Thursday, July 11, 2013

(451) Úc là thiên đàng hạ giới

Úc là thiên đàng hạ giới

   Tổ chức Phát Triển và Hợp Tác Kinh Tế (the Organization for Economic Cooperation and Development, thường viết tắt thành OECD) vừa ra bảng sắp hạng về đời sống sung sướng của 36 nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới.
OECD căn cứ trên 11 tiêu chuẩn như thu nhập, y tế, việc làm, nhà cửa, giáo dục, an ninh, môi trường sống khi sắp hạng đời sống sung sướng tại các quốc gia hàng đầu thế giới. Kết quả là người sống tại Úc được coi là thiên đàng hạ giới. Sau Úc là Thuỵ Điển và Canada. Sau ba nước hàng đầu này, có tên trong danh sách 10 nước sung sướng nhất là Na Uy, Thụy Sỹ, Mỹ, Đan Mạch, Hòa Lan, Iceland và Anh Quốc.

Đây là đời sống tại đất nước sung sướng nhất thế giới: 73% người dân từ 15 cho đến 64 tuổi có việc làm; trong khi tính trung bình tại 36 nước phát triển cho có 66% người dân trong độ tuổi này có việc làm. Trên thế giới, nơi người dân chi tiền thấp nhất để mua nhà là Nga. Người Nga chỉ chi ra 11% thu nhập để có nhà ở. Trong khi đó dân Úc chi ra trung bình 19% thu nhập cho khoản mục nhà ở và đứng hạng 10 trong số 36 quốc gia phát triển. Nhưng nhà tại Úc rộng rãi hạng nhì thế giới: Canada hạng nhất với 2.3 người ở một phòng; Úc với 2.6 người/một phòng.
Nếu giáo dục hay nhất thế giới là tại Phần Lan và tại các nước phát triển đang có 74% người lớn học xong chương trình trung học thì nền giáo dục Úc đứng thứ bảy nhưng chỉ có 73% người lớn Úc xong lớp 12. Học sinh Úc giỏi hạng sáu trên thế giới nhờ được 519 điểm khi thi PISA. Giỏi hơn Úc là học sinh các nước Phần Lan, Nam Hàn, Nhật Bản, Canada và New Zealand.
Úc sống sung sướng nhờ có môi trường sống tinh sạch: nước tại Úc sạch hạng 10 thế giới; trong khi nước tinh sạch nhất là tại Anh Quốc và dơ bẩn nhất là Nga. Không khí tại Úc trong lành vào hạng 9 thế giới. Trong khi nước láng giềng New Zealand có không khí trong sạch hạng ba thế giới (sau Estonia và Thuỵ Điển).
Bước sang lãnh vực y tế, 85% người Úc được coi là khoẻ mạnh. Người Úc cất tiếng khóc chào đời trong năm nay thì hy vọng sống thọ cho đến 82 tuổi; trong khi tuổi thọ trung bình của các nước có nền kinh tế phát triển chỉ ở mức 80. Được coi là sống thọ nhất thế giới là dân Thuỵ Sỹ, rồi đến Ý và Nhật Bản. Hiển nhiên sống sung sướng không phải chỉ là cày sâu cuốc bẩm hay kéo lê cuộc sống cho tới ngày... ò í e mà còn được sống với người xung quanh. Tại Úc không nặng tình hàng xóm làng giếng như ở Việt Nam nhưng 94% người Úc vẫn có ít nhất một người nào đó sống gần gũi và trợ giúp khi cần. Đây là tỷ lệ đáng kể vì trong các nước có nền kinh tế phát triển chỉ lên đến 90% dân số có thêm một ai đó để lui tới trò chuyện. Còn nơi được coi “đất lạnh tình nồng” nhất thế giới là Iceland. Ở xứ tuyết này, 98% dân chúng có bạn bè lui tới chia sẻ buồn vui với mình. Hiện nay, chúng ta có cảm tưởng dân Úc không còn tin tưởng vào chính trị gia nữa. Thật ra, trong các nước OECD người Úc đứng hạng tư khi được hỏi có tin tưởng các quan lớn không. Tin chính phủ hạng nhất thế giới là dân Anh, Thuỵ Điển và Ba Lan.
Từ năm 2007 đến nay, thế giới bị khủng hoảng tài chính hoành hành. Úc là quốc gia duy nhất trong các quốc gia tiên tiến không bị khủng hoảng tài chính. Kinh tế Úc được coi làm hàng đầu thế giới nhờ ngành khai thác quặng mỏ bùng nổ. Nhưng công nhân Úc vẫn không phải cật lực làm việc. Tính trung bình, công nhân tại 36 nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới phải làm việc 1,776 giờ mỗi năm: tức là khoảng 34 tiếng đồng hồ mỗi tuần. Trong khi đó, công nhân Úc chỉ phải làm việc 1,693 giờ mỗi năm. Tức trung bình 32 giờ rưỡi mỗi tuần. Làm việc ít giờ, dân cày Úc dành ngôi vị thu nhập cao nhất cho Hoa Kỳ (38,001 Mỹ kim/năm). Nhưng thu nhập tại Úc đứng hạng năm thế giới và đạt mức trung bình $28,884 Mỹ kim/năm.
Được hỏi có sống thoải mái không, trong số trăm người ở đây thì có 84 người tươi tắn gật đầu. Tỷ lệ này cao nhất thế giới. Đó là cái nhìn tích cực ở đất nước được gọi là “Lucky country”. Nhưng ai tiêu cực thì vẫn cho rằng: chung quanh chúng ta vẫn còn 16% người Úc phải kéo lê cuộc đời khổ ải ngay trên đất nước phước đức.
Thật vậy, mặc dầu Úc được coi là thiên đàng hạ giới nhưng xã hội Úc không còn bình đẳng như xưa nữa. 20% lớp giàu có đang hưởng số tiền cao gấp sáu lần 20% tầng nghèo khổ tại Úc. Tính trung bình, dân cày Úc làm việc ít giờ nhưng trong số 100 dân cày thì có 14 người làm việc dài giờ (trong khi tại các nước phát triển chỉ có 9% dân cày phải làm việc dài giờ).
Thế là: gọi Úc là thiên đàng thì đây chỉ là thiên đàng hạ giới mà thôi.
http://vietluanonline.com/070613/Uclathiendanghagioi.html

No comments: