Sunday, September 23, 2012

(237) Kho báu Chàm

Đến lễ Katê hằng năm, người Raglai lại cử đoàn xuống núi mang theo vật báu đến đền Pô Klong Garai cúng vua.
Chuyện ly kỳ về kho báu Chàm



Kho báu Chàm được đề cập trong phạm vi bài viết này không phải là thứ “vàng Hời”, “vàng tùy táng” nằm ẩn dưới cổ mộ của những chức sắc, người Chàm (Chăm) giàu có từng một thời gây xôn xao dư luận, được tìm thấy bởi những kẻ “cướp cổ mộ”. Được nhắc đến ở đây là những kho báu của các triều vua Chàm với nhiều vật báu có một không hai. 21/08/2012
 Lần theo nhiều thư tịch, lời đồn và những truyền thuyết, PV Chuyên đề ANTG đã lần trở về quá khứ, để từ đó phác lộ sự thật về những kho báu của vua Chàm  tại vùng đất cuối cùng của vương triều ngày trước ở 2 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Đó là những kho báu với nhiều bảo vật gấm vóc lụa là, đồ ngự dụng bằng bạc, vàng ròng, ngọc quý…
BÀI 1: LẦN THEO DẤU VẾT NHỮNG HUYỀN THOẠI CÓ THẬT
Trong một thời gian dài, chuyện về những kho báu của vua Chàm được người đời thêu dệt thành những huyền thoại. Người ta đồn đãi và tin rằng những kho báu ấy từng một thời ẩn sâu trong lòng đất, được trấn giữ bởi những trinh nữ bị táng sống để bảo vệ bảo vật của vua. Người râm ran các kho tàng kho báu của vua Chàm vẫn còn ẩn dưới lòng đất, và cũng có lời đồn những kho bảo vật ấy đã biến mất theo dấu vết của thời gian, chiến tranh và những cuộc tàn phá, cướp bóc vào cái thuở lịch sử nhuốm đầy "mùi" binh đao, khói lửa.
Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, những kho báu của vua Chàm với muôn vàn ngọc ngà châu báu… phần lớn ẩn giữa rừng sâu. Điều kỳ lạ là những kho báu ấy được gìn giữ bởi tộc người Churu và Raglai. Vì sao kho báu vua Chàm lại không được người Chàm gìn giữ. Vì sao lại có hiện tượng lạ như vậy?
Bao đời qua, chuyện về các vị vua Chàm cùng những kho báu đồ sộ với những chiếc rương bằng gỗ quý trĩu nặng vô số vật dụng, đồ trang sức, triều phục, biểu tượng quyền lực (kiếm và ấn triện) bằng các chất liệu vàng, bạc, ngọc ngà… luôn kích thích sự hiếu kỳ của người đời cũng như thu hút sự quan tâm của xã hội. Người ta không thể không quan tâm, không thể không hiếu kỳ khi thi thoảng lại nở rộ thông tin có người tìm thấy nải chuối bằng vàng, con ngựa bằng vàng, pho tượng bằng vàng… tại ngôi cổ mộ, cánh đồng hay khu rẫy nào đó.
Ông Hồ Khải, hiện sống tại khu phố chuyên buôn đồ giả cổ Lê Công Kiều (quận 1, TP HCM) là người rất quan tâm đến thông tin về những kho báu Chàm. Hơn 50 năm sưu tầm, góp nhặt, trao đổi và mua bán, ông Khải đang nắm trong tay khối lượng cổ vật khổng lồ với hàng ngàn món. Giữa la liệt kiếm cổ, ấn triện của các vương triều (chủ yếu triều Tây Sơn và triều Nguyễn), tượng cổ, đồ sành sứ trăm năm, các bảng sắc phong, các bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng… được ông Khải "cưng như trứng, hứng như hoa" những cổ vật liên quan đến các triều đại vua Chàm. Lý do theo thổ lộ của ông bởi đó là vương triều huyền bí, tài hoa trong việc chế tác những vật dụng sinh hoạt, trang sức tinh tế đến không tưởng!
Mỗi nhà sưu tập cổ vật có niềm đam mê riêng nên chuyện ông Khải không ngớt lời khen các món "cổ vật Chàm" mà ông đang sở hữu không có gì lạ. Sau khi khoe nhiều bức tượng cổ, hộp trang sức bằng bạc của những phụ nữ Chàm quyền quý, những cây kiếm lưỡi lượn sóng chuôi đồng thân thép xám lạnh huyền bí, ông Khải, tâm sự: "Điều đáng tiếc là tôi chỉ có được những món đồ dùng trong tùy táng, thờ cúng thần linh mà thôi. Kỳ thực tôi rất mong ước mình kiếm được những món đồ là vật báu của các triều vua Chàm để lại. Các vua Chàm để lại cho hậu thế rất nhiều kho báu, nhưng khổ nỗi vì chưa có duyên nên tôi chưa tuyển được món nào".
Phần lớn cổ vật Chàm mà ông Khải sưu tập được có nguồn gốc ở Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa và đặc biệt tại tỉnh Ninh Thuận, nơi mà theo ông "từng là giang sơn cuối cùng của các vua chúa Chiêm Thành". Hàng trăm lần đi đi về về tuyến TP HCM - Ninh Thuận và ngược lại để săn tìm "cổ vật Chiêm Thành" mà dân gian vẫn quen gọi "Chàm", đi nhiều, ăn dầm nằm dề nơi núi rừng để lần theo những nguồn thông tin về các kho báu Chàm cũng như những người tìm được cổ vật Chàm để hỏi mua, bán chác, trao đổi… nên nói ông Khải là "tự điển sống" về cổ vật Chàm, không quá lời.
Cũng nhờ đọc nhiều và ham đọc mà ông Khải có khẳng định hoàn toàn trái ngược với những gì thiên hạ đồn đoán về những kho báu Chàm: "Người ta đồn người Chàm lưu giữ kỹ lưỡng những báu vật trong kho báu truyền đời từ các vua chúa của họ, họ chỉ đưa ra cúng quẩy vào lễ hội lớn rồi lại cất giấu rất kỹ, không cho bất kỳ ai xem". Nói đến đây, ông Khải tặc lưỡi: "Những đồn đãi đó vừa đúng lại vừa sai. Đúng là chỉ khi tiến hành lễ Katê người ta mới được dịp chiêm ngưỡng những báu vật của vua chúa Chàm. Nhưng những báu vật này không phải do người Chàm lưu giữ mà là do người Raglai ở huyện miền núi Ninh Sơn, bảo quản. Khi có lễ hội thì họ mang xuống dâng cúng và kết thúc lễ thì lại mang báu vật về núi".
Chia sẻ của ông Khải gợi cho người viết bài này nhớ đến lần tham dự lễ hội Katê năm ngoái tại Ninh Thuận. Được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 Chăm lịch (khoảng cuối tháng 9 dương lịch), Katê là lễ hội thiêng liêng, là dịp để cộng đồng người Chăm tưởng nhớ các anh hùng dân tộc được họ tôn là thần vì đã ban giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Lễ hội Katê lần đó, chúng tôi dự tại đền Pô Klong Garai (dân gian quen gọi Tháp Chàm, tháp thờ vua Pô Klong Garai, được người Chàm xem là vị anh quân, là vị vua có tài dẫn thủy nhập điền giúp ruộng vườn khô cạn trở nên tươi tốt, dân chúng no ấm) và được dịp chứng kiến các vị chức sắc trong cộng đồng Chăm bày những chiếc ly, chén màu vàng từ trong một chiếc giỏ tre trước tháp chính rồi khấn cầu kính cẩn. Khi ấy, cứ nghĩ đó đơn thuần là những món đồ phục vụ cho lễ nghi, nào ngờ qua trò chuyện với ông Khải, mới biết ấy là những báu vật trong kho báu mà các vua chúa Chàm để lại cho hậu thế!
Vấn đề ở chỗ khẳng định của ông Khải rằng "kho báu của các vua Chàm do người Raglai giữ" liệu có hoàn toàn chính xác? Để làm rõ điều này, có dịp đến Ninh Thuận, người viết không bỏ lỡ cơ hội tìm hỏi các vị chức sắc Chàm để rõ thực hư. Qua các cuộc trò chuyện mới biết điều ông Khải chia sẻ hoàn toàn chính xác. Theo tục lệ cổ truyền, đến dịp lễ Katê của người Chăm thì các làng Raglai (huyện Ninh Sơn, Ninh Phước) cử người rời núi cao mang theo các báu vật mà vua chúa Chàm ngày trước gửi gắm xuống các tháp để cùng dự lễ rồi mang trở về núi cất giữ. Báu vật mà họ mang theo gồm áo giáp, áo bằng vàng, mão bằng vàng, bảo kiếm, sắc phong của các triều vua Nguyễn cho vua Chàm, và các đồ ngự dụng của Vua Chàm...
Sau khi tiếp nhận những báu vật trăm năm, các chức sắc Chăm đưa vào đền tháp chính với những nghi thức trang trọng.
Những tư liệu nghiên cứu ghi rằng theo thời gian, sau chiến tranh (sau năm 1975), vì nhiều lý do mà các báu vật kể trên không còn nữa nhưng người Raglai vẫn theo lệ xưa mang những gì còn sót lại mà người Chàm xưa gửi gắm như ly chén, sắc phong, áo vải đã cũ mục… xuống các đền tháp đã quy định trao cho các chức sắc Chăm hành lễ ở đền Pô Inư Nưgăr, tháp Pô Rômé, tháp Pô Klong Garai. Ngoài những báu vật còn sót lại, người Raglai khi xuống núi cũng mang theo báu vật của chính mình, đó là những dàn mã la (nhạc cụ bằng đồng giống cồng chiêng Tây Nguyên nhưng không có núm) hàng trăm năm tuổi và tấu lên những âm thanh huyền bí để ngày hội Katê thêm phần long trọng.
Người Raglai hiện sinh sống tập trung tại 3 huyện của tỉnh Ninh Thuận gồm Bác Ái, Ninh Sơn và Ninh Phước. Đây là tộc người theo chế độ mẫu hệ, có nghĩa con gái cưới con trai. Người Raglai hiền lành, chân chất, yêu chuộng hòa bình và rất trọng chữ tín. Những chuyện lạ về phong tục Raglai, đặc biệt là tục con gái đi cưới chồng, chúng tôi sẽ đề cập trong một bài viết khác. Vấn đề đặt ra ở đây là tộc người này liên quan gì với người Chàm. Đâu là lý do họ giữ những kho báu Chàm mà nhiều tư liệu ghi rằng do người Chàm gửi. Tại sao người Chàm lại không tự giữ những báu vật là di vật của tổ tiên, sao lại có sự lạ như vậy?!
Tiếp  tục dò hỏi, lần tìm, người viết tình cờ biết được nhiều bí mật qua một số tư liệu xưa, đặc biệt qua bài viết về "Số phận những kho báu Chăm ở Lâm Đồng" của tác giả Đoàn Bích Ngọ, công tác tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng. Qua đó mới biết hơn 170 năm trước, các bảo vật Chàm vẫn do các thế hệ con cháu các vua Chàm giữ. Số phận lưu lạc của các bảo vật Chàm bắt đầu vào năm 1831, khi Lê Văn Khôi (con nuôi của Tổng trấn Lê Văn Duyệt) nổi loạn ở thành Phiên An (Gia Định), chống lại triều đình nhà Nguyễn, chiếm 3 tỉnh Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết.
Sau khi dẹp được Lê Văn Khôi, biết được số đông con cháu vua Chàm tích cực hợp tác với quân nổi loạn, Vua Minh Mạng đã thẳng tay đàn áp. Để tránh họa, một bộ phận người Chàm di cư sang Campuchia, số khác mang theo các bảo vật của tổ tiên lên núi sống với người Churu và Raglai. Mãi đến đời Vua Thiệu Trị, lệnh đàn áp mới được hủy bỏ. Dầu vậy con cháu của vua Chàm không mang di vật cha ông xuống núi mà gửi lại cho những bộ tộc đã chở che cho mình lúc hoạn nạn.
Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết số báu vật mà con cháu của vua Chàm gửi cho người Churu (nay cư trú ở tỉnh Lâm Đồng) và người Raglai ngày trước rất nhiều với cả ngàn bảo vật, di vật cung đình. Nhưng do chiến tranh, loạn lạc và nạn săn lùng cổ vật mà người Churu hầu như chẳng còn lưu giữ được bao nhiêu bảo vật. Số phận của hàng trăm món bảo vật của vua chúa Chàm (kho đựng đồ bạc, y phục của vua và hoàng hậu, mâm thờ bằng bạc, vương miện bằng vàng…) được gửi cho người Churu khép lại vào giai đoạn năm 1968-1969 khi 3 ngôi đền gồm đền Sóp, đền Krayo và đền Sópmadronhay mà người Churu xây dựng để thờ các vua chúa Chàm và lưu giữ kho báu đã bị máy bay Mỹ ném sập rồi đến lượt các toán quân Mỹ ùa vào hôi của.
Sau gần 200 năm, những kho báu mà người Chàm trao gửi cho người Raglai nay chỉ là con số khiêm tốn và được người Raglai lưu giữ qua nhiều thế hệ. Và cũng từ đây, hình thành mỹ tục cứ đến lễ hội Katê hằng năm, trước khi diễn ra ngày lễ chính (ngày 1 tháng 7 lịch Chăm), các làng Raglai có giữ báu vật của vua Chàm gửi gắm ngày trước lại cử người rời núi cao đến trao báu vật cho các chức sắc Chăm hành lễ, sau đó lại đón về bảo giữ nghiêm ngặt.
Được biết khi di chuyển xuống đồng bằng để hành lễ với người Chăm, đoàn người Raglai tập kết ở 3 địa điểm có tháp cổ linh thiêng được quy định sẵn gồm tháp Pô Rômê, đền Pô Inư Nưgăr và tháp Pô Klong Garai. Cũng cần nói rõ rằng trước khi mang báu vật xuống núi, bao giờ người Raglai cũng phải làm lễ. Lễ vật cúng thần là 1 con dê và hàng năm phải chúng thêm 5 mâm cơm và 2 con gà.
Còn một bí mật nhỏ khác quanh chuyện các kho báu Chàm được người Raglai lưu giữ mà người viết ghi nhận là như người Churu, sở dĩ người Raglai vẫn cất công, bền bỉ lưu giữ các báu vật mà vua chúa Chàm ngày trước gửi lại, và khi tình hình đã ổn, người Chàm cũng không có ý định thu hồi vì giữa người Raglai và người Chàm có mối quan hệ mật thiết, gần gũi như anh với em. Trong Non nước Ninh Thuận, tác giả Nguyễn Đình Tư ghi rằng "theo các nhà nhân chủng học, người Raglai được hình thành bởi giống Chàm và giống Rhadé… Do đó phong tục tập quán của người Raglai chịu ảnh hưởng của sắc dân Chàm".  Nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học cho thấy khi giao tiếp, người Raglai Nam (cư trú ở huyện Ninh Sơn) và người Chăm có thể hiểu nhau đến 90%...
Chính vì sự gần gũi như chân với tay ấy mà khi gặp nạn, vua chúa Chàm đã tin cậy lên núi cao sống với "người anh em” của mình. Và với bản chất thật thà lại được sự gửi gắm kỳ vọng, bao năm qua người Raglai vẫn thủy chung, cố tâm gìn giữ những báu vật, không có ý định chiếm hữu làm của riêng. Chính điều này đã tạo nên dấu ấn lạ kỳ trong lịch sử, tạo nên phong tục đặc sắc mà không phải mấy ai cũng đuợc rõ căn cơ ẩn sau nó!
(Còn nữa)
Những kho báu Chàm: Báu vật không cánh mà bay
Rất nhiều câu chuyện về những kho tàng Chàm nay chỉ còn trong ký ức của những bậc cao niên - ông Lâm Tấn Bình.

Theo một số tư liệu, Tây Đồ Di là tên gọi cổ của vương quốc Chàm ngày trước và tỉnh Ninh Thuận ngày nay là một phần của vương quốc này. Là tỉnh có người Chàm (Chăm) cư trú đông nhất, Ninh Thuận từng là kinh đô cuối cùng của vương triều Chàm nên địa phương này là nơi được đồn đại có nhiều khó báu Chàm bí hiểm! Vậy trên đất Ninh Thuận từng có bao nhiêu kho báu của vua chúa Chàm? Một, hai hay nhiều hơn thế? Thứ Năm, 23/08/2012
 Kho tàng Chàm đầu tiên mà PV Chuyên đề ANTG muốn chia sẻ với bạn đọc được ghi nhận tại thôn Phước Đồng, xã Hậu Phước, quận An Phước (nay là xã Phước Thái, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm). Kho tàng này chứa rất nhiều bảo vật của Vua Pô Glong Garai và được người Chàm lưu giữ.
Cần lưu ý rằng có không ít người nhầm lẫn vua Pô Glong Garai là Vua Pô Klong Garai. Sử Việt gọi Vua Pô Klong Garai là Chế Mân, còn theo tiếng Phạn, ông chính là Vua Sinhavarma đệ III (hiện ở Phan Rang - Tháp Chàm có ngôi tháp cổ trên đỉnh đồi Trầu do chính Vua Pô Klong Garai cho xây dựng vào thế kỷ XIII và được người Chàm lấy tên vua đặt cho tháp). Sở dĩ vua  Pô Klong Garai được dân tộc Chàm tôn là thần bởi trong quá khứ, ông là vị vua mưu trí, thao lược, có tài dẫn thủy nhập điền). Riêng về Vua Pô Glong Garai, người viết dù đã cất công tìm hiểu nhưng không tìm được thông tin gì ngoài kho báu mà vị vua Chàm này để lại cho hậu thế!
Vậy kho tàng Pô Glong Garai có những báu vật gì, số lượng bao nhiêu? Đầu thế kỷ XX, ông H.Parmentier, nhà khảo cổ học người Pháp, khi đến thăm kho báu này đã có bản kiểm kê chi tiết ghi lại trong tập kỷ yếu của Trường Viễn đông Bác cổ tập V (1905) với nhan đề "Le Trésor des Rois Chams". Nhờ sự tỉ mẩn của H.Parmentier mà hậu thế biết được kho tàng Pô Glong Garai có 173 món đồ, gồm 1 món bằng vàng, 84 món đồ bằng bạc, số còn lại là những cổ vật bằng các chất liệu đồng, đồng thau (đồng pha thiếc), thiếc, gỗ, đồi mồi.
Có thể liệt kê những bảo vật tiêu biểu trong kho tàng của Vua Pô Glong Garai như sau: Các lá cây viết chữ Chàm, 1 hộp khảm vàng (nắp đậy bằng đồng đỏ và vàng, trong có một hộp khác bằng bạc), 1 hộp bằng đồi mồi đỏ và trong suốt (phía trong mạ vàng, có khay bạc, núm nắp đậy bằng vàng), 2 gương soi (một đặt trong nửa trái dừa và cái còn lại gắn trong vỏ ốc mỏng), 1 hộp  đựng cau bằng bạc có núm vàng đỏ, 1 hộp đựng vôi bằng bạc (chạm vảy cá, nắp có gắn một miếng thủy tinh, 1 cái bát nhỏ bằng đồng còn vôi), một số dao ăn trầu lớn nhỏ khác cỡ (sống dao có cái bằng bạc hay bằng đồng, cán dao bằng gỗ hoặc sừng), 1 ống nhổ bằng thiếc, 1 lược đồi mồi xung quanh viền bạc, một số nhẫn đeo tay lớn nhỏ đủ cỡ….
Căn cứ vào bảng phân loại và mô tả kích cỡ, chất liệu của các món đồ trong kho tàng, các chuyên gia khảo cổ đoán định những hộp đựng trà, thuốc hút, trầu cau, vôi ăn trầu trong kho tàng là của vua, các bà hoàng và công chúa. Trong tổng số gần 200 món đồ xưa cổ có giá trị về phương diện khảo cổ và bảo  tàng, chúng tôi đặc biệt ấn tượng trước những bảo vật là hộp klong. Kho tàng được ghi nhận có 1 hộp klong hình ống bằng đồng, 1 hộp klong chất liệu bạc chạm hình miếng trám đã mất nắp. Ngoài ra còn một số hộp klong khác bằng đồng hoặc trơn hoặc chạm trổ.
Hộp klong, những bộ chén tách bằng bạc, đồng còn sót lại trong một kho tàng của vua chúa Chàm ngày trước.
Những hộp klong trong kho tàng kể trên được dùng để đựng xương trán người chết trước khi đưa vào kút ở nghĩa trang. Tìm hiểu về những bí ẩn của hộp klong và mộ kút, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước tục an táng người chết kỳ lạ của người Chàm tại Ninh Thuận. Sau khi được hỏa táng, tro cốt của người chết được cho vào kút để tại nghĩa trang của gia tộc.
Có nhiều hình dạng khác nhau, kút là mộ chí của người Chàm (ngày trước được tạc bằng đá theo dạng hình người với dáng điệu nghiêm trang nhưng nay đa phần chỉ còn là phiến đá trên nhỏ dưới to). Để được vào kút, người chết phải hội đủ một số điều kiện bắt buộc và phải trải qua nhiều nghi lễ, trong đó có nghi lễ lấy xương trán (nếu là nam lấy 7 miếng, nữ lấy 9 miếng) rồi mài các mảnh xương ấy cho nhẵn nhụi thành cỡ dáng đồng tiền rồi cho vào chiếc hộp klong. Trong thời gian chờ đợi nhập  kút, hộp klong đa phần được chôn kín ở rừng sâu hay nơi bụi rậm… Với người bình dân hoặc người nghèo, hộp klong được làm bằng thiếc nhưng với gia đình giàu có, nhất là người của hoàng tộc, hộp klong được làm bằng bạc hoặc vàng!
Kho tàng liên quan đến các vua chúa Chàm thứ 2 nằm ở thôn Hậu Sanh, thuộc địa phận xã Hữu Phước, quận An Phước (nay là xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước). Có tên Chàm là Palei Thvon, kho tàng này chứa các bảo vật của Vua Pô Rômé, vị vua cuối cùng của vương quốc Chiêm Thành. Như Vua Pô Klong Garai,  Vua Pô Romé được người Chàm thờ phụng như một vị thần linh tại ngôi tháp mang tên của chính mình, tháp Pô Rômé (thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu).
Căn cứ vào các bia văn nơi cổ tháp, hậu thế được biết tháp do chính Vua Pô Rômé xây dựng vào thế kỷ thứ 17. Tương truyền Vua Pô Rômé được mẹ sinh ra ở gốc cây, lớn lên tướng mạo khôi ngô tuấn tú, có tài bắn cung, được vua Mưh Ta Ha trọng dưỡng và gả con gái là Công chúa Bia Thanh Chih, sau cùng truyền ngôi vua vào năm 1627 dương lịch. Có một điều lạ là sử sách ghi Vua Pô Rômé lên ngôi vào năm con Thỏ theo lịch Chàm và khép lại sự sống lẫn vương triều của mình cũng vào năm con thỏ, tức năm 1651 dương lịch.
Không được đồ sộ như kho tàng của Vua Pô Glong Garai, số lượng bảo vật thuộc về kho tàng của Vua Pô Rômé khiêm tốn hơn nhiều. Thống kê của chuyên gia khảo cổ H.Parmentier vào năm 1905, cho thấy kho tàng này có những bảo vật như sau: 1 hộp klong bằng bạc, 1 chén gỗ, 13 chiếc nhẫn, 3 bông tai vàng, 7 chiếc vòng đồng, 1 chén có nắp  bằng vàng, 10 chiếc bát bằng bạc, đồng, hợp kim chạm rồng, chạm hình vảy và hình răng cưa… Ngoài ra còn có một số tài liệu cổ viết chữ Chàm và vật dụng khác.
Điều đặc biệt là trong bảng thống kê của H.Parmentier không hề nhắc gì đến một mảnh phía trước của chiếc mũ bằng vàng của Vua Pô Romé. Thông tin về mảnh vàng này được các chuyên viên của Viện khảo cổ Sài Gòn khi đến thôn Hậu Sanh kiểm kê kho tàng ghi nhận vào năm 1959. Theo các bậc cao niên ở vùng, nhiều khả năng vì không mấy an tâm, tin tưởng H.Parmentier nên tiền nhân đã giấu di vật quý!
Một số cổ vật của vua Chàm từng được người Churu ở Lâm Đồng cất giữ. Ảnh tư liệu của Bảo tàng Lâm Đồng.
Trên đây là 2 kho tàng liên quan đến các vua chúa Chàm được lịch sử ghi nhận. Các tư liệu nghiên cứu cho thấy ngoài 2 kho tàng hoàng gia này, đất Ninh Thuận còn có 1 kho tàng khác với nhiều đồ thờ cúng nữ thần Pônagar (Thiên Y A Na) tại ngôi đền thờ vị thần nữ này ở thôn Hữu Đức, xã Hữu Phước, quận An Phước (nay là xã Phước Hữu). Kho tàng này rất khiêm tốn về số lượng bảo vật. Thống kê vào năm 1905 của H.Parmentier cho thấy kho tàng Pônagar này chỉ có 8 cái tô đồng, 2 tô bạc lớn nhỏ khác nhau, 1 tập giấy viết chữ Chàm và một ít đồ bằng vải. Thế nhưng vào năm 1959, khi đến kiểm kê, phái đoàn chuyên viên Viện khảo cổ Sài Gòn phát hiện kho tàng này chứa những món đồ khác biệt với ghi nhận của nhà khảo cổ H.Parmentier. Kho tàng lúc này có 7 món đồ, gồm 1 bình vôi bằng bạc, 1 cái cáng có mui, 1 hòm sắt không có đựng sắc phong và 4 đồ bằng đồng.
Ông Lâm Tấn Bình (GĐ Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, Bình Thuận):
Qua bao dâu bể, những kho tàng Chăm ngày nay hầu như chẳng còn gì. Trước đây tại tháp Pô Rômé có giữ 2 chiếc mão của vị vua này nhưng sau đó đã bị kẻ gian chính là 2 người giữ đền tổ chức đánh cắp, nên những hiện vật lịch sử ở Pô Rômé chẳng còn bao nhiêu. Tại đền thờ Pô-Ních từng có cái áo giáp bằng vàng nhưng cũng đã bị đánh cắp… Tất cả các cổ vật đều mất mát sau năm 1975.
Hiện những đền tháp Chăm ở Bình Thuận chỉ còn một số pho tượng cổ và những vật dụng phục vụ cho lễ hội tín ngưỡng tại đền tháp không có giá trị cổ vật!
Như vậy, vùng đất Ninh Thuận có ít nhất 3 kho tàng liên quan đến thần linh và vua chúa Chàm. Những kho tàng này được tác giả Nguyễn Đình Tư đề cập khá cặn kẽ trong cuốn Non nước Ninh Thuận. Theo ông Nguyễn Đình Tư, kỳ thực Ninh Thuận có đến 4 kho tàng Chàm. Ngoài 3 kho tàng nói trên, còn có một kho tàng được lưu giữ ở một địa danh được gọi là Giá. Kho tàng này chứa rất nhiều bảo vật quý giá có liên quan đến nữ thần Pônagar nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, tới ngày nay vẫn chưa có nhà khảo cổ nào được tận mắt chiêm ngưỡng kho báu. Nên những báu vật trong kho tàng ở Giá đến nay vẫn là ẩn số?!
Đến đây hẳn sẽ có không ít bạn đọc băn khoăn chẳng rõ số phận của các bảo vật trong những kho báu kho tàng ấy, đặc biệt các bảo vật là di sản của vua, chúa Chàm - hiện thân huy hoàng của thuở xa xưa, bây giờ ra sao?!
Như đã nói ở trên, vào năm 1905, kho tàng của Vua Pô Glong Garai được nhà khảo cổ người Pháp thống kê có 173 món đồ. Hơn 5 thập niên sau (năm 1959), ông Nghiêm Thẩm, nhà khảo cổ đầu tiên người Việt lần đầu tiên đến kiểm kê, xem xét kho tàng này không khỏi xúc động khi toàn bộ vật báu trong kho tàng còn y nguyên. Ấy thế nhưng sau đó, vì chiến tranh, nạn cướp bóc, nạn đánh cắp cổ vật… đã biến kho tàng này trở thành bóng hình của một thời quá vãng.
Kho tàng của Vua Pô Rômé cũng đau thương không kém. Năm 1905, H.Parmentier thống kê kho tàng này có trên 100 hiện vật nhưng khổ thân cho kho tàng này, 43 năm sau (1948), vì chiến tranh và một đám cháy lớn mà phần lớn cổ vật bằng kim khí bị thất lạc. Thê thảm hơn, những văn tự cổ xưa, áo gấm của vua, hoàng hậu, công chúa… bị lửa liếm thành tro bụi. Vào năm 1959, khi chuyên viên Viện khảo cổ Sài Gòn đến kiểm kê chỉ còn thấy 14 món đồ kim khí còn sót lại. Và giờ đây, chẳng còn mấy ai biết kho tàng này còn bao nhiêu cổ vật, hay đã "sạch" cả rồi! Nỗi niềm không mong đợi này cũng xảy ra với kho tàng chứa các đồ thờ cúng của thần nữ Pônagar ở thôn Hữu Đức.
Vậy đấy, thật buồn khi phải nói rằng những kho tàng Chàm ngày nào nay chẳng còn gì, có chăng chỉ còn trong các tư liệu và hoài niệm đang dần chìm vào lãng quên của những người già. Điều này đồng nghĩa với việc những ai ước mong được một lần trong đời tận mắt chứng kiến các vật báu trong những kho tàng Chàm sẽ vĩnh viễn không có được cái may mắn ấy. Tuy nhiên, với linh cảm của mình, người viết tin rằng ngoài những báu vật đang được người Raglai lưu giữ, một phần vật báu trong các kho tàng của vua chúa Chàm ngày nào vẫn còn ẩn đâu đó trong nhân gian mà chỉ những ai thực sự có duyên mới được mục ngưỡng! Điều này đồng nghĩa với việc kho báu Chàm vẫn luôn là kho báu bí ẩn, sẽ tiếp tục là ẩn số với những ai quan tâm đến số phận của nó!
(Còn nữa

Những kho báu Chàm: Ngôi nhà chứa bảo vật ngàn xưa  
27/08/2012


Lần trò chuyện với ông Lâm Tấn Bình (Giám đốc Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm Bình Thuận) mà câu chuyện về hậu duệ của Vua Chàm Pô Klong Mơ' HNai ở đất Bình Thuận hiện vẫn còn lưu giữ hàng trăm bảo vật của tổ tiên quyền uy ngày nào đã thôi thúc chúng tôi lên đường. Qua những gì trông thấy, có thể nói đó là kho báu đồ sộ với nhiều bảo vật vô cùng quý hiếm có giá trị về nhiều mặt.
Nắng chiếu xuyên những tấm rèm cửa bằng vải mỏng xanh khiến căn phòng lưu giữ khối lượng báu vật đồ sộ nhất của các triều vua Chàm huyền ảo đến lạ. Nắng soi rọi vào chiếc vương miện của Vua Pô Klong Mơ H'Nai và búi chụp tóc của hoàng hậu được đúc bằng vàng hắt ra luồng ánh sáng chói lọi làm rực rỡ cả một góc phòng, khiến bất kỳ ai chiêm ngưỡng đều… mê đắm!
Kho báu của triều Vua Pô Klong Mơ H'Nai mà ông Lâm Tấn Bình đề cập hiện được con cháu của hoàng tộc Chăm ngày nào lưu giữ ở thôn Tịnh Mỹ, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận). Nằm cách Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, Bình Thuận hơn 10km, trước đây kho báu thuộc quyền kế thừa của cụ Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ hoàng tộc và là người có uy tín trong cộng đồng người Chăm. Anh Lư Nhất, người rất quan tâm đến câu chuyện của các kho báu Chàm, bật mí: "Người Chăm mình theo chế độ mẫu hệ nên tài sản của mẹ cha để lại do con gái út thừa kế. Năm 1995, cụ Thềm mất, do cụ không có con cái nên cháu gái út của cụ là bà Nguyễn Thị Đào, có chồng là ông Lư Thái Thuổi, kế tục kho báu". 
Hôm chúng tôi đến, thật không may rơi vào ngày thứ hai, ngày mà theo quan niệm của người Chăm là ngày của vua nên không ai được phép quấy rầy, kể cả con cháu trong dòng tộc. Nên dù rất thông cảm cái cảnh đường xa đi lại khó nhọc của khách, ông Thuổi cũng không thể phá lệ mở cửa kho báu mà người dân địa phương quen gọi là "kho mở" cho khách tham quan. Ông hẹn mai hẵng tới. Khi thấy chúng tôi thoáng lộ nỗi buồn, ông Thuổi an ủi bằng việc chỉ đường cho khách đến diện kiến chủ nhân đích thực của kho báu là Vua Pô Klong Mơ H'Nai đang được thờ phượng tại ngôi đền mang tên của chính vị vua này.
Vua Pô Klong Mơ H'Nai theo sử Chăm tên thật là Pômưhata, lên ngôi vào năm 1622 và chỉ sau 5 năm trị vì, đến năm 1627, ông nhường ngôi cho con rể là Pô Klong Gahul. Có 2 người vợ là hoàng hậu Po Bia Sơm và thứ phi Nguyễn Thị Thương là công chúa của chúa Nguyễn, Vua Po Klong Mơ H'Nai là vị vua được người Chăm tôn kính bởi ông đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng các con đập thủy lợi, giúp việc canh tác, cấy trồng của nhân dân được bội thu, cuộc sống no ấm. Không chỉ được con cháu trong dòng tộc qua bao đời gìn giữ những di vật lúc sinh thời, Vua Pô Klong Mơ H'nai còn được người Chăm xây đền, thờ phụng tôn kính trên một ngọn đồi cao thuộc địa phận thôn Lương Bình, xã Lương Sơn, huyện Bắc Bình. Ngôi đền có 4 gian, đỉnh gắn 4 con rắn thần makara huyền bí.
Điều ấn tượng nhất trong ngôi đền có lẽ là tượng Vua Pô Klong Mơ H'Nai được tạc từ một khối đá xanh lớn với nhiều hoa văn đặc sắc, cầu kỳ đang trong thế thiết triều. Con cháu của hoàng tộc Chăm ngày nào cho biết, tượng Vua Pô Klong Mơ H'Nai được tạc qua trí nhờ truyền đời. Vào lễ Katê, tượng vua sẽ được tắm bằng những thứ nước thiêng gồm nước chanh, nước trầm hương và một thứ nước thiêng khác theo tín ngưỡng của người Chăm theo nghi thức hoàng tộc. Sau đó tượng được mặc hoàng bào, đội vương miện trong sự tôn kính của người tham gia lễ hội.
Hỏi chuyện các bậc cao niên người Chăm về đại lễ Katê, mới biết tên gọi đầy đủ của lễ hội này là Păng Katê. Păng theo tiếng Chăm có nghĩa mở cửa đền, Ka có ý lời dặn của vua bảo phải nhớ đến nguồn gốc và Tê có nghĩa là "Ngài". Nội dung của cụm từ Păng Katê có ý nghĩa là lời dặn của vua đến ngày quan trọng trong năm theo lịch Chàm, cụ thể ngày mồng 1 tháng 7 Chăm lịch hằng năm thì tổ chức tế lễ.  Khi ấy dân chúng tập trung tại 3 địa điểm linh thiêng, tôn nghiêm nhất gồm tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Romé và đền thờ nữ thần Pônagar cử hành lễ Păng Katê nhằm tưởng niệm các vị vua Chàm có công dựng nước và hướng dẫn dân chúng làm ruộng, tiểu thủ công nghệ. Vì gọi là lễ nên trong lễ hội Katê, người Chăm ăn uống và tế lễ rất linh đình.
Hôm sau, đúng lịch hẹn, chúng tôi hăm hở đến "kho mở" với niềm tin sắp được chiêm ngưỡng những báu vật hiếm thấy trong đời. Theo tục lệ truyền đời, trước khi đưa khách lên gian nhà trên nơi đang lưu giữ vật báu trong "kho mở", vợ chồng bà Đào - ông Thuổi mong khách "cảm phiền chờ" để tắm gội sạch sẽ và thay đổi trang phục. Như bất kỳ người Chăm nào, khi diện kiến vua, nhất lại là tổ tiên của mình, với vợ chồng bà Đào - ông Thuổi, đó là việc trọng đại nên phải sạch sẽ, tươm tất mới được!
Cận cảnh "kho mở" - nơi lưu giữ báu vật của hoàng tộc Chăm.
Qua những lần cửa khóa, sau bao háo hức, hăm hở, rồi chúng tôi cũng được lạc vào kho báu Chàm "bằng xương bằng thịt", choáng ngợp trước vô số món cổ vật hàng trăm năm tuổi nhuốm màu lịch sử, thời gian.
Chiếm số lượng khá lớn và phong phú nhất trong "kho mở" là hàng chục bộ trang phục của vua, hoàng hậu, công chúa, hoàng tử, các phi tần, cung nữ. Hoàng bào của vua dũng mãnh, xiêm y của hoàng hậu đài các sang trọng xứng danh với địa vị của bậc mẫu nghi, trang phục của công chúa, hoàng tử được thêu chỉ vàng tương xứng vị thế của con nhà lá ngọc cành vàng. Phục trang của các phi tần, cung nữ tùy cấp bậc mà chất liệu là áo vải trắng được thêu hoa văn giản đơn, cấp càng cao thì họa tiết càng phức tạp.
Chỉ vào chiếc hoàng bào có hình thần rắn makara, ông Thuổi tâm tình: "Nếu để ý sẽ thấy những gì liên quan đến vua đều có biểu hiện rắn thần. Đấy là biểu hiện của vua, của quyền uy tuyệt đối".
Hình ảnh những con rắn thần makara hiện rõ nhất tại chiếc vương miệng bằng vàng của Vua Pô Klong Mơ H'Nai. Không như vương  miện của các triều vua Việt, Trung Hoa với biểu tượng uy quyền là rồng, quấn quýt trên vương miện của vua Chàm như đã nói là  loài linh thú - rắn thần makara được chạm khắc tinh xảo. Theo truyền thuyết, makara là loài thủy quái khổng lồ, dị hình với thân tựa mình cá, đầu giống đầu voi. Loài này có sức mạnh như rồng và sự xuất hiện của nó trên vương miện vua thể hiện sức mạnh quyền uy to lớn, rộng khắp của người trị vì thiên hạ.
Nặng khoảng 300gram,  nhiều người cho rằng trên chiếc vương miện ấy ngày trước còn có đính kim cương, đá quý nhưng có lẽ do trong quá trình chạy loạn và qua tay bao người nên chúng bị bong rớt, thất lạc. Ông Thuổi cho biết chẳng rõ điều ấy, chỉ biết vương miện là biểu trưng cho đỉnh cao quyền lực của triều vua Chăm nên được gia đình và cộng đồng gìn giữ như tính mạng của chính mình. Rất nhiều người đến tham quan gợi ý trả số tiền khổng lồ sống cả đời không hết nhưng gia đình chẳng màng tới.
Cụ Nguyễn Thị Thềm, hậu duệ của dòng tộc Vua Pô Klong Mơ HNai và Pô Klong Khul; đao kiếm, vương miện của Vua Pô Klong Mơ HNai và búi chụp tóc của Hoàng hậu.
Cạnh vương miện chạm rắn thần makara của Vua Pô Klong Mơ H'nai là búi chụp tóc của Hoàng hậu Po Bia Sơm. Búi chụp có dạng nhũ được chạm trổ công phu với nhiều hoa văn truyền thống của người Chăm xưa vốn chỉ dành cho hoàng gia. Hỏi vì sao chỉ có vương miện của vua nhưng lại không có vương miệng của hoàng hậu, chỉ có búi chụp tóc, bà Đào chia sẻ: Hưởng ứng "Tuần lễ vàng" do Bác Hồ phát động nhằm quyên góp tài lực xây dựng, kiến thiết đất nước, vào năm 1945, cụ Thềm đã hiến tặng chính quyền mới chiếc vương miện của hoàng hậu. Những năm sau đó, cụ còn hiến thêm nhiều cổ vật bằng đồng, bạc cho công cuộc kiến thiết đất nước.  
Người Chăm có tục ăn trầu, xem trọng miếng trầu bởi đó là "đầu câu chuyện". Do vậy xuyên suốt bộ sưu tập báu vật trong "kho mở", bên cạnh phục trang của các thành viên hoàng gia, chiếm vị thế phong phú thứ hai là những khay, hộp đựng trầu được người Chăm gọi là "bộ tanh" bằng bạc, đồng, gỗ khảm xà cừ, cả thảy đều được chạm khắc tinh xảo. Với tầng lớp vua quan thì “bộ tanh” được làm từ vàng, bạc còn với thường dân, nó đa phần có chất liệu bằng đồng. Ông Thuổi tâm sự: Trong bất kỳ lễ  lớn nào, người Chăm đều ăn trầu, có tục cúng trầu cau, xem như đó là cách gợi nhớ tổ tiên, cội nguồn của mình.
Trong các lễ hội, người Chăm không đốt nhang mà thắp nến làm từ sáp ong và đốt trầm hương. Do vậy bộ sưu tập báu vật trong "kho mở" có sự hiện diện của nhiều chiếc lư đồng cũng được chạm khắc bằng họa tiết tinh xảo. Chúng tôi cũng rất ấn tượng trước chiếc tủ kính bên trong có nhiều cổ vật độc đáo như chiếc nón của vệ binh được làm bằng gỗ thông nhẹ, bền, qua hàng trăm năm vẫn không bị hư hại. Cạnh đó là bộ phèng la 3 chiếc từ nhỏ đến lớn có hình dáng giống bộ cồng chiêng của các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên được đúc bằng đồng thau, lên nước bóng loáng. Ngoài ra còn có nhiều cổ vật quý khác như đồ trang sức của các thành viên hoàng gia bằng bạc và nhiều thư tịch cổ, sắc phong, bút tích của các triều vua Nguyễn ban tặng cho Vua Pô Klông Mơ H'Nai. Tất cả đều nguyên vẹn, rõ ràng dẫu qua bao biến chuyển của thời gian và những bước thăng trầm của lịch sử.
Số lượng vật báu của “kho mở” triều Vua Pô Klong Mơ H’nai vẫn không dừng lại ở đó. Trên bức tường, nơi đặt chiếc tủ kính trưng bày vương miện của vua Chăm là bộ dao kiếm thuở sinh thời, vua Chăm thường đeo bên mình. Thanh kiếm của vua dài, giống vũ khí của kiếm sĩ Nhật. Kiếm được làm bằng thép đã gỉ màu, không có vỏ bọc. Theo lời ông Thuổi, nếu đem mài, kiếm sẽ sáng lóng lánh!
Ấn tượng và huyền bí nhất là sự hiện diện của những chiếc hộp klong trong "kho mở" với nhiều hình dáng, chất liệu khác nhau. Có hộp  klong khảm vàng, hộp bạc, hộp bằng đồi mồi và những hộp klong bằng đồng được chạm hình vảy cá, hình lục lăng. Theo phong tục Chăm, hộp klong được dùng đựng xương trán người chết trước khi đưa vào kút (bia thờ) ở nghĩa trang. Báu vật của hoàng tộc còn có sự hiện diện của nhiều khay gỗ khảm xà cừ, lá cây viết chữ Chàm, nồi đồng, điếu hút thuốc lá bằng bạc, lược đồi mồi, nhẫn đeo tay…
Ông Lư Thái Thuổi trước một góc kho báu gia tộc.
Sau khi chiêm ngưỡng kho báu Chàm bằng xương bằng thịt, chúng tôi hỏi anh Lư Thái Thiện, con trai ông Thuổi, hiện công tác tại Trung tâm Trưng bày văn hóa Chăm, Bình Thuận về nguồn gốc "kho mở" và được biết thêm chuyện ly kỳ khác. Theo chia sẻ của anh Thiện, trước đây kho báu của gia đình chẳng có gì. Sau những cuộc giao tranh và thất bại, người Raglai được các triều vua Chăm xem như người em kết nghĩa đã được hoàng gia trao cho trọng trách giữ lấy các di vật của hoàng tộc. Khi câu chuyện về hoàng gia Chăm chỉ còn là chuyện quá vãng, vào một ngày trước năm 1940, thôn Tịnh Mỹ bất ngờ đón một đoàn người Raglai tìm đến nhà và bàn giao cho cụ Thềm rất nhiều di vật của gia tộc, trong đó có chiếc vương miệng bằng vàng chạm hình thần rắn makara...
Ông Lư Thái Thuổi tâm sự: Có những thời điểm gia đình lâm cảnh túng quẫn, trong khi các con buôn tìm đến gạ gẫm trả giá cao để đổi quyền sở hữu bảo vật của Vua Pô Klông Mơ H'Nai nhưng gia đình vẫn quyết tâm bảo vệ di vật do tổ tiên để lại. Cũng nhờ con cháu dòng tộc và cộng đồng ý thức, cùng chung tay gìn giữ bảo tồn mà "kho mở" ở thôn Tịnh Mỹ còn gần như nguyên vẹn, là kho báu đồ sộ nhất và cũng là điểm dừng chân chiêm ngưỡng, nghiên cứu của nhiều đoàn khách trong và ngoài nước. Cùng với đền thờ Vua Chăm Pô Klong Mơ H'Nai, vì những giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử mà "kho mở" được công nhận Di tích lịch sử quốc gia năm 1993
Thành Dũng

No comments: