Friday, May 17, 2013

(412) Châu Âu cũng tràn ngập các sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc


Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu;

Hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường châu Âu;
Ảnh: European Commission

Châu Âu cũng tràn ngập các sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc

Thị trường châu Âu cũng tràn đầy các sản phẩm độc hại của Trung Quốc, kinh tế Nhật hồi phục, làn sóng di dân do biến đổi khí hậu làm Ấn Độ đau đầu và phản ứng của các báo Paris sau buổi họp báo của Tổng thống Pháp François Hollande hôm qua là những chủ đề thời sự chính trên các báo Pháp hôm nay. Theo bản tổng kết Rapex của Ủy ban châu Âu, hơn 58% sản phẩm không phải là thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc được cho là quá nguy hiểm cho người tiêu dùng trong khu vực. Điều đáng ngại là số lượng các mặt hàng nguy hại này du nhập vào châu Âu đã tăng lên nhiều trong năm 2012. Chủ đề này được báo Les Echos quan tâm đến qua bài viết đề tựa « Trung Quốc xuất khẩu ngày càng nhiều các sản phẩm nguy hiểm vào châu Âu ».

Mũ bảo hiểm cho người đi xe đạp chỉ cần một cú đấm nhẹ là có thể bể làm đôi, ổ cắm điện nối dài có thể phát hỏa, phao tắm cho trẻ nhỏ có thể hãm trẻ dưới nước ngay khi đứa bé xoay mình, hay như các dây áo quần có thể trở thành nút thắt trên cổ một bé gái và còn nhiều món đồ khác nữa là những gì mà các quan chức thuộc Ủy ban châu Âu đã cho trưng bày trong các lối đi ngay trong trụ sở tại Bruxelles. Đối với Les Echos, quang cảnh buổi trưng bày các sản phẩm nguy hiểm của Trung Quốc ngày hôm qua giống như là một viện bảo tàng cho các loại sản phẩm kinh hãi.
Đó cũng chính là bộ sưu tập gồm 2.278 mặt hàng nguy hiểm được tìm thấy và được báo động trên các thị trường châu Âu. Les Echos cho biết hàng năm Ủy ban châu Âu đưa ra bản tổng kết từ hệ thống Rapex, một hệ thống cho phép xác định và rút ra khỏi thị trường các sản phẩm không thuộc loại mặt hàng dinh dưỡng được đánh giá là nguy hiểm.
Theo các quan chức thuộc Rapex, trong năm 2012, số lượng sản phẩm nhiều rủi ro nhập vào châu Âu đã tăng lên 26% so với năm 2011. Trong đó các mặt hàng may mặc (34%) và đồ chơi (19%) được cho là chứa đựng nhiều mối nguy hiểm nhất. Trong đó, mối nguy chủ yếu đến từ các sản phẩm có chứa hóa chất độc hại. Người tiêu thụ tại Pháp hẳn không quên vụ một kiểu ghế bành trong phòng khách đã bị rút khỏi thị trường châu Âu cách đây hai năm do có chứa nhiều chất bảo quản độc hại, gây ra nhiều triệu chứng dị ứng nghiêm trọng.
Thế nhưng, theo Les Echos, do hiện nay mối quan hệ thương mại giữa châu Âu và Trung Quốc đang trong giai đoạn căng thẳng sau vụ châu Âu sẽ áp thuế nhập khẩu lên mặt hàng pin năng lượng mặt trời. Vì vậy, ông Tonio Borg, ủy viên châu Âu phụ trách mảng tiêu thụ, không muốn châm thêm dầu vào lửa. Ông có vẻ xoa dịu khi cho rằng 2.278 sản phẩm bị liệt vào danh mục các sản phẩm nguy hiểm, cũng phản ảnh phần nào cho thấy « khối lượng trao đổi mậu dịch khổng lồ giữa hai khu vực ».
Để trấn an người tiêu thụ trong khu vực, Châu Âu khẳng định đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với chính quyền Bắc Kinh. Bruxelles vẫn thường xuyên báo động đến các nhà sản xuất Trung Quốc ngay khi phát hiện có vấn đề. Thế nhưng, theo một nguồn tin từ Ủy ban châu Âu thì phía Trung Quốc thường xuyên phủi bỏ trách nhiệm. Họ lập luận rằng Trung Quốc chỉ là công xưởng gia công cho các tập đoàn lớn của châu Âu. Và những tập đoàn đó còn chịu trách nhiệm về mặt thiết kế. 

No comments: