Wednesday, March 28, 2012

(81) Nghề bắt... ruồi

Nắng lên là lúc công việc của bọn trẻ chụp ruồi bắt đầu - Ảnh: Đoàn Cường
Những đứa trẻ "chụp" ruồi
Ở xã vùng xa Phú An của huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) có một nghề "truyền thống" rất lạ lùng là bắt... ruồi (dùng để bẫy chim én). Và nó lại càng đặc biệt hơn khi hầu hết "thợ nghề" đều là các em nhỏ.
Càng bẩn, càng hôi... càng tốt!

Nắng to bất thường. Bãi rác ở khu quy hoạch Hạ Cồn Trắng (huyện Phú Vang) cách QL 47 chừng 15 mét phả mùi nồng nặc. 6 đứa trẻ, nhỏ nhất 10 tuổi còn lớn thì 17 đã lọt thỏm vào giữa "đại dương rác". Tiếng ruồi bay vù vù. Mặc chiếc quần đùi ngắn quá khổ, Đoàn Văn Thái (lớp 4 trường Tiểu học Phú An) gần như lút chân trong bãi rác.
Chẳng cần phải bao tay, khẩu trang, dụng cụ hành nghề như mấy chị mót phế liệu, bọn nhỏ cứ vô tư dùng chính tay không của mình mà chụp ruồi. Mới 10 tuổi, nhưng Thái đã có gần 3 năm kinh nghiệm trong nghề bắt ruồi. Sáng dậy, Thái cùng các đứa trẻ trong vùng đạp xe hơn 3 km để đến nơi làm việc là các bãi rác. "Em chỉ đi chụp ruồi được buổi sáng, còn chiều phải đến trường" - Thái cho biết.
Ruồi được giăng thành hàng để bẫy
Hơn 10 giờ, nắng rát tai. Quốc Bảo (lớp 6 trường THCS Phú An) tách hẳn 5 người bạn của mình tiến sâu vào bãi rác, bên mép ngôi nhà hoang. Khu rác tách biệt này thấp trũng, mùi nặng hơn hẳn bởi xác của chuột chết, các túi nylon đựng thức ăn thừa và cả đồ vệ sinh. Bảo nói: "Ở đây nó hôi nhưng lại nhiều ruồi lắm anh ạ. Em chỉ đứng đây tí là đầy xâu thôi". Các bạn của Bảo không ai có đủ can đảm để đến khu này.
Nắng đã đứng bóng, các bãi rác thể hiện hết bản chất hôi thối và bẩn thỉu của nó. Mồ hôi đã đẫm lưng áo cả bọn. Bảo đưa xâu ruồi thứ hai sắp đầy cho tôi xem và vui vẻ:
"Một xâu này em sẽ để cho ba đi bẫy. Còn hơn 300 con ruồi xâu kia bán khoảng 15.000 đồng lấy tiền mua sách vở". Bảo cho biết thêm: "Trời nắng thế này thì ruồi lại mới nhiều. Chỉ chịu khó tí là đầy xâu thôi. Mấy hôm rồi trời mưa, bọn em phải chạy khắp các bãi rác mà không được nửa xâu".
 Quốc Bảo hạnh phúc với kết quả công việc là những xâu ruồi dài
Cái giá của... ruồi?
Theo ông Đoàn Hiến (67 tuổi) - với 35 năm kinh nghiệm bẫy én ở Phú An thì nghề bẫy én đã có từ rất lâu mà không ai nhớ nổi. Từ khi nó ra đời thì mồi để nhử én được dùng là ruồi. Vì thế mới xuất hiện nghề bắt ruồi xanh. Do thị trường én (én được dùng thả phóng sinh) chỉ hoạt động theo mùa, nay đã cuối xuân, là dịp phóng sinh nên các em nhỏ mới đổ xô đi "chụp" ruồi. Các gia đình có thu nhập thấp đều cho con mình "hành nghề" này để trang trải việc học tập hoặc sinh hoạt trong gia đình.
Anh Hồ Văn Nam - ba của Bảo cho biết: "Tui cũng biết làm cái nghề ni bệnh tật lúc nào không hay. Đợt đầu nó đi về đã nằm ốm ở nhà rồi đó". Cách đây không lâu một người bạn của Bảo vì vướng phải mảnh thủy tinh trong lúc chụp ruồi bị nhiễm trùng phải nằm nhà gần nửa tháng.
Nhưng khi được hỏi, cô bé này lại tỉnh bơ cho biết: "Bọn em cả ngày chụp ruồi ở bãi rác, chân tay xước ra chảy máu thì cũng bình thường thôi mà. Không chụp được ruồi mới là có chuyện". Chính sự vô tư của các em trong quá trình "hành nghiệp" và việc tiếp xúc liên tục trong thời gian dài với các loại rác thải chưa được phân loại đã biến các em thành "miếng mồi" cho mầm bệnh.
Đánh giá về những tác hại có thể gây ra đối với các em nhỏ làm nghề này, bác sĩ Ngô Hữu Hoàng - khoa Sức khỏe cộng đồng (Trung tâm y tế dự phòng Thừa Thiên-Huế) khẳng định: "Các em trong độ tuổi này do còn quá nhỏ nên khả năng kháng thể của cơ thể rất kém. Việc tiếp xúc nhiều với rác thải và đặc biệt là loài ruồi xanh - một loại vật trung gian truyền bệnh rất nguy hiểm. Thường gặp là các bệnh nhiễm khuẩn, thương hàn, nhất là các bệnh về đường hô hấp và các bệnh lây truyền khác"...

Đoàn Cường(Báo chí k27, ĐHKH Huế)
Việt Báo (Theo_Thanh_Nien)


No comments: