David Wertime
“Hoa
kỳ thực ra chỉ là một làng quê khổng lồ và kém phát triển” – một tiểu
luận ẩn danh trên trang web hóa ra lại khơi mào cho sự châm biếm nhằm
chính Trung Quốc.
Cờ của Trung Cộng và Mỹ trong cuộc gặp ngoại giao tại Bắc Kinh (Reuter)
13/09/2012
Trước
chuyến thăm ngoại giao của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hilary Clinton tới
“Vương Quốc ở trung tâm thế giới” một luận điệu phê phán đầy mỉa mai đã
lan tỏa như virut trên Sina Weibo, một mạng xã hội của Trung Quốc, với
hơn 44 ngàn lượt chia sẻ và 5400 lời bình trên Twitter. Luận điệu này
không rõ nguồn gốc và tác giả đã phê phán một cách bỡn cợt nước Mỹ như
một quốc gia ngu ngốc, thô sơ và ấu trĩ. Tưởng rằng có thể làm các độc
giả Mỹ bị xúc phạm, nhưng chẳng bao lâu sau khi được ra mắt, bài viết đó
thực sự đã trở thành một sự phê phán sắc sảo và có tác dụng ngược lại
đối với Trung Quốc.
Tờ Tea Leaf Nation đã dịch
những phần lý thú và rôm rả nhất (chúng thường có mặt trong đa số các
bài luận) và xin mời các độc giả thưởng thức.
Đừng đi Mỹ, một quốc gia ngu ngốc và lạc hậu.
Tôi
từng ở Mỹ một thời gian dài và giờ đây thì thấy hối hận vì sự lựa chọn
này. Chúng ta đã bị mụ mẫm bởi truyền thông phương Tây luôn luôn làm cho
ta nghĩ rằng Hoa Kỳ là một đất nước hiện đại. Nuôi hy vọng học tập khoa
học tân kỳ của Mỹ để về phục vụ quê hương, tôi đã bằng mọi nỗ lực để
theo đuổi “siêu cường” đó, thế nhưng kết quả lại thật đáng thất vọng!
(1)
Hoa Kỳ thực ra chỉ là một cái làng nông nghiệp khổng lồ kém phát triển.
Ở trường trung học các thầy giáo vẫn dạy rằng công nghiệp càng phát
triển thì môi trường lại càng bị xâm hại. Ví dụ như trong một thành phố
công nghiệp bạn phải thấy ống khói khắp nơi, các xí nghiệp to khắp nơi
và bụi cũng khắp nơi. Đó mới là biểu tượng của công nghiệp hóa! Thế còn
Hoa Kỳ thì sao? Đố bạn tìm ra các ống khói, thảng hoặc mới thấy một vài
cái nho nhỏ nhưng lại là thứ để trang điểm cho nhà dân. Thay vào đó là
những dòng sông và hồ nước sạch khắp nơi nơi và chẳng có các nhà máy
giấy và luyện thép nơi bờ sông. Không khí trong lành và sạch là biểu
tượng của một xã hội thô sơ và đó không thể là dấu tích của công nghiệp
hóa !
(2) Người Mỹ chẳng hiểu gì về kinh tế. Các
tuyến đường cao tốc tỏa đi mọi phương, có lẽ là đến mọi làng xóm, tuy
nhiên khó tìm ra nổi một trạm thu phí! Thật là một sự phung phí khủng
khiếp cơ hội kinh doanh! Khó có thể cưỡng nổi ý định của bản thân là xúc
một ít xi măng để xây vài trạm thu phí và chắc chắn là chỉ trong vòng
một tháng tôi sẽ có đủ tiền để mua một căn nhà trông ra Đại Tây Dương.
Ngoài ra, bên lề đường cao tốc bạn có thể thấy những mặt hồ tĩnh lặng
còn hoang dã. Chính quyền để mặc cho lũ chim cư ngụ và vẫy vùng thỏa sức
mà không nghĩ tới việc thiết lập vườn cảnh quan trông ra hồ để kiếm bộn
tiền. Rõ là người Mỹ không có cái đầu làm kinh tế.
(3)
Ngành xây dựng Hoa Kỳ quả là quá thô sơ. Ngoài một số lượng nhỏ các
thành phố lớn (mà bạn đã biết) thì không có những tòa tháp bê tông và
gạch chọc trời… Tôi sợ rằng hình như Mỹ không có các tòa nhà bằng gạch.
Hầu hết nhà cửa làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu lạ khác. Sử dụng gỗ thô
sơ để xây nhà thì dường như những kiến trúc ngoại bang này còn chưa qua
thời phong kiến trước khi có nhà Thanh!
(4) Lối
tư duy của người Mỹ ngây ngô và lạc hậu. Khi mới tới Mỹ tôi thuê một cái
xe kéo chở hành lý giá 3 đôla, nhưng lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ
thấy tôi có nhiều đồ nên đã trả 3 đồng đó và thuê xe cho tôi. Người Mỹ
thường cởi mở và hỏi xem tôi có cần giúp đỡ gì không. Ở nước tôi, đã qua
thời của Lôi Phong vào những năm 50 và 60 thế kỷ trước cho nên bây giờ
thì cái lối cư xử đó quả là quá lạc hậu! (Lôi Phong là thanh niên thời
phong trào thi đua cộng sản Mao, người từng được nêu gương sáng về đạo
đức hy sinh bản thân). Trở lại thời kỳ đó, con người ta rất đạo đức giả,
nhưng bây giờ thì chúng ta không theo lối mòn đó nữa. Chúng ta tiến
hành mọi việc giờ đây một cách trần trụi và đó mới là hiện đại hóa! Bởi
vậy lối tư duy của Mỹ lạc hậu hơn chúng ta vài thập kỷ và không có dấu
hiệu nào cho thấy rằng họ có khả năng đuổi kịp chúng ta.
(5)
Người Mỹ không biết ăn thịt thú rừng. Có một đêm tôi lái xe đi cùng một
bạn học đến thành phố khác và bất thình lình mấy con nai Sika (một
giống nai đốm có nguồn gốc từ Nhật Bản – ND) nhảy xổ ra. Anh bạn cùng
lớp lập tức phanh gấp và đổi hướng để tránh tai nạn. Hình như là trường
hợp kiểu này thường xảy ra khi mà sự va chạm với một con nai cũng đủ để
làm vỡ tan chiếc ô tô. Chính phủ Mỹ không biết quản lý chuyện này như
thế nào… Và người Mỹ quả thực không biết ăn thịt thú rừng, họ cũng không
có cả quán ăn chuyên thịt thú rừng, rất ít khẩu vị đối với thú rừng
thơm ngon bị giết thịt như hươu, nai và kém hứng thú bán sừng hươu nai
để kiếm những khoản tiền lớn! Người Mỹ sống cùng động vật hoang dã hàng
ngày và còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Đó quả thật là một
xã hội sơ khai.
(6) Người Mỹ không biết tự
trọng. Các giáo sư ở trường đại học Mỹ không có bộ dạng hoành tráng
(架子); họ không hề có cái phong thái của những giáo sư đạo mạo. Nghe nói
rằng vị giáo sư D… là một giáo sư về tâm lý học nổi tiếng, thế nhưng
trong giờ giải lao thì ông ta lại ăn bánh quy trong phòng làm việc với
các sinh viên của mình, bàn luận về bộ phim “21” và nữ nghệ sĩ Trung
Quốc Trương Tử Di (Ziyi Zhang). Ông ta không hề có cái vẻ đường bệ của
một nhà khoa học, cho nên tôi thực sự cảm thấy thất vọng. Ngoài ra, các
nghiên cứu sinh sau tiến sĩ chẳng bao giờ đưa học vị “PhD” lên danh
thiếp của họ và họ không biết cách thể hiện ra ngoài vị thế của mình.
Những người được đào tạo bởi các giáo sư kiểu như vậy sẽ chẳng thể nào
biết cách đi đứng, nói năng nếu như họ trở thành những quan chức chính
phủ… Có vẻ như các công chức Trung Quốc còn biết cách thu hút sự kính
trọng của người dân; ngay cả một vị thủ trưởng một văn phòng không mấy
quan trọng ở nước tôi còn tỏ ra đường bệ hơn cả Tổng thống Hoa Kỳ. Không
có gì phải ngạc nhiên khi người ta nói công dân hạng nhất ở Trung Quốc
chỉ xứng với công dân hạng ba ở Mỹ.
(7) Học sinh
tiểu học Hoa Kỳ không có những hoài bão cao cả.Ngay từ thuở ban đầu các
học sinh tiểu học không hề có ý định để trở thành quan chức…Chẳng hề có
lớp học của các Tổng thống, các Bí thư tương lai hoặc các Ủy viên hội
đồng mà tôi từng tham dự khi còn nhỏ. Sau giờ học thường là không có bài
tập về nhà và bạn không có cách nào ngay cả việc nhắc tới chuyện đó khi
liên hệ tới bài tập về nhà của học sinh tiểu học Trung Quốc. Trường học
(Mỹ - ND) quan tâm quá nhiều đến dạy dỗ đạo đức cho trẻ em, làm cho
những đứa nhỏ hướng tới để trước tiên là trở thành những công dân đủ tư
cách thực thụ, sau đó mới là tiếp thu những lý tưởng có ý nghĩa dài lâu.
Trở thành người công dân đủ tư cách ư ? Quả là một quan niệm cổ lỗ sĩ.
(8)
Người Mỹ hay làm ầm ĩ mỗi khi phát hiện ra một bệnh tật nho nhỏ. Đầu
tiên là họ hẹn gặp bác sĩ, sau đó bác sĩ kê đơn. Một số người lại còn
phải theo lời khuyên của một dược sĩ có bằng cấp nữa. Khi mua thuốc họ
lại phải tự mình tới hiệu thuốc để lấy chúng mà mọi việc diễn ra không
chóng vánh như ở Trung Quốc… Tôi không hiểu tại sao lại phải tách bạch
riêng việc khám bệnh với việc mua thuốc… thay vì tách riêng lợi nhuận
khỏi trách nhiệm. Rõ ràng là các bệnh viện Hoa Kỳ không có khái niệm về
phương pháp kiếm tiền! Sao không nói cho bệnh nhân tên thuốc luôn đi?
…Như thế họ sẽ độc quyền việc bán thuốc và tăng giá thuốc lên 8 hay 10
lần. Có biết bao nhiêu cơ hội kinh doanh tốt mà họ không biết tận dụng.
Rõ ràng là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là thứ đã chết rồi.
(9)
Ý kiến công chúng Mỹ là thứ dở hơi. Nhiều lúc tôi đã mất kiên nhẫn vì
sự ngu dốt và xuẩn ngốc của họ. Chẳng hạn như khi họ biết là Trung Quốc
có các đài truyền hình và báo chí thì họ đã hỏi tôi một cách ngu dốt
rằng: “Trung Quốc cũng có báo chí cơ à?!”. Đó quả thực là một sự sỉ
nhục; chúng ta không chỉ có các tờ báo bằng tiếng Trung được Bộ Tuyên
truyền cho phát hành một cách tỷ mỉ, kỹ lưỡng; khi nhìn vào các tờ báo
của chúng ta cũng chẳng khác gì nghe quốc ca, không hề giống với các tờ
báo của Hoa Kỳ chứa một mớ lộn xộn ý kiến quần chúng, thậm chí dám lăng
mạ đích danh Tổng thống.. (ở Trung Quốc) chúng tôi không bao giờ đăng
tin các vụ sì –căng- đan liên quan tới các lãnh đạo; bởi vì sau đó ai sẽ
còn muốn làm lãnh đạo nữa ?...
(10) Người Mỹ về
phương diện tinh thần là trống rỗng. Điều mà tôi không thể chịu nổi đó
là: đa số người Mỹ nói câu cảm tạ trước mỗi bữa ăn và họ nguyện cầu một
cách ngây thơ “Chúa phù hộ cho nước Mỹ”. Thật là buồn cười; nếu như Chúa
phù hộ cho nước Mỹ thì tại sao nước Mỹ lại bị lạc hậu, thô sơ và đơn
giản đến như vậy? Cầu Chúa Trời phỏng có ích lợi gì không? Thực tế hơn
là nên dành thời gian cầu nguyện đó mà đi lễ thủ trưởng của bạn! Đó mới
là cái cách thời thượng…
(11) Người Mỹ không có
khái niệm thời gian. Với bất kể thứ gì, họ đều đứng vào hàng để chờ đợi…
Người Trung Quốc chúng ta thông minh hơn, các bạn hẳn đã thấy đấy.
Không quan trọng đám đông như thế nào,chúng ta vẫn có kỹ năng chen vào
đâu đấy, và điều đó giúp cắt giảm khối thời gian mà lại tránh mệt mỏi do
phải đứng chồn chân! Nếu ai đó biết cách đi cổng sau thì còn tiết kiệm
nhiều thời gian hơn nữa. Những người Mỹ cổ hủ hoàn toàn không biết làm
điều này.
(12) Cửa hàng ở Mỹ thật vô nghĩa: bạn
vẫn có thể trả lại hàng sau khi mua vài tuần mà không có lý do gì. Sao
lại có thể trả lại hàng hóa cơ chứ khi mà không cần thuyết phục tôi dù
chỉ trong chốc lát?...
(13) Nước Mỹ không an
toàn, 95% nhà dân quên lắp đặt lưới, cửa ra vào, cửa sổ chống trộm; điều
kỳ lạ nữa là tất cả lũ trộm cắp móc túi đi đâu mất tiêu rồi?
(14)
Người Mỹ vốn nhút nhát và yếu đuối. 95% lái xe đều không dám vượt đèn
đỏ… mặc dù 99% người lớn ở Hoa Kỳ đều sở hữu xe ô tô và phương pháp lái
xe của họ thì rất lạ: có bao nhiêu là xe trên đường thế nhưng bạn không
thể nghe thấy một tiếng còi xe, phố xá thật im lìm tĩnh lặng như thể
không phải là phố nữa. Không thấy sự năng động ồn ào của một thành phố
thủ phủ cấp tỉnh ở Trung Quốc.
(15) Người Mỹ
thiếu xúc cảm. 95% nhân viên không nghĩ về việc phải làm gì cho tiệc
cưới của cấp trên cho nên họ chẳng bao giờ tìm cớ để quan tâm, chăm sóc
lãnh đạo của mình; ở Trung Quốc liệu có chuyện quần chúng bỏ qua cơ hội
chăm sóc thủ trưởng của mình không? Nói theo cách khác, ai ở Trung Quốc
lại dám làm điều này? Hãy nhìn xem chúng tôi có bao nhiêu là tình cảm.
(16)
Người Mỹ không nhạy cảm. 99% dân Mỹ đi học rồi kiếm việc làm, thăng
tiến và hoạt động mà không biết về sự cần thiết phải đưa “hồng bao”
(phong bì chứa đầy tiền mặt) để đi lối sau…
(17)
Hãy nhìn vào bức hình ở trên, điều này là đủ lý do để chúng ta coi
thường nước Mỹ! Trong khi đang săn đuổi Bin Laden thì Obama và các thuộc
cấp của ông ta đang chăm chú vào màn hình truyền hình ảnh trực tiếp do
vệ tinh đưa về trong phòng Tình huống của Nhà Trắng. Cảm tưởng của tôi
là:
1. Các thuộc cấp Hoa Kỳ không tôn trọng lãnh
đạo của họ một cách đúng mức và thậm chi còn dồn ép vị Tổng thống đáng
trân trọng của họ phải nép mình ngồi trong góc nhà. Obama đáng thương,
thật không bằng cả anh trưởng thôn của Thiên triều Trung Hoa ( 天朝).
2.
Căn phòng Tình huống của Nhà trắng đúng là một thứ huênh hoang khoác
lác. Nó vừa bé lại không được trang trí nội thất khác thường, đúng là
không tương xứng với phong cách của một cường quốc. Một căn phòng cơ
quan cấp thị trấn của Thiên triều ( Trung Quốc- ND) có lẽ còn to hơn,
sang trọng hơn rất nhiều.
3. Không có các đĩa
hoa quả hoặc nước giải khát, không có… thuốc lá đắt tiền… và đó mà lại
là nền kinh tế số 1 thế giới ư, ha, ha!
D.W.
Phạm Gia Minh dịch từ Tea Leaf Nation một trang mạng liên kết đối tác của tờ Atlantic.
Thăng long – Hà nội 12/09/2012
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
Nước Mỹ có thể mất bất cứ
lúc nào
Phiếm luận
Hôm đến thăm tòa soạn báo
Người Việt (California), một chị trong Ban biên tập hỏi mình:
“Cảm tưởng của anh từ khi sang
Mỹ?”, mình trả lời luôn:
-Tôi có cảm giác như nước Mỹ mất bất cứ lúc nào.
Mọi người tròn mắt hoảng sợ,
chờ mình giải thích. Không phải mình rủa cho thằng đế quốc này nó chết đi đâu,
nhưng nói có cơ sở hẳn hoi nhé.
Nguy cơ của nước Mỹ bắt đầu
ngay từ khâu tuyên truyền. Ai đời một quốc gia to tổ bố mà cái tên chỉ nhõn một
chữ: Mỹ. Ít ra, phải có mỹ từ nào đó đi kèm như “Nhân dân” trong
quốc hiệu Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, “Dân chủ” trong Cộng hòa dân chủ nhân
dân Triều Tiên hoặc “Xã hội chủ nghĩa” trong Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
chứ.
Không có những chữ ấy
đã đành, còn không có cả mục tiêu, kiểu như hướng tới “dân giàu, nước mạnh,
xã hội công bằng, dân chủ văn minh” nữa. Sợ cộng sản chế giễu à? Thì cứ hô
lên, thiên hạ không tin thì cũng có vài thằng tin. Vài thằng còn hơn không. Sợ
không phấn đấu được à? Thì cứ nói đại, còn dân không giàu, nước không mạnh,
cũng chẳng có độc lập, không có tự do hạnh phúc thì đã chết ai. Hình như người
Mỹ chẳng biết đến câu: “điều gì không đúng, nói mãi rồi người ta cũng tin”
Ở các đường phố Mỹ,
người ta không biết trương lên các băng rôn điện tử như “Nước Mỹ muôn năm”,
“đảng (đảng gì nhỉ, hi hi) quang vinh muôn năm” hay “Tổng thống Washington sống
mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Cờ Mỹ chỉ treo ở công sở, không chịu mang
cắm phần phật ra hai bên đường để nhắc nhở đây là nước Mỹ bao giờ.
Thời gian mình ở Mỹ, cả 3
buổi sáng, chiều, tối, không làm việc thì cũng giao tiếp nên thường xuyên long
nhong trên đường. Mặc dù trước khi sang đây mình ra sức hình dung nhưng không
tránh khỏi những điều lạ, nó chẳng giống như môi trường quen thuộc mình đã
sống. Vì thế, mình càng lo cho nước Mỹ.
Đất nước gì mà ngay cả thủ đô
cũng chẳng thấy mống cảnh sát nào, cứ
như là một vùng đất hoang không có ai quản lý vậy. Lúc anh lái xe chở mình từ
sân bay về chỗ ở, chỉ thấy xe hơi là xe hơi. Dân cứ thế lái, chẳng có ai chỉ
đường, phân luồng hay giám sát giao thông. Mình căng mắt ra nhìn vào lề đường
với hy vọng túm được chú cảnh sát nào đó đang núp lùm. Nhưng hỡi ôi, cây thì
nhiều nhưng toàn là cây thưa lá, thì núp ở đâu. Mãi rồi cũng thấy có một chỗ
khuất. Mình nhắc khéo anh lái xe:
-Chầm chậm thôi anh, coi
chừng lùm cây, chú ý cảnh sát…
Anh quay sang mình 1 giây như
không hiểu gì rồi lại chăm chú vào tay lái.
Mãi rồi quen. Đúng là ở Mỹ, họ không cho cảnh sát đứng đường thật. Mà không cho đứng đường thì làm gì có thu nhập thêm. Không có thu nhập thêm thì làm sao khuyến khích được sự tận tụy của nhân viên cộng lực. Cảnh sát sẽ sinh ra trễ nải với công việc thì bảo vệ chế độ làm sao. Lẽ ra phải có chính sách kích thích họ sao cho ngày nghỉ cũng tranh nhau đi làm nhiệm vụ, lăm le trực thay đồng nghiệp khi đồng nghiệp mới chỉ nhức đầu, sổ mũi. Chiến sĩ không có thu nhập thêm thì lấy chi cống nạp, sếp tiêu bằng cái gì ngoài lương, chỉ đạo phá án làm sao mà sáng suốt được. Ở Việt Nam, ấy chết, nói nhầm, ở nước khác á, điều một cảnh sát ra đứng đường sếp thu ít ra cũng dăm nghìn đô. Tiêu hết, sếp lại “luân chuyển cán bộ”, thu thêm. Thế mới biết Mỹ to xác nên ngờ nghệch, làm sao nghĩ ra được những cái mẹo ấy.
Mãi rồi quen. Đúng là ở Mỹ, họ không cho cảnh sát đứng đường thật. Mà không cho đứng đường thì làm gì có thu nhập thêm. Không có thu nhập thêm thì làm sao khuyến khích được sự tận tụy của nhân viên cộng lực. Cảnh sát sẽ sinh ra trễ nải với công việc thì bảo vệ chế độ làm sao. Lẽ ra phải có chính sách kích thích họ sao cho ngày nghỉ cũng tranh nhau đi làm nhiệm vụ, lăm le trực thay đồng nghiệp khi đồng nghiệp mới chỉ nhức đầu, sổ mũi. Chiến sĩ không có thu nhập thêm thì lấy chi cống nạp, sếp tiêu bằng cái gì ngoài lương, chỉ đạo phá án làm sao mà sáng suốt được. Ở Việt Nam, ấy chết, nói nhầm, ở nước khác á, điều một cảnh sát ra đứng đường sếp thu ít ra cũng dăm nghìn đô. Tiêu hết, sếp lại “luân chuyển cán bộ”, thu thêm. Thế mới biết Mỹ to xác nên ngờ nghệch, làm sao nghĩ ra được những cái mẹo ấy.
Cảnh sát đã vậy, còn
tình hình dân phòng cũng không khá hơn. Vào các khu thương mại và ở cả những
chỗ hàng quán quây ra vỉa hè nữa, chẳng thấy dân phòng vung vẩy dùi cui đuổi
chợ. Mà lực lượng này cần gì phải trả lương, vì nó tự trang trải được. Nó đói
thì bắt trứng lộn, trái cây mà ăn, khát thì bắt coca, pepsi mà uống, no rồi thì
chia nhau mang về cho vợ tuồn sang chợ khác. Hôm nào dân sợ quá, không dám bày
hàng ra, không có thu nhập gì thì cũng giải quyết được khâu oai, tăng cường nỗi
sợ hãi từ dân đối với Chính phủ. Không nuôi dưỡng lực lượng này, nếu có biến
xảy ra thì huy động sao đây. Cái đám lúc nhúc ấy, nếu sử dụng vào việc dẹp biểu
tình, giải tán đám đông, cưỡng chế đất cũng được việc đáo để đấy.
Mình nhập cảnh vào Mỹ cũng
chẳng ai thèm để ý. Ít ra, mình cũng từ nước cộng sản sang nước đế quốc. Cộng
sản với đế quốc là kẻ thù của nhau, một mất một còn. Mặc dù kiểm tra an ninh
rất kỹ, không phát hiện ra vũ khí, vật dụng kim loại nhưng làm sao biết đầu óc
mình đang nghĩ gì. Lẽ ra, ngay từ sân bay, họ phải cho người theo dõi xem thằng
cha Việt cộng ấy hành tung ra sao, ẩn náu ở đâu, móc nối cấu kết với thế lực
thù địch nào chứ.
Hai ngày đầu tiên, mình
được bố trí ở một nhà ngoại thành. Chủ nhà giành cho mình một phòng riêng, đầy
đủ tiện nghi. Mỗi lần ra khỏi phòng, mình chỉ khư khư tấm hộ chiếu như lá bùa
hộ mệnh, lại còn kẹp sẵn hai tờ 20 đô la vào nữa, phòng khi công an hay tổ
trưởng dân phố đến hỏi thì nhanh nhảu trình ngay để gây thiện cảm.
Chiều tối, mọi người đến chơi
đông lắm. Nhưng mình miệng vẫn nói chuyện còn lòng dạ thì không yên. Nhớ
hôm nhà mình tụ tập đông người, nhờ có “tai mắt của nhân dân” mà bọn chúng biết
Thúy Nga đang ở đây nên mới mai phục đánh cho một trận nhừ tử, gãy cả chân khi
mới ra khỏi nhà mình chừng dăm phút. Nghĩ thế, thỉnh thoảng mình lại ra
ngoài nhìn quanh xem có thấy hàng xóm rình rập gì không. Khách đến chơi, ô tô
để đầy phía trước tức là rất bất thường, không rình thì phí cả cơ hội. Phát
hiện thấy một phần tử người nước ngoài đang ẩn náu ở đây mà trình báo, nếu
không được thưởng thì cũng tăng thêm uy tín với chính quyền chứ lị. Nơi
mình sống, nhà nào có người làm cán bộ chính quyền, công an, hay dân phòng thì
tự hào và yên tâm lắm, khối người nhờ vả. Nếu không có thì tìm cách quen thân.
Nhà mình không thân được ai nên đành chịu.
Cuối cùng, mình lén chốt chặt
cửa lại nhưng thỉnh thoảng vẫn đánh mắt ra phía ngoài, chỉ sợ công an đến kiểm
tra đột xuất. Nghĩ lại hôm 25/9/2013 công an phá cửa nhà mình xông vào
bắt Phương Uyên rồi bắt luôn cả 9 người khác mà kinh hãi đến tận bây giờ.
Nhỡ ra công an Mỹ lấy lý do kiểm tra hộ khẩu, xông vào bắt mình nện cho một
trận rồi tống lên máy bay áp giải về Việt Nam thì hỏng hết việc, chưa ra trận
mà đã thành tù binh.
Khách đã về hết, chỉ còn mình
với chủ nhà. Lúc này đã 10 giờ nhưng không thấy anh có vẻ gì lo đến việc
khai báo lưu trú. Định nhắc, lại sợ anh cho mình là nhà quê. Mình đành
gợi ý khéo bằng cách tỏ ra rằng mình có rất thể là đối tượng cảnh sát quan tâm
để anh đừng quên việc trình báo, mình bảo:
-Ngày xưa tôi có 5 năm ở
chiến trường…
Có vẻ như anh chẳng để ý gì,
mình tỏ ra nguy hiểm hơn:
-Tôi ra trận, đánh nhau hăng
lắm, cũng được mấy danh hiệu dũng sĩ.
Nhưng anh chỉ bảo:
-Từ chiều đến giờ, mải nói
chuyện, anh chưa ăn, tôi làm cái gì cho anh ăn nhé.
Mãi rồi mình cũng biết, ở đây
không có qui định khai báo tạm trú lưu trú gì ráo trọi. Tóm lại, hộ chiếu
của mình chỉ phải chìa ra mấy lần khi xuất, nhập cảnh, ngoài ra chẳng ma nào
thèm hỏi đến. Quản lý lỏng lẻo thế này, làm sao tránh khỏi thế lực thù
địch trà trộn vào dân phá hoại cơ chứ.
Tuy vậy cái dở nhất của nước
Mỹ là làm cho dân nhờn. Quốc hội gì mà ai ra vào tùy thích, tránh sao khỏi mất
thiêng. Lại còn rồng rắn mang theo mỗi người cốc cà phê hay nước uống vào nữa
chứ. Đi cũng uống, ngồi cũng uống, mỏi tay thì để cả lên bàn toàn tài liệu quan
trọng, chẳng ra cái vẻ uy nghiêm của cơ quan quyền lực cao nhất nước gì cả.
Không có hàng rào cảnh sát gườm gườm, đầy sát khí mỗi khi thấy ai có vẻ dân
thường mon men đến gần. Mình ra vào nhà Quốc Hội mấy lần, chỉ thấy họ
kiếm tra xem những thứ mang theo có gì có thể gây ra nguy hiểm thôi chứ không
kiểm tra giấy tờ xem là ai, quan hay dân thường, có ai là đối tượng theo dõi
không, chủ quan đến thế là cùng.
Buổi đầu, mình cứ nem nép đi
theo mấy cháu, thấy chúng nó vào đâu, mình mới dám vào. Sau quen dần, mình xông
khắp nơi, vào cả phòng tổng thống cầu nguyện, đứng ở nơi tổng thống tuyên thệ
nhậm chức chụp ảnh, chụp chán rồi nằm khèo lên đi văng hóng cái không khí thoáng
đãng, chẳng thấy ai thèm nhắc nhở.
Hôm điều trần ở quốc hội, khi
một ông nghị phát biểu, mình thấy bà Sanchez đứng nép sang một bên vui vẻ chờ
đến lượt mình như học sinh chờ lên bảng. Nghe nói bà có nhiều người giúp
việc, thế mà không có đứa nào chạy đi bê ghế xun xoe đặt vào mông bà. Nếu ở
ngoài trời chắc cũng chẳng đứa nào chịu cầm ô che. Hình như đám giúp việc chẳng
hãi bà tí nào, chẳng sợ bà đuổi việc hay sao ấy.
À, còn ở Hollywood, dân
chúng nặn cả tượng tổng thống đương nhiệm bằng sáp mới táo tợn chứ. Obama đứng,
cười nhăn nhở, chìa tay ra cho ai muốn bắt thì bắt. Nhạo báng lãnh tụ còn cách
nào hơn nữa không, hỏi sao dân không nhờn. Mình bắt tay chụp hình xong liền xoa
đầu gã một cái để thử phản ứng nhưng không thấy cảnh sát nào chạy đến xốc nách dong
đi.
Tóm lại, ở Mỹ, hệ thống
chuyên chính vô sản, à quên, chuyên chính… tư sản tê liệt, không phát huy tác
dụng, quan và dân như cùng một lứa, thậm chí quan còn sợ dân, khổ hơn dân. Đó là điểm yếu chết người của nước Mỹ. Nếu
không biết làm cho dân sợ thì sao tránh khỏi chuyện biểu tình không theo định
hướng, rồi cứ đà này, dần dần dân chúng lật nhào chế độ lúc nào không biết ấy
chứ.
21/6/2014
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Ghi chép về chuyến đi Mỹ: 9. Nước Mỹ có thể mất bất cứ lúc nào
No comments:
Post a Comment