Tuesday, March 5, 2013

(373) Cười mặn mòi xứ Huế

Cái cười mặn mòi một thuở nào nơi xứ Huế
 BS LÊ VĂN LÂN


I- Cười:
Cái cười là đặc tính của con người ( Le rire est le propre de l’homme) như lời của Henri Bergson, triết gia Pháp! Hé miệng nhe răng chỉ là động tác của loài khỉ, nhưng với con người thì động tác này phát khởi ra là do một tình cảm vui thích. Tự điển Larousse đã định nghĩa một cách chính xác cái Cười của con người như sau: Rire : Manifester un sentiment de gaité par un mouvement des lèvres, de la bouche, accompagné de sons rapidement égrénés. ( Cười là biểu lộ một tình cảm vui bằng sự cử động của môi, miệng đi kèm theo với những âm thanh tách biệt dồn dã).


Cái tình cảm vui thích đã làm khởi điểm, nhưng khi con người càng tiến hóa, mức văn hóa càng cao thì cái cười càng do nhiều nguyên nhân hay sắc thái hơn như Cười để chế nhạo hay để khinh thường. Và động tác mỉm cười ( sourire) là nhếch môi nhẹ để bầy tỏ sự hài lòng, sự trìu mến, sự đồng tình. Do đó, mỗi dân tộc, tùy theo tính tình có mỗi cái cười mang màu sắc khác biệt, như cười vàng của dân Á Đông, cười lạnh của dân Anh… và biết bao nhiêu cái cười khác như cười đen, cười đỏ, cười xám, cười thâm … 36 cái cười lận. Chẳng hạn nói Khốc như thiếu nữ vu qui nhật, Tiếu tự thư sinh lạc đệ thì! Cái cười của kẻ đau khổ hỏng thi là cái cười gượng gạo với vành môi mếu xệch; cái khóc của tân nương khi xuất giá là niềm vui thầm… hớn hở!
a- Cái cười Việt Nam
Dân Việt đương nhiên có cái cái cười Việt. Nhưng theo từng tính khí của dân mỗi địa phương và nhất là tùy theo chiều dầy lịch sử văn hóa và sắc thái ngôn ngữ , chúng ta phân biệt ra có những cái cười Bắc, cười Trung, cười Nam. Cười thời vua chúa, thời ngoại thuộc thì đương nhiên khác cái cười thời độc lập, thời dân chủ và thời cọng sản, tương ứng với hoàn cảnh biến thiên của chính trị, kinh tế và nhân văn của mỗi giai đoạn. Cười thời người khôn của khó thì cười kẻ tham ăn giành dựt, cười thời bị áp chế thì nhắm vô kẻ thống trị quyền thế. Cười thời chữ Nho thịnh hành thì diễn tả qua những câu chữ Nho, thời tân học thì pha ngoại ngữ. Thổ âm của một địa phương như giọng miền biển, giọng xứ đù, giọng trọ trẹ, giọng cọc cạch trở thành một đề tài để dựng thành một chuyện cười!
Trên phương diện phẩm chất và giá trị, cái cười theo từng giai đoạn lịch sử, từng địa phương, từng hoàn cảnh của dân gian đều có những sắc thái khác nhau nhưng chung qui thì cười căn bản là vui thích, là xả su-báp, là giải tỏa ẩn ức, nhưng dần dà trở thành một khí giới để châm biếm, đả phá và trào phúng đối phương.
b – Bẩn thỉu hay Mặn mòi? ( Sale ou Salé)
Nhìn tổng quát, cứu cánh của cái cười Việt Nam luôn luôn vẫn là xây dựng. Tuy nhiên, một số chuyện cười quen gọi là chuyện tiếu lâm bị chê trách vì thường xoáy về cái „tục“ và đả động đến hành động tính giao (sex) và bộ phận của tính phái. Nhưng trên phạm trù phân tâm học, những chuyện tiếu lâm hay thi văn tục có cái cứu cánh lành mạnh trong vai trò làm những nút thoát xả để gỉai tỏa những ẩn ức về bản năng tính dục dưới sự kiểm duyệt nghiêm khắc của luân lý đạo đức. Chúng ta cần có một sự nhận định nghiêm túc sau:
  * Tính cách của một chuyện bẩn thỉu (dirty!) bị xem là hạ cấp khi nó chỉ phô bầy trắng trợn cái dơ bẩn, rác rưởi, làm công súc tu xỉ ( Theo tự điển Larousse, Histoires sales: Histoires ordurières, obcènes qui blessent la pudeur).
 * Còn nếu câu chuyện tuy rằng bản chất rất phóng khoáng, tươi sống, táo bạo, đánh trực diện nhưng được kể một cách không tục tĩu mà dí dỏm và bóng bẩy thì đó là những chuyện mặn mòi thú vị mà bất kỳ giới nào trong xã hội cũng thích nghe( Histoires salées : Histoires très libres, crues, osées et grivoises ; – Grivois ( gốc do chữ guerre – tác chiến): libre et hardi, sans être obcène.) Những chuyện tiếu lâm Việt Nam có thể nói phần lớn nghe tục nhưng là tục thanh, khích động tiếng cười, không tục tĩu và rác rưởi ( obcène et ordurier) và nhất là không hoàn toàn khích dâm ( Porno).
II- Cái Cười của Huế
Bút khảo này nói đến một số chuyện cười cũng như một số thi văn vui của xứ Huế, đương nhiên có tục có thanh:
 * "Tục" vì đôi lúc phải nói trắng, nói trực diện theo lối của thôn quê mà người dân không e dè nói  "nguyên con" như tên của những con bài tới con C…, con L…nhưng tục một cách bổ ích vì nó phản ánh những khía cạnh tập quán phong tục trong nền văn hóa hạ tầng cơ sở (Substrastructure de la culture). Đa số những tiếu lâm bình dân đều có cái tục này;
 * còn "thanh" là cái tục về tính dục được thăng hoa và mỹ hóa bằng các gói ghém những cái thô tục với những ẩn dụ văn chương (metaphor), những tiểu xảo ngôn ngữ như nói lái, nói lóng, hay bằng những vần thơ thi vị. Đa số thi văn tiếu lâm của sĩ giới đều có cái nét "tục tục thanh thanh " này, đây là một hình thức thỏa hiệp giữa bản năng và lý trí. Vạn sự xuất ư nông, kẻ sĩ xuất phát từ nông dân mà!
 Kho tàng truyện cười và thi văn vui tiếu lâm của Việt Nam qua ba miền Bắc Trung Nam của đất nước rất nhiều, vốn thường pha trộn với nhau, như vậy làm sao phân biệt đâu là của riêng đất Huế? Tôi bèn xin dựa theo những tiêu chuẩn sau để phân biệt:
 + không gian, thời gian và phong tục tập quán phản ảnh trong những chuyện, nhất là tục hò hát ở các địa phương Thừa Thiên Huế như rạp Đồng Xuân Lâu…
 + ngôn ngữ của một số câu chuyện xây dựng trên một số thổ âm đặc thù của Thừa Thiên Huế;
 + và rõ ràng nhất là tên của những tác giả thi văn gốc Huế .
Tuy nhiên những tiêu chuẩn trên đôi khi có thể sai vì khó tránh được một vài trường hợp bị người đời gán ghép khiến sự khảo sát rất khó khăn khi mà dân ba miền Bắc Trung Nam đã có dịp tiếp xúc chung đụng và ảnh hưởng lẫn nhau
III – Vài mẫu chuyện và thơ cười xứ Huế
 Sau đây, xin mời quí vị thưởng lãm vài cái cười của Huế sau đây .
a-Chuyện cười trong dân gian
Chữ chi?
Có hai vợ chồng vào đêm động phòng, chồng chỉ chữ Song Hỉ mà đố vợ:
 _ Chữ chi đây em?
 _ Song Hỉ!
 _ Mô phải rứa.
 _ Vậy là Tam Hỉ!
 _ Cũng mô phải.
 _ Tứ Hỉ!
Chồng bèn nói :”Càng mô phải nữa”. Nói xong, anh bèn hôn vợ và nói : Ngủ hỉ! Vợ mỉm cười và hiểu ý. Sớm mai thức dậy, vợ âu yếm nói: _ Anh ơi, em biết rồi, chữ đó đọc là “ Sướng hỉ”
Mi như con C… của tau!
Một quan huyện qua đò ngang. Lúc sắp lên bờ quan bị trợt té xuống nước vì tên lái đò vô ý chống sào không kịp. Quan bèn tức chưởi:  "Mi như con C… của tau!"
Về nhà, bà huyện thấy chồng bị ướt bèn hỏi thì quan kể sự tình, bà liền tru tréo:  "Không được, như vậy là ông chui vô cái của vợ hắn à?". Quan huyện bèn chạy ra bến đò mà nói lớn: "Ê, thằng lái, tau là con C… của mi!". Nhưng về nhà, bà huyện lại thét rằng: " Mô được, té ra ông cho thằng lái đò hắn chui vô của tui hả?" Nghe vậy, quan huyện lại chạy ra sông nói: " Ê Lái đò! C… của tau, tau giữ! C…của mi, mi giữ. Mình đừng lộn xộn nữa".
( Chú thích:: "Mi như con C… của tau" là câu chửi hạ cấp quen nghe ở Huế khi người ta tức giận! Chữ C… là một danh từ dung tục bình dân nơi cửa miệng kẻ bình dân. Khi một người tức giận, dù là kẻ văn nhân trí thức , ai cũng phải nói huỵch tẹt ra cho đã nư mà ta gọi là  "văng tục", chứ có ai lại nói những từ hoa mỹ như dương vật hay ngọc hành. Chuyện văng tục là chuyện bất đắc dĩ, đối cùng , khi không còn chữ gì để nói thì người ta mới xài. Chẳng ai thích nghe văng tục cả. Tuy nhiên có những trường hợp thì những chữ chửi thề Đ. này, Đ .nọ lại có vẻ đắc dụng và lưu danh hậu thế như câu thơ của Cao Bá Quát ở pháp trường khi dao kề cổ:
Ba hồi trống dục đù cha kiếp
Một lưỡi gươm đưa đéo mẹ đời
hoặc Thủ Khoa Huân khi lên máy chém đã ngâm bài thơ tuyệt mệnh với 2 câu cuối là:
Thắng bại doanh thâu, trời khiến chịu,
"Phản thần", đụ mẹ đứa cười ông!
 Trong lịch sử Pháp, Talleyrand đã nói một định nghĩa gán cho Napoléon đệ nhất là : Cục cứt trong chiếc vớ lụa ( De la merde dans un bas de soie- Mots historiques trong Le petit Larousse illustré 2002)
Thành ra tục hay không tục, cái đó tùy cách nói!
Anh cho em thoa một chút hí!
Một ông tên là Nghệ đi qua cánh đồng thấy các o gái quê hò hát vui vẻ đối đáp dưới ruộng. Tục này vùng quê gọi là “hò môi miếng” vì người hò phải lanh trí đối đáp liền miệng tại chỗ. Ông Nghệ bèn nham nhở dừng lại và nói:  "Tên tui là Nghệ, tui đố các o làm răng, khi hò có tên tui ở trong có được không?"
 Dạ thưa anh, có khó chi mô, một o gái bèn trả lời! Xin anh hãy nghe đây:
   " Hò ơ ơ ơ … Ơi anh ơi , ba tháng mười ngày em mới hết phong long.
   Anh cho em một chút để em thoa trong với bóp ngoài!"
Chú thích: Phong tục ở Huế, đàn bà đẻ thường nằm cữ trong buồng kín đến 100 ngày mới dám ra ngoài vì sợ gió máy quen gọi là cữ “ phong long”. Trong thời gian, nằm cữ (hay nằm bếp), phụ nữ thường giã củ nghệ mà thoa bóp khắp người cho da dẻ dắn chắc và nhứt là vết rách ở cửa mình cho mau lành!
Hò "đối đoạn" ở rạp Bà Tuần
Câu chuyện sau thanh lịch hơn. Vùng Thừa Thiên-Huế thuở trước, người dân có nhiều lối hò như hò ân tình, hò đâm bắt, hò đối đoạn. Trong lối hò đối đoạn, bên nữ hò trước rồi bên nam đối sau, miệng vừa hò, tay vừa cầm chày giã vô cối, vừa xô. Qui luật là các động tác phải ăn nhịp với nhau, chày không được va chạm nhau. Nữ hò xong, nam phải đối ngay, không được để lâu quá ba nhịp chầy.
Có một lần vào trước 1945, hò đối đoạn được tổ chức ở rạp hát Đồng Xuân Lâu ( tục gọi là rạp Bà Tuần), để tranh tài giữa phe nữ ở Huế với phe nam từ Quảng trị vô. Trong lần hò này, bên nữ xuất chiêu rất độc khiến bên nam phải thua. Câu hò đó như sau:
Ba ba nấu cháo nồi ba
Tam tam nhừ cửu cháo đà chín chưa?
Cái hóc hiểm là Ba là con số 3, chữ nho là Tam; Tam Tam (3 nhân với 3) là Cửu tức là số chín.
Nhưng rồi nam nữ “ kỳ phùng địch thủ” đôi lúc cũng huề nhau. Như bên nữ hò trước là:
Dạ là đêm, đêm nay rồi đêm nữa
Hỏa là lửa, lửa ngọn đến lửa than
Em thấy anh cao họ lớn làng
Muốn trao duyên gửi nợ nhưng ngại ngái đàng không dám trao! (Ngái đàng : xa đường)
Bên nam bèn hò đối lại ngay:
Nhựt là ngày, ngày này sau ngày trước
Thủy là nước, nước đục lại nước trong
Tiếng đồn em cao họ lớn giòng
Ước kết duyên Tần Tấn nhưng những ngại ngùng biết nói sao!
Thường thường trong mỗi đội nam nữ đi hò tranh giải, luôn có một vài ông thày, bà thày quân sư đi theo để cố vấn mách nước.
Sau đây là những câu hò đối đáp được hiện đại hóa vì có chen tiếng Tây, chữ Nho um xùm theo tôi nghĩ là về sau được người có tây học chế ra cho vui:
Bên nữ hò:
Năm (5) con chim xanh ( cinq), đậu cành cây ngủ
Sáu (6) con bọ xít (six), sắc lục khó tề
Trai nam nhơn chàng mà đối đặng sẽ chịu bề nâng khăn
Bên nam đối lại:
Tám ( 8) con tu huýt (huit) , kêu cây bát bát
Mười con chuồn chuồn đỏ đít (dix) lượn thập ác nhà
Tui đây đối lại đó đã nghe chưa? Về xin cha mẹ mà định giờ nghi gia!
Sau đây nghe đâu là một câu hò chưa ai đối đáp lại vì xổ quá nhiều chữ Nho:
Con chim chàng làng đậu làng tre họ,
Kêu lên tám tiếng “ tri vi tri, bất tri vi bất tri”
Chàng mà hay chữ đối đi,
Nếu không thì đứng ngoại trường thi chớ vào!
Tám chữ Nho nhại tiếng chim kêu, nguyên là lấy từ sách Nho: ”Tri vi tri, bất tri vi bất tri, thị tri giả”
( Biết thì nói biết, không biết nói không biết, đó mới là người biết vậy)
Nói chữ Nho!
Nhà nọ có ba chị em thông thái hay nói chữ Nho. Có một chàng Ngốc chuẩn bị làm rể để xin cưới cô thứ hai. Bữa nọ, Ngốc đến chơi, cô út ra chào và mời ngồi đỡ trên chõng tre: “ Tọa sàng yến phu lang” ( Mời anh rể ngồi trên chõng). Ngốc không hiểu gì luống ra về. Bữa sau, Ngốc tới thăm, thấy cửa trước không ai, bèn lẻn vô cổng sau, thấy ba chị em đang tắm ở bờ giếng, cười khúc khích.
Cô út chỉ vô mình mà nói: Bạch bạch như phấn trang! ( Trăng trắng như phấn vậy).
Cô thứ hai cũng chỉ vô mình mà nói : Úc úc như hình qui!( Khum khum tựa mu rùa)
Cô cả lớn cười sau khi chỉ vô mình: Hắc hắc như côn lôn! ( Đen đen như núi Côn lôn)
Ngốc ta bèn nhẩm đọc thuộc lòng, để sau có dịp đem ra ứng đáp.
Thế là lần thứ ba, Ngốc lại thăm , cô Út lại ra chào mà nói: Tọa sàng yến phu lang!
Ngốc bèn chỉ vô cô út mà nói : Bạch bạch như phấn trang! khiến cô này trẽn quá (mắc cỡ) ù té chạy vô gọi cô thứ hai ra.
Cô này bèn hỏi : Phu quân như hà ti? ( Chàng ơi có chuyện gì đó ?)
Ngốc bèn bạo dạn trả lời: Hà ti chi mà hà ti, Úc úc như hình qui! khiến cô hai cũng bỏ chạy.
Cô chị cả trong nhà chạy ra khuyên nhủ : Thôi, dượng bất mật ngôn! ( Xin dượng đừng nói lóng nữa).
Ngốc bèn chỉ vô cô chị và nói tỉnh tuồng: Mật ngôn chi bất mật ngôn! Hắc hắc như côn lôn.
( Câu chuyện này không bảo đảm hoàn toàn gốc Huế, nhưng cũng đánh dấu một thời Nho học trước đây còn tồn tại lâu ở xứ Huế, tôi xin kể để bạn đừng quá xét nét mà đọc cười cho thư dãn!)
Con tui chết đứng ngay đơ!
Câu chuyện cười sau, nói ngay tình, tôi không rõ nó phát xuất từ mô, nhưng tôi lần đầu "nghe" ở Huế. Vài chuyện cười hay, cũng giống như vài câu ca dao Việt Nam, được gán ghép cho do nơi này nơi nọ đẻ ra, thật không biết mô làm bằng cứ. Tuy nhiên, vì cái giọng kể của nó, tôi đoán rằng ít nhất nó cũng khai sinh ra tại một địa khu nào trên giải đất miền Trung. Câu chuyện xin kể như ri nì:
Một anh học trò đi trên đường cái, ngó xuống ruộng thấy một lũ con gái quê cắm cúi cấy lúa bèn giở giọng chòng ghẹo sàm sở:
Con tui ..ờ ơi… hắn chết đứng ngay đơ,
Tử vô địa táng…tui xin chôn nhờ đất o!
Anh chàng tưởng rằng ăn nói ngon lành và mạnh dạn như vậy, đố ai dám đối đáp. Ai ngờ, trong đám thôn nữ dưới ruộng, một o đứng ưỡn người lên giơ tay ngoắc:
 - Yêng ơi! cho em đáp thử yêng coi!
Đất em ..ờ ơi sâu hoắm ổ gà.
Dét đầu cha hắn vô cũng đặng… khỏi cần dét con!
Dét tức là „nhét“ nói theo tiếng Huế bình dân cũng như câu sau ni:
Tau ở dà tau, tau dớ mi
Dớ mi nên phải bước chân đi
Không đi thì mi biểu rằng không tới,
Mà tới thì mi hỏi tới mần chi!
Dục cái dĩ, Dục cái dã
"Dục cái dĩ, dục cái dã" là một câu nhại âm chữ Nho thường được những trai gái ở Huế dùng để hò khi mở đầu một câu hò khi giã gạo. Sau đây là một đoạn hò giã gạo do ông Âu Ngọc Trác (Philadelphia) sưu tầm:
 Nữ hò trước:
Dục cái dĩ, dục cái dã
Thấy anh hay chữ
Em xin hỏi thử vài câu
Trung tâm vô vũ, nước đâu chảy hoài?
Bên Nam gặp cái ý hóc búa là : "Trung tâm vô vũ, nước đâu chảy hoài ?" nghĩa là "trong bụng không có mưa, vậy nước ở đâu ra?"
Nhưng rồi, chàng trai cũng đáp lại một cách lém lỉnh như sau:
Dục cái dĩ, Dục cái dã!
Không nói ra thì em cười anh dại
Nói ra …thì thiệt hồ đồ!
Mà nước bên Nam Việt chẩy qua hồ nữ nhi!
Nhận xét: Chữ Nam trong chữ Nam Việt chỉ phương Nam chứ không phải là chữ Nam là con trai đối với chữ Nữ là con gái, nên câu hò đáp không chỉnh lắm, nhưng dầu sao thì bên nam lanh trí đã dùng để gỡ bối rối mà thôi!
Hóc xương
Có một chàng rất háu ăn, một bữa qua ăn kỵ tại nhà người bác. Chàng ăn uống tha hồ tộng vô họng đủ thứ, bất ngờ bị xương cá mắc cổ. Chàng muốn khạc ra nhưng không biết mần răng, bèn ngó lên nóc nhà hỏi người bác:
- Thưa bác, nhà bác lợp tranh hay lợp lạt ( Anh cố ý nói thiệt lớn tiếng những tiếng bác, tiếng lạt như muốn khạc cho cái xương ra)
- Lợp tranh cháu à!
Chàng hóc xương đang muốn tìm một câu hỏi khác thì một thằng nhỏ dỡn chơi, ù té chạy vô đụng cái bàn. Chàng lanh trí bèn nói:
- Đừng chạy vô xớn xác!
Nhờ anh gào to chữ "Xác" đọc là Xạc nên cái xương bắt đầu chớm tróc ra. Nhưng thằng nhỏ sợ quá bỏ chạy ra. Anh ta làm bộ nhân từ, giữ nó lại và nói :
- Đứng với bác nghe Thôi đừng chạy ra chỗ khác!
Lần này, tiếng Khác đọc thêm âm tiếng Huế là Khạc đã làm cái xương văng ra một cách ngon lành.
Vua Tự Đức bị Nguyễn Du xỉ vả!
Câu chuyện sau tôi đoán rằng các nhà nho đặt ra để cười. Ở triều đình Huế, sau khi hoàng tử Hồng Nhậm lên ngôi lấy niên hiệu là Tự Đức, thì cái tên riêng Hồng Nhậm được chuyển làm tên tự, vì nhà vua chọn chữ Thì làm tên chính thức của mình. Vậy chữ Thì này, người dân không ai có quyền gọi ra mà phải nói chuyển âm là "thời", dân Huế quen nói thời giờ mà không nói thì giờ là vậy. Học trò đi thi phải kỵ húy khi viết chữ Thì phải đổi thành chữ khác, hay nếu không đổi được thì đi thi phải viết bớt một nét. Ai vi phạm kỵ húy thì thi rớt và bị tội. Do đó, các nhà nho cũng dựa vào đó mà đặt thành một chuyện tiếu lâm. Họ dựng chuyện mà giải thích rằng đọc truyện Kiều người ta mới khám phá rằng vua Tự Đức bị xỉ vả tàn tệ nào là người dâm đãng, nào là kém cỏi, ti tiện!
Hãy đọc bằng chứng sau qua hai câu:
*Ra tuồng trên bộc trong dâu,
Thì: con người ấy ai cầu làm chi!
*Tha cho Thì cũng may đời
Làm ra Thì cũng là người nhỏ nhen!
b-Cái Cười tiếu lâm của thi nhân xứ Huế
Ở Việt Nam, nữ sĩ Hồ Xuân Hương ngoài Bắc thời vua Lê chúa Trịnh là người nổi danh quán quân đã tiên khởi đem cái tục về tính giao vào văn chương. Bẵng đi một thời gian, không ai nối gót bà. Phải chờ đến khoảng cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, cái truyền thống làm thơ tục thanh thanh tục của Hồ Xuân Hương mới xuất hiện lại ở kinh kỳ xứ Huế, được một số thi nhân hưởng ứng một cách nhiệt tình với một số lượng đáng kể về những bài thơ độc đáo mà phẩm chất không kém phần mặn mòi, thú vị chút nào. Những nhà thơ xứ Huế sáng tác một cách nghiệp dư trong lĩnh vực không phải là dân dung tục ít học mà là những người nho học, khoa bảng đáng kính nể như tôi trích dẫn sau đây… Kỹ thuật của họ không những chẳng kém gì Hồ Xuân Hương trong tài nói lái, tài miêu tả sống động bóng bảy "thi trung hữu họa", nói là họa vì đọc thơ thấy hình ảnh đối tượng vẽ ra trước mắt; về lối gieo vần cũng hiểm hóc vô cùng. Ngoài ra, họ còn sử dụng nhiều hơn trên phương diện tinh xảo về thi tài như dùng những ngạn ngữ v.v…
Tôn Thất Diệm (1853- 1922)
Hiệu là Mộng Phật. Đậu tú tài Hán học 1878. Làm quan từ chức Tri Huyện (1881) đến chức Tham Tri. Năm 1910, về hưu trí với hàm Thượng Thư. Mất năm 1922.
Giống mẹ
( mỗi câu là một điển ngạn-ngữ)
Giống mẹ không sai chút bẻo beo,
Cuống đầu tỏ đặng lúc chồng cheo.
Chơ hơ giữa chợ phơi ba vạ
Nút nớt trong cươi trợt một keo.
Đánh giấc mê man tha kệ chuột
Nổi cơn quay quắt dữ hơn mèo.
Đi nhai, đứng ngậm, ngồi cười gẫm
Róc rách bên cồn ngọn gió heo.
Tôn-Thất Mỹ ( 1860- 1913)
Sanh tại làng An cựu Huế. Hiệu là Tam Xuyên. Đỗ cử nhân và làm quan đến chức Án sát ở Nghệ An và Tá Lý bộ Lễ triều Tự Đức. Mất tại Quảng Bình năm 1913.
Phú Đắc
(dựa vào câu : Con ai đem bỏ chùa này, Nam mô Di Phật, con thầy thầy nuôi.Bài này làm để cười chuyện thầy chùa Túy vân)
Nghe tiếng ù oa trước cửa chùa,
Nam mô di Phật phải phân bua:
Một là em bậu hay cầu tự
Hai nữ ông thầy khéo đội tu
Quét sạch lá đa rồi thí nghiệm
Xây tròn quả phúc lắm công phu
Tay chuông tay mõ rù rì tụng,
Oan hỡi mà ung Phật chứng cho.
(Chú thích: Ngoài cách nói lái như “đội tu”, những từ ngữ như lá đa, quả phúc, rù rì rất gợi hình)
Đưa O Đoài bán bánh
(mỗi câu có tên một thứ bánh và bát quái)
Vẻ ngọc càng say, rượu ít nồng
Kìa ai vòng Khảm đúc hình dung.
Cấn nơi quán khách e dầy dụa
Chấn bức mành ba những ước mong.
Chiếc lá tốn công, giòng bích thủy
Dấu bèo ly hận ngọn đông phong.
Nhắn em xem chợ lời khôn hỏi
Ngảnh mặt non đoài mảnh ráng hồng.
[Chú thích: _ Tám quẻ Bát quái là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài ( tiếng Huế: Cấn quen dùng trong chữ cấn tiền, cấn nợ là xin gán nợ, ăn chịu; Chấn nghĩa giống như chắn che ngăn cách); _ Tám thứ bánh là: Ít, đúc, dầy, ướt, lá, bèo, hỏi, rán(g)]
Theo cụ Hoàng Trọng Thược biên khảo trong cuốn Nghệ thuật trào phúng và nụ cười trong Thi văn Việt Nam, Tam Xuyên Tôn Thất Mỹ là một con người tài ba phóng túng mà nhà văn Nguyễn Tuân đã nhắc tới trong cuốn Vang bóng một thời của ông về giai thoại "Thả thơ" của ông với bà hầu non là Mộng Liên. Hai ông bà dong chơi đi bộ từ Nghệ An vô Huế, tới đâu thì dừng chân lại tổ chức những buổi thả thơ để kiếm tiền đi đường. Đi đến Đèo Ngang ( Hà Tĩnh), nhân trời tối nhân gió mát trăng thanh, ông bà ngủ đỡ trong một quán lá vắng chủ…. Trong đêm này, ân ái nồng nàn với vợ, ông bị chết vì thượng mã phong. Trong đám tang của ông ở Huế, có nhiều câu đối phúng điếu của các thi hữu, trong đó đáng kể nhất có câu của Thượng Thư bộ Lại là Phước Môn Nguyễn Hữu Bài như sau:
Ra Bắc vào Nam trăng gió đề huề thi một túi,
Lên đèo xuống ải mây mưa đánh đổ cuộc trăm năm
Câu này thắm thiết tả cảnh, tả tình rất sát cho trường hợp của Ông Tam Xuyên, nhất là cảnh "lên đèo xuống ải mây mưa" khiến ông phải thượng mã phong! Chúng ta phải ghi nhận đây là "nụ cười đen" nơi xứ Huế!
Nguyễn Đôn Dư ( 1908 – ?)
Người làng Thế Lại thượng, huyện Hương trà, Thừa thiên. Biệt hiệu là Quỳ -Ưu, làm Công chức, có chân trong Hương Bình thi xã. Cụ có làm nhiều bài thơ với giọng trào phúng mỉa đời như bài Trò Sân Khấu, Vịnh cái mõ, Cháy nhà ra mặt chuột, Vịnh con Nộm nan, Gà đá nhau. Về phương diện tiếu lâm, cụ có bài sau dí dỏm cho cảnh một ông già:
Vịnh cái bật lửa cũ
Lẹt xẹt hồi lâu lửa chẳng ra
Ngán thay cái quẹt của ông già
Con cò chắc đã mòn khu ốc
Viên đá e khi hỏng ruột gà.
Đè xuống kéo lên thêm hỏng trục,
Bấm qua bóp lại muốn trầy da.
Dầu đà xì bậy, tim đà ướt,
Toan vất nhưng mà có kẻ la!
( Chú thích: Đè, kéo, bấm, bóp, xì bậy, tim đà ướt toàn là những chữ hiểu thế nào cũng được. Tiếng Huế nói la không phải là hét mà cũng như nói trách mắng (Bắc) hay rầy ra (Nam), ví dụ: Về trễ, bị vợ la!
Hoàng trọng Thược
Bút hiệu Hương Thủy, sanh năm 1910 tại Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên. Đỗ tú tài bản xứ tại trường Bưởi Hà nội ( 1931), từng là công chức Nam triều ở Huế. Chức vụ cuối là Giám đốc Quan Thuế ba miền. Về hưu năm 1965. vừa mới mất tại California (Hoa kỳ). Dưới bút hiệu thi sĩ Hương Thủy, cụ Hoàng Trọng Thược đã làm nhiều bài thơ rất hay, nhất là thơ trào phúng và châm biếm thời thế như cuốn Hương Bình thi phẩm ( 1962). Trên phương diện biên khảo, cụ đã xuất bản nhiều sách có giá trị: Thi ca châm biếm Việt Nam ( 1969), Huế Thi ca trào phúng ( 1973), Vua Duy Tân ( 1984) , Nghệ thuật trào phúng và nụ cười trong Thi văn Việt Nam. Riêng tôi rất biết ơn cụ qua nhiều sự tham khảo vào những trước tác quí giá của cụ. Cụ Hoàng Trọng Thược có làm nhiều bài thơ loại ỡm ờ kiểu Hồ Xuân Hương với ý tưởng phong phú, và từ ngữ tài tình dí dỏm dựa trên những đề tài hiện đại như Tắm Hố và chơi tennis.
Vịnh Lão Tướng Quần vợt (1960)
(Honni soit qui mal y pense)
Bài này gồm 3 bài liên hoàn, lấy câu chót một bài để mở đầu cho bài kế, tôi xin trích dẫn cho đủ để bạn đọc thưởng thức cho trọn vẹn cái đại tài của tác giả
Càng già càng dẻo lại càng dai,
Lão tướng ra quần chẳng kém trai!
Đấu mấy hiệp liền không đuối sức,
Tranh ba ngày tiếp chẳng mòn hơi.
Khi mau, khi chậm, khi mơn ngắn,
Lúc xuống, lúc lên lúc thọc dài.
Gác lại, gác qua phô đủ kiểu,
Mòn lông banh nỉ lão còn chơi
>
Mòn lông banh nỉ lão còn chơi,
Cân sức cho nên chẳng dám lơi:
Chống đỡ gay go trào bọt mép
Cò cưa dai dẳng toát mồ hôi.
Chơi trưa chưa phỉ còn chơi tối
Đánh chiếc xong rồi lại đánh đôi.
Phút chốc mưa đâu tuôn xối xả,
Cuộc vui hào hứng tạm ngưng rồi.
Cuộc vui hào hứng tạm ngưng rồi,
Chốc nữa lau khô lão lại chơi.
Biểu diễn sân quen hay đáo để,
Nắn dồi banh mới sướng mê tơi
Người trên ập xuống phều phào thở,
Kẻ dưới nâng lên khúc khích cười.
Đối thủ gặp nhau mùa nắng cực,
Quần lâu thấm mệt ngã lăn nhoài.
Trong bài thơ trên, tác giả dùng nhiều danh từ chuyên nghiệp của giới chơi quần vợt, khiến tôi liên tưởng tới chuyện sử dụng những danh từ trong ngành đan đát tại làng Bầu La ( Bao La) tỉnh Thừa Thiên Huế, chuyên làm nghề đan thúng mủng đem ra bán trên chợ Đông Ba. Câu chuyện đại khái là trong làng Bầu La, một dịp nọ, một đám con trai nơi khác đến coi các o đan đát rồi một anh đòi vô ngồi đan nữa nên một o mới chua ngoa hát rằng:
Liệu mà đát được thì đan,
Đừng có gầy ra rồi bỏ đó, thế gian chê cười!
Những chữ đát, đan, gầy, bỏ là những tiếng nhà nghề, nhưng chàng trai cũng tỉnh bơ đáp lại:
Anh đây đan cũng giỏi mà đát cũng tài,
Lận thì nhún trên, nhún xuống, nứt thì chui ngoài chui vô!
Tiếng Lận, Nhún, nứt, chui là những tiếng nhà nghề về đan đát khác. Nhưng lại có một chàng khác nhẩy vô vòng chiến với câu hò sau:
Bớ các o ơi, Tui đây không phải là trai hư
Tôi đan đặng, tui đát được, tội lận chừ cho o coi!
Lận rồi tôi chận lột hẳn hoi,
Ở trên tui nấn xuống, ở ngoài tôi đè vô!
Nói ra sợ mất lòng o,
Ngó trong cái mủng, chỗ mô tui cũng dùi!
Trong câu này, lại có thêm những tiếng nhà nghề khác như Chận, Lột, Nấn. Đè và cái Dùi.
III – Thay lời kết
Trên những chuyện cười và thơ tiếu lâm Việt Nam nói chung cũng như ở Huế nói đặc biệt riêng, những chuyện tính giao nói ra thì thường khiến giới đạo mạo lịch sự nhăn mặt chê bai là chuyện dâm ô… nhưng nếu chuyện đó được trình bầy dưới hình thức ẩn dụ ( metaphor) bằng những từ uyển mỹ ( euphemistic) và gói ghém tài tình qua những vần thơ, thì nghiệm ra đó là một điều bổ ích trong sự giải tỏa tiềm thức bị dồn nén, tiêu sầu giải muộn và cung hiến nhiều yếu tố lành mạnh cho cuộc đời thêm phong phú, thú vị và nhất là mặn mòi hơn. Trên phương diện phân tâm học, nói và nghe chuyện và tiếu lâm không thể nói là một đặc thù bệnh lý, mà ta có thể nói nhờ nó mà văn hóa Việt Nam không bị thác loạn về tình dục ( perversion sexuelle).
Chúng ta có thể định nghĩa chăng rằng Cười là một thứ ngôn ngữ "vô ngôn" ám tàng biểu lộ từ cơ thể (body language) của một dân tộc. Còn thơ là một thứ ngôn ngữ "siêu ngôn" phát biểu ra bằng những biểu tượng ám dụ của dân tộc đó. Cái cười Huế đương nhiên chia xẻ một mẫu số chung về tính khí với những cái cười của những địa phương khác ở Việt Nam vì con người dù là Bắc, Trung , Nam cũng là con người Việt Nam. Tuy nhiên, trong phạm trù ngôn ngữ, ngôn ngữ xứ Huế có những đặc thù về âm sắc và cách phát biểu từ ngữ riêng. Giữa xứ Bắc là nơi đất cũ ngàn năm văn vật với ngôn ngữ ví von, rổn rảng và miền Nam là vùng đất mới với cách ăn nói trực diện, chơn chất thì như vậy xứ Huế phải phô ra một hình thái về cái nét cười nào chứ? Trung dung chăng? hay lắng đọng trong một địa tầng văn hóa nào đó khiến người ta suy gẫm sâu xa? Người viết mong chờ câu giải đáp từ nơi quí bạn.

LÊ VĂN LÂN

Tài liệu tham khảo:
* Kho tàng truyện cười Việt Nam của Vũ Ngọc Khánh – Nhà Xuất bản Văn hóa – Thông tin , Hà Nội 1995
*  Thi ca châm biếm trào lộng Việt Nam của Hoàng Trọng Thược – Nhà sách Khai trí 1969
* Le Petit Larousse Illustré 2002

No comments: