199 ha này. Hiện nay, sau khi chúng tôi xin ý kiến thì Bộ Quốc Phòng cũng đã có ý kiến và cho biết sẽ cử đoàn cán bộ chức năng vào khảo sát lại khu vực này để có ý kiến chính thức có được đầu tư hay không ở khu vực này”.
Còn ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch Thừa Thiên - Huế, thì nói: “Chúng tôi đã làm đúng quy trình và đợi chỉ đạo của thủ tướng để thực hiện. Việc thu hồi dự án cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, tổn thất cho các bên nhưng chúng tôi sẽ thực hiện nếu thủ tướng chỉ đạo.” (TN)

No comments: