Saturday, April 28, 2012

(119) Dũng cảm của Luật sư mù

Luật sư mù Trần Quang Thành.
Gương dũng cảm của Luật sư mù Trần Quang Thành trước bạo lực tại Tàu
Thứ sáu 27 Tháng Tư 2012

Tú Anh
Ngày 27/04/2012, báo chí quốc tế bất ngờ nhận được tin « luật sư chân đất Trần Quang Thành đã thoát hiểm và đang ẩn náu tại một nơi 100% an toàn ». Ít nhất một thành viên của mạng lưới tranh đấu đã bị công an bắt tại Nam Kinh nhưng họ khẳng định Trần Quang Thành đang ở Bắc Kinh sau khi vượt thoát khỏi huyện Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông, nơi ông bị quản thúc từ tháng 9 năm 2010 sau 4 năm tù tội.

Tin «luật sư chân đất» Trần Quang Thành thoát hiểm đã gây chấn động tại Trung Quốc. Mặc dù nhà riêng bị 60 công an canh giữ ngày đêm, luật sư mù vẫn thoát ra được và rút vào vòng bí mật. Từ nơi an toàn , ông tiếp tục tranh đấu qua lời trình bày những tội ác của cán bộ tham ô và kêu gọi thủ tướng Trung Quốc bảo vệ gia đình ông trừng phạt kẻ gian.
Năm nay 40 tuổi, do bị bệnh mắt từ thuở nhỏ làm thị lực suy giảm, Trần Quang Thành là một luật sư tự học. Trước khi bị kết án tù vào năm 2006, ông đã từng bị quản thúc và nhiều lần bị công an và « côn đồ » hành hung chỉ vì bảo vệ những phụ nữ quê mùa nạn nhân của chính sách một con.
Không phải ngẫu nhiên mà vào năm 2006, tuần báo Times của Hoa Kỳ đưa ông vào danh sách « 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới ». Hoài bão chống bất công xã hội đã lớn dần theo tuổi thơ của Trần Quang Thành. Ông chào đời tại tỉnh Sơn Đông, chiếc nôi của những câu chuyện anh hùng hiệp khách Thiếu Lâm Bắc Phái trừ gian diệt bạo, đêm đêm ra tay cắt đầu quan chức hung ác với dân. Theo lời người anh Trần Quang Phúc, thì những tác phẩm kiếm hiệp này mà thân phụ đã đọc cho đứa con mù lòa nghe hàng ngày đã làm dậy lên trong lòng Trần Quang Thành tinh thần tranh đấu cho công lý.
Vì mù không không thể theo học luật tại đại học, ông nhờ anh của mình đọc bài giảng cho nghe. Tinh thần kiên trì và dũng cảm giúp ông trở thành một luật gia, đem kiến thức ra chống lại những bất công tại địa phương huyện Lâm Nghi. Dân chúng tặng ông danh hiệu « luật sư chân đất » bắt chước theo từ « y sĩ chân đất » thời Mao.
Trong thập niên 1990, Trần Quang Thành lên tận Bắc Kinh phản đối tình trạng phân biệt đối xử với người tàn tật tại huyện Lâm Nghi mà trên danh nghĩa phải được luật pháp bảo vệ. Với cặp kính đen và vóc dáng của một tài tử điện ảnh, Trần Quang Thành nhanh chóng được nhiều người dân ngưỡng mộ như một anh hùng.
Năm 2005, Trần Quang Thành dẫn đầu một cuộc phản kháng chống chế độ triệt sản. Trong khi cán bộ chính quyền vi phạm chính sách này thì họ bắt nhân dân phải tuân thủ để lập thành tích thăng quan tiến chức. Hậu quả là hàng ngàn phụ nữ ở Sơn Đông phải triệt sản, phải phá thai, mặc dù trong đó có những trường hợp mang thai 7, 8 tháng.
Chính quyền trung ương đã phần nào công nhận ông có lý, một số cán bộ địa phương bị trừng phạt, nhưng sau đó ông và gia đình bị chính quyền địa phương trả thù. Thoạt đầu là đánh đập, sau đó là bị quy tội « phá rối trật tự công cộng » bị quản thúc sáu tháng rồi bị kết án tù 4 năm.
Hành động vừa trả thù vừa cô lập không làm tắt tiếng nói và quyết tâm tranh đấu. Từ sau song sắt, ông khẳng định là không bao giờ bỏ cuộc. Năm 2007, chính quyền không cho vợ ông là Viên Vĩ Tĩnh sang Philippines thay chồng nhận giải thưởng « 100 nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới ».
Từ khi mãn hạn tù năm 2010, ông tiếp tục bị quản thúc tại gia ở làng Đông Sư Cổ, huyện Lâm Nghi. Những nhà báo quốc tế hay Trung Quốc muốn gặp ông đều đụng phải hàng rào 60 công an thường phục canh gác ngày đêm. Năm 2011, ông bị « côn đồ » đánh dập sau khi gửi một đoạn băng vidéo tố cáo điều kiện quản chế phi nhân.
Theo Asia News, thì sau khi đường dây bí mật đưa ông thoát hiểm ngày 22/04 thì đêm hôm qua, chủ tịch làng kéo một đám tay chân bộ hạ võ trang gậy gộc tấn công anh và cháu trai của ông.
Từ nơi an toàn , hành động đầu tiên của luật sư mù Trần Quang Thành là gửi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo một đoạn vidéo ngắn 15 phút. Với giọng nói xúc động nhưng nghiêm túc, ông trình bày những tội ác của cán bộ địa phương .
Ông khẳng định vợ của ông, bà Viên Vĩ Tĩnh bị một toán 10 người không mặc sắc phục tra tấn suốt 10 tiếng đồng hồ. Ông cảnh báo những đòn thù mà chế độ dành cho ông và gia đình sẽ gây « tổn hại cho hình ảnh của đảng Cộng sản » nếu chính quyền « không điều tra, không trừng phạt ».
Trần Quang Thành trong sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh : 
Hoa Kỳ bối rối, Trung Quốc đau đầu
Luật sư Trần Quang Thành (REUTERS /Stringer)
Luật sư Trần Quang Thành (REUTERS /Stringer)

Trọng Nghĩa
Cả Mỹ lẫn Trung Quốc vào hôm nay 28/04/2012, đều không bình luận gì về khả năng vị luật sư mù Trần Quang Thanh đang ở trong Đại sứ quán Mỹ ở Trung Quốc. Sự im lặng này thể hiện một thái độ bối rối rõ rệt từ cả hai phía vì đây là một sự kiện có thể tác hại uy tín của cả hai chính quyền nếu không được giải quyết thỏa đáng.

Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, nếu được chứng thực, sự hiện diện của vị luật sư Trung Quốc - vừa trốn khỏi nơi ông bị quản thúc - bên trong cơ sở ngoại giao Mỹ tại Bắc Kinh có thể làm quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington căng thẳng thêm trong bối cảnh hai bên không phải hoàn toàn thuận thảo lắm do các hồ sơ như tỷ giá đồng nhân dân tệ Trung Quốc hay sự can dự sâu hơn của Mỹ vào Biển Đông.
Vào tuần tới, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner sẽ đến Bắc Kinh tham gia cuộc Đối thoại Chiến lược Kinh tế Mỹ Trung thường kỳ giữa hai nước, một cuộc họp trên nguyên tắc là nhằm giảm bớt căng thẳng giữa hai cường quốc. Thế nhưng, vụ Trần Quang Thành xuất hiện khiến cho Ngoại trưởng Mỹ không thể không nêu lên.
Đối với bản thân bà Hillary Clinton, tình thế rất tế nhị vì cho đến nay, bà Clinton đã nhiều lần lên tiếng về trường hợp của ông Trần Quang Thành, nên khó có thể giữ im lặng để tạo hòa khí. Tổ chức đấu tranh cho nhân quyền tại Trung Quốc ChinaAid, trụ sở tại Mỹ đã không ngần ngại lên tiếng nhắc nhở về nghĩa vụ của Hoa Kỳ.
Trong một bức thư điện tử, ông Phó Hy Thu, chủ tịch của tổ chức này xác định : "Do việc trường hợp của ông Trần Quang Thành được rất nhiều người biết đến, chính quyền Obama phải kiên quyết bảo vệ ông nếu không muốn bị mất uy tín của một nước thành trì của tự do và Nhà nước pháp quyền ». Đối với ông Phó Hy Thu, lòng khâm phục Hoa Kỳ của giới bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc bắt nguồn từ chính những lúc như thế này.
Tuy nhiên, đối với Hoa Kỳ, nếu quả thực là họ được nhà ly khai Trần Quang Thành xin che chở, vấn đề đề đặt ra là phải xử lý sao cho hợp lý để không làm cho Bắc Kinh nổi cơn thịnh nộ.
Mọi người còn nhớ vụ nhà bất đồng chính kiến ​​nổi tiếng nhất Trung Quốc là giáo sư Phương Lệ Chi (biệt danh là Sakharov Trung Quốc), đã trốn vào đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh ngay sau khi phong trào Mùa xuân Bắc Kinh bị đàn áp năm 1989. Ông đã phải tỵ nạn một năm ròng rã ở đấy, trong khi chờ đợi cuộc đọ sức giữa Washington và Bắc Kinh ngã ngũ. Ông đã qua Mỹ sau đó, và mới qua đời hồi tuần qua.
Theo giới quan sát, vào khi ấy, Bắc Kinh còn ở trong một vị thế yếu. Nhưng ngày nay thì khác, Hoa Kỳ còn cần đến Trung Quốc trong nhiều lãnh vực, đặc biệt trong những vấn đề quốc tế hay kinh tế. Trong tình hình đó, nếu Bắc Kinh có quan điểm cứng rắn trên hồ sơ Trần Quang Thành, khả năng ứng phó của Hoa Kỳ chưa biết ra sao.
Còn đối với Bắc Kinh cũng thế, hồ sơ Trần Quang Thành rất tế nhị. Đang phải nhức đầu với những tai tiếng, ‘tin đồn’ gắn liền với vụ Bạc Hy Lai, sự kiện ông Trần Quang Thành đào thoát và trốn được vào tòa đại sứ Mỹ đã làm cho uy tín chính quyền thêm sứt mẻ.
Hơn nữa, ông Trần Quang Thành lại có rất nhiều người ủng hộ ngay tại Trung Quốc, điều đó lại càng đẩy chế độ vào một tình thế tế nhị.

Giai đoạn nguy hiểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Mất đoàn kết trong giới lãnh đạo cao cấp đang cầm quyền và thách thức đến từ những nhà bất đồng chính kiến ngày càng gia tăng, báo hiệu chế độ độc đảng có thể gần tới hồi kết thúc.
Tác giả: Minxin Pei
Người dịch: Dương Lệ Chi
02-05-2012

Ảnh: Nhà hoạt động tranh đấu cho quyền con người, ông Trần Quang Thành, ở bệnh viện Triều Dương (Chaoyang), Bắc Kinh, hôm 2 tháng 5 (AFP/ Getty Images).
Hiện các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như quá bận rộn dập tắt các đám cháy để suy nghĩ về sự tồn tại lâu dài của chế độ. Tháng trước, họ đã truất phế ông Bạc Hy Lai, ủy viên Bộ Chính trị, trong một cuộc tranh đấu quyền lực hỗn độn vào thời điểm trước khi thay đổi ban lãnh đạo mới. Tuần trước, cuộc trốn thoát táo bạo của nhà hoạt động khiếm thị, ông Trần Quang Thành, đã thoát khỏi nơi quản chế bất hợp pháp, đi đến Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, đã gây ra một cuộc khủng hoảng khác. Khi những người cầm quyền của một trong những quốc gia mạnh nhất thế giới lại phải lo lắng về các hành động thách thức của một người mù, đã đến lúc để họ nghĩ tới một điều không thể tưởng tượng được: Đảng Cộng sản [Trung Quốc] đã đến giờ cáo chung?
Hỏi một câu hỏi như vậy, bề ngoài trông có vẻ ngớ ngẩn. Có thể là đảng đã lớn mạnh từ kinh nghiệm cận kề cái chết ở Thiên An Môn hồi năm 1989. Con số đảng viên đã tăng lên đến 80 triệu. Đảng vẫn bám chặt quyền lực, được hỗ trợ bởi quân đội, cảnh sát bí mật, và kiểm duyệt Internet, trông có vẻ như không gì có thể lay chuyển nổi.
Tuy nhiên, bên trong của sức mạnh này là sự yếu đuối nghiêm trọng. Mất đoàn kết giữa các lãnh đạo cầm quyền cao cấp, thách thức ngày càng gia tăng của các nhà bất đồng chính kiến, các cuộc bạo loạn quần chúng, tham nhũng trong các quan chức tràn lan, danh sách dài kể mãi không hết. Đối với các sinh viên trong quá trình chuyển đổi dân chủ, những triệu chứng về sự mục nát của chế độ như thế là điềm báo một cuộc khủng hoảng có hệ thống. Dựa trên những điều chúng ta biết về sự kéo dài của các chế độ độc tài, thì sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bước vào giai đoạn nguy hiểm nhất.  
Để hiểu rõ những mối nguy hiểm chết người đang chờ đợi đảng, hãy nhìn vào ba con số: 6.000, 74 và 7. Thống kê phân tích các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và sự sống còn của các chế độ độc tài cho thấy, rất ít quốc gia không sản xuất dầu có thể duy trì quyền lực của họ khi GDP bình quân đầu người đạt 6.000 đô la với sức mua tương đương (PPP). Dựa trên ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người ở Trung Quốc hiện là 8.382 đô la với sức mua tương đương (tức khoảng 5.414 đô la trên danh nghĩa).
Điều này cho thấy, Trung Quốc rõ ràng là một nước độc tài ngoại lệ. Trong số 91 nước hiện có GDP bình quân đầu người cao hơn so với Trung Quốc, thì 68 nước có nền dân chủ đầy đủ, theo tổ chức Freedom House, 10 nước có xã hội “tự do một phần” và 13 nước “không có tự do”. Trong 13 nước được xếp loại “không có tự do” này, chỉ có một nước ngoại lệ là Belarus, là nước sản xuất dầu mỏ. Trong số 10 nước “có tự do một phần”, chỉ có Singapore, Tunisia và Lebanon là những nước không sản xuất dầu. Chế độ độc tài cai trị Tunisia trong thời gian dài đã bị lật đổ. Triển vọng về một nền dân chủ trông có vẻ sáng sủa ở Singapore. Về Lebanon, còn nhớ cuộc Cách mạng Cedar năm 2005?
Vì vậy, các điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi cho một bước đột phá dân chủ, hiện đã tồn tại ở Trung Quốc. Duy trì sự cai trị độc đảng trong một xã hội như thế là tốn kém hơn và chẳng bao lâu sẽ hoàn toàn vô ích.
Điều này dẫn chúng ta tới con số thứ hai, 74 là tuổi thọ lâu nhất của chế độ độc đảng trong lịch sử, như Đảng Cộng sản Liên Xô (1917-1991). Chế độ độc đảng ở Mexico có lịch sử ngắn hơn một chút, 71 năm (1929-2000). Ở Đài Loan, Quốc Dân Đảng duy trì quyền lực trong 73 năm nếu chúng ta tính từ lúc người nắm quyền cai trị đại lục lúc chiến tranh tàn phá, trước khi chạy sang Đài Loan năm 1949.
Các nhà khoa học xã hội vẫn chưa khám phá ra lý do tại sao các chế độ độc đảng, cho là phức tạp nhất trong tất cả các chế độ chuyên quyền thời kỳ hiện đại, không thể tồn tại sau thập kỷ thứ bảy. Điều quan trọng cần lưu ý là cuộc khủng hoảng hệ thống trong chế độ như vậy thường xuất hiện khoảng một thập kỷ trước khi nó sụp đổ. Ở Liên Xô, đó là kết hợp giữa sự trì trệ trong thời kỳ Brezhnev và cuộc xâm lược bi đát ở Afghanistan. Ở Mexico, việc đánh cắp cuộc bầu cử tổng thống năm 1988 đã làm mất đi tính hợp pháp về sự cầm quyền của Đảng Thể chế Cách mạng.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cai trị 62 năm. Nếu lịch sử đưa ra bất kỳ chỉ dẫn nào, thì Trung Quốc sắp bước vào thập niên khủng hoảng, và có thể họ chỉ còn nhiều nhất là từ 10-15 năm.
Một lý do có khả năng gây ra sự sụp đổ cho sự cầm quyền của chế độ độc đảng là xuất hiện sự chống đối giới lãnh đạo cao cấp, bao gồm các cá nhân tài năng và đầy tham vọng nhưng thất vọng do không được nắm quyền bởi bản chất của chế độ độc đảng. Để bảo đảm [điều đó không xảy ra], đảng đã cố hết sức để bầu những người tốt nhất và sáng sủa nhất cho Trung Quốc. Nhưng có những giới hạn về số người mà họ có thể thu nhận. Vì vậy, đảng gặp phải vấn đề được tóm tắt với tỷ lệ: 07:01.
Ở Trung Quốc hàng năm có khoảng 7 triệu sinh viên tốt nghiệp cử nhân từ các trường đại học. Đảng thừa nhận rằng, mỗi năm có một triệu đảng viên mới đến từ nền giáo dục đại học hoặc cao hơn, do đó còn lại bên ngoài gần 6 triệu sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Do các đảng viên vẫn còn được móc nối với các cơ hội làm ăn kinh tế, một tỷ lệ khá lớn những người ngoài đảng này chắc chắn cảm thấy rằng hệ thống đã lừa dối họ.
Nhiều người sẽ lấy nỗi thất vọng của mình để quay lại chống lại đảng. Trong thập kỷ kế tiếp, nhóm này có thể gia tăng lên hàng chục triệu người, tạo thành một một nhóm sẵn sàng và có thể chiêu mộ [thêm người mới], tạo nên phe đối lập chính trị.
Những trở ngại này không tốt cho những lãnh đạo Bắc Kinh muốn duy trì hiện trạng (cầm quyền) vô thời hạn. Họ phải bắt đầu suy nghĩ về việc làm thế nào để từ bỏ quyền lực một cách lịch sự và hòa bình. Một điều mà đảng nên làm ngay lập tức là chấm dứt đàn áp những người có tiềm năng trở thành lãnh đạo đối lập như ông Trần Quang Thành và ông Lưu Hiểu Ba, người đã đoạt giải Nobel Hòa bình, hiện đang ở trong nhà tù Trung Quốc. Đảng sẽ cần họ để làm đối tác thương lượng khi chuyển đổi sang nền dân chủ, cuối cùng sẽ bắt đầu.
Tác giả: Ông Pei là giáo sư dạy môn chính phủ học ở trường Claremont McKenna College.
Nguồn: Wall Street Journal
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Ông Trần Quang Thành vạch trần sự tàn bạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc

Tác giả: Minxin Pei
Người dịch: Dương Lệ Chi
08-05-2012
Sự việc về ông Trần Quang Thành đã phơi bày sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc mong manh như thế nào. Sự kém cỏi của bộ máy đàn áp của nước này đã bị vạch trần.
Câu chuyện về ông Trần Quang Thành, một luật sư mù tự học, đã trốn thoát một cách táo bạo khỏi những kẻ giam giữ ông tại ngôi nhà ở một ngôi làng thuộc tỉnh Sơn Đông, đi tới Đại Sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh trong tháng này, gần như chắc chắn để lại dấu ấn trong lịch sử Trung Quốc. Các thế hệ tương lai có thể sẽ so sánh ông Trần với người sinh viên đơn độc đã đứng trước xe tăng tại Quảng trường Thiên An Môn hôm 4 tháng 6 năm 1989. Không rõ liệu một kịch bản phim nào truyền cảm hứng hơn có thể được viết, sẽ đánh giá đúng sự can đảm và thách thức đã thể hiện qua câu chuyện của ông Trần.
Thỏa thuận rõ ràng giữa Bắc Kinh và Washington cho phép ông Trần đến Hoa Kỳ với tư cách là một sinh được cấp học bổng du học trong một tương lai không xa, có thể đặt dấu chấm hết cho câu chuyện cảm động này, nhưng hậu quả từ sự kiện này, cả về vấn đề ngoại giao của Trung Quốc và khả năng cầm quyền của Đảng Cộng sản để duy trì quyền kiểm soát trong một môi trường chính trị ngày càng không ổn định, sẽ quan trọng và lâu dài.
Trên mặt trận ngoại giao, sự linh hoạt tương đối của Bắc Kinh thể hiện qua việc xử lý cuộc khủng hoảng này chắc chắn đã ngăn một kết quả thậm chí còn nguy hiểm hơn. Mối quan hệ rất quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc đã cứu vãn tai họa cho bộ phận khác.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không nên lấy lý do này để ăn mừng. Những thiệt hại đối với hình ảnh của chính phủ Trung Quốc ở nước ngoài là khôn lường. Trong thời gian gần một tuần, thế giới đã tập trung vào vở kịch về sự trốn thoát của ông Trần để lộ ra. Tất cả mọi người trên thế giới quan tâm đến sức khỏe của ông Trần vì ông là biểu tượng mạnh mẽ cho sự dũng cảm và công bằng xã hội.
Đây không thể là tin tốt lành cho các lãnh đạo Trung Quốc, hiện được xem như là những kẻ đồng lõa trong vụ ngược đãi ông Trần, do những tên côn đồ đã được các quan chức chính quyền địa phương thuê mướn. Trung Quốc có thể đầu tư hàng chục tỷ đô la, gồm cả các tác phẩm ngông cuồng như trong Thế vận hội Bắc Kinh và hội chợ triển lãm Thượng Hải, để gia tăng vị thế quốc tế của họ. Tất cả các cuộc tấn công bằng “sức mạnh mềm” như thế đều bị phá hủy chỉ với một người đàn ông mù đơn độc, đã dám phơi bày cho cả thế giới thấy sự tàn ác và thô bạo của hệ thống chính trị Trung Quốc hiện nay.
Đối với đảng, hậu quả chính trị trong nước có lẽ còn đáng lo ngại hơn. Sự trốn thoát của ông Trần đã để lộ sự thiếu năng lực của bộ máy đàn áp của đảng. Nếu hơn một trăm tên côn đồ không thể canh giữ một người đàn ông mù, người ta tự hỏi liệu bộ máy tốn kém này có thể làm được điều gì khác.
Một diễn biến đáng lo ngại cho chính phủ Trung Quốc trong câu chuyện này là sự thất bại của hệ thống kiểm duyệt của họ trong việc ngăn chặn các tin tức về sự trốn thoát của ông Trần. Dĩ nhiên là các nhà kiểm duyệt đã cố gắng hết sức, nhưng Twitter của Trung Quốc, các tiểu blog, đã không thể thực hiện công việc của họ, như trong vụ bê bối Bạc Hy Lai. Vẫn chưa có đủ bằng chứng cho thấy liệu sự trình diễn kém cỏi đó có làm tổn thương những người bảo thủ trong nội bộ Đảng hay không. Trong khi có khả năng là họ có thể sử dụng hai sự cố này để hối thúc các biện pháp đàn áp cứng rắn hơn trong tương lai, thật khó có thể tưởng tượng rằng vị thế chính trị của họ gia tăng qua kết quả câu chuyện của ông Trần.
Rõ ràng là vở kịch về ông Trần cho thấy, nỗi lo sợ sự đàn áp đang tan biến ở Trung Quốc. Ông Trần đã trốn thoát với sự giúp đỡ của một mạng lưới bạn bè và các nhà hoạt động nhân quyền, những người đã không sợ nguy hiểm đến mạng sống và sự tự do của họ để đưa ông trốn khỏi nguy hiểm và vào Đại Sứ quán Mỹ. Đáng chú ý hơn, sau khi câu chuyện của ông Trần lộ ra, nhiều nhà hoạt động như ông đã không hề sợ hãi khi giữ vai trò cầu nối giữa ông Trần với thế giới bên ngoài, mặc dù một vài người trong số này đã bị bắt giữ và bị cảnh sát đánh đập. Đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, có lẽ đây là diễn biến đáng lo ngại nhất, những người bất đồng chính kiến bị đàn áp quá lâu nên bớt sợ để thách thức chế độ một cách trực tiếp. Các chế độ độc tài duy trì quyền lực chủ yếu là qua sự sợ hãi, lúc đầu một bộ phận của phía đối lập không còn sợ hãi nữa, và sau đó là những người dân thường, gần như chắc chắn là điềm báo trước một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.
Rõ ràng, câu chuyện của ông Trần có thể được hiểu trong bối cảnh của vụ Bạc Hy Lai. Mặc dù hoàn toàn không liên quan, nhưng hai sự kiện này đã củng cố nhận thức rằng, hệ thống chính trị Trung Quốc hiện nay đang bước vào thời kỳ rủi ro chính trị lớn. Trường hợp ông Bạc, sự tranh giành quyền lực trong giới cai trị đã làm suy yếu nghiêm trọng sự thống nhất của đảng, một điều kiện tiên quyết cho sự sống còn. Trường hợp ông Trần, hành động không hề sợ hãi của một người đàn ông có khả năng sẽ giúp truyền cảm hứng cho nhiều người khác đứng lên để bảo vệ quyền của họ.
Đại hội Đảng lần thứ 18 đang đến gần, khi đội ngũ lãnh đạo mới sẽ được thành lập thì hai sự cố này đã cơ bản thay đổi nhận thức của chúng ta về sự bền vững của chế độ hiện hành. Cách đây không lâu, một số nhà Hán học hàng đầu đã đưa ra học thuyết về “khả năng chịu đựng của chế độ độc tài” để giải thích lý do tại sao và làm thế nào mà chế độ này ở thời kỳ hậu Thiên An Môn đã rất thành công trong việc duy trì quyền lực. Ngoài nhiều điều tranh luận, họ đã lập luận rằng, thời kỳ hậu Thiên An Môn, đảng đã thể chế hoá quá trình chuyển giao quyền hành, gia tăng việc trọng dụng nhân tài, và học cách đối phó với công luận.
Kết quả của sự cố Bạc Hy Lai và Trần Quang Thành cho chúng ta thấy rằng sự cầm quyền của đảng hiện không bền vững, và rất mong manh. Quá trình chuyển giao quyền lực vẫn không thể đoán trước. Chế độ nhân tài về cơ bản là một huyền thoại, nếu không, làm sao có thể giải thích sự thăng tiến gần như thành công của ông Bạc vào Ban thường vụ Bộ Chính trị? Và rằng ông Trần đã bị đối xử tệ bạc bất hợp pháp quá lâu, mặc dù phản đối công khai trên không gian mạng, cho thấy rằng Đảng không còn có khả năng nghe thấy những sự việc mà sự can thiệp của họ thì rất cần thiết, nhằm ngăn chặn một thảm kịch nhân loại và một cuộc khủng hoảng chính trị.
Nhận thức rõ nét về đảng cầm quyền phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đang treo lơ lửng đó là, rất có thể hậu quả chính trị quan trọng nhất đến từ câu chuyện của ông Trần Quang Thành. Dĩ nhiên, hoàn toàn về mặt tâm lý. Nhưng khi chúng ta xâu chuỗi tất cả các vấn đề rắc rối lại với nhau, những khó khăn sâu sắc về cấu trúc kinh tế mà Trung Quốc đang phải đối mặt, cảm giác về sự không chắc chắn và lo lắng trong giới lãnh đạo gia tăng, trí thức đã thức tỉnh, và một cộng đồng các nhà bất đồng chính kiến được khuyến khích, có thể không quá phóng đại để nói rằng, Trung Quốc đang bước vào một giai đoạn chính trị hoàn toàn khác với hai thập kỷ sau sự kiện Thiên An Môn.
Tác giả: Ông Minxin Pei là giáo sư môn chính phủ học ở Claremont McKenna College
Nguồn ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ
Nguồn: The Diplomat

No comments: