Saturday, June 1, 2013

(427) Kinh tế Việt Nam có nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc


Chợ Long Biên Hà Nội : Từ rau quả đến cá tầm, nông sản và thực phẩm Trung Quốc tràn vào Việt Nam (REUTERS /Kham)
Kinh tế Việt Nam có nguy cơ lệ thuộc Trung Quốc
Thanh Phương
Trong khi Trung Quốc gia tăng các hoạt động xâm lấn lãnh hải Việt Nam trên Biển Đông, thì một nguy cơ khác nghiêm trọng hơn de dọa chúng ta, đó là nguy cơ kinh tế Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Đây là nguy cơ đã được một số chuyên gia kinh tế cảnh báo từ mấy năm qua, nhưng lần đầu tiên một đại biểu công khai nêu lên vấn đề này trong kỳ họp của Quốc hội Việt Nam.
Báo Tuổi Trẻ hôm qua 31/05/2013 có bài « Lo lắng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc », đăng lại một tham luận của đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa gởi đến Ban thư ký kỳ họp hiện nay của Quốc hội. Thật ra thì theo các nguồn tin trên mạng, bài tham luận do Tuổi Trẻ đăng đã bị cắt một số đoạn hoặc bị chỉnh sửa vài chỗ.
Chẳng hạn như đoạn ông Trương Trọng Nghĩa chỉ trích báo cáo của chính phủ là « không phản ánh đầy đủ và xác thực tình hình khó khăn, yếu kém, cả về những con số lẫn đánh giá, nhận định ». Còn về các giải pháp do chính phủ đề ra, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, « không ít nội dung chỉ mới là những khẩu hiệu. »
Tuy nhiên, bài tham luận đăng trên tờ Tuổi Trẻ đã gây sự chú ý đặc biệt, vì ông Trương Trọng Nghĩa đã nêu rõ những lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam đã và đang phụ thuộc vào Trung Quốc một cách đáng báo động. Cụ thể, theo ông Nghĩa, « về đầu tư xây dựng, nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu nhiều (thậm chí phần lớn) dự án lớn, chủ yếu dựa vào tiêu chí giá rẻ, và những cam kết “muốn gì có nấy”, về sau mới thấy công nghệ, nhân lực và cả nguồn vốn của họ đều không đạt yêu cầu". 
Về thương mại, đại biểu Trương Trọng Nghĩa báo động về tình trạng thương lái Trung Quốc xâm nhập sâu vào các vùng, chi phối thị trường bằng các thủ thuật giá, thu mua với giá rẻ những mặt hàng để lại tác hại nhiều mặt cho Việt Nam.
Ông viết : « Có những thứ không biết họ mua để làm gì. Nông sản, thực phẩm và hàng công nghiệp Trung Quốc giá rẻ tràn ngập nước ta mà không bị kiểm soát về chất lượng và vệ sinh, an toàn, thậm chí có những mặt hàng dán mác Việt Nam. » 
Về công nghiệp, bài tham luận của đại biểu Trương Trọng Nghĩa cảnh báo : « Do sức cạnh tranh giảm sút, thiếu công nghiệp hỗ trợ, ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đầu vào và cả công nghệ thấp của Trung Quốc bởi vì giá rẻ, cách mua bán linh hoạt, và Việt Nam thiếu rào cản kỹ thuật. Đang có sự e ngại Việt Nam có thể trở thành bãi đáp công nghệ thấp cho các nhà đầu tư Trung Quốc, vì giá lao động rẻ, và quản lý dễ dãi về an toàn, vệ sinh, môi trường. » 
Cho tới nay, chính quyền Việt Nam vẫn bất lực không thể ngăn cản được tình trạng hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường Việt Nam. Riêng trong lĩnh vực nông ngư nghiệp, báo chí trong nước mấy ngày qua đã báo động về nguy cơ « Trung Quốc hóa » các trại nuôi cá tầm Việt Nam.
Cụ thể, Hiệp hội các nhà nuôi cá nước lạnh tố cáo rằng, để đối phó với lực lượng chống buôn lậu, thương nhân Trung Quốc đã tìm cách cấu kết với một số người Việt mở các trại cá tại Việt Nam, như là “trạm trung chuyển” nhằm “rửa” nguồn gốc cá tầm nhập lậu. Cá tầm của Trung Quốc chỉ bằng khoảng 1/2 giá cá nuôi tại Việt Nam và chẳng ai biết họ nuôi cách nào mà giá rẻ đến thế. 
Trường hợp của cá tầm chỉ là một trong vô số các ví dụ cho thấy rõ ràng đang có một âm mưu phá hoại nền nông nghiệp Việt Nam, như lời báo động của ông Trần Cao Mưu – Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam trên tờ Pháp Luật cách đây vài ngày. Ông kêu gọi chính phủ nên có chính sách để đối phó với âm mưu này.
Việt Nam gặp cơ nguy lệ thuộc Trung Quốc. Đó là ý trong bài tham luận ngày 30-5-2013 của Đại biểu Trương Trọng Nghĩa trước Quốc hội CSVN.
Bản văn trên báo Tuổi Trẻ đã cắt giảm, nhưng mạng Basam.info đã đăng toàn văn.
Sau đây là trích vài ý quan tâm:
“...khá nhiều đại biểu cho rằng Báo cáo của Chính phủ không phản ánh đầy đủ và xác thực tình hình khó khăn, yếu kém, cả về những con số lẫn đánh giá, nhận định. Mặt khác, 8 giải pháp của Chính phủ nặng về liệt kê các đầu việc, các yêu cầu và mục tiêu phấn đấu, không ít nội dung chỉ mới là những khẩu hiệu...
Tôi xin phép tập trung vào một điểm ít được nêu lên. Nhiều cử tri, doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế đã hết sức lo lắng về việc nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nước ta đã và đang phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc với tốc độ, qui mô và tính chất đáng báo động.
Về đầu tư xây dựng, nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu nhiều (thậm chí phần lớn) dự án lớn, chủ yếu dựa vào tiêu chí giá rẻ, và những cam kết “muốn gì có nấy”, về sau mới thấy công nghệ, nhân lực và cả nguồn vốn của họ đều không đạt yêu cầu.
Thương lái TQ xâm nhập sâu vào các vùng miền nước ta, chi phối thị trường bằng các thủ thuật giá, thu mua với giá rẻ những mặt hàng để lại tác hại nhiều mặt cho chúng ta (như vụ mua cây trâm cổ ở Quảng Ngãi). Có những thứ không biết họ mua để làm gì. Nông sản, thực phẩm  và hàng công nghiệp TQ giá rẻ tràn ngập nước ta mà không bị kiểm soát về chất lượng và vệ sinh, an toàn, thậm chí có những mặt hàng dán mác VN. Có trường hợp dán cờ TQ lên hàng hóa bày bán trong siêu thị Việt Nam, mà chẳng dán cờ của nước nào khác, kể cả cờ VN. Hình cờ TQ dùng minh họa trong sách học đánh vần trong nhà trường VN, với lý do sách dịch từ TQ nên phải in cờ họ.
Do sức cạnh tranh giảm sút, thiếu công nghiệp hỗ trợ, ngày càng nhiều doanh nghiệp VN phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu đầu vào và cả công nghệ thấp của TQ, bởi vì giá rẻ, cách mua bán linh hoạt, và VN thiếu rào cản kỹ thuật rào, quản lý cửa khẩu lỏng lẻo. Trước tình hình kinh tế suy thoái, đang có sự e ngại về việc VN có thể trở thành bãi đáp công nghệ thấp cho các nhà đầu tư TQ, vì giá lao động rẻ, và quản lý dễ dãi về an toàn, vệ sinh, môi trường.
Đã có sự báo động là một số ngành công nghiệp VN có thể sẽ nhường chỗ cho doanh nghiệp TQ trên sân nhà. Có chuyên gia cung cấp số liệu là trong khi nước ta xuất siêu trong năm 2012, thì chúng ta lại nhập siêu trên 16 tỷ đô la từ TQ. Có thể nói, mọi nỗ lực và thành tích của chúng ta trong hơn hai thập kỷ qua trong việc đa phương hóa, đa dạng hóa đầu tư, thương mại, công nghệ và thị trường đang có nguy cơ bị xóa sổ.
Tôi cho rằng, chúng ta chưa điều tra và nắm rõ  đầy đủ số liệu, thông tin về sự phụ thuộc của nền kinh tế VN vào nền kinh tế TQ, nhất là  trong lĩnh vực đầu tư tài chính, mua bán công ty khi những thương vụ ấy diễn ra ngoài quốc gia. Sự lệ thuộc về kinh tế, nếu không có giải pháp đối phó, sẽ được sử dụng để phối hợp nhịp nhàng với cuộc đấu tranh về chủ quyền lãnh thổ trong tình huống cần thiết. Khi Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta, như báo chí đưa tin sáng nay, thì nguy cơ này càng hiển hiện.
Trong thế giới ngày nay, dù toàn cầu hóa và hội nhập ở mức độ cao, tình trạng “mạnh được yếu thua”, “khôn sống mống chế” vẫn tồn tại và thách thức. Vì vậy, nhất là đối với các nước nhỏ yếu, hội nhập phải đi đôi với tăng sức cạnh tranh và bảo hộ hợp lý, nếu không thì chúng ta sẽ thua trên chính sân nhà. Đó là lời cảnh báo chuẩn xác cách đây gần hai mươi năm, khi chúng ta gia nhập AFTA, sau đó là WTO.
Thua kém có nhiều mức độ, nhưng lệ thuộc về kinh tế là sự thua kém đáng sợ nhất, nhất là khi nó đi kèm với mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ...”

(Tàu nó 'thống trị" VN rành rành ra đó mà còn nói là nguy cơ!)

No comments: