Tại Sao Tôi Làm Ký Giả
Thể Thao Rồi Trực Tiếp Truyền Thanh?
HUYỀN VŨ
"Nhà Báo Nói" Huyền Vũ (Ký giả Lô Răng)
Ký Giả Huyền Vũ Với Người Sài Gòn (Văn Quang)
Ký giả Huyền Vũ (1914-2005)
LTS - MỘT số anh em làm báo, viết văn trên vùng Hoa Thịnh Đốn tổ
chức "Ngày Huyền Vũ" vào ngày 28-8-99 nhằm nhắc lại
những công lao của lão ký giả Huyền Vũ đối với nền thể thao miền Nam trước đây
nói chung và bộ môn bóng tròn nói riêng... nhất là qua bao năm làm công việc
trực tiếp truyền thanh các trận túc cầu làm say mê đồng bào miền Nam ra cả
ngoài Bắc (nghe lén).
Nhân dịp này, để gửi lời chào mừng của toàn ban Biên tập Ngày Nay
đến "lão huynh" Huyền Vũ, nay đã 84 tuổi(*),
hiện cư ngụ trên vùng Virginia, Ngày Nay xin đăng tải một số bài viết của các
thân hữu cũng như đăng lại một số kỷ niệm xưa do chính ông viết trong hồi
ký "Tôi Làm Ký Giả Thể Thao" do Hoa Thịnh Đốn xuất
bản năm 1987.
I.
Tập tễnh vào làng báo
Chúng
tôi không hiểu tại sao chúng tôi lại thích viết báo. Và chúng tôi đã bắt đầu viết
những tin nho nhỏ tại địa phương cho một vài nhật báo ở Saigon.
Cũng nên nói rõ hơn, năm đó là năm
1936 và địa phương là Phan Thiết, một thành phố trù phú miền Trung về phía cực
Nam, tiếp giáp với miền Nam (Xuân Lộc, Biên Hòa rồi Saigon).
Phan
Thiết là thị xã của tỉnh Bình Thuận (sau này cộng sản đổi lại là Thuận
Hải) mà nguồn lợi chánh là hải sản và nghề làm nước mắm. Nước mắm Phan
Thiết phải biết là nổi tiếng, nhứt là nước mắm nhỉ có "óc trâu" (như
cuộn chỉ nhỏ màu xa cừ, chứng tỏ có nhiều chất cá).
Thời
ấy tại Việt Nam chưa có trường dạy làm báo. Người ký giả bước vào nghề bằng lối
cửa của chính mình, nghĩa là tự mình trao dồi lấy để thăng tiến. Vì làm ký giả
lúc ấy không đòi hỏi tiêu chuẩn, do đó đã có những người không xứng đáng phần
tài đức làm hoen ố ngành làm báo, ngành được kính nể.
Thông
tín viên địa phương được đánh giá bằng tấm thẻ có dán ảnh do nhà báo cấp, sau
thời gian cộng tác, để từ đó có thể trở thành ký giả chuyên nghiệp.
Chúng
tôi bắt đầu bằng cộng tác với tờ Zân Báo của anh Võ Khắc Thiệu,
tờ Trung Lập của anh Bùi Thế Mỹ. Nhưng sau thời gian làm "ký
giả tài tử" qua nhiều biến cố, mãi đến năm 1950 chúng tôi mới thật
sự sống về nghề viết lách.
Chọn
bút hiệu
Tên
thật của chúng tôi là Nguyễn Ngọc Nhung. Tuổi: sinh năm Ất Mão (1915).
Từ
Cao Miên về vào năm 1948 để lo cho phần học vấn của các con, năm 1950 chúng tôi
và một nhóm bạn trẻ khác trong số có Lê Văn Sâm cây viết chuyện ngắn nổi tiếng
miền Nam thời ấy - Hoàng Tấn, Việt Quang... viết cho nhà xuất bản Nam Việt của
anh Đinh Xuân Hòa. Chúng tôi chia nhau viết loại chuyện vừa vừa đăng trọn một tập
sách nhỏ kiểu như loại "Sách Hồng" của Pháp.
Còn
nhớ, các bạn khác chỉ cần viết mỗi tháng ba tập ($500x3=l.500$ thời bấy
giờ) là đủ cho cuộc sống độc thân. Chúng tôi vì có gia đình nên phải
viết nhiều hơn, những 6 tập (tức 3.000$). Ngoài những chuyện thường,
dưới bút hiệu Xuyên Sơn (Sông, Núi), chúng tôi còn viết những chuyện
về trinh thám và lấy bút hiệu HUYỀN VŨ. Đây cũng là bút hiệu chúng tôi dùng để
ký cho những kịch vui ngắn đăng hằng tuần trên báo Saigòn Mới (của
anh chị Bút Trà) và tuần báo Tiếng Chuông (của anh Đinh Văn
Khai).
Vấn
đề chọn bút hiệu, thời ấy, hầu như dã thành cái "Mốt" cho
phần dông các ký giả và văn gia. Không muốn cho người khác biết mình là ai-có
khi vì cái tên "cúng cơm" không được vừa ý lắm mà
bút hiệu có vẻ "óng chuốt" hơn lại khơi được sự hiếu
kỳ của người đọc để tìm biết tác giả- nên ký giả và nhà văn ký bằng bút hiệu được
chọn.
Có
bút hiệu lạ lùng không có trong quốc ngữ Việt như TCHYA, về sau được biết là lối
ghép những chữ đầu cửa "Tôi Chưa Hề Yêu Ai". Có bút hiệu
ghép tên sông núi của địa phương mình đã sinh ra như của anh Nguyễn Đức Nhuận,
chủ nhiệm nhật báo Saigon Mới. Anh Nhuận sinh ra ở Quảng Ngãi. Tỉnh
của anh có núi, sông nổi tiếng. Núi là núi Thiên Bút, sông là sông Trà Khúc,
nên anh chọn bút hiệu Bút-Trà.
Chúng
tôi sinh ra tại Phan Thiết. Tỉnh Bình Thuận của chúng tôi nằm về phần cuối của
dãy Trường Sơn, cũng có sông, có núi. Nhưng sông, núi nơi chúng tôi sinh ra
mang những tên không óng chuốt lắm. Sông có tên là sông Cà Ty -trên bản đồ là
Sông Mương Mán- núi là núi Tà Cú ở phía Nam và Tà Vôn ở phía Bắc (đường
đi Di Linh). Tên của sông núi này ghép lại không làm đẹp cho bút hiệu, nên
chúng tôi chọn Xuyên Sơn (cũng sông, núi chứ không phải là Xuyên Sơn Thử
hay Xuyên Sơn Giáp) làm bút hiệu.
Nhiều
bạn hỏi lý do nào khiến chúng tôi chọn bút hiệu Huyền Vũ. Chúng tôi cho biết đó
là tên một vì sao trong số 28 vì sao chánh, đi đến đâu là có sự đổi mới đến đó.
Thích nên chúng tôi chọn bút hiệu này.
Khi
trở thành ký giả thể thao, để phong phú hóa ngữ vựng thể thao chúng tôi đã dịch
và đem dùng trong văn chương thể thao Việt Nam những danh từ thể thao của Pháp
như "cơ hội bằng vàng", "mở tỷ số", "trong mấy
phút phù du", "quân bình tỷ số", "san bằng cách biệt",
"chạm trán", v.v... và những từ ngữ về chiến tranh để thêm phần
dũng mãnh.
Căn
cứ vào bút hiệu Huyền Vũ, một hôm anh giám đốc hãng xe hơi Kim Long, trong một
bữa ăn gia đình tại biệt thự của anh, chị Trần Giáp (một thể thao gia đất
Thần kinh) đã hỏi:
-
Có phải anh là Bắc kỳ cũ?
Chúng
tôi ngạc nhiên, hỏi lại:
-
Tại sao?
-
Tại người miền Nam không dùng chữ Vũ (thường dùng chữ Võ) và
giọng đọc của anh trên đài cả lối dùng chữ, người Nam nghe cũng hiểu, người Bắc
nghe cũng hiểu.
Chúng
tôi cười:
-
Tôi không là Bắc kỳ cũ, cũng không phải hoàn toàn người Nam. Tôi là người
Trung, người Phan Thiết, tóm lại là người Việt Nam.
Năm
1937, chúng tôi có viết một chuyện dài trinh thám dưới bút hiệu Xuyên Sơn -nay
không còn nhớ nhan đề là gì nữa!- cho nhà xuất bản Tân Việt ở Hà Nội. Quyển
chuyện trinh thám này có đoạn đã nói đến "Lầu Ông Hoàng" ở
Phan Thiết. Đây là một dinh thự đầy đủ tiện nghi tân thời do công tước De
Montpensier của Pháp xây cất thời đệ nhất thế chiến trên một đỉnh đồi lộng gió ở
Phú Hài, nhìn ra biển Nam Hải. Nhà xuất bản này nhờ chúng tôi viết giúp mỗi
tháng một quyển với số tiền bản quyền là hai mươi đồng. Nhận thấy thù lao không
xứng với công nên chúng tôi từ chối.
Loại
sách nhỏ của nhà xuất bản Nam Việt thọ không lâu nên năm 1951 khi Bộ Quốc
Phòng (ở số 63 đường Gia Long) cần một chủ bút cho bán nguyệt
san Chiến Sĩ, chúng tôi được Đại tá Nguyễn Văn Ra mời vào cộng tác
với cấp bực chuẩn uý đồng hóa. Hai năm sau chúng tôi sang hiện dịch.
Trong
sự "trả giá" để vào phục vụ trong quân đội, với tư
cách một ký giả, chúng tôi đã yêu cầu được đồng hóa với cấp bực thiếu uý, và
không phải mặc quân phục khi làm việc. Đại tá Ra chấp nhận điều sau và cho biết
quyền hạn của ông chỉ được tuyển dụng với cấp bực, tối cao là chuẩn uý. Và ông
đã dành cho chúng tôi mức tối đa này. Chúng tôi đành bằng lòng. Nhưng rồi về
sau, điều thứ nhì đã được chấp nhận vẫn không giữ được. Vì đã là "lính" là
phải mặc "nhung y".
Lúc
ấy Trung uý Cao Văn Viên phục vụ ở phòng Tư Bộ Quốc Phòng (sau này là đại
tướng), Thiếu uý Nguyễn Hữu Có vừa tốt nghiệp trường Võ bị Đà Lạt về (sau
này là đại tướng), Thiếu úy Ngô Đức Khắc ở phòng Báo chí (sau này
là đại tá).
Ngẫu
nhiên cùng hôm chúng tôi "Vào Lính" tại Bộ Quốc
phòng còn có chuẩn uý khác là Đặng Trần Lợi, Phan Quang Bổng và Trần Quang
Nghĩa, bộ tư chúng tôi gồm hai Trung, hai Bắc. Bổng người Quảng Ngãi, chúng tôi
người Phan Thiết, Lợi và Nghĩa người miền Bắc.
Lợi
cùng chúng tôi đặc trách nguyệt san Chiến Sĩ. Về sau, Bổng giải
ngũ, sang làm Giám đốc Thông tin. Nghĩa chọn việc đi đánh trận, và đã hy sinh
trên chiến trường Hưng Yên.
Tờ Chiến
Sĩ phát hành mỗi tháng hai số, phát không trong quân đội. Lợi (sau
này là Trung tá Quân nhu) làm quản lý trông nom việc ấn loát và phát
hành. Chúng tôi lo phần bài vở và nội dung tờ báo. Trung uý Lân (sau là
Chuẩn tướng) là cộng sự viên đắc lực của bán nguyệt san Chiến
Sĩ. Ông thường dịch thuật các tài liệu về công binh.
Về
cuộc đời quân ngũ của chúng tôi, có một sự kiện làm chúng tôi ghi nhớ mãi. Thời
ấy các cấp bực trong quân đội quốc gia còn dùng cấp hiệu của quân đội Pháp.
Quân nhân nào mang lon lên cầu vai là được gọi bằng "quan".
Từ thượng sĩ đã là "quan" rồi.
Lon
chuẩn uý là một gạch vàng như của thiếu uý, song ở hai đầu có thêm hai lằn chỉ
đen để phân biệt. Tuy chuẩn uý là cấp bậc cao nhất về hạ sĩ quan, nhưng vẫn còn
là hạ sĩ quan dù trong ngôn từ Pháp vẫn được gọi tâng lên là Trung úy.
Lúc
ấy Bác sĩ Phan Huy Quát làm Tổng trưởng Quốc phòng. Một hôm ông Tổng trưởng đi
thăm các nha, sở trong Bộ. Cùng đi có sĩ quan tùy viên, Thiếu úy Đỗ Cao Trí. Đến
phòng Báo chí, ông Tổng trưởng bắt tay từng sĩ quan trong phòng. Nhưng khi nhìn
thấy lon trên vai chúng tôi là chuẩn uý, ông Tổng trưởng không bắt tay và bỏ đi
sang bắt tay người khác. Chúng tôi hiểu chúng tôi chỉ là hạ sĩ quan, không đáng
được ông Tổng trưởng bắt tay.
II.
Làm ký giả Thể thao
Bản
tính thích thể thao từ nhỏ, chúng tôi thích đọc sách, báo về thể thao khoa học
và du hành (Science et Voyage) và tiểu thuyết trinh thám của
Simenon (Pháp) lúc ấy chúng tôi là trọng tài của Tổng cuộc Túc
cầu Nam Việt. Nếu tiếp tục nghề này chúng tôi đã được đề nghị trọng tài quốc tế
một lượt với Trương Văn Ký, trọng tài quốc tế Việt Nam đầu tiên.
Cũng
năm 1951, ký giả Lê Tân (một đồng hương) vì nhận làm thơ ký
tòa soạn cho nhật báo Thời Đại của Nguyễn Kiên Giang (tức
Lý Chánh Cần) nên khi được sự đồng ý của chúng tôi, đã giới thiệu
chúng tôi vào thay ban viết và đọc tin thể thao cho đài phát thanh Pháp Á (radio
France-Asie). Chúng tôi bắt đầu làm ký giả thể thao từ đó.
Và
khi đã làm ký giả, chúng tôi phải rời bỏ nghiệp trọng tài để ngòi viết của mình
được vô tư hơn.
Viết
thể thao cho đài Pháp Á (góc đường Công Lý và Hàm Nghi) ngoài
những tin tức hàng ngày -nếu có- chúng tôi còn phụ trách mục thể thao hàng tuần
vào mỗi tối Chúa Nhật. Phần Việt ngữ đài Pháp Á lúc ấy do anh Hoàng Nguyên làm
giám đốc. Cũng nên biết rõ là có hai anh Hoàng Nguyên. Anh Ở đài Pháp Á cũng
người Bác song vóc dáng rất thư sinh. Anh giám đốc báo chí ở Bộ Thông Tin cũng
nguời miền Bắc nhưng lại là một người khác (thân sinh của Đông Duy).
Đài
Saigon thuở ấy do Đại úy An giám đốc. Đại úy An là sĩ quan trong quân đội Pháp.
Một
năm sau đài phát thanh quốc gia mời chúng tôi về cộng tác, cũng trông nom tin tức
thể thao hàng ngày và mục thể thao hàng tuần. Chúng tôi xin nghỉ việc ở đài
Pháp Á.
Ở
mục thể thao hàng tuần, ngoài phần tin tức còn có bình luận hay quan điểm. Phần
này được giới trẻ theo dõi và ưa thích vì chúng tôi rất vô tư. Sự vô tư ấy
không ngờ đã đem đền cho chúng tôi phiền toái lớn đầu tiên trong nghiệp dĩ ký
giả thể thao. Điều này được ghi lại trong đoạn sau.
Ngoài
ra chúng tôi còn đảm trách việc trực tiếp truyền thanh các trận túc cầu quan trọng
như tranh chung kết giải vô địch hoặc các trận quốc tế tại Saigon.
......
V.
Trực tiếp truyền thanh
Trong
đời ký giả thể thao, nếu chúng tôi được nhiều người biết đến là qua các làn
sóng điện của đài phát thanh Saigon, theo với các buổi trực tiếp truyền thanh
các trận túc cầu tranh vô địch và nhất là các trận quốc tế, giữa hội tuyển nhà
và các hội tuyển khách hoặc những đoàn danh cầu ngoại quốc.
Người
mộ điệu ở tỉnh, hoặc ở ngay Saigon mà không thể lấy được vé, đành mở máy thu
thanh nghe trực tiếp truyền thanh theo dõi trận đấu cho đỡ... ghiền. Đó cũng là
lối chúng tôi thường dùng (lúc chưa là ký giả thể thao) khi
còn sống ở Cao Miên. Thuở ấy lúc nào có trận túc cầu quan trọng ở Sàigon được
trực tiếp truyền thanh là chúng tôi nhờ người bạn ở phòng điện thoại mở máy thu
thanh áp sát vào bộ phận liên hợp để bên này đầu giây chúng tôi nghe mà theo
dõi trận đấu, thường vào giờ chưa tan sở.
Người
phụ trách về trực tiếp truyền thanh lúc ấy là bạn Nguyễn Huỳnh (bút hiệu
của Nguyễn Huỳnh Phước). Tuy nhiều lúc có khoản trống dài, song biết được
tin tức của trận đấu cùng lúc với tại Saigon vẫn là nổi thích thú của kẻ ở xa
hướng về quê nhà. Lúc ấy vào thập niên 1940.
Trước
đó, người trực tiếp truyền thanh là bậc đàn anh Trần Đình Khiêm, nhưng chúng
tôi chưa được nghe anh Khiêm.
Khi
đảm trách phần thể thao cho đài Pháp Á, chúng tôi đã bắt đầu trực tiếp truyền
thanh nhưng là một trận đấu bóng rổ. Chúng tôi cùng chia máy với một phóng viên
người Pháp. Người này nói tiếng Pháp, chúng tôi nói tiếng Việt.
Chân
ướt, chân ráo vào nghề lại phải trực tiếp trận bóng rổ quả thật chúng tôi đã bối
rối như thuyền gặp gió ngược. Khi về hợp tác với đài Saigon, chúng tôi cũng đảm
trách phần trực tiếp truyền thanh, phần nhiều là những trận túc cầu.
Phải
thành thật thú nhận, Ở lần "trực tiếp" đầu tiên
chúng tôi đã không tránh khỏi bối rối không kém khi trực tiếp truyền thanh bóng
rổ. Mấy hôm sau chúng tôi nhận được một bức thư của một thính giả ở Bến Tre phê
bình kỹ thuật "trực tiếp" của chúng tôi. Vị thính giả
này là một sinh viên du học bên Pháp về, đã so sánh cuộc "trực tiếp" của
chúng tôi với kỹ thuật của phóng viên Pháp tại Ba Lê. Dĩ nhiên sự phê phán đã rất
thẳng thắn, xây dựng.
Bức
thư đã làm cho chúng tôi suy nghĩ rất nhiều. Buồn là lẽ tự nhiên, nhưng chúng
tôi không chán nản. Chúng tôi lấy đó làm bài học tốt để sửa chữa vì biết con đường
của chúng tôi đi còn dài. Làm "báo viết" -đứng đắn với
thiên chức đã khó, thì làm "báo nói" đâu có dễ. Huống
chi không có thầy, chưa có dịp ra nước ngoài, xem thể thức trực tiếp truyền
thanh của các nước tiền tiến để học hỏi, chúng tôi nghĩ đến cách phác họa cho
mình một đường lối để cải thiện. Vào thời ấy cũng chưa có sách nào, theo chỗ
chúng tôi biết, dạy "trực tiếp truyền thanh".
Kỹ
thuật nói vào máy vi âm trên đài phát thanh cũng đã đặt thành vấn đề cho người
xướng ngôn rồi. Nói cho nhiều người nghe mà mình không thấy mặt nhưng tưởng tượng
lúc nào cũng có rất nhiều con mắt nhìn chầm chập vào mình, người xướng ngôn
cũng cảm thấy... khớp, lưỡi đã muốn líu lại.
Kinh
nghiệm bản thân của chúng tôi cho thấy một xướng ngôn viên truyền thanh (hay
truyền hình cũng thế) phải:
-
Dò đọc bản tin trước để nếu cần, sửa chữa những chữ khó đọc hoặc sai. Phân đoạn
đúng để câu văn không mất ý nghĩa theo với dấu phẩy, hay chấm để không làm cho
người nghe khó chịu.
-
Trước khi đọc, đè nén xúc động, nên hít thở mấy hơi thật dài chầm chậm, trấn
tĩnh nhíp đập của tim (ảnh hường đến lối phát âm suông sẻ) lấy
tự tin và bình tĩnh. Đọc nhẩm lại những chữ khó đọc, nhất là tên riêng của người
hay địa danh để tránh vấp váp.
-
Trước khi đọc thật sự, phải thử giọng vào máy vi âm để lấy đúng khoảng cách giữa
miệng mình và máy.
-
Trong khi đọc phải chú ý lắng nghe giọng của chính mình. Nếu cảm thấy có phần
trầm xuống là lập tức thay đổi ngay để giọng đọc lúc nào cũng tươi tắn, rõ
ràng, hấp dẫn.
Về
trực tiếp truyền thanh, các diều kiện cần thiết có phần tương đối rộng rãi hơn.
Người xướng ngôn viên nói lên những gì mình thấy đang diễn ra. Càng nói được
nhiều chi tiết càng tốt. Điều quan trọng là làm sao nói lên cách suông sẻ những
gì mình thấy, vẫn không phải dễ.
Chúng
tôi đã phải dùng nhiều thì giờ để tìm sẵn những chữ đồng nghĩa để nói về một hiện
trạng, một động tác, hoặc một sự kiện nào đó v.v... Như thể để không phải lập
đi lập lại nhiều lần một danh từ làm thính giả nhàm chán. Chúng tôi cũng đã tìm
sẵn các danh từ chính xác vừa linh động nói về một động tác hoặc một diễn biến
nào đó trên sân để khi nghe đến là thính giả hình dung ngay được sự việc và
chính chúng tôi tránh khỏi vấp váp.
Khi
đã có một số ngữ vựng tương đối đầy đủ cho địa hạt của mình, chúng tôi không
còn cảm thấy lúng túng nữa. Chúng tôi có thể nói suông sẻ phần lớn những diễn
biến trên sân nhiều lúc tuôn chảy như một dòng thác mà ít khi bị ngắt quãng.
Về
sau, khi chúng tôi không còn phụ trách "trực tiếp" nữa.
Các bạn tiếp nối chúng tôi vẫn dùng ngữ vựng đã có sẵn của chúng tôi.
Chúng
tôi cũng đã ngầm hỏi ý kiến thính giả và được biết phần đông thích nghe gọi tên
cầu thủ hơn là đọc số lưng hoặc gọi vai tuồng vị trí của họ (thí dụ: tả
nội, hữu biên, trung vệ hay thủ môn, v.v...). Về điểm này với đấu thủ
nhà (Việt Nam) không khó khăn lắm cho người xướng ngôn vì rất
quen tên, quen mặt.
Nhưng
với cầu thủ ngoại quốc thì sao? Đó là vấn đề từ trước đã được nhiều người nêu
lên thành câu hỏi và chúng tôi đã giải thích với một số bạn bè.
-
Chúng tôi đã nghĩ ra phương thức đặc biệt cho riêng mình. Phương thức đó là mỗi
khi có đoàn cầu ngoại quốc đến là chúng tôi đến để phỏng vấn từ nhà dìu dắt đến
cầu thủ, nhất là những hảo thủ khách. Mục đích: cung cấp nhiều chi tiết cho độc
giả và thính giả (cho báo chúng tôi cộng tác và đài phát thanh).
Chúng tôi kéo dài thời gian trò chuyện với các cầu thủ, quan sát và ghi nhận những
điểm riêng biệt về thể chất của họ (chiều cao, dáng vóc, lối cắt tóc, lối
để râu v.v...)
Trước
khi trực tiếp truyền thanh, chúng tôi còn có thành phần cầu thủ đôi bên, với số
lưng của họ ghi trên mảnh giãy, sắp theo vị trí. Lúc "trực tiếp" mắt
chúng tôi theo dõi các hoạt động trên sân song khi cần vẫn kiểm soát lại trên bản
thành phần. Chúng tôi căn cứ vào những đặc điểm để nhận diện đấu thủ ăn khớp với
số lưng của họ, để không sai lệch. Dĩ nhiên không sao tránh khỏi một đôi lúc nhầm
lẫn song nhầm lẫn nào được phát hiện là sữa chữa ngay.
Có
bạn hỏi có phải chúng tôi đã dùng ống dòm (viễn vọng kính) lúc "trực
tiếp" chăng?
Chúng
tôi chỉ dùng đôi mắt, được may mắn nhìn xa rất rõ của chính mình. Vì ống dòm chỉ
thấy được trong một phạm vi hạn chế, không thể bao quát cả sân cầu được. Huống
chi dùng ống dòm lỉnh kỉnh có thể gây trở ngại.
Những
kỷ niệm khó quên
Về
trực tiếp truyền thanh các trận cầu, đài phát thanh thường quảng bá trước một
vài hôm để thính giả đón nghe. Và khi nghe đoạn nhạc mở đầu sôi động, vui tươi,
dòn dã là thính giả biết cuộc "trực tiếp" sắp bắt đầu.
Đoạn
nhạc này do anh Nhơn, một nhạc sĩ giúp việc tại đài, đã chọn làm nhạc mở đầu
cho phần "trực tiếp".
Việc
trực tiếp truyền thanh khởi sự trước n.hất trên sân "Xẹt" (C.S.S.
tên tắt của "Cercle Sportif Saigonais": Câu lạc bộ Thể
thao Saigon) sau này gọi là sân Tao Đàn.
Chúng
tôi thường ngồi chung với khán giả ở cánh trái lộ thiên của khán đài trung
ương, nơi có đường giây ăn về đài. Vì xứ nghèo và chậm tiến nên không có phòng
riêng cho báo chí và đài phát thanh như ở các nước khác.
Một
hôm khi "trực tiếp" xong một trận cầu, chúng tôi định
đến tòa soạn Saigon Mới để viết bài tường thuật kịp cho số báo
phát hành vào đêm hôm sau, bỗng có bàn tay đặt lên vai chúng tôi và có lời nói:
- Chào
ông.
Chúng
tôi ngạc nhiên quay nhìn lại, nhận ra người đối thoại là một ông cụ mà búi tóc
và chòm râu dài đã điểm sương. Ông cụ chỉ vào hai vị cao niên khác bên cạnh,
nói tiếp:
-
Anh em chúng tôi ở vùng Thất Sơn, thường nghe ông "trực tiếp" qua
máy ra-đi-ô chạy "pin". Hôm nay có dịp lên Saigon nhằm
có "trực tiếp" nên chúng tôi mua vé vào xem, cố tìm
gặp cho biết ông. Chúng tôi đã lựa chỗ ngồi ngay sau lưng ông.
Cảm
động vì mối tình của thính giả ở xa dành cho, chúng tôi ngỏ lời cảm tạ, nhưng
cuộc đối thoại đã không thể kéo dài, chúng tôi buộc lòng phải kiếu từ vì anh em
thợ nhà in đang đợi bài. Chúng tôi rất tiếc song đành chịu.
Dịp
khác, một quân nhân đã thân mật:
-
Ở rừng đã không có gì giải trí, nên lúc hành quân tuần tiễu mà nghe trực tiếp
truyền thanh là tụi tôi cho dừng lại theo dõi đến hết trận cầu.
Ở
Huế, cạnh chợ Đông Ba có quán Lạc Sơn của các anh Ngô Văn Đệ và Ưng Lão được
xem như nhà hàng Thanh Thế tại Saigon, là nơi anh em thể thao gặp gỡ nhau, nhất
là vào những sáng cuối tuần. Dịp chúng tôi ra cố đô, đến gặp anh em tại Lạc
Sơn, chủ nhân vừa cười vừa nói với chúngtôi:
-
Phải bắt đền anh mới được. Vì mỗi lần anh trực tiếp truyền thanh là anh em tựu
lại nghe, giựt chân, giựt tay đá gãy cả ghế của quán tôi.
*
Dưới
thời đệ nhị cộng hòa, đồng bào vượt tuyến thường được đưa đi viếng các cơ quan
của chánh phủ. Một hôm phái đoàn đến thăm đài phát thanh Saigon, được hỏi đồng
bào miền Bắc vĩ tuyến 17 thích nghe chương trình nào của Saigon nhất. Phái đoàn
đã đáp:
- Chúng
tôi chỉ nghe lén và thích nhất là chương trình cải lương mỗi tối thứ bảy và trực
tiếp truyền thanh các trận cầu quốc tế.
Cũng
được biết là nhiều người không mấy thích về thể thao, song đã không bỏ sót buổi
trực tiếp truyền thanh nào về túc cầu. Mỗi khi nghe nhà bên cạnh có nhạc mở đầu
cho buổi "trực tiếp" là vội mở máy nhà mình.
Nhiều
khán giả các trận cầu được "trực tiếp", dù dự khán tận mắt
vẫn mang máy thu thanh theo để vừa xem vừa nghe trực tiếp. Lý do: có khi ngồi
xa không thấy rõ, khán giả theo dõi cuộc "trực tiếp" để biết tên cầu
thủ trong động tác vừa diễn ra.
Đồng
bào thích túc cầu ở tỉnh, được hỏi ý kiến, đã cho biết là rất tán thưởng những
buổi "trực tiếp" vì đài đã giúp đồng bào theo dõi cuộc
thư hùng khi đồng bào thiếu phương tiện để có mặt ở cầu trường.
Các
buổi "trực tiếp" do đó đã làm cho phong trào túc cầu
trong xứ sôi động hơn và phát triển mạnh thêm để giữ vững ngôi vị "Thể
thao Vua".
*
Một
đêm, chúng tôi cùng vài người bạn ký giả thể thao khác lên Biên Hòa dự khán cuộc
tranh giải bóng bàn do địa phương tổ chức vào một dịp lễ. Trước giờ tranh giải
tại một địa điểm khác, tại rạp Biên Hùng có tổ chức trình diễn văn nghệ.
Các
bạn ký giả và chúng tôi được mời ngồi ở hàng ghế đầu. Trên sân khấu, nghệ sĩ
Hoàng Liêm trình diễn màn "Trực tiếp truyền thanh trận cầu quốc tế",
mà bạn là... Huyền Vũ.
Bạn
Hoàng Liêm -dùng những danh từ chúng tôi thường dùng- đã thao thao bất tuyệt
nói thật nhanh và hấp dẫn vô cùng, hơn hẳn chúng tôi về nhịp độ. Điều ấy cũng dễ
hiểu. Vì chúng tôi chỉ nói theo diễn biến đang xảy ra trên sân, mà Hoàng Liêm
thì đọc thuộc lòng bài đã viết sẵn.
Màn
trình diễn "trực tiếp" vừa chấm dứt, một bạn ký giả
chỉ vào chúng tôi và giới thiệu với Hoàng Liêm:
- Huyền
Vũ đây.
Bạn
Hoàng Liêm nhìn xuống, vẻ rất ngạc nhiên. Bạn không ngờ lại có ngẫu nhiên này.
*
Trong
số những kỷ niệm cũ và mới về cuộc đời ký giả thể thao của chúng tôi, vài kỷ niệm
làm cho chúng tôi ghi nhớ mãi.
Kỷ
niệm thứ nhất là mối cảm tình của cụ Minh Lương Nguyễn Chánh Ngọ, đã ưu ái dành
cho một vãn bối chúng tôi. Cụ Minh Lương sinh trưởng ở Rạch Giá, thông suốt Hán
văn và Pháp văn là tác giả của ba thi tập: Thượng nguyên Kỳ vọng (ấn
hành năm 1932), Thi ca Đồng bái (1951) và Trường ca
Hương lý (1962). Tập trường ca này là lời tự thuật của một thiếu nữ
con nhà gia giáo ở đồng quê, về mối tình chân thật giữa nàng và chàng trai có học
từ thành thị về.
Năm
xuất bản tập thơ lục bát gồm hơn 750 câu này, tác giả đã 81 tuổi. Tuy tuổi cao
nhưng tinh thần của cụ Minh Lương rất sáng suốt, linh hoạt. Cụ rất thích thể
thao, nhất là theo dõi những lần trực tiếp truyền thanh các trận túc cầu của
chúng tôi.
Cảm
tình nảy sanh nên một hôm cụ mời chúng tôi đến tư thất. Năm ấy chúng tôi 47 tuổi.
Hai lứa tuổi gặp nhau nhưng đã không có khoảng cách. Sau buổi chuyện trò thân mật,
cụ đã đề tặng chúng tôi thi tập Trường ca Hương lý. Thi tập này
cũng như nhiều vật khác, chúng tôi đã phải bỏ lại khi lên đường lưu vong.
Cụ
Minh Lương là thân sinh anh Nguyễn Tấn Trung, Tổng giám đốc Hàng không Việt
Nam.
*
Kỷ
niệm thứ nhì xảy ra trong thời gian sống ở xứ người sau 1975.
Được
bạn Nguyễn Ang Ca cho biết nhà văn Bình Nguyên Lộc đã sang đoàn tụ ở Cali,
chúng tôi viết thư liên lạc. Hồi âm cho chúng tôi, trong bức thơ đề ngày
23-3-1986, anh Bình Nguyên Lộc đã viết:
"Được
thư anh tôi mừng quá. Tuy chưa gặp mặt nhau, vì ta định cư cách nhau quá xa,
tôi vẫn nghe như được thấy lại Saigon, quê hương của ta.
Anh
đi rồi tụi nó thay anh, nhưng làm dở quá, khiến toàn miền Nam đều nhớ tiếc anh,
với những tường thuật tại chỗ vô cùng hào hứng và sôi động... Hiện giờ, có gì
hơi trục trặc thì dân Saigon hô lên: Nguy hiểm! Đó là một lối nhắc nhở anh vậy.
Hễ ai mà nói: Nguy hiểm! Thì tất cả mọi người nghe đều bùi ngùi vọng tưởng người
đi xa. Chẳng có ai đủ khả năng thay thế anh hết. Hùm chết để da, người đi xa để
lại danh tiếng.
Cộng
sản cũng rất mê đá banh mà họ gọi là bóng đá, và đa số nằm nhà nghe tường thuật,
nhưng những kẻ thay anh, tường thuật dở ẹt, nghe chán quá trời."
Chúng
tôi cảm thấy yên ủi vì giới thể thao miền Nam chưa quên chúng tôi.
*
Gia
đình chúng tôi lưu vong, Việt cộng dán giấy tại nhà chúng tôi tại cư xá Thanh
Bình 2, đường Ngô Tùng Châu (Gia Định) cho gia đình chúng tôi
là phản động và phao tin chúng tôi đã chết khi tàu chưa đến đảo Guam.
Trong
thi hài tìm thấy giấy tờ chứng minh là Huyền Vũ. Và cộng sản đã tịch thu nhà
chúng tôi, dùng làm nơi bán gạo trong phường. Tin này đã làm cho thân nhân
chúng tôi lo âu mãi đến khi nhận được thư chúng tôi gởi về.
(Trích Hồi Ký "Tôi Làm Ký Giả Thể Thao")
Huyền
Vũ - Ngày Nay
Minnesota số 245, 15-8-1999
HUYỀN VŨ tên thật là Nguyễn Ngọc
Nhung sanh năm 1914 tại Phan Thiết . Ông vốn là Nhà viết kịch , nhà báo thể
thao và trên hết ông là một bình luận viên , xướng ngôn viên tường thuật thể
thao nổi tiếng ở Saigon trước năm 1975 . Nhất là về bộ môn bóng tròn. Độc nhất
vô nhị hay Vô tiền khoáng hậu, tại miền Nam Việt Nam đến thời điểm này vẫn
không ngoa. Dù sau năm 1975 đài Truyền hình TPHCM có cặp bình luận viên Trần
Hoà Bình và Lê Văn Tỉnh bình luận cũng khá hay, nhưng cũng không bằng 50% cách
nói chuyện của ông .
Vào
nghề tường thuật bóng tròn từ năm 1951, cho đài Phát thanh Quân Đội Saigon, rồi
sau nầy là Đài Pháp Á rồi Đài phát thanh Saigon hay sau nầy Truyền hình Việt
Nam (Saigon). Cho đến tháng 04/1975 . Di tản sang Hoa Kỳ. Ông có thời gian phục
vụ cho người hâm mộ môn túc cầu bằng giọng nói phong phú trời cho, hay còn gọi
đơn giản là trái banh da 24 năm (cách gọi tại Saigon thời đó). Từ thời đội tuyển
VN đá sơ đồ cổ điển của Anh Quốc 3-2-2-3 tức là WM. Cho đến khi đội tuyển Tây Đức
giành WC 1974. mình rinh về chiến thuật 4-2-4. Thời mà tiền vệ trung tâm gọi là
Tiền Nội, và tiền đạo đá 4 người với 2 Trung Phong và hai góc trái phải .
Ông
tường thuật bằng giọng nói chính hiệu Saigon, sang sảng, hùng hồn rỏ ràng từng
chữ, từng câu một, dễ nghe, dễ hiểu. Cực kỳ sôi nổi, khiến người nghe có cảm
giác như là đang ngồi xem tại vận động trường Cộng Hoà nay là sân Thống Nhất...
Cái hay là hình như ông đang đọc được ý nghỉ trong đầu các cầu thủ chơi banh
trên sân. Ông phán đoán chính xác, tình huống trước khi cầu thủ này chuyền banh
cho cầu thủ nọ. Giống như là phù thủy đang hướng dẫn cho cầu thủ chơi banh trên
sân cỏ về cách chơi theo ý của ông. Nghĩa là ông đọc được 99.99% những việc gì
mà các cầu thủ sẽ làm với trái banh da. Khi cầu thủ đang dẫn banh xâm nhập vào
vòng cấm địa đội bạn, ông hò hét thiếu điều bể giọng, khiến người xem như muốn
bay bổng trên không trung, cầu thủ sút banh ông gào lên sút, sút ....nếu vào
thì ông gào rú lên D......Z.......Ô.... xong ông diễn lớp lang lại cách dẫn
banh rồi hướng sút và đường đi của trái banh diễn tả tâm trạng của cầu thủ ghi
bàn, tâm trạng của thủ môn rồi cầu thủ hai đội khán giả trên sân. Còn nếu bị dội
xà ngang, trúng cột dọc, banh trật ra ngoài trong gang tấc đều chính xác từng
ly, từng tí. Chớ không như kiểu sút đi ... sút đi ...... vào .. vào rồi nhưng lại
không vào. Lâu lắm rồi không có dịp nghe nói lại câu sút cầu âu, hay một con én
không thể nào kéo được mùa xuân để diễn tả tâm trạng một cầu thủ giỏi không thể
nào gánh nổi một đội banh yếu.
Có
những lúc cầu thủ hai đội tiết giảm lại nhịp điệu trận đầu, thừa thời gian, ông
lại như một nhà văn , nhà thơ diễn tả tâm trạng cầu thủ, khán giả bầu trời gió
mát trăng thanh ...v.v... đó là điều đến mãi bây giờ chưa có người thứ hai làm
được .
Khi
hai đội đang hoà nhau 0-0, thì ông nói là hoà không không, còn khi nào hoà có tỉ
số mới gọi là hoà đều, chớ không gọi chung chung như bây giờ là hoà không đều.
Thí dụ như có 2 hoặc 4 đồng mới có thể chia đều. Còn không có cắc bạc nào lấy
gì để chia đều cho nhau ? Chữ nghĩa người Việt bao đời nay phong phú và rành rọt
từng ý một !
Ông
tường thuật bóng tròn Quốc Gia hay Quốc Tế gì cũng hay như nhau. Điển hình là
World cúp 1974 tại Munich Tây Đức cũng hấp dẫn y như vậy. Tạo cảm giác cho khán
thính giả được sống trong bầu không khí tại vận động trường trước trước 22 cầu
thủ bằng xương , bằng thịt với trái banh da chớ không phải là đang dán tai vào
làn sóng phát thanh, trên cái Radio trực tiếp tường thuật xa tít mù tè tận bên
Munich .....
Những
năm cuối đời lúc còn mạnh khỏe, minh mẫn ông có viết và xuất bản một cuốn sách
TÔI LÀ KÝ GIẢ THỂ THAO tại Hoa Kỳ .
Ông
mất ngày 24.08.2005 tại Virgina Hoa Kỳ hưởng thọ 91 tuổi .
-
Kể lại theo trí nhớ và một số tin tức trên mạng Internet.
Ảnh
trên mạng XH FB TNH
Đọc thêm:
No comments:
Post a Comment