Một cô gái phun mực lên một tấm áp phích có ảnh ông Tập trong năm 2018, đã được thả tự do sau khi bị bắt buộc điều trị tại một bệnh viện tâm thần và trở thành một người hoàn toàn khác lạ. 
‘Cô gái Mực’
Theo Epoch Times, cô Đổng Dao Quỳnh (Dong Yaoqiong), 29 tuổi, một cựu nhân viên bất động sản ở Thượng Hải, đã phát trực tiếp (livestream) cảnh cô phun mực lên một tấm áp phích tuyên truyền, mang hình ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trên Twitter hôm 4/7/2018.
Đứng trước tấm áp phích tại trung tâm thương mại HNA Plaza ở thành phố Thượng Hải vào đầu giờ sáng, cô Đổng tuyên bố: “Tôi ở đây sử dụng tên thật của mình, để chống lại chế độ độc tài toàn trị của ông Tập Cận Bình, và để phản đối việc lạm dụng kiểm soát suy nghĩ mà đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gây ra cho tôi”.
Nói xong, cô Đổng quay về phía tấm áp phích, và phun mực lên hình ảnh của ông Tập, trong khi tiếp tục tuyên bố: “Tôi căm ghét ông ta đến tận xương tủy. Hãy xem, bây giờ tôi đang hành động, và tôi đang tự mình làm tất cả, chống lại ĐCSTQ, chế độ độc tài và sự chuyên chế của nó”.
Thách thức ông Tập “đến và bắt” mình, cô Đổng nói: “Tôi muốn xem ông ấy sẽ đối xử với tôi như thế nào”.
Kêu gọi các tổ chức quốc tế tham gia điều tra các hành vi lạm dụng kiểm soát suy nghĩ mà mình đã phải chịu đựng, cô Đổng cam kết: “Tôi sẵn sàng hợp tác với họ để cung cấp bằng chứng”. 

Cô Đổng đã bị cảnh sát Thượng Hải bắt đi ngay chiều hôm đó, và mất tích trong vài ngày.
Ngay sau khi cô Đổng mất tích, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã tiết lộ trong một báo cáo độc quyền hôm 22/7/2018, cô Đổng đã bị đưa về quê nhà ở thành phố Chu Châu, tỉnh Hồ Nam, nơi cô bị “điều trị tâm thần” tại Bệnh viện Số 3 Chu Châu.
Được thả tự do vào ngày 19/11/ 2019, cô Đổng hiện đang sống cùng mẹ tại thị trấn Tao Thủy, tỉnh Hồ Nam. Cha mẹ cô ly hôn ngay sau sự việc cô phun mực lên hình ảnh ông Tập.
Theo Đài Á Châu Tự do (RFA), sau khi đến thăm cô hôm 2/1 năm nay, cha cô rất quan ngại đến sức khỏe tâm thần của con gái mình. Ông tiết lộ một số chi tiết cho một luật sư nhân quyền, tên là Âu Bưu Phong (Ou Biaofeng), người đã hỗ trợ mạnh mẽ cho gia đình cô.
“Phong thái, cách xử sự của cháu rất khác so với trước đây. Về cơ bản, cháu luôn im lặng đến mức tôi cảm thấy cháu có dấu hiệu sa sút trí tuệ”, cha cô nói với luật sư, nói thêm rằng con gái ông từng là một phụ nữ trẻ sôi nổi. 
“Khi tôi hỏi cháu chuyện gì đã xảy ra với cháu trong bệnh viện, cháu chỉ im lặng. Câu trả lời duy nhất của cháu là ‘Umm, umm’ cho những câu hỏi đó”, ông nói.
Nói với luật sư Âu, cha cô Đổng khẳng định ông tin rằng sự thay đổi trong hành vi của con gái mình có thể là do hậu quả của việc cô ấy bị ép dùng thuốc trong khi bị giam giữ tại bệnh viện tâm thần. Ông cũng chia sẻ một bức ảnh của con gái, và chỉ ra rằng khuôn mặt của cô đã bị sưng lên, và cô đã tăng cân rất nhiều, RFA đưa tin.
Phát biểu với đài RFA, luật sư Âu Bưu Phong cho rằng chính quyền Trung Quốc đã buộc cô Đổng phải “điều trị tâm thần” để bịt miệng cô lại, sau khi video clip mà cô Đổng phát trên mạng Twitter, đã thu hút được sự ủng hộ rộng rãi của cư dân mạng.
Cô Đồng được mệnh danh là “Cô gái Mực” (Ink Girl) trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc.
“Có vẻ như có nhiều loại thuốc mà cô ấy vẫn đang dùng, điều này sẽ giải thích cho những thay đổi ở cô Đổng. Các nhà chức trách phải sử dụng điều này để hăm dọa cô, sao cho cô không còn lên tiếng trước công chúng được nữa”, luật sư Âu nói với đài RFA. 
“Sự giam cầm bất hợp pháp đối với cô Đổng trong một bệnh viện tâm thần xuất phát từ nỗi sợ hãi của họ trước bấy kỳ ai phản đối chế độ, và điều đó có nghĩa là tạo ra một bầu không khí sợ hãi”, luật sư Âu nhận xét. 

Những người bất đồng chính kiến và khiếu nại bị coi là mắc bệnh tâm thần
Theo thống kê từ cộng đồng y khoa Trung Quốc, hơn 200 triệu công dân Trung Quốc, tương đương 17,5% dân số trưởng thành, mắc chứng rối loạn tâm thần, một tỷ lệ cao hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Ngoài ra, trong số hơn 200 triệu công dân Trung Quốc bị rối loạn tâm thần, hơn 16 triệu người được chẩn đoán là những trường hợp nghiêm trọng, cần điều trị, chiếm hơn 1% dân số trưởng thành của Trung Quốc.
Cô Wang Shuying, một người khiếu kiện Trung Quốc, nói với Đài truyền hình Tân Đường Nhân, thuộc Tập đoàn Truyền thông Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc thực sự giam giữ nhiều người khỏe mạnh trong các bệnh viện tâm thần như một biện pháp đàn áp, và đây là lý do tại sao Trung Quốc có một thống kê cao bất thường về số lượng bệnh nhân tâm thần.
Trong số những người khỏe mạnh về tinh thần, mà có thể đã bị đưa đến bệnh viện tâm thần, là những người bất đồng chính kiến, những người khiếu nại, các thành viên của các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số, về cơ bản là bất cứ ai mà chế độ Trung Quốc coi là mối đe dọa đối với chính quyền toàn trị.
Những người khiếu kiện Trung Quốc chỉ đơn giản là những người dân đòi hỏi bồi thường từ chính quyền theo luật pháp Trung Quốc, sau khi họ trở thành nạn nhân của một số bất công. Tuy nhiên, thay vì điều tra và khắc phục những trường hợp như vậy, chính quyền Trung Quốc thường coi những người khiếu nại này là những nhân tố gây ra sự bất ổn xã hội, và sử dụng nhiều cách khác nhau để dập tắt và bịt miệng họ.
Cô Wang cho biết cô đã bị ép buộc phải dùng thuốc, cả dạng thuốc viên và thuốc tiêm, tại một bệnh viện tâm thần, và mô tả việc này là không thể chịu đựng được.
“Thật đau đớn đến mức nhiều lần tôi muốn đâm đầu vào tường để tự sát”, cô Wang chia sẻ.
Các học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện truyền thống của Trung Quốc và bị đàn áp trong hơn 20 năm, cũng đang bị giam giữ tại các bệnh viện tâm thần với số lượng lớn, để buộc họ phải từ bỏ tu luyện. Theo tờ Minghui.org, nhiều học viên đã bị tàn tật hoặc bị điên loạn do họ bị chính quyền Trung Quốc tra tấn và lạm dụng tâm thần.
Note: Chả có gì khó hiểu, nơi trong nhà thương tâm thần, tụi Cộng sản chích thuốc "độc hại" khiến cho tủy não nạn nhân không còn như bình thường. Khi thả ra, nạn nhân không "bị khùng" cũng "thành điên" !!