Liêu Diệc Vũ : Trung Quốc sẽ tốt đẹp hơn nếu được chia thành chục nước
Thụy My ngày
11-04-2019
Nhà thơ ly khai
Liêu Diệc Vũ (Liao Yiwu), sinh năm 1958, từng bị đày ải trong goulag Trung Quốc
bốn năm trời, vì đã sáng tác bài thơ « Vụ thảm sát vĩ đại », về sự
kiện nhà cầm quyền Bắc Kinh điều quân đội đàn áp đẫm máu sinh viên biểu tình
năm 1989.
Ông nằm trong
số trên 300 trí thức Trung Quốc ký vào bản Hiến chương 08, và đã tị nạn tại
Berlin từ năm 2011. Tác phẩm « Trong đế chế của bóng tối » của
ông nói về trại lao cải Trung Quốc thường được so sánh với tiểu thuyết nổi tiếng «
Quần đảo ngục tù » của nhà văn Nga Soljenitsyne.
Vào thời điểm
còn hai tháng nữa là đến ngày kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, Liêu Diệc
Vũ đã cho ra mắt tác phẩm « Những viên đạn và thuốc phiện » nói
về sự kiện trên. Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro và AFP, nhà
thơ ly khai đã cảnh báo nguy cơ từ chế độ độc tài Trung Quốc đối với các nền
dân chủ phương Tây.
Ông có biết
Vương Duy Lâm (Wang Weilin), anh sinh viên đứng chặn các xe tăng ở Thiên An Môn
và hình ảnh « Tank Man » đã lan truyền khắp thế giới, giờ đây như thế nào hay
không ?
Không, chẳng
ai biết được số phận cậu sinh viên đó ra sao cả, thậm chí cũng chẳng biết tên.
Cái tên Vương Duy Lâm là do phương Tây đặt ra cho cậu ấy. Cũng không biết là cậu
ta có bị bắt giam hay không. « Người biểu tình vô danh » này đã trở thành biểu
tượng của việc kháng cự lại vụ thảm sát, nhưng lại che khuất đi những số phận
khác.
Như vậy những
người hùng thực sự lại là những người dân bình thường, hơn là các sinh viên ?
Nếu ban đầu
đó là một phong trào sinh viên, thì sau ngày 4 tháng Sáu năm 1989, nhiều sinh
viên đã phải bỏ trốn. Hầu hết là những công dân bình thường đã tham gia phong
trào phản kháng chống lại quân đội Trung Quốc để tránh cho sinh viên bị thảm
sát, và họ đã bị đánh đập đến chết, bị xử bắn, bị kết án hay bỏ tù chung thân.
Thế giới coi Thiên An Môn là một phong trào sinh viên, và tất cả những gì còn lại
ít được chú ý. Cũng phải nói rằng điều này không mấy người biết. Bản thân tôi
khi ra tù mới hiểu được. Thế nên tôi quyết định tiến hành một loạt cuộc gặp gỡ
với những người bị kết án tù để lần ra sự thật ít biết này.
Có nạn
nhân nào trong vụ Thiên An Môn khiến ông xúc động nhất ?
Tôi đau buồn
cho tất cả nạn nhân, nhưng đặc biệt xúc động đối với số phận của Ngô Quốc Phong
(Wu Guofeng). Sinh viên này xuất thân từ một gia đình nghèo ở Tứ Xuyên, đã xuất
sắc đậu vào đại học ở Bắc Kinh với số điểm cao nhất, là niềm hy vọng của cả
nhà. Cậu ấy chụp ảnh phong trào nổi dậy của sinh viên, và đã bị bắn chết khi
quân đội xối xả nã súng vào đám đông.
Cuộc sống
của những người bị gọi là « nổi dậy » dường như còn khó khăn hơn sau khi họ ra
tù…
Đa số bị tống
vào nhà tù khi còn rất trẻ, và khi được thả họ thường phải về sống chung với
cha mẹ - nếu không bị cha mẹ từ bỏ, cũng như bạn bè. Họ không còn nhận ra xã hội
Trung Quốc, một xã hội đã quên đi rằng trước đây họ là anh hùng. Cô độc, bị
công an theo dõi hàng ngày, hầu như họ không thể tìm được việc làm. Nhưng hình
như không có ai hối hận vì những gì đã làm vào thời đó.
Ông không
chịu nổi một xã hội Trung Quốc mà nay tiền là trên hết, tham nhũng lan tràn khắp
nơi, của cải tập trung trong tay một thiểu số người giàu…
Giờ đây đảng
Cộng Sản Trung Quốc chỉ có mỗi một ý tưởng trong đầu : kiếm tiền và vươn vòi ra
toàn cầu. Trên thực tế, chiến lược của Tập Cận Bình là trói buộc người dân
thông qua cơn khát tiêu thụ. Cũng vì thế mà Trung Quốc muốn tổ chức cho bằng được
Thế vận hội năm 2008. Và thực ra chính Tập Cận Bình là kẻ tham nhũng lớn nhất.
Điều này gây nguy hiểm cho các nền dân chủ phương Tây.
Nạn đàn áp
và kiểm duyệt ngày nay cũng giống như cách đây 30 năm hay không ?
Tệ hơn nhiều.
Tập Cận Bình muốn dùng công nghệ cao để tẩy não công dân, và kiểm duyệt tất cả
các dạng thức đối lập. Theo cách nghĩ của ông ta, quý vị cứ lo cho nhân quyền,
còn tôi không quan tâm, với tôi chỉ có công nghệ. Những ai kinh doanh đành phải
chấp nhận một cuộc sống dưới sự giám sát, chối từ nhân cách và cuộc sống riêng
tư.
Các nước
phương Tây có chịu trách nhiệm gì không ?
Các chính phủ
phương Tây đã góp phần rất lớn vào sự trỗi dậy của con quái vật mới này. Khi được
gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất
toàn cầu. Những tên đao phủ đang ca khúc khải hoàn.
Nhưng nay ở
phương Tây, một số chính khách đã bắt đầu ý thức được rằng chế độ độc tài của Tập
Cận Bình là một nguy cơ. Bằng chứng là vụ bắt giữ con gái của người sáng lập
Hoa Vi (Huawei) ở Canada và cho dẫn độ theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Châu Âu cần phải
hợp tác với Mỹ, quốc gia vẫn là đồng minh của mình, thay vì xích lại gần Trung
Quốc.
Ông không
lo ngại khi ngày càng nhiều người Trung Quốc giàu có rời bỏ một đất nước mà ông
mô tả là « bãi rác lớn nhất hành tinh » ?
Những sinh
viên Trung Quốc giỏi nhất ra nước ngoài du học, đặc biệt là đến Havard, như con
trai của Bạc Hy Lai (Bo Xilai) và con gái của Tập Cận Bình. Cha mẹ họ tự hào về
con cái, nhưng đại học Havard đóng một vai trò oái oăm khi đào tạo những kẻ thống
trị tương lai. Lãnh đạo Havard đã gặp gỡ ông Tập Cận Bình, chưa có cơ sở giáo dục
nào tỏ ra tham lam như thế. Nhưng các sinh viên Trung Quốc nghĩ gì ? Điều đó ai
cũng biết…Di cư là một thách thức khủng khiếp cho Trung Quốc, có thể dẫn đến một
hiện tượng tệ hại hơn cả người tị nạn Syria.
Nước Pháp
có ủng hộ đúng mức ông Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), giải Nobel hòa bình đã chết
trong tình trạng giam cầm?
Pháp cần phải
hành động nhiều hơn nữa. Tất cả chưa phải đã muộn. Phóng viên Không biên giới
đã đấu tranh rất nhiều cho nhà báo Hoàng Kỳ (Huang Qi) - từng bênh vực các nạn
nhân trận động đất Tứ Xuyên – tuy ốm đau nhưng không được nhận thuốc men trong
tù.
Nhân kỷ niệm
30 năm vụ thảm sát Thiên An Môn, các nhà ly khai sẽ phát biểu trước Quốc Hội Mỹ.
Nghị Viện Châu Âu cần có sáng kiến tương tự. Khi kỷ niệm sự kiện bi thảm này,
người dân Trung Quốc có thể sẽ tìm lại được đôi chút hy vọng.
Ông có còn
tin rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ có được dân chủ, và với những điều kiện
nào ?
Tôi không muốn
nói về điều đó. Đối với tôi, Trung Quốc là một kỷ niệm quá sức đau buồn. Tôi
cho rằng cần phải chia Trung Quốc ra làm nhiều nước nhỏ. Như vậy sẽ hạnh phúc
hơn khi Trung Quốc trở thành hơn một chục nước với dân số từ 80 đến 100 triệu
cho mỗi nước. Một quốc gia có đến 1,4 tỉ con người thì khó thể điều hành nổi.
No comments:
Post a Comment