Nhân vụ ông Trần Bắc Hà, bèn phân tích quan điểm về chuộc tội của giới thần thánh Việt Nam = 2018-12-02
Mấy hôm nay khi ông Trần Bắc Hà bị bắt, ngoài việc thi nhau kể những giai thoại về sự ngạo mạn, hung hãn, lố bịch của ông khi còn đắc thế, dân mạng Việt Nam còn chuyền tay nhau một bức ảnh do facebooker Trương Huy San (Huy Đức) đăng lên. Ông Huy Đức viết: “Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là Phật tổ từng ngồi, Bắc Hà là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ ‘dưới Ba Dũng;’ và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi.”.
Tôi cũng lấy bức ảnh về xem. Trái với ông Huy Đức, tôi thấy dáng ngồi hơi sụm lưng xuống của ông Trần Bắc Hà không có vẻ gì là “rúm ró khác thường”. Có thể là ngồi lâu, mệt. Cũng có thể ngồi sụm lưng xuống như thế ông ấy dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, sự thành kính của những vị mặc comple có mặt trong ảnh thể hiện rõ trên từng nét mặt thì khỏi phải bàn. Từ lâu rồi việc số đông quan chức Việt Nam hết lòng tin vào tâm linh và phong thủy không còn là chuyện lạ. Không xác tín được nhưng người ta đồn rằng hầu hết các quan chức lớn đều có một (hoặc một đội) thầy (phong thủy, tướng số, tử vi) riêng, lo từ gót chân lên đỉnh đầu. Xem giờ trước khi quyết định một việc quan trọng đã đành, còn phải xem màu sắc trang phục, hướng ngồi, tuổi tác của thủ hạ thân tín. Không những của bản thân người ấy mà còn của vợ, của chồng họ, để tính toán những gì tả phù hữu bật.
Khi ông Nông Đức Mạnh còn tại vị, người ta đồn mái tóc của ông (rẽ ngôi lệch, ngôi không nằm trên đầu mà nằm tại thái dương) chính là kết quả của thầy tướng số. Chữ ký của nguyên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với nét gạch đậm ở dưới dài hết bề ngang trang giấy, cũng thế.
Người ta kể: đến Tết, việc chính của các phu nhân không phải là ngồi nhà đợi họ hàng (và cấp dưới) đến chúc tết (người ta chúc hết cả trước tết rồi, và phải xếp hàng, trông nhau mà vào chúc). Không. Các quan bà phải lo đi chùa. Cầu khấn, trả lễ, van vái, hứa hẹn thay cho ông. Thường phải đi hết 10 cảnh chùa ngay trong vài ngày đầu năm. Và đi chùa nào, đi giờ nào, “đi” bao nhiêu, thì có thầy tính hộ hết. Vụ này không cần đồn mà tôi làm chứng được.
Thành kính, một lòng một dạ tin tưởng thế cho nên các ngôi chùa to vĩ đại cứ thay nhau mọc lên tại Việt Nam. Cách đây mấy tháng tôi đi Tiền Giang đúng ngay dịp khánh thành ngôi chùa, à không, phải gọi là quần thể chùa, tên là Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, chiếm trọn (theo con số trên website Ban Tôn giáo Chính phủ Việt Nam là 30 ha; theo trang vntrip.vn về du lịch thì sau đó 30 ha + 20 ha nữa- “tất cả do phật tử hiến tặng”; còn theo những người khác đồn, thì hiện tại đang là 60 ha; chả biết đường nào mà lần) một vùng giữa rừng tràm và rẫy khóm xanh ngắt của huyện Tân Phước.
Bữa ấy, (lại nghe đồn) có một vị hiến tặng tượng phật, nhà chùa làm lễ an vị. Xe hơi xếp hàng dài từ vài cây số ngoài cổng lớn thiền viện. Cách một cây số, công an đã ra hiệu cho xuống xe hết đi bộ vào vì xe quá đông. Xung quanh thiền viện, xe đậu áng chừng cả ngàn chiếc. Trên khu đất mênh mông bạt ngàn những người là người chen chúc. Rất nhiều thanh niên, trung niên mặc đồ lam phật tử, tay cầm bộ đàm, nói giọng Bắc mới đi qua đi lại. Nghe kể những kiến trúc ở đây đều là lấy theo nguyên mẫu bên Ấn Độ, kinh phí tính hàng trăm tỷ.
***
Điểm lại, mới chục năm nay trên ba miền Bắc Trung Nam đã có 4 quần thể chùa to lớn: ở miền Bắc có Bái Đính; ở miền Trung-Bình Định có Dự án tâm linh Phật pháp Linh Phong của chính ông Trần Bắc Hà vừa bị bắt; ở miền Nam hồi trước có khu chùa mang cái tên quá oách Đại Nam quốc tự tại Bình Dương, bây giờ chắc Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác đã thay thế. Và (lại người ta đồn), những dự án chùa này cực kỳ hoành tráng này xây lên đều để làm hòn đá tảng tâm linh cho các vị lãnh đạo, quan chức cấp cao nào đó.
Trái ngược với việc chủ nghĩa cộng sản tuyên bố (và giáo dục chính thống cho) vô thần, thực tế tại Việt Nam, càng ngày người ta càng dễ tin, càng tin say sưa và nhu cầu tin vào những điều vô hình ngày càng tăng. Năm sau cao hơn năm trước.
Bình dân thì lạy rắn, xá cây, vọng hòn đá, rình những sự kiện đặc biệt như đám tang chết bất đắc kỳ tử cùng lúc nhiều người, hay bất cứ cái gì có vẻ lạ lùng để đánh lô đề (hôm đám tang ông Võ Nguyên Giáp, dân lô đề khoe đánh theo số xe chở linh cữu-trúng đậm). Những tin tức ly kỳ kiểu người đẻ ra rắn luôn hút lượng đọc khủng khiếp, kèm theo vô số xuýt xoa.
Người ta bắt đầu nói nhiều đến nhân quả, đến kiếp sau, đến sự trừng phạt và ban thưởng của Đấng Giấu mặt (ối giời ơi may quá Cô thương, cháu nhà tôi nó được vào nhà nước, mất có mấy trăm triệu thôi các bác ạ). Người ta cũng không quên trả thù và dọa dẫm trong chính lời cầu xin với thánh thần (cái thằng cạnh nhà nom mà ghét, dám xây cao hơn nhà chúng con ạ cầu xin thánh thần quật chết cha nó đi). Người ta treo hình Phật trên facebook và comment “Nam mô a di đà Phật”. Những hãng thời trang nhanh nhẹn đã kịp thiết kế đủ kiểu mẫu áo lam để gái trai già trẻ mặc đi chùa. Treo tượng phật trên facebook trở thành một dấu hiệu nhận diện. Mặc áo lam đi chùa (phải nhớ selfie đấy nhá) trở thành một mốt thời trang. Các khóa học thiền trở thành một thứ chứng chỉ cho sự tinh hoa, tri thức. Và càng bỏ tiền sang tận Thái Lan, Myanmar, vào rừng tu… thì càng được trầm trồ là “tu sang”!
Nguyên nhân ở chỗ, ở Việt Nam, tài năng, nhân cách và phẩm giá không phải là yếu tố đảm bảo thành công hay hạnh phúc. Với công danh, điều tiên quyết để một “đồng chí” tiến cao trên hoạn lộ là “đồng chí” ấy phải là con một “đồng chí” khác. Với kinh doanh, những quan hệ ruột rà, em út, chiến hữu, sân trước sân sau đủ để đảm bảo một doanh nghiệp mua bán nước bọt phất lên như diều. Còn các cô “gái ngành” thì công khai lên báo khoe giàu, khoe sang, làm gương sáng cho vô khối cô gái khác thèm thuồng và noi theo.
Người dân bình thường thì hoang mang vì chẳng có điều gì chắc chắn. Đi làm còm cọm cả đời đóng tiền bảo hiểm thì Quỹ bảo hiểm xã hội lúc nào cũng phập phồng sợ vỡ. Sáng đi làm, chẳng biết tối có nguyên lành về nhà không vì tai nạn giao thông quá khiếp. Gửi tiền ngân hàng, bị mất thì ngân hàng bảo đi mà đòi cái thằng lừa đảo ấy (thật bất tiện vì nó lại là chính là giám đốc chi nhánh cái ngân hàng ấy). Bệnh thì tự bán nhà bán cửa chạy chữa…Hiện tại hoang mang, tương lai cũng rứa. Trong cái xã hội chả biết thế quái nào mà lần như thế, chả tin vào đấng vô hình, vào sự may mắn, thì tin vào ai?
Ấy bởi cái mâu thuẫn xé người ấy nên cũng chưa bao giờ dân Việt Nam dễ hờn (cả thế giới) đến thế. Mà khi hờn, người ta lại có sở thích chém nhau. Đang chạy bon bon trên đường, thấy đứa khác vượt lên trên mình-chém. Uống nước mía chê dở-chém. Khen ngon-cũng chém! Và chả duyên cớ gì, vẫn chém! Như mới đây một đám giang hồ vác mã tấu xông vào tìm địch thủ, thấy một nhóm thanh niên đang ngồi cà phê gần đấy bèn tranh thủ chém phứa lấy vài nhát.
Thậm chí những nghề nghiệp mà tiêu chí là phải khó hờn nhất như bảo mẫu, cô giáo tiểu học…, người ta cũng hờn! Nên cô giáo treo học sinh lên, bảo mẫu nhúng đầu học sinh vào thùng nước, và người trông trẻ đập thằng bé vài tháng tuổi cứ bùm bụp.
Hóa ra, tin tâm linh nhiều thế mà xem ra dân Việt chẳng mát tính lên được tí nào cả.
Hóa ra, tin tâm linh nhiều thế mà xem ra dân Việt chẳng mát tính lên được tí nào cả.
Với những nơi gọi là linh thiêng, người ta cũng giữ một cái thái độ rất là hai mặt. Một mặt thì gọi rùa là “cụ Rùa”, lo lắng tái tê khi “cụ” sa sút sức khỏe (cụ Rùa mà chết đi thì hồ Gươm còn đâu là linh thiêng nữa). Một mặt, người ta nghiễm nhiên xem hồ Gươm là cái hố rác công cộng, ném vào từ phế thải vật liệu xây dựng cho đến vỏ hộp xốp, kim tiêm, bao cao su…
Niềm tin tâm linh dâng trào mạnh mẽ khiến đất sống của các thầy tu cũng màu mỡ lên gấp bội. Chùa chiền bây giờ phải “lớn nhất Đông Nam Á”, “tượng phật cao nhất Đông Nam Á” “to nhất Đông Nam Á” với những tượng phật tạc nguyên khối từ ngọc đỏ ngọc xanh… Càng đắt tiền, càng xa hoa càng được xem là linh thiêng. Sự tỉnh thức, tĩnh lặng trong tâm trí không còn là điều thu hút phật tử đông đảo nữa.
Có vẻ như đây là một cặp phạm trù đối nghịch: người bình dân thì mê mụ, dễ bị dắt mũi. Người có điều tà ám trong lòng thì cái tay càng hung hãn, cái đầu càng lo sợ quả báo, còn cái tâm càng giục giã phải “lập công chuộc tội”.
Nhưng, soi lại các trường hợp những nhân vật trùm cuối ở Việt Nam, điển hình như ông Trần Bắc Hà mới đây, có vẻ như họ đã sai trong cách “chuộc tội”. Hoặc, do quen hối lộ nên họ cũng chỉ biết có mỗi một kiểu chuộc bằng cách hối lộ thánh thần (cho nó nhanh, được việc) chăng?
Ai dè thánh thần chứng tỏ các ngài có những quan niệm hết sức độc lập về sự chuộc tội, rất khác với người phàm.
Tiền muôn bạc vạn bỏ ra xây trường, xây chùa, đúc chuông tô tượng, thần thánh vẫn nhận. Nhận để tái cơ cấu chứ! Nhưng cái mồm niệm phật mà cái tay ra sức vơ vét tiền bẩn, làm hại đất nước thì dù thành kính bao nhiêu, kết quả cuối cùng cũng chỉ là “thành kính phân ưu” đấy thôi.
Cơ mà chả biết các anh có nhận ra tí nào không, hay là lại tưởng thần thánh dỗi vì hối lộ chưa đủ mức?
Tre
Tham
khảo:
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment