Thời
hoàng kim của các tập đoàn quốc tế tại Trung Quốc đang lùi dần vào quá
khứ. Ảnh : Khu tài chính, doanh nghiệp Thượng Hải (Ảnh chụp 20/11/2013).
REUTERS/Carlos Barria/Files
Thời vàng son của các tập đoàn quốc tế tại Trung Quốc nay còn đâu !
Đăng ngày 2014-01-26
Có lẽ do trùng hợp với ngày Tết Nguyên đán, tuần báo Anh
The Economist số đề ngày 25/01/2014 đã dành hồ sơ đặc biệt cho thị
trường Trung Quốc. Trên trang bìa màu đỏ là hình chiếc mặt nạ đen/trắng
biểu thị cho nhân vật dữ trong tuồng Trung Quốc, bên dưới hàng tựa lớn « Trung Quốc mất sức hấp dẫn » kèm theo câu hỏi « Vì sao tình hình ngày càng trở nên khó khăn hơn cho các công ty nước ngoài ».
Bài xã luận trang trong của tuần báo Anh đã nêu bật một số
nguyên nhân khiến cho các tập đoàn đa quốc gia, trước đây rất phấn khởi
với thị trường Trung Quốc, nay đang càng lúc càng thấy rằng làm ăn với
Bắc Kinh không phải là dễ. Nhiều đại công ty quốc tế đã bỏ cuộc, trong
lúc những ai muốn bám trụ thì phải điều chỉnh cung cách kinh doanh.
The Economist đã ngược dòng lịch sử về đầu thập niên 1980, khi đất
nước Trung Quốc – thời Đặng Tiểu Bình - bắt đầu mở rộng vòng tay chào
đón các doanh nghiệp ngoại quốc, sau khi nền kinh tế bị chính sách tai
hại của Mao Trạch Đông đánh gục, và khi mơ ước của người Trung Quốc chỉ
đơn giản là có được bốn thứ : Xe đạp, máy may, quạt máy và đồng hồ.
Chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình đã nhanh chóng biến Trung Quốc
thành một trong những thị trường lớn nhất và phát triển nhanh nhất trên
thế giới. Và trong ba thập kỷ qua, các tập đoàn đa quốc gia đã đổ xô vào
vùng đất hứa này. Thế nhưng hiện nay, cơn sốt có vẻ như đã hạ hẳn
xuống, cho dù trong một chừng mực nào đó, thị trường Trung Quốc vẫn
thuộc diện hấp dẫn nhất thế giới, nơi mà GM và Apple, hai tập đoàn lớn
của Mỹ, đã thu được những món lợi nhuận béo bở.
Thế nhưng, theo The Economist, đối với nhiều công ty nước ngoài khác,
mọi thứ đang trở thành khó khăn hơn, một phần là do tăng trưởng kinh tế
Trung Quốc đang giảm sút, trong khi chi phí nhân công lại đang tăng
lên. Công nhân trẻ lành nghề càng lúc càng khó kiếm, và nếu kiếm được
thì tiền lương phải trả lại tăng vọt.
Khó khăn cũng đến từ phía chính phủ Trung Quốc, càng lúc càng gây khó
dễ cho các doanh nghiệp ngoại quốc trong một số lĩnh vực. Họ đã giới
hạn ngành ngân hàng và chứng khoán đối với các tập đoàn nước ngoài. Họ
cũng đã chặn đường các công ty internet, trong đó có Facebook và
Twitter, và bắt đầu chĩa mũi dùi vào các hãng chuyên về phần cứng như
Cisco, IBM và Qualcomm, đặc biệt từ sau các tiết lộ của Edward Snowden.
GlaxoSmithKline, một hãng dược phẩm, đang vướng vào một cuộc điều tra
tham nhũng ; Apple vào năm ngoái đã bị buộc phải xin lỗi một cách nhục
nhã vì sơ ý trong vấn đề bảo hành sản phẩm ; dây chuyền cà phê
Starbucks thì bị các phương tiện truyền thông nhà nước cáo buộc là bán
hàng với giá cắt cổ. Vào tháng Ba tới đây, một đạo luật bảo vệ người
tiêu dùng một cách chặt chẽ sẽ có hiệu lực,và khi ấy, các tập đoàn đa
quốc gia sẽ lại trở thành đối tượng của một đợt tấn công mới.
Nguyên nhân khó khăn thứ ba, theo tuần báo Anh, là sự cạnh tranh đang
càng lúc càng khốc liệt. Vốn đã là chiến trường ác liệt nhất thế giới
của các thương hiệu toàn cầu, nay các tập đoàn đa quốc gia đang phải đối
mặt với các doanh nghiệp Trung Quốc.
Một số tập đoàn Trung Quốc đang vươn lên trên trường quốc tế, như
Tiểu Mễ (Xiaomi) và Hoa Vi (Huawei) đã đưa ra được những chiếc điện
thoại thông minh đẳng cấp thế giới, hay Tam Nhất (Sany) với những loại
máy công cụ chẳng thua kém gì Hitachi và Caterpillar.
Cái khó cho các tập đoàn ngoại quốc là nhìn chung, người tiêu dùng
Trung Quốc chưa có thói quen trung thành với một thương hiệu nhất định,
và nhờ sự phát triển của Internet, họ có thể so sánh và trở thành những
khách hàng thuộc loại khó tính nhất trên thế giới.
Một số công ty đã lần lượt tháo chạy. Tháng 12 vừa qua, Tập đoàn mỹ
phẩm Revlon cho biết là họ sẽ rút khỏi Trung Quốc. Đối thủ cạnh tranh
của họ là L'Oréal, công ty mỹ phẩm lớn nhất thế giới, cũng cho biết là
họ sẽ ngừng bán Garnier, một trong những thương hiệu chính của họ. Best
Buy, một nhà bán lẻ điện tử của Mỹ, và Media Markt, một đối thủ cạnh
tranh người Đức, cũng đã bỏ cuộc, tương tự như Yahoo, một tập đoàn
internet khổng lồ…
Các công ty còn cố bám trụ thì đang gặp khó khăn. Vào đầu tuần này,
tập đoàn máy tính IBM cho biết doanh thu tại Trung Quốc giảm 23% trong
quý cuối cùng của năm 2013. Rémy Cointreau, hãng rượu của Pháp thì cho
biết doanh số bán hàng loại Cognac Rémy Martin của họ đã giảm hơn 30 %
trong ba quý đầu tiên của năm ngoái vì sự sụt giảm tiêu thụ ở Trung
Quốc... Danh sách này ngày càng dài.
Đối với The Economist, thực tế đã rõ, thời kỳ vàng son của các tập đoàn ngoại quốc tại Trung Quốc đã qua rồi.
Đời tư và « đời công » của Tổng thống Pháp trên mặt báo
Tạp chí Pháp tuần này dành trang bìa cho những chủ đề thời sự khác
biệt, L’Express quan tâm đến hiện tượng ‘tinh thần suy sụp’, một căn
bệnh mới của thời đại, mà một người trên 5 trong tuổi lao động bị đe
dọa. Le Nouvel Observateur nêu bật ‘quyền lực’ của giới chuyên săn ảnh
đời tư paparazzi, với ảnh Tổng thống Pháp François Hollande đi mô-tô bị
nhắm trong ống kính.
Phải nói ông Hollande rất được các tạp chí quan tâm, không chỉ riêng
về đời sống riêng tư mà cả trên bình diện chính trị, chính sách, nhất là
việc ông Hollande trở lại với chính sách tiết kiệm như Đức từng chủ
trương, cắt giảm chi tiêu xã hội. Le Nouvel Observateur dành trang xã
luận cho tương lai của ông Hollande và trong hồ sơ chính trị dài nêu câu
hỏi : « Ông Hollande có còn ở cánh tả hay không ? ».
Tạp chí Courrier International trong hàng tựa trang bìa nhìn thấy là
báo giới nước ngoài ‘không’ hài lòng về ông Hollande, mà báo Đức gọi là
người bạn mới của bà Merkel. Báo Bồ Đào Nha nói đến cánh tả thất vọng,
trong lúc báo Tây Ban Nha thì nhìn thấy thành trì cuối cùng (của các
đảng Xã hội) đã đến hồi bị phá bỏ.
Thái Lan : Khủng hoảng đe dọa nền dân chủ
Cũng về Châu Á, tạp chí Courrier International nhìn qua Thái Lan và
tỏ ý e ngại cho nền Dân chủ bị đe dọa trong cuộc khủng hoảng chính trị
kéo dài từ 3 tháng nay. Tạp chí đăng bài xã luận của nhật báo Thái Lan
Bangkok Post, phân tích tình hình và không thấy lối thoát : Trước mắt,
tình trạng khẩn cấp được ban hành trong hai tháng trên toàn Thái Lan,
cho phép chính quyền kiểm duyệt truyền thông, cấm tụ họp nơi công cộng
và bắt giam người, trong khi cuộc bầu Quốc hội trước thời hạn được dự
kiến vào ngày 02/02 tới đây.
Điều làm tác giả bài báo e ngại là tình hình bế tắc, khủng hoảng kéo
dài, chưa thấy lối thoát ra sao. Nguyên nhân, theo bài báo, là các đảng
chính trị đã không biết thích ứng với thay đổi của xã hội.
Để trả lời câu hỏi vì sao Thái Lan lâm vào tình cảnh hiện nay, tác
giả bài báo nhìn lại xã hội Thái, phân tích là đã có những thay đổi
triệt để trong các thập niên qua : Trước tiên, thu nhập của người dân đã
tăng lên, người Thái bây giờ giàu gấp 3 lần so với ông cha. Ước vọng
của họ đã thay đổi, đòi hỏi của họ đối với chính quyền cũng nhiều hơn.
Được đi bầu, họ đã ý thức về quyền hạn của họ qua lá phiếu, họ muốn có
tiếng nói. Người dân ở tỉnh, ở nông thôn đã ý thức họ là những người
đóng góp nhiều vào ngân sách quốc gia.
Dù biến chuyển một cách triệt để, nhưng xã hội Thái vẫn còn mâu thuẫn
giữa người thành thị và nông thôn. Một tầng lớp dân thành thị vẫn xem
thường người nông thôn, không chấp nhận là những người này có thể đòi
hỏi quyền lợi, đòi có tiếng nói trên diễn đàn chính trị.
Còn các đảng phái, qua chương trình hành động và cách điều hành công
việc, đã cho thấy là họ không thích ứng được với thay đổi của xã hội, mà
thường hành động như những nhóm « lợi ích », điều hành sao có lợi cho
mình mà thôi. Đánh giá về đảng cầm quyền, tác giả bài báo cho là đảng
Thai Rak Thai của cựu Thủ tướng Thaksin là đảng đầu tiên đã đưa ra một
chương trình sát gần người người dân và được ủng hộ, nhưng đảng này lại
thiếu tầm nhìn trên phương diện thuế khóa, tài chính. Đảng hậu thân Peuh
Thai của Thủ tướng Yingluck, em gái của ông Thaksin, đã cho thấy là họ
không vững vàng, phạm nhiều sai lầm, mất uy tín, nhất là trong vụ luật
ân xá.
Đảng đối lập, đảng Dân Chủ càng bị chỉ trích nặng nề hơn. Tác giả bài
báo khó chấp nhận việc một đảng có thể tẩy chay cuộc bầu cử vì sợ thất
cử. Đảng này vịn cớ là có những vụ mua phiếu, nhưng thật ra là đảng này
không có một chương trình có sức thuyết phục. Trong mắt tác giả bài báo,
đảng Dân Chủ rất giỏi trong việc xây dựng quan hệ với giới quyền thế
hơn là chú tâm tìm kiếm hậu thuẫn của cử tri.
Cuối cùng thì tác giả bài xã luận nhận thấy dù cuộc bầu cử có diễn ra
đi chăng nữa, thì sau đó khó có thể đưa ra chính sách nào để giải quyết
khủng hoảng. Tuy nhiên cũng có những tia hy vọng là trong tình hình
hiện nay, ngày càng nhiều người Thái chấp nhận cải tổ, nhưng việc soạn
thảo, đưa ra cải tổ và thực hiện sẽ phải mất nhiều thời gian.
Thái Lan : Áo đỏ tẩy chay bia Thái Singha
Tạp chí Courrier còn minh họa cuộc tranh chấp hiện nay bằng một sự
kiên kinh tế xã hội : phe áo đỏ ủng hộ chính quyền đã tẩy chay một nhãn
hiệu bia nổi tiếng Thái Lan, bia Shinga. Nguyên nhân là vì một người
trong gia đình chủ nhân, bà Chitpas Bhirombhakdi, là người cho là rất
năng nổ trong các cuộc biểu tình của phe đối lập và nhất là bà có một
đánh giá đã làm phật lòng những người ở nông thôn : Phát biểu trong một
cuộc biểu tình bà đã dám cho là ‘nhiều người Thái không hiểu gì về dân
chủ, đặc biệt là vùng nông thôn.
Phát biểu này theo bài báo, không được bà Chitpas xác nhận, nhưng nó
đã làm dấy sự tức giận nhất là ở vùng Đông bắc của phe Áo đỏ. Họ chỉ
trích ngược lại bà Chitpas là kẻ giàu có, biểu tượng thành phần thượng
lưu Bangkok, bám lấy quyền lợi lạc hậu và không hiểu biết gì về nông
thôn cả. Và họ quyết định tẩy chay bia Shinga mà người Thái đến nay rất
ưa chuộng. Sự kiện này càng minh họa cho hố sâu giữa tầng lớp nông thôn
và thành phần được đánh giá là trung lưu thành thị.
Người già Nhật Bản sập bẫy mafia Trung Quốc
Ngoài Thái Lan, tạp chí Courrier International còn nhìn sang Nhật
Bản, nơi những người cao niên bị mafia Trung Quốc lừa đảo. Phương thức
lừa đảo rất tinh vi, như tờ báo chạy tựa : « Đơn giản như một cú điện thoại ». Quả
thật các vụ lừa đảo được thực hiện qua điện thoại gọi từ Trung Quốc !
Tạp chí Courrier International trích dẫn báo Nhật Asahi Shimbun thuật
lại câu chuyện do chính một kẻ lừa đảo kể lại.
Bài báo trước tiên mô tả cảnh khoảng một chục người Nhật ở trong một
tòa nhà chọc trời ở Phúc Kiến, Trung Quốc, bám vào điện thoại vẻ đang
thuyết phục kẻ bên kia đầu giây. Những người họ nói chuyện được biết là
những người cao niên ở tại Nhật Bản.
Những người lừa đảo qua điện thoại này được gọi là Kakeko – tức là kẻ
gọi (điện thoại), họ được một ‘ông chủ’ Trung Quốc thuê mướn, hoạt động
theo từng nhóm 3 hay 4 người, phối hợp nhịp nhàng. Họ được trao một
danh sách tên những người cần lừa đảo ở Nhật, thường là những người trên
60. Họ gọi qua đường dây trên mạng, ít tốn tiền, khó bị phát hiện hơn.
Cách thức đánh lừa : Một người giả danh là cảnh sát, thông báo với
người bị lừa là có tiền bất chính được đưa vào trương mục, nếu không
muốn tài sản bị phong tỏa thì phải làm thủ tục điều chỉnh, và một nhân
viên ngân hàng sẽ giải thích thủ tục cần làm. Thế là đến lượt nhân viên
ngân hàng giả mạo lên tiếng, hỏi khỏan tiền mà nạn nhân có, yêu cầu rút
ra để chuyển lại cho một lãnh đạo ngân hàng. Đến đây thì một nhân vật
thứ 3 xuất hiện, với danh nghĩa là một luật sư, trấn an nạn nhân là tất
cả các điều này là hợp pháp. Khi mọi chuyện đã xong, họ báo lên người
‘xếp’, một người Trung Quốc nói tiếng Nhật. Người này gọi ngay đến một
căn cứ ở Nhật, để một ‘lãnh đạo ngân hàng’ đến nhà nạn nhân nhận tiền.
Theo lời kể của một người kakeko đã làm công việc này, thì một người
Trung Quốc nói tiếng Nhật như nói trên quản lý, giám sát mọi việc. Các
kakeko phải theo những quy định chặt chẽ : Họ phải gọi liên tục không
được nghỉ, có khi gọi đến 300 lần trong ngày ; và mọi người phải ăn tại
một nhà hàng quy định, mỗi khi muốn đi ra phố thì phải xin phép, vì
người quản lý giữ chìa khóa, và ở ngoài đường họ không được nói tiếng
Nhật.
Theo giao ước, thì mỗi vụ thành công, người kakeko được hưởng 5% tiền
lừa. Có người trong ba tháng đã nhận được 5 triệu yen, tức đã lừa được
đến 100 triệu yen. Người Kakeko kể lại câu chuyện đã thừa nhận là trong
số nạn nhân của anh, có một cụ già 90 tuổi. Phương thức lừa đảo này đã
khá thành công, theo bài báo, danh sách người cao niên ở Nhật ngày càng
dài ra, tổ chức lừa đảo ngày mở rộng hoạt động và thuê thêm người.
Những tổ chức lừa đảo như ở Phúc Kiến cũng có tại các thành phố Trung
Quốc khác như ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên, và chỉ nhắm vào người ở
Nhật Bản, vì lừa người ở Trung Quốc dễ bị phát hiện hơn và cũng dễ bị
tử hình.
No comments:
Post a Comment