Tưởng niệm thần tượng tóc vàng Doris Day
Tuấn Thảo - 18 tháng 5 năm 2019
Một giọng ca
mềm mại du dương, tinh tế rõ nét trong lối rải chữ. Một vẻ đẹp hồn nhiên tươi
thắm nhờ một mái tóc xoăn và nụ cười tươi tắn. Gương mặt ấy giờ đây không còn nữa.
Doris Day đã từ trần hôm 13/05/2019 tại nhà riêng ở Carmel by the Sea, bang
California, hưởng thọ 97 tuổi.
Ngày Doris
Day ra đi cũng vĩnh viễn khép lại trang sử huy hoàng của Hollywood những năm
1950-1960, giai đoạn cực thịnh của các hãng phim lớn (như Paramount, MGM hay là
Warner Bros), thời của các tác phẩm nhạc kịch cũng như những bộ phim hồi hộp
trinh thám. Doris Day thành công trong cả hai lãnh vực ca nhạc và điện ảnh, bà
thuộc vào thành phần nghệ sĩ khá hiếm hoi có tới hai ngôi sao trên Đại lộ Danh
vọng (Walk of Fame) với tư cách là ca sĩ kiêm diễn viên.
Vào năm 1956,
Alfred Hitchcock đạo diễn bậc thầy chuyên làm phim gây hồi hộp (master of
suspense) quay tác phẩm ‘‘Kẻ biết quá nhiều’’ (The man
who knew too much 1956). Tác phẩm này được xem là tiêu biểu cho khả năng
đóng phim và ca hát của Doris Day (1922-2019).
Về diễn xuất, bà vào vai của một người đàn bà bình thường, nhưng hóa ra lại có
đầy bản lĩnh và nghị lực phi thường vì muốn cứu đứa con trai bị bắt cóc.
Giới phê bình
ghi nhận là trong số các ngôi sao màn bạc tóc vàng từng được tuyển chọn để đóng
phim Hitchcock, Doris Day là người duy nhất thủ vai một bà mẹ phúc hậu đoan
trang so với các đồng nghiệp khác (Kim Novak, Grace Kelly, Tippi Hedren, Janet
Leigh, Eva Marie Saint….)
Về ca hát, bản
nhạc Que Sera, Sera (của hai tác giả Jay
Livingston và Ray Evans) giúp cho Doris Day đoạt giải Oscar
dành cho ca khúc hay nhất vào năm 1957. Bản nhạc này từng được tác giả
Phạm Duy chuyển ngữ thành bài hát ‘‘Biết ra sao ngày sau’’ từng ăn khách trước
năm 1975 qua giọng ca Thanh Lan.
Trước khi
thành danh trong cả hai lãnh vực ca nhạc và điện ảnh, Doris Day (tên thật là
Doris Mary Ann Kappelhoff) sinh cùng năm với Judy Garland, lại không nuôi mộng
làm ca sĩ hay diễn viên, cho dù bà xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ, bố là
giáo sư âm nhạc người Mỹ gốc Đức. Từ thuở thiếu thời, bà chỉ đam mê với nghệ
thuật múa. Thế nhưng vào năm 16 tuổi, bà bị chấn thương nghiêm trọng do tai nạn
xe hơi. Nằm liệt giường ở nhà trong vòng một năm, bà vẫn thường nghe các chương
trình ca nhạc trên đài phát thanh. Cũng từ đó mà bà học được cách phát âm tròn
vành chắc nhịp và lối rải chữ tinh tế theo độ dài của từng nốt nhạc, vốn là sở
trường độc đáo của Ella Fitzgerald, từng được mệnh danh là ‘‘Đệ nhất phu nhân’’
của làng nhạc jazz (First Lady of Jazz).
Vào nghề ca
hát từ đầu những năm 1940, Doris Day thành danh trong làng nhạc trong thời kỳ hậu
chiến (sau Đệ Nhị Thế Chiến). Bà xuất hiện lần đầu tiên trên màn ảnh lớn vào
năm 1947 trong bộ phim ‘‘Romance on the High Seas’’ của đạo diễn Michael Curtiz
với ca khúc nổi tiếng ‘‘It’s Magic’’. Ngay từ đầu, sở trường ca hát tạo cơ hội
cho Doris Day đóng những bộ phim tuy có lúc không hẳn thuần chất là nhạc kịch
(như The Wizard of Oz hay là An American in Paris) nhưng vẫn có những tiết mục
ca nhạc làm điểm nhấn ngoạn mục.
Hầu hết những
ca khúc mà Doris Day ghi âm cho các bộ phim đều thành công trên thị trường.
Riêng nhạc phẩm Secret Love (Tình yêu thầm kín) của hai tác giả Sammy Fain và
Paul Francis Webster, ca khúc chủ đề của bộ phim cao bồi Calamity Jane (tựa tiếng
Pháp là La Blonde du Far-West / Cô gái tóc vàng miền Viễn Tây 1953) sau khi đoạt
giải Oscar dành cho ca khúc hay nhất năm 1954, đã được cộng đồng LGBT chọn làm
biểu tượng của họ, cũng như ca khúc ‘‘Over the Rainbow’’ của Judy Garland đã
cho ra đời vào tháng 6 năm 1969 (tức cách đây đúng nửa thế kỷ) phong trào đòi
quyền bình đẳng của giới gay nói riêng, cộng đồng LGBT nói chung với màu cờ
mang biểu tượng cầu vồng.
Từ đầu những
năm 1960 trở đi, Doris Day chủ yếu đóng phim hài với nhiều bạn diễn lẫy lừng
trong đó có David Niven hay Cary Grant, nhưng quan trọng nhất vẫn là nam tài tử
Rock Hudson (tiêu biểu qua các bộ phim như Pillow Talk 1959, Lover come back
1961 hay là Send me no flowers 1964). Có một thời gian, cặp diễn viên này ngự
trị các rạp xinê, phim của họ rất ăn khách và trên màn ảnh họ lúc nào cũng có vẻ
rất ăn ý khi đóng phim với nhau.
Cũng trong
giai đoạn này mà Doris Day xây dựng hình ảnh của một ngôi sao sáng chói nhưng vẫn
dễ gần gũi, thân thiện như ‘‘cô láng giềng’’. Tuy nhiên, hình ảnh ấy cũng bị
cho là quá ‘‘trơn tru’’, thiếu cá tính, Doris Day có vẻ đẹp rực rỡ của những phụ
nữ tóc vàng, nhưng không bao giờ bà có hành vi hay tuyên bố gây tai tiếng. Có lẽ
cũng vì muốn duy trì hình ảnh ấy mà Doris Day đã từ chối một vai diễn quan trọng
nhất trong đời : vai của Mrs Robinson có mối tình ‘‘vụng trộm’’ với cậu sinh
viên vừa tốt nghiệp Dustin Hoffman trong bộ phim ‘‘The Graduate’’ (Le Lauréat),
từng đoạt giải Oscar vào năm 1968.
Đang trên đà
thành công, Doris Day lại phát hiện rằng bà bị sạt
nghiệp sau cái chết đột ngột của người chồng thứ ba (ông Martin
Melcher). Lúc còn sống, ông đầu tư làm ăn thất bại nhưng không cho vợ con hay
biết, ông cũng không nộp thuế thu nhập dù là nhà quản lý chính thức, do vậy
Doris Day vào năm 45 tuổi [ thêm vào: 1967] lại lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Bà buộc phải
đóng phim truyền hình nhiều tập ‘‘The Doris Day Show’’ từ năm 1968 đến năm
1973, cho dù bà chưa bao giờ ký hợp đồng với các đài truyền hình, rốt cuộc bao
nhiêu tiền thù lao cũng chỉ để trả nợ.
Sau thời kỳ
khó khăn này, Doris Day quyết định giải nghệ. Bà lui về sống ẩn dật tại thị trấn
Carmel by the Sea, bang California. Vào năm 1975, bà cho phát hành quyển hồi ký
cho thấy sự nghiệp và cuộc đời của bà không phải là một dòng sông phẳng lặng êm
ả như người ta thường nói. Từ năm 1978 trở đi, bà dành trọn thời gian cho Quỹ bảo
vệ thú vật The Doris Day Animal Foundation, do chính bà sáng lập. Bà nhận được
hai giải Thành tựu trọn đời nhân kỳ trao giải Golden Globe (1998) rồi đến giải
Oscar (2008).
Tên tuổi của
Doris Day chỉ được nhắc đến trở lại vào năm 2011,
khi tuyển tập chọn lọc của bà ‘‘My Heart’’ đột ngột lọt vào Top Ten thị trường
Anh quốc, đĩa hát này chủ yếu bao gồm những bài hát từng được Doris Day ghi âm
vào những năm 1980. Thế nhưng khi được hỏi về sự
thành công hơi ‘‘muộn màng’’, bà chỉ mĩm cười cho rằng đó chỉ là những bọt biển
chợt tan, không thể nào làm ‘‘vẩn đục’’ tâm hồn nay đã bình an.
https://www.youtube.com/watch?v=3c0zFX76sKI
No comments:
Post a Comment