Sau 2 năm trời xét xử với 50 phiên tòa cùng sự hiện diện
của cả trăm “nhân chứng”, cộng thêm những cuộc biểu tình trước tòa án để
ủng hộ cũng như để đả đảo bản thân ông Silvio Berlusconi, hôm 24 tháng 6
vừa qua tòa án thành phố Milano đã kết thúc vụ án nổi tiếng “Rubygate”
nhuộm màu dục tính sa đọa và tuyên bố kết án nặng nề “tội nhân”, cựu Thủ
tướng Ý Silvio Berlusconi, 7 năm tù và nghiêm cấm vĩnh viễn không được
nắm giữ bất cứ chức vụ nào trong cơ chế nhà nước (kể luôn cả chức đại
biểu Quốc hội).
Thông tín viên Huê Đăng tại Roma tường trình:
Thế là chỉ trong vòng trên dưới gần hai tháng, ông Silvio Berlusconi
lại bị nghành tư pháp “bồi” thêm một bản án mới sau khi Tòa án Kháng cáo
của Milano trước đây hồi đầu tháng 5 đã y án kết tội 4 năm tù và nghiêm
cấm 5 năm giữ các chức vụ nhà nước trong vụ án về gian lận thuế mà của
tập đoàn tài chính Mediaset. Và lần này thì bản kết tội xem ra còn nặng
nề hơn lần trước, nhất là quyết định “nghiêm cấm vĩnh viễn không được
giữ bất cứ chức vụ nào của nhà nước” cũng có nghĩa là “lột bỏ” tất cả áo
giáp ô dù chính trị mà chính bản thân của ông Silvio Berlusconi đã
tròng vào mình hơn hai thập niên vừa qua để trốn tránh những nợ nầng
công lý.
Sự nghiệp chính trị của ông Silvio Berlusconi đã chấm dứt kể từ đây ?
Sự việc thật ra không đơn giản như thế. Trước mắt là ông Silvo
Berlusconi sẽ kháng án lên Tòa án kháng cáo và sau đó nếu cần sẽ kháng
án lên Tòa án tối cao ... Và nhất là các nghành tư pháp của nước Ý vốn
nổi tiếng là “nhanh như rùa” và dày đặt các “gập ghềnh hành chánh”, cộng
thêm một đội ngũ luật sư hùng hậu mà Berlusconi có trong tay ... Và
nhất là ông ta vẫn còn đang là “thủ lãnh siêu phàm” của một cái đảng
“chính trị siêu thị” “Nhân Dân Tự Do”, và dù rằng đảng này hiện nay đang
mất phiếu trầm trọng nhưng tính ra Berlusconi vẫn còn được đến trên
dưới 6 triệu cử tri ủng hộ (dựa theo kết quả bầu cử Quốc hội hồi tháng 2
vừa qua), thì chắc chắn là sự nghiệp chính trị của ông ta sẽ không thể
nào kết thúc một cách “êm xuôi” như thế được.
Đúng ra câu hỏi đang làm xôn xao dư luận, và đang làm “điên đầu” các
chuyên gia về chính trường của nước Ý là: liệu tất cả các bản án kết tội
nói trên sẽ gây ra những hệ lụy nào trên sân khấu chính trị ? Và nhất
là trước mắt chính phủ “Đại đoàn kết” hiện nay, chính phủ mà trong đó có
sự hiện diện của cả lực lượng chính trị của ông Silvio Berlusconi sẽ
phải bị “chết yểu” sau khi chỉ mới ra đời trên dưới 2 tháng ?
Qua những sự kiện mà công luận đã phải chứng kiến trong suốt hai thập
niên vừa qua, thì chắc chắn là ông Silvio Berlusconi sẽ tạo ra những áp
lực chính trị tác động lên chính phủ, cũng như trong Quốc hội, để hòng
tìm kế tự giải cứu cho chính mình.
Trước mắt là ông ta sẽ dấy “âm binh” xuống đường biểu tình, chống đối
các quan án, lớn tiếng tố cáo sự “lạm quyền” của nghành tư pháp, tố cáo
những “âm mưu” của các “lực lượng thù địch” muốn triệt tiêu ông ta, báo
động sự “mất dân chủ” của cơ chế chính trị Ý ... Nói chung là những
kịch bản mà công luận Ý đã “quá quen” đến độ ... không mấy ai muốn để ý
đến. Nhất là trong tình cảnh kinh tế khó khăn, công ăn việc không có,
phúc lợi xã hội giảm sút ... thì chẳng mấy ai ngồi đó mà nghe “âm binh”
của Berlusconi hò hét trước các tòa án ...
Theo các “binh thư yếu lược” mà Berlusconi vẫn thường dùng trước đây
là .. hăm dọa cho đỗ chính phủ ... và đi bầu lại Quốc hội. Nhưng hiện
nay, ngoài những bất cập về mất ổn định chính trị sẽ tạo thêm khó khăn
kinh tế tài chánh cho nước Ý nói chung, cho các tập đoàn kinh tế tài
chánh lớn của chính ông Silvio Berlusconi nói riêng, đảng chính trị của
Berlusconi hiện nay đang bị phân hóa trầm trọng và bị mất cử tri, do đó
đi bầu lại Quốc hội trong tình cảnh như thế ... cũng chưa chắc là “diệu
kế” đối với Berlusconi. Nhất là sau vụ mất phiếu thảm hại hồi tháng 2
vừa qua .... nhưng nhờ vào những rối loạn trong hàng ngũ của phe trung
tả .... đến độ phải đi đến giải pháp chính phủ “đại đoàn kết” ... thì
đây là thời cơ duy nhất còn lại để bản thân Silvio Berlusconi còn có
tiếng nói trên chính trị. Lật đổ chính phủ “đại đoàn kết” ... trong lúc
này, đối với Berlusconi là tự mình đâm thủng phao cấp cứu trên biển cả
trong khi chung quanh không có bóng dáng của một con thuyền nào cả.
Vụ án “Rubygate” đượm đầy màu sắc “ăn chơi trác táng” của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và những hệ lụy
Nội dung “ăn chơi trác táng” hay “đồi trụy tính dục” là một trong
những luận điểm mà các lực lượng chính trị của Berlusconi vẫn áp dụng để
tìm cách chạy tội chính trị cho ông ông ta. Bởi vì vấn đề thực sự mà
Tòa án Milano kết tội không phải chỉ đơn thuần vì lý do đạo đức trong
vấn đề trác táng hay đồi trụy. Vấn đề nghiêm trọng thực sự là sự lạm
quyền của ông Silvio Berlusconi khi ông ta nhân danh là Thủ tướng (thời
điểm tháng 5 năm 2010).
Khi đó ông ta đã trực tiếp gọi điện thoại đến sở cảnh sát của thành
phố Milano để ra lệnh cảnh sát phải trả tự do cho cô gái dưới tuổi vị
thành niên người Maroc tên Karima El Mahroug (biệt danh Ruby) bị cảnh
sát bắt về tội ăn cắp vặt và không có giấy tờ… thậm chí Berlusconi còn
ngụy tạo với cảnh sát Milano rằng cô Ruby này là cháu gái của ông
Mubarak, lúc đó vốn đang là Thủ tướng Ai Cập, do đó cần phải trả tự do
cho cô Ruby để tránh những hệ lụy ngoại giao.
Không ai biết rõ vì sao mà một đương kim Thủ tướng nước Ý lại phải
đích thân gọi điện thoại để can thiệp trực tiếp với cảnh sát Milano … vì
một cô gái Maroc “vô danh tiểu tốt” ? Chính bản thân của ông Berlusconi
cũng không hề đưa ra một lý do lô-gích nào cả, ngoài những luận điệu
chung chung mơ hồ … là ông ta thấy “thương”, thấy “tội” một cô gái bơ vơ
…
Vấn đề do đó thực sự trở nên nghiêm trọng khi công luận ngộ ra rằng
nước Ý đang được lãnh đạo bởi một Thủ tướng có những quan hệ “không minh
bạch” với những nhân vật “không rõ ràng” … và điều này có nghĩa là Thủ
tướng lúc nào cũng có thể bị áp lực để che dấu những điều không minh
bạch. Và những áp lực đó, trong cương vị Thủ tướng của một quốc gia, có
thể sẽ có những hệ lụy lên đến vấn đề an ninh quốc phòng của nước Ý. Đây
mới thực sự chính là nội dung của bản luận tội của Tòa án Milano: Lạm
quyền và gây tiền đề mất an ninh cho nhà nước.
Berlusconi
REUTERS/Stringer (L) and Sebastien Pirlet
No comments:
Post a Comment