Tuesday, January 14, 2014

(513) Người đàn bà chiếm đoạt 4.000 tỷ nổi bật ở tòa

Ra tòa với áo sơ mi hồng cánh sen và mái tóc tém, Huỳnh Thị Huyền Như nổi bật trong 23 bị cáo của vụ chiếm đoạt số tiền được cho là lớn nhất từ trước đến nay. ($US 1M khoảng 20 tỷ VN)
Khoảng 7h30, Huỳnh Thị Huyền Như (sinh 1978) cùng các bị cáo được đưa đến TAND TP HCM trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của lực lượng cảnh sát. Hàng chục luật sư và những người liên quan ngồi chật kín phòng xử rộng nhất của Tòa thành phố.
huynh-thi-Huyen-Nhu-1-3166-1388978510.jp
Huyền Như nổi bật trong số 23 bị cáo tại tòa. Ảnh: Hải Duyên.
Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Đức Sáu, Chánh Tòa Hình sự TAND TP HCM. Theo thông tin từ tòa án, khoảng 50 luật sư đã làm thủ tục tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích cho các bị cáo cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan trong vụ án. 
Ngoài 23 bị cáo còn có 15 nguyên đơn dân sự, bị hại và 80 tổ chức, cá nhân được được triệu tập đến tòa với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong đó có hơn chục ngân hàng và cán bộ của các ngân hàng có hành vi nhận tiền chênh lệch ngoài hợp đồng trong các phi vụ với Huyền Như.
Theo nội dung vụ án, năm 2007, Như vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức cá nhân với lãi suất cao để đầu tư kinh doanh bất động sản ở nhiều tỉnh thành. Từ năm 2010, do việc kinh doanh thua lỗ, mất khả năng trả nợ, Như đã lợi dụng quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ giả danh Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM huy động tiền của các ngân hàng, nhiều công ty và cá nhân rồi chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng.
Giúp sức đắc lực cho Như trong vụ án, Võ Anh Tuấn - nguyên phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè bị cho là đã nhận lót tay lên đến hàng chục tỷ đồng. Ngoài ra, sai phạm của một loạt cán bộ ngân hàng cũng góp phần giúp Như chiếm đoạt số tiền khủng này.
Với vai trò là người cầm đầu, Như bị truy tố 2 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với mức án tối đa là chung thân. Võ Anh Tuấn cùng 21 bị cáo khác bị xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 6/1 đến 25/1. 
huyen-nhu-infographic.jpg
Hải Duyên
Ranh giới 'tiền bẩn' giữa chúng ta và Dương Chí Dũng, Huyền Như
Một khi chúng ta còn dửng dưng trước “tiền bẩn” thì ranh giới giữa chúng ta với những Dương Chí Dũng, Huyền Như… là rất mong manh, mập mờ.
Sau khi đọc xong những bài viết về Huyền Như - người đàn bà chiếm đoạt 4.000 tỷ , tôi xin có một vài ý kiến đóng góp, giúp độc giả hiểu sâu hơn về vấn đề "tiền sạch - tiền bẩn".
Khi xem phim trinh thám hình sự, người ta thường gọi “tiền bẩn” là tiền của các tổ chức tội phạm, mafia, cướp bóc, giết người, buôn lậu... Điều đó đúng, song trong thực tế, định nghĩa “tiền bẩn” rộng mà đơn giản hơn rất nhiều.
“Tiền bẩn” đơn giản là tiền mà người cầm nó không thể công khai nguồn gốc, vì rằng “tiển bẩn” được tạo ra bằng hoạt động phi pháp, phi đạo đức hoặc không kê khai đóng thuế. Như thế rõ ràng không chỉ giới tội phạm mới dùng “tiền bẩn”, mà “tiền bẩn” có thể đang len lỏi trong ví tiền của mỗi chúng ta.
Khi “tiền bẩn” tạo ra từ hành vi phạm pháp như tham nhũng, lừa đảo, buôn lậu, cướp bóc… thì sẽ bị luật pháp xử lý. Những người làm ra, sử dụng hay tiêu thụ đồng tiền ấy có thể sẽ đứng trước vành móng ngựa một ngày nào đó, họ sẽ phải lãnh án và chịu sự trừng phạt, xã hội phẫn nộ và công luận cảm thấy thích đáng. Song chúng ta đang rất bình tâm và xem điều đó thật “hiển nhiên” đối với các nguồn “tiền bẩn” khác.
Ở các nước có nền giáo dục tiên tiến, họ dành ít nhất 10% thời gian đào tạo chuyên môn để giảng dạy về đạo đức nghề nghiệp. Các chứng chỉ chuyên ngành quốc tế thường chấm điểm đạo đức nghề nghiệp bằng 30% điểm thi xét duyệt.
Tôi nhìn qua các chương trình đào tạo của Việt Nam và tìm xem môn “Đạo đức” nằm ở đâu thì câu trả lời là chẳng thấy đâu. Chúng ta dừng môn Đạo đức từ cấp 1, môn Giáo dục công dân thì đào tạo nhiều về luật pháp hơn là đạo đức.
Phạm trù của đạo đức rộng hơn luật pháp rất nhiều. Các chương trình bậc trên phổ thông hầu hết toàn “lờ” đi đạo đức nghề nghiệp. Tôi lấy ngành Tài chính – Ngân hàng – Bất động sản, những khối đá tảng đang đè nặng lên nền kinh tế làm ví dụ.
Nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng ngày nay phải chăng một phần lớn là do sự băng hoại trong đạo đức? Có phải chăng cán bộ ngân hàng “mắt nhắm hờ” trước các chuẩn mực về quản trị rủi ro và đạo đức nghề nghiệp khi xét duyệt cho vay, dẫn đến những khoản nợ xấu khổng lồ?
Họ chưa chắc vì tham nhũng, chưa chắc vì nhận được những phong bì dày cộp tiền đô mà đặt bút ký, đơn thuần chỉ vì chỉ tiêu doanh số, rất nhiều trường hợp vì cả nề “người thân”, “chỗ quen biết” hay “trả nợ ân tình”.
Đâu rồi quy tắc chống mâu thuẫn lợi ích, đâu rồi tính độc lập? Họ, những kẻ biết trước thông tin nội bộ, tình hình tài chính doanh nghiệp, điên cuồng lao theo cơn sốt chứng khoán, vơ vét tiền và phất lên một cách chóng mặt vì những “lợi thế vô hình”.
Đâu rồi nguyên tắc bảo mật, giao dịch bằng thông tin nội bộ? Khi hành vi các cổ đông nội bộ bán cổ phiếu “chui” mà chỉ bị phạt hành chính thì cơ hội tạo ra “tiển bẩn” vẫn còn thênh thang.
Họ, những “nhà đầu tư” bất động sản, chân ướt chân ráo chẳng biết xây ngôi nhà bắt đầu tư đâu, nhưng nắm trước thông tin quy hoạch, “quen biết” và có thể “ảnh hưởng” đến chính sách… nên ồ ạt đổ tiền vào dự án. “Tiền bẩn” phi đạo đức từ ấy mà tuôn trào, lên lỏi và tràn ngập.
Đối tượng cuối cùng tạo ra “tiền bẩn” – tiền không kê khai đóng thuế thì còn nhiều, nhiều hơn tất cả. Bà bán nước ngoài kia, có thể lao động rất “chân chính” và đáng trân trân trọng. Song hàng hóa bà bán ra phải nộp VAT, thu nhập cá nhân phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Vì trước pháp luật, người lương 100 triệu/tháng và bà bán nước phải được đối xử như nhau.
Nền kinh tế Việt Nam chứa đựng một “guồng máy” khổng lồ những giao dịch tiền mặt, không hóa đơn, không kê khai, không nộp thuế. Hãy dạo quanh những chợ đầu mối lớn ở Hà Nội, TP HCM, hay các tỉnh, mỗi ngày giao dịch ở những nơi ấy lên tới hàng trăm tỷ đồng không được kê khai đầy đủ. Nếu nói một cách thẳng thắn, đó cũng là “tiền bẩn”.
Xin lỗi, tôi xin được nói thẳng, ông lão ăn xin kiếm 25 lượng, đó là “tiền bẩn”. Do đó khi các chuyên gia thống kê GDP, tôi không nghĩ con số ấy chính xác. Thực tế chúng ta “giàu” hơn so với con số thống kê chính thức nhiều, rất nhiều là đằng khác.
Đã đến lúc, các bạn hãy mở ví mình ra, nghiệm xem trong ấy bao nhiều tờ là “tiền bẩn”. Một khi “tiền bẩn” còn lấn át tiền sạch thì xã hội còn khó lòng mà phát triển được. Một khi chúng ta còn dửng dưng trước “tiền bẩn” thì ranh giới giữa chúng ta với những Dương Chí Dũng, Huyền Như… là mong manh hoặc rất mập mờ.
Nếu “tiền bẩn” vẫn còn thì chúng ta đừng quá cay đắng vì sao đất nước không thể phát triển giàu mạnh được. “Tiền bẩn” là sự hiển hiện của sự thiếu công bằng xã hội, rằng người ta chưa thể làm giàu chính đáng bằng năng lực và sức cạnh tranh của mình.
Tôi cho rằng “công bằng” không có nghĩa là “cào bằng”, các bạn hãy hiểu như thế. Nếu bạn kiếm nhiều tiền (sạch) hơn, bạn sẽ phải đóng góp nhiều hơn cho xã hội, đó mới là “công bằng” và hãy tự hào về điều ấy.
Một nguyên tắc bất di bất dịch nữa, một khi đã là “tiền bẩn” thì khi sinh ra nó đã bẩn và sẽ mãi mãi bẩn, cho dù bạn có cố gắng “gột rửa” nó như thế nào. Bạn kiếm “tiền bẩn” rồi đưa nó cho con cháu mình, thì chúng đang tiêu “tiền bẩn” và là “đồng lõa” của sự tạo ra “tiền bẩn”. Hãy thử suy nghĩ theo hướng ấy và có ý thức hơn với đồng tiền trên tay mình.
Thạc sĩ Đỗ Chí Hiếu
Tác giả Đỗ Chí Hiếu, sinh năm1983, tốt nghiệp Đại học chuyên ngành QTKD-Tài chính Kế toán tại Đại học Macquarie - Sydney, MBA của ĐH Hawaii.  
Hàng chục nạn nhân bị Vietinbank và Huyền Như lừa trên 5000 tỷ tiền gốc đang phải nín nặng không dám mở miệng sợ bị bắt giam như ACB! (Nín lặng) 
QLB 
- Hãy xem tội trạng của Huyền Như - Nguyên là một Lãnh đạo của Vietinbank và cũng chính nhờ chức vụ này của thị cùng với sự tiếp tay của lãnh đạo Việtinbank mà thị đã lừa đảo trên 10.000 tỷ đồng trong đó có nhiều ngân hàng, ví dụ như Ngân hàng Hàng Hải cũng mang 1.700 tỷ đồng đến 'gởi trứng cho ác', nhưng khi đổ bể thì rất nhiều ngân hàng, trong đó cả Ngân hàng Hàng Hải đã ngậm đắng nuốt cay tự tìm cách để che dấu việc mất mát 'khủng' của mình bằng cách cho công ty của vợ ông Chủ tịch NHHH nhận nợ ... 
Tại sao nạn nhân mà lại phải ngậm đắng nuốt cay một cách khổ nhục gần 100 triệu đô la như vậy? Đơn giản vì các ngân hàng nhìn thấy gương nạn nhân Lý Xuân Hải, Trần Xuân Giá của ACB không những không đòi được tiền mà còn 'vạ' vào thân bị rơi vào vòng lao lý!!! 
Sunday, January 12, 2014 - Có lẽ trên thế giới không có một nơi nào: Cán bộ ngân hàng lừa đảo, nhưng Ngân hàng lại vo can, nghiễm nhiên quỵt nợ và nạn nhân thì lần lượt bị bắt bị khởi tố bởi được tiếp tay bởi chính Thống đốc Nguyễn Văn Bình và bằng tiền của chính Vietinbank do Chủ tịch Phạm Huy Hùng mang đi 'rải truyền đơn'.... Vì vậy mà hàng chục nạn nhân khác đang bị Huyền Như và Việtinbank chiếm đoạt tiền gốc trên 5000 tỷ.  Nếu không vì tiền của Phạm Huy Hùng 'cả vú lấp miệng em' thì con số lừa đảo số tiền gốc trên 10.000 tỷ đồng tức trên 500 triệu USD chứ không phải chỉ có 4900 tỷ đồng của những người 'mau mắn' ban đầu 'khờ dại' cả tin vào luật pháp đã khai báo với Ngân hàng nhà nước và cơ quan điều tra tưởng rằng sẽ đòi được nợ, ai dè.... vào nhà đá ngồi để hết đường mở miệng đòi nợ Phạm Huy Hùng! Chưa hết: Để tăng phần uy lực để các nạn nhân khác không dám 'mở miệng' Vietinabnk còn 'lót tay' để Huyền Như không hề bị bắt và kịch bản đã được dàn xếp: "Con còn nhỏ nên tại ngoại nuôi con".... Rồi khi chẳng còn ai quan tâm thì một tổ chức  còn thiện nghệ hơn cả 'Dương Tử Trọng' sẽ cho Huyền Như 'thăng thiên' để biệt tích ra nước ngoài mà an hưởng hàng trăm triệu đô la lừa đảo được!

Xem thêm:
Tuyên Huỳnh Thị Huyền Như án tử?
Là vợ của một phó giám đốc, Như nhanh chóng nắm giữ nhiều ghế quan trọng trong ngân hàng Công thương.
Mong muốn làm giàu nhanh bằng bất động sản, thị vay tiền mua đất rồi làm ăn thua lỗ và tìm cách lừa đảo với số tiền lên đến 5.000 tỷ đồng. Không chỉ lừa người ngoài mà thị còn “giăng bẫy” cả chính chị ruột của mình. Điều đáng nói, luật Hình sự hiện nay, với tội danh đã bị truy tố thì Như chỉ nhận mức án cao nhất là chung thân.
Số tiền lừa đảo khủng nhất từ trước đến nay
Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi, quê Tiền Giang) trở thành nhân viên của ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank). Do có năng lực, quen biết nhiều với khả năng giao tiếp “độc nhất vô nhị”, lại là vợ của một Phó giám đốc ngân hàng Công thương, Như nhanh chóng được trọng dụng. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, Như được cân nhắc, bổ nhiệm chức Phó phòng quản lý rủi ro, sau đó được bổ nhiệm thêm quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ (TP.HCM).
Vào năm 2007, thị trường bất động sản tại TP.HCM bắt đầu “sốt”. Thân thiết với nhiều đại gia ngành bất động sản, Như nghe họ phân tích tương lai giá đất sẽ còn tăng hơn rất nhiều. Là cán bộ tín dụng ngân hàng Vietinbank, Như vận dụng các mối quan hệ từ nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân để vay với lãi suất cao, tổng cộng 200 tỷ đồng để đầu tư vào “ngành vàng”. Như mua nhiều đất ngay tại TP.HCM, sau đó lan rộng ra các tỉnh vệ tinh và cả ở TP.Đà Nẵng.
“Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như.
Lúc ấy, Như được mọi người rất ngưỡng mộ, bởi chỉ trong thời gian ngắn đã có đất ở khắp nơi trên cả nước. Với khối tài sản “kếch xù”, Như cũng cứ ngỡ mình đang ở trên đà danh vọng. Danh tiếng ngày càng tăng, thị quyết định tham gia và được bầu vào Hội đồng quản trị công ty cổ phần chứng khoán Phương Đông (ORS) ngày 18/5/2011. Người phụ nữ này nhanh chóng “nóng”, được không ít đại gia bất động sản phải nể phục.
Kinh doanh bên cạnh chiếc đầu “nóng” cần thiết phải có sự may mắn. Tuy nhiên, Như không được thần may mắn gõ cửa. Đầu năm 2011, thị trường bất động sản bắt đầu đóng băng. Đất mua nhiều nhưng bán không được bao nhiêu. Vốn “chết” mà tiền lãi ngày mỗi tăng dần. Như lấy phần này đắp đổi phần kia nhưng chỉ được trong thời gian ngắn thì cũng đuối sức. Cũng khoảng thời gian này, chính sách Nhà nước siết tín dụng, thắt chặt tiền tệ khiến ngân hàng tạo sức ép với các khoản cho vay, đẩy thương nhân vay nợ nhiều rơi vào khốn cùng. Như hốt hoảng khi nhận thấy mình mất khả năng thanh toán.
Theo cơ quan điều tra, lúc này, Như đã nắm quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ. Vững nghiệp vụ ngân hàng, thị nghĩ đến chuyện giả danh ngân hàng Vietinbank lừa đảo số tiền “khủng” để chi trả nợ nần. Như làm giả 8 con dấu của ngân hàng Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, công ty bảo hiểm Toàn Cầu, công ty cổ phần đầu tư Thịnh Phát... để đóng vào các tài liệu, giấy tờ do chính thị làm giả.
Những giấy tờ này, Như sử dụng để mở tài khoản của một số công ty tại ngân hàng Vietinbank, làm giả hợp đồng tiền gửi và phụ lục hợp đồng tại chi nhánh Vietinbank Nhà Bè để chiếm đoạt tài sản. Số tiền thị chiếm đoạt tổng cộng chừng 5.000 tỷ đồng. Theo một điều tra viên cho hay, trong quá trình phá án, nhiều đồng chí không khỏi giật mình trước số tiền quá lớn mà người phụ nữ này lừa đảo.
Đa phần số tiền Như “lấy” được dùng để chi trả tiền vay nặng lãi của 14 cá nhân hơn 1.200 tỷ đồng, chi chênh lệch ngoài hợp đồng cho “cò” ngân hàng hơn 42 tỷ đồng, trả nợ gốc, nợ lãi cho bốn công ty gần 950 tỷ đồng... Bên cạnh đó, Như thừa nhận, khoảng 1.200 tỷ đồng còn lại dùng để chi trả cho các khoản vay lãi “siêu nặng” khác và dùng để tiêu xài cá nhân.
Huyền Như đã kéo theo nhiều cán bộ ngân hàng vướng vòng lao lý.
Cáo già sừng sỏ đội lốt “nai tơ”
Khi hành vi chiếm đoạt tài sản của Như bị bại lộ, không ít người cảm thấy bất ngờ, bàng hoàng vì số tiền lỡ cho vay quá lớn. Họ không thể ngờ, một đại gia bất động sản bật nhất ở Việt Nam mà lại có thể vướng vào vòng pháp luật. Còn nhớ, ngày báo chí đưa tin Như bị bắt, không ít chủ nợ chửi mắng thị.
Trong quá trình tìm hiểu vụ án này, chúng tôi được một người phụ nữ, là đầu mối cho vay tiền lãi tiết lộ, dường như đã biết trước số phận của mình trong tương lai, Như chuẩn bị “sân nhà” ở Mỹ để lỡ có chuyện gì thì sẽ “rút” êm đẹp. Khoảng đầu tháng 7/2011, biết người này có người thân ở Mỹ, Như đã chuyển 500.000 USD (chừng 10 tỷ đồng) nhờ người này nộp phí ban đầu làm thẻ xanh. Là mối lái làm ăn lớn, người này liền đồng ý, nhận tiền và chuyển cho người thân để nhờ công ty dịch vụ chuyên lo thẻ xanh. Tuy nhiên, do còn vướng mắc một số giấy tờ nên tấm thẻ xanh vẫn chưa được hoàn thành. Cũng chính vì thế, khi mọi chuyện bại lộ, thị vẫn không thể “tót” ra nước ngoài và đã bị bắt.
Không chỉ thế, điều khiến chúng tôi bất ngờ là Như đã lừa đảo chính cả chị ruột của mình. Trong quá trình làm ăn, Như kết hợp cùng Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Nhà Bè) thành lập công ty cổ phần đầu tư Hoàng Khải. Ban đầu, Như làm giám đốc và Tuấn là Phó giám đốc. Tuy nhiên, về sau, nảy sinh ý định dùng công ty này để “thu” các khoản tiền lừa đảo, Như “đẩy” chị gái là Huỳnh Mỹ Hạnh từ một nhân viên quèn lên giữ chức Phó giám đốc. Mặc dù mang danh Phó giám đốc, nhưng Hạnh được em gái trả lương chưa tới 10 triệu đồng mỗi tháng.
Mang danh Phó giám đốc, nhưng mọi hoạt động của Hạnh đều do Như chỉ đạo, phân công, theo dõi. Công việc chủ yếu của Hạnh là giao nhận tiền với các cá nhân theo chỉ đạo của Như lập sổ ghi chép việc giao nhận tiền của các nhân viên theo chỉ đạo của em gái và lập sổ ghi chép việc giao nhận tiền của công ty. Được biết, Hạnh đã theo lời em gái mở tổng cộng 7 tài khoản tại các ngân hàng, ký cầm 4 hợp đồng cầm cố vay gần 56 tỷ đồng từ hồ sơ giả của Như đưa.
Trong vụ án này, Hạnh cũng đã bị bắt giam và bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với vai trò đồng phạm, giúp sức. Hạnh cho biết, nắm rất rõ những quy định của ngân hàng, người đứng tên vay thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tất cả giấy tờ mình đứng tên vay đều do Như soạn thảo, và Hạnh chỉ có trách nhiệm ký vào rồi đến ngân hàng xác nhận.
Bản án nào là thích đáng?
Bên cạnh đó, Hạnh cho hay mình không có nhu cầu vay ngân hàng với số tiền “khủng” như thế. Cũng chỉ vì thương và tin em gái, Hạnh làm theo lời của Như để bây giờ, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trong khoảng thời gian qua, Hạnh rất nhớ hai đứa con còn khá nhỏ của mình. Tuy nhiên với tội trạng đã rõ, Hạnh vẫn phải đối mặt với bốn bức tường tối và hôm nay đứng trong vành móng ngựa, lo lắng, chờ mức án từ 12 năm đến 20 năm đang treo lơ lửng trên đầu.
Với số tiền lừa đảo 5.000 tỷ đồng, dư luận đang quan tâm không biết mức án nào sẽ dành cho nữ đại gia siêu lừa số 1 Việt Nam? Ngay sau khi có kết quả điều tra, cơ quan công an đã chuyển hồ sơ cho viện Kiểm sát. Thẩm xét hồ sơ, viện Kiểm sát truy tố Như hai tội là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Trước đây, hồ sơ vụ án đã được trả lại để điều tra nhiều lần, xem xét người phụ nữ này có phạm tội tham ô hay không. Tuy nhiên, cả hai lần, cơ quan điều tra đều khẳng định, Như không dính dáng đến tội “Tham ô”.
Điều đáng nói, trong khung hình phạt của Bộ luật Hình sự hiện nay, với hai tội danh trên, mức án cao nhất đối với Như chỉ là chung thân. Như vậy, với việc “bỏ túi” số tiền “khủng” như thế nhưng chắc chắn, Như sẽ không bị tuyên mức án tử hình. Trong khi đó, nếu bị truy tố về tội “Tham ô”, thì chỉ cần chiếm đoạt vài tỷ đồng thì sẽ bị tuyên án tử. Nhiều người cho rằng, với số tiền chiếm đoạt lớn nhất từ trước đến nay nhưng với mức án chung thân là chưa đủ sức răn đe. Họ cũng cho rằng, biết đâu, trong phiên xử, HĐXX sẽ phá rào?
40 luật sư tham gia bào chữa đến từ cá nhân, tổ chức liên quan
Theo chân Huyền Như hầu tòa trong sáng nay còn có 23 bị cáo khác với các tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, “Cho vay nặng lãi”, “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”. Trong đó, 13 bị cáo nguyên là trưởng, phó phòng, cán bộ, nhân viên của phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Đinh Tiên Hoàng, Võ Văn Tần, Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Ngoài ra, 15 nguyên đơn dân sự và người bị hại, 25 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng được mời. Đặc biệt, có 40 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cùng những cá nhân, tổ chức liên quan.
Huy Linh
Giả cán bộ Cục tình báo lừa hơn 4 tỷ đồng
14/1/2014 - Hạnh khoe công tác ở Cục tình báo và có khả năng xin việc, đi du học, xuất khẩu lao động khiến 18 người sập bẫy, mất hơn 4,1 tỷ đồng.
Theo bản án sơ thẩm ngày 13/1 của TAND Hà Nội, Bùi Thị Hạnh (34 tuổi, ở Hoà Bình) không nghề nghiệp, song tự giới thiệu với nhiều người có khả năng chạy trường, lo việc làm, xuất khẩu lao động...
hanh-JPG-4335-1389620572.jpg
Bùi Thị Hạnh trong giờ nghị án. Ảnh: Việt Dũng
Hạnh khoe công tác ở Tổng Cục II, Bộ Quốc phòng nên quen biết nhiều người. Để tạo tin tưởng, Hạnh khoác quân phục, đeo lon thượng uý và gây thiện cảm với người đối diện bằng vẻ lịch sự.
18 người đã tin tưởng đưa cho Hạnh tổng cộng hơn 4,1 tỷ đồng để xin việc vào các cơ quan nhà nước, đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, Nhật Bản…
Hạnh bại lộ do hai nạn nhân tố cáo chị ta chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng khi hứa xin hỗ trợ đền bù, cũng như chạy vào Học viện Quân y. 
Trước toà, Hạnh thừa nhận hành vi và không có khả năng khắc phục hậu quả. Đến khi bị bắt, trong các tài khoản ngân hàng của chị ta chỉ còn hơn một triệu đồng.
Toà tuyên phạt Hạnh 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buộc phải hoàn trả số tiền đã chiếm đoạt của các bị hại

No comments: