Hong Kong: Cảm nhận nhà báo gốc Việt giữa biển người biểu
tình
Tina Hà Giang_BBC
News Tiếng Việt, Hong Kong
Chiều Thứ Tư 12/6/2016, khi cảnh sát dùng đạn
cao su và hơi cay đàn áp người biểu tình, tôi được BBC điều gấp từ Bangkok qua
Hong Kong.
Một nén nhang cho người
bỏ mình đêm qua
Thế là không đầy 48 tiếng đồng hồ sau tôi lên đường, một
mình, trong mối lo nho nhỏ rằng tới Hong Kong trong lúc dầu sôi lửa bỏng sẽ
lúng túng.
Lý do là sống nhiều năm ở Hoa Kỳ và tuy đã đi công tác ở nhiều
nước nhưng tôi chưa đặt chân đến đây bao giờ, trong khi đồng nghiệp BBC tại
văn phòng Hong Kong cũng quá bận rộn để giúp.
Thật may tôi liên lạc được với anh Tính, một người Việt
cư ngụ ở đây đã 12 năm.
Vì tình đồng hương, và cũng vì quý mến người đồng nghiệp của
tôi ở Mỹ đã giới thiệu hai bên, sáng 15/6, anh Tính ân cần cùng vợ ra đón tôi ở
phi trường.
Đưa về khách sạn rồi, hai anh chị dẫn tôi vòng qua những con
đường dẫn tới toà nhà LegCo (Legislative Council - Viện Lập pháp), gần khu vực
Admiralty, điểm kết thúc quen thuộc của đoàn biểu tình.
Chuyện trò với một vợ chồng người Việt
Đi xong một vòng, chúng tôi vào một canteen trong khu
Admiralty để ăn trưa và chuyện trò về Hong Kong cũng như đời sống người Việt
tại đây.
Anh Tính cho biết người Việt sống ở Hong Kong không nhiều,
không tụ tập lại thành một cộng đồng để có khu buôn bán riêng, và hầu hết sống
hoà mình vào môi trường xung quanh.
"Cả Hong Kong hình như không có một tiệm ăn
Việt." Chị Thu, vợ anh Tính xen vào.
"Người Việt mình ở đây phức tạp nhiều thành phần lắm,
nhiều người, nhất là đến người từ miền Bắc hay người Bắc 75, không hiểu sao còn
không muốn người khác biết là người Việt nữa." Chị Thu nói thêm.
Được hỏi về dự luật dẫn độ, cả hai vợ chồng anh Tính cho
biết họ "hoàn toàn ủng hộ" giới biểu tình.
Lý do giới trẻ Hong
Kong vẫn quyết tâm biểu tình?
"Phải biểu tình thôi. Thông qua luật dẫn độ thì coi
như Hong Kong bị sát nhập vào Trung Quốc ngay bây giờ, chứ không cần đợi 30
năm nữa." Anh Tính nói.
Anh giải thích:
"Tôi vì đi theo hãng làm nên chuyển gia đình từ Sài Gòn
qua đây sống. Ở đây 12 năm rồi, nên Hong Kong với tụi tôi như quê hương thứ
hai. Người mình thì có ai thích cộng sản TQ đâu. Người Hong Kong cũng vậy, họ
quen sống tự do rồi, họ lo sẽ bị biến thành vùng hoàn toàn bị Trung Quốc kiểm
soát."
"Mình thích Hong Kong, thích người Hong Kong, thành phố
sạch sẽ, người họ hiểu biết, văn minh và lịch sự. Nhưng trong mười năm qua Hong
Kong ngày càng thay đổi, thấy được trước mắt luôn." Chị Thu tiếp lời chồng.
"Như hồi xưa, khi cảnh sát Hong Kong thấy mình đậu xe
sai chỗ, hay làm gì đó sai, họ nhỏ nhẹ nói xin lỗi phải phạt mình, nhưng luật
là vậy, chứ đâu có kiểu lầm lì, thẳng tay đánh dân cái kiểu công an trị như
bây giờ đâu."
Được hỏi về việc Hong Kong trước sau rồi cũng phải sát
nhập vào Trung Quốc, vì chính sách "một quốc gia, hai hệ thống" đến
năm 2047 sẽ hết hạn. Anh Tính đáp:
"Thì chờ đến 2047 đã. Đâu ai muốn bị sát nhập gấp
vậy. Hong Kong có nhiều người từ mainland bỏ qua đây sống vì không thích sống ở
Trung Quốc. Giờ nếu luật dẫn độ được thông qua, thì ai không thích chính quyền
Bắc Kinh cũng có thể bị đưa về Trung Quốc xét xử. Không ai tin hệ thống luật
pháp của nước Mẹ hết."
Tuy thổ lộ bộc bạch tâm tư như thế, nhưng anh Tính (tên đã
được đổi) không muốn tôi đưa tên thật và hình ảnh của anh lên báo, vì "đụng
đến Trung Quốc thì không ai có thể biết được...", anh giải thích.
Sát
nhập hẳn với Trung Quốc thì chưa, nhưng nỗi sợ Bắc Kinh của một số người ở
Hong Kong thì đã bắt đầu. Tôi thầm nghĩ.
Chia tay vợ chồng anh Tính tôi liên lạc với những nhân vật
đã bằng lòng cho mình phỏng vấn để báo cho họ biết mình đã có mặt ở Hong Kong
và xác định rõ ngày giờ và địa điểm gặp.
Trong tất cả sáu nhân vật đã có hẹn, tôi cuối cùng gặp và
phỏng vấn được năm. Một nhà nghiên cứu thân Bắc Kinh huỷ bỏ cái hẹn vào giờ
chót, nhưng hứa sẽ trả lời phỏng vấn qua email sau khi tình hình dịu xuống.
Mọi việc trong hai ngày kế tiếp xảy ra nhanh đến chóng
mặt.
Đi giữa lòng biển người
Đúng 13 giờ chiều Chủ Nhật, Wilson Leung, một luật sư trẻ
thuộc Progressive Lawyers Group, đến đón tôi ở khách sạn để dẫn đến địa điểm
xuất phát tuần hành trong Victoria Park.
Trước khi đến Victoria Park, tôi theo chân Wilson Leung đi
vòng qua Pacific Place shopping center, thắp nén nhang cho người trẻ biểu tình
đã chết vì rơi xuống từ toà nhà này đêm qua trong khi căng biểu ngữ phản đối dự
luật.
Wilson Leung, một
luật sư trẻ thuộc Progressive Lawyers Group tại Victoria Park trước giờ xuất
phát
Thanh thiếu niên xếp
hàng thắp nhang vái người quá cố tại Pacific Place shopping center
Một đám đông người trẻ đã tụ họp ở đây, họ tất cả mặc áo
đen, tay cầm hoa trắng, lặng lẽ kéo đến trước một núi hoa đã chất khá cao,
trật tự thắp nhang vái người quá cố, rồi nhanh chóng rời đi.
Hoa cho người nằm xuống
Thỉnh thoảng có em gái cúi mặt rất lâu trước núi hoa, và
khi ngửng lên, kín đáo che giọt nước mắt. Các em trai trông bình thản hơn, nỗi
buồn pha trộn nét cương quyết trên gương mặt.
Trên đường đến Victoria Park, chúng tôi gặp từng đoàn thanh
niên thiếu nữ mặc áo đen túa ra từ khắp nơi, các em vừa đi vừa mang theo nhiều
biểu ngữ, hay nhiều bảng viết tay.
Tại cổng công viên, một nhóm các em khác đứng phát nhiều biểu
ngữ in sẵn, với những hàng chữ "học sinh không gây bạo lực, students are
not riots", "Phải huỷ bỏ luật dẫn độ", "Carrie Lam phải từ
chức," "Cảnh sát phải xin lỗi người biểu tình."
Tại Victoria Park, tôi được dịp hỏi
chuyện một số người biểu tình thuộc đủ lứa tuổi, và bắt đầu hiểu được cách
làm sao các nhóm hoạt động Hong Kong có thể huy động được hàng cả triệu người
hay hai triệu người xuống đường như trong Chủ Nhật vừa rồi.
Nói chung những người liên kết tổ chức chia thành từng nhóm
nhỏ, mỗi nhóm tập họp ở một góc riêng của công viên để chuẩn bị rồi cùng nối
vào nhau khởi hành theo giờ đã định.
Chỉ định tham dự cuộc tuần hành vài tiếng rồi rút ra làm
việc khác, nhưng tôi nhanh chóng thấy ra đó là điều không thể thực hiện.
Đang mải mê xem nhóm của Wilson Leung tìm cách kéo căng chiếc
banner vĩ đại với giòng chữ "Chúng tôi hết sức buồn giận", mọi người
không biết ở đâu đã ập đến trong chớp mắt.
Hai người Việt là Nancy Nguyễn, một nhà đấu tranh đến từ
California, và Grace Bùi, một nhà bảo vệ nhân quyền đến từ Bangkok, đã hẹn
tôi cùng đến điểm xuất phát để cùng đi, nhưng chúng tôi nhanh chóng lạc nhau.
Nancy Nguyễn và Grace
Bùi tại Victoria Park trước giờ khởi hành
Chớp mắt cuộc diễn
hành biến thành một biển người không ai bảo ai, cùng đi về một hướng.
Khoảng hơn 300.000 tới gần hai triệu người đã tham gia biểu
tình hôm 16/06
Lẫn trong những thanh niên thiếu nữ tuổi học sinh, sinh viên
là nhiều gia đình, cha mẹ dẫn theo con nhỏ năm ba tuổi, hoặc đeo con chưa biết
đi trên lưng.
Nhìn những em bé ngây thơ tay cầm biểu ngữ nhỏ, rảo bước
theo cha mẹ như đi chơi trong công viên, tôi không khỏi thấy xúc động.
Nhiều người dùng strollers chở theo nước, thức ăn, tã cho
con nhỏ. Cũng có nhiều người lớn tuổi ngồi trên xe lăn hai tay đẩy xe hoà mình
trong đám đông.
Không thể nào tách ra khỏi biển người để tìm đường về lại
khách sạn, vì các con đường dẫn ra lộ chính cũng chật ních những người, tôi
đành quyết đi theo đoàn người biểu tình.
Hành trình từ Victory Park đến điểm kết thúc là toà nhà
LegCo chỉ dài 5km, nhưng hơn phải mất gần 9 tiếng đồng hồ tôi mới trở về được
khách sạn, nằm gần khu Admiralty, chỉ cách toà nhà LegCo mấy con đường.
Lộ trình biểu tình tại
Hong Kong hôm 16/06
Nhưng cũng nhờ đi giữa biển người đông gần hai triệu mà tôi
mới có dịp hỏi chuyện bất cứ ai đi cạnh mình lúc đó nói được tiếng Anh, và hiểu
rõ thêm điều gì đã kéo người Hong Kong mọi giới mọi lứa tuổi đồng loạt rủ nhau
xuống đường.
Đoàn người đi hết sức chậm, và có những đoạn không ai có thể
di chuyển trong vòng hai mươi phút.
Thỉnh thoảng khi đoàn người hô to những câu khẩu hiệu, tôi
hỏi người đi bên cạnh mọi người đang nói gì.
Đa số người trẻ Hong Kong biết nói tiếng Anh, còn khoảng 1/3
người lớn tuổi có thể nói chút ít.
Có lúc mọi người hô to "hủy bỏ, huỷ bỏ" (dự
luật).
Lúc khác họ hô lớn "Từ chức".
Khi tôi hỏi tại sao, người đàn ông đứng tuổi đi bên cạnh lắc
đầu trả lời bằng thứ tiếng Anh không sõi: "Bad for Hong Kong, bad for Hong
Kong..."
Thỉnh thoảng ghé vào quán bên đường mua chai nước, hay thức
ăn nhẹ, những trao đổi vắn tắt với một vài chủ quán cũng cho tôi thấy tâm tư của
một thành phần khác trong xã hội.
Một bác trong một quán mì, nói biểu tình nhiều quá thì
"không tốt cho buôn bán", nhưng "không biểu tình thì mất Hong
Kong."
Bác cao hứng kể cũng có hai đứa con tham dự tuần hành và phải
"giả vờ mắng con lấy lệ, để chúng khỏi có đà bỏ học đi đấu tranh luôn thì
chết."
Rời quán mì, tôi trở lại với biển người vẫn đang nhịp nhàng
chuyển động. Trời Hong Kong hôm ấy nóng nhưng thỉnh thoảng có cơn gió thoảng dễ
chịu.
Khi đám đông la lớn "học sinh không bạo động",
người đàn ông đi bên cạnh dịch cho tôi rồi quay lại phân bua:
"Bao nhiêu người xuống đường thế này, có ai bạo động
đâu, đường phố có rác rưởi gì đâu nào, thấy không?"
"Mấy lần trước tôi không đi, nhưng sau khi thấy họ đánh
học sinh và gọi các em là bạo động, thì quá lắm rồi, nên lần này tôi bảo cả
nhà phải đi."
Thỉnh thoảng đám đông lại dạt ra nhường đường cho những
thanh niên tự nguyện đẩy một loạt xe lăn ra khỏi đoàn diễn hành giữa tràng vỗ
tay không dứt.
Trên những toà nhà cao, thỉnh thoảng cũng thấy những cánh
tay gầy guộc của các cụ lớn tuổi vẫy tay đón chào đoàn biểu tình tạo lên những
tiếng hoan hô vang dội.
Gần
tối, chúng tôi mới đến được khu Admiralty, khi đi ngang qua sở cảnh sát, nhiều
thanh niên dơ những ngón tay lên cao và hô to lời phản đối.
Một biểu ngữ trên chiếc cầu bắc ngang khu vực cảnh sát viết
"Cảnh sát mới là bạo động."
Một nhóm người khác tụ họp quanh một góc đường chất đầy
hoa trắng tưởng niệm thanh niên đã chết, cùng nhau lặng lẽ hát bài "Sing
hallelujahto the lord."
Nhà báo BBC News Tiếng
Việt giữa biển người biểu tình Hong Kong
Phải đi giữa biển người này tôi mới thấy rõ được lòng khao
khát giữ được sự độc lập, sự hoà nhã của người biểu tình Hong Kong, là buổi diễn
hành hết sức trật tự ôn hoà, trên đường không thấy bóng cảnh sát, và chỉ ở khu
Admilraty thì mới thấy vài cảnh sát xuất hiện quanh toà nhà LegCo.
Trong những ngày sau đó, tôi bám sát tình hình Hong Kong để
đưa tin cho BBC News Tiếng Việt.
Bên cạnh những sự kiện đã đăng tải, điều tôi quan sát thấy
là dù 'thuộc về Trung Quốc' Hong Kong vẫn còn đang có một không gian chính trị,
sinh hoạt dân sự, báo chí hết sức cởi mở, người trẻ thạo tiếng Anh, sẵn sàng
trình bày ý kiến.
Đây có thể nói vẫn là một 'thiên đường cho báo chí tự do' với
phóng viên từ bên ngoài vào như tôi.
Nỗi lo chung là, liệu Hong Kong có còn được như thế sau năm
2047?
No comments:
Post a Comment