Hậu trường 'ngoại giao
cuồng loạn' của Trung Quốc tại APEC
Tác giả: Thụy My Nguồn: RFI
Ngày đăng: 2018-11-23
Cờ Trung Quốc phủ rợp đại lộ chính tại Port Moresby, Papua New Guinea do Bắc Kinh tài trợ, ngày 16/11/2018.REUTERS/David Gray
Lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm thành lập, hội nghị thượng đỉnh
APEC kết thúc hôm Chủ nhật 17/11/2018 đã không ra được thông cáo chung, chỉ vì
sự phản đối của một thành viên duy nhất – đó là Trung Quốc. Hội nghị thất bại,
nhưng các quan chức Trung Quốc lại vỗ tay vang dội, trước sự ghét bỏ của những
nhà ngoại giao các nước khác. Đó là ghi nhận của nhà báo Josh Rogin, được
tờ Washington Post gởi đến Papua New Guinea để tường thuật về
APEC.
Nhưng đó chỉ là sự cố cuối cùng trong suốt một tuần lễ qua. Đoàn
đại biểu chính thức của Trung Quốc đã trình diễn một loạt những màn mà nhà báo
Rogin đánh giá là hung hăng, dọa nạt, hoang tưởng và kỳ quặc, nhằm cố gắng
khống chế, gây áp lực lên nước chủ nhà cũng như tất cả các thành viên khác, để
rốt cuộc mong họ phải chiều theo yêu cầu của Bắc Kinh.
Một quan chức Mỹ có trách nhiệm trong các cuộc đàm phán nói với tác
giả : « Điều này gần như đã trở thành thông lệ trong các quan hệ chính
thức của Trung Quốc : đó là ngoại giao cuồng loạn. Họ vòng vo cứ
như họ đã là chủ, và cố đạt cho được những gì mình muốn thông qua
dọa nạt ».
Cờ Trung Quốc phủ kín thủ đô nước chủ nhà
Tác giả Josh Rogin tháp tùng ông Pence, và thượng đỉnh APEC là
chặng cuối của vòng công du châu Á, gồm Nhật Bản, Úc, Singapore – nơi diễn ra
hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Chặng dừng ở PNG là cuộc so găng giữa ông Pence và
Tập Cận Bình. Chủ tịch Trung Quốc đã có mặt ở Port Moresby nhiều ngày trước đó
trong chuyến viếng thăm chính thức.
Nỗ lực « tấn công quyến rũ » của Trung Quốc hiển
hiện khắp mọi nơi. Phái đoàn từ Hoa lục đã treo kín cờ Trung Quốc trên các con
đường của Port Moresby cho chuyến thăm của ông Tập. Chính phủ PNG yêu cầu gỡ
những lá cờ này xuống trước thượng đỉnh APEC. Các quan chức Trung Quốc cuối
cùng đã tháo xuống, nhưng sau đó lại thay thế bằng những lá cờ màu đỏ tuyền,
gần như giống y với quốc kỳ Trung Quốc, chỉ không có những ngôi sao vàng mà
thôi.
Một biểu ngữ khổng lồ treo dọc theo một đường phố chính, ca ngợi
sáng kiến « Một vành đai, một con đường » của Trung Quốc «
không chỉ là con đường của hợp tác và đôi bên cùng có lợi, mà còn là con đường
của hy vọng và hòa bình ! ». Trong bài phát biểu ở APEC, ông Pence đã
gọi đó là « một vành đai siết chặt » và « con đường
một chiều ».
Động thái thị uy đầu tiên của Trung Quốc là cấm tất cả báo
chí quốc tế dự cuộc gặp của ông Tập với các nhà lãnh đạo tám nước Thái Bình
Dương. Các nhà báo từ khắp khu vực đã lặn lội đến để dự sự kiện, và chính
phủ PNG đã cấp phép cho họ. Nhưng quan chức Trung Quốc đã chận không cho các
phóng viên vào trong tòa nhà, chỉ cho báo chí nhà nước từ Hoa lục đưa tin. Một
viên chức Mỹ gọi đây là « cú đá vào lưới nhà », vì sau đó các nhà
báo chỉ có thể viết về cách đối xử thô bạo của Trung Quốc mà thôi.
Xông vào bộ Ngoại Giao, la ó trong phòng họp…
Từ đó trở đi, mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Hôm thứ Bảy 1/11, ông
Tập và ông Pence là hai diễn giả chính thức cuối cùng, trong buổi thảo luận
công khai của hội nghị. Hai ông phát biểu trên một chiếc tàu neo ở bờ biển,
trong khi đa số phóng viên ở trên bờ, tại Trung tâm báo chí quốc tế. Nhưng năm
phút sau khi phó tổng thống Pence bắt đầu nói, mạng internet ở Trung tâm báo
chí đã bị sập, có nghĩa là hầu hết các nhà báo chẳng nghe được gì, nên không
thể tường thuật trực tiếp.
Ngay khi ông Pence vừa kết thúc bài diễn văn, internet ở Trung tâm
báo chí lại hoạt động như có phép lạ. Một viên chức Mỹ nói với tác giả, dù
không chắc Trung Quốc là thủ phạm, đang điều tra xem điều gì đã xảy ra. Một
viên chức khác hỏi : « Internet có trục trặc gì với diễn giả trước ông
Pence không ? » (Chẳng có gì). « Và diễn giả đó là ai ? » (Chính
là ông Tập).
Câu chuyện sau đó còn trở nên quái lạ hơn. Phía sau hậu trường, các
nước thành viên thảo luận kịch liệt về bản thông cáo chung. Phái đoàn Trung
Quốc, không hài lòng với diễn tiến cuộc đàm phán, đã đòi gặp ngoại trưởng PNG.
Ông từ chối gặp, vì không muốn ảnh hưởng đến sự trung lập của nước chủ nhà
trong hội nghị thượng đỉnh.
Quan chức Trung Quốc không chấp nhận sự chối từ này. Họ đến bộ
Ngoại Giao, xông thẳng vào văn phòng của ngoại trưởng, yêu cầu ông phải gặp họ.
Ngoại trưởng PNG đành phải gọi cảnh sát đến tống những vị khách không mời ra
khỏi tòa nhà. Tất cả các nhà ngoại giao đã có trò chuyện với nhà báo Josh Rogin
tại PNG đều sững sờ trước hành động của Trung Quốc. Nhưng đó chưa phải đã hết.
Các cuộc đàm phán tiếp diễn cho đến Chủ nhật 17/11, và thái độ tệ
hại của phái đoàn Trung Quốc vẫn tiếp tục. Quan chức Trung Quốc bị ám ảnh về
bản thông cáo chung cho đến nỗi họ bắt đầu thúc đẩy tổ chức những cuộc gặp từng
nhóm nhỏ các nước bên lề hội nghị. Trong các phiên họp chính thức, đoàn Trung
Quốc la ó ầm ĩ những nước nào « âm mưu » chống lại Bắc Kinh.
Theo các viên chức Mỹ, không có đại biểu nào khác trong phòng họp la hét một
cách bất nhã như thế.
Cuối cùng, toàn bộ 20 quốc gia đều đồng thuận với thông cáo chung,
trừ Trung Quốc. Phái đoàn Trung Quốc phản đối chủ yếu câu : « Chúng tôi
đồng ý chống lại chủ nghĩa bảo hộ, trong đó bao gồm mọi hoạt động thương mại
không công bằng ». Họ cho rằng đây là nhằm điểm mặt chỉ tên Trung
Quốc.
Vỗ tay nhiệt liệt mừng hội nghị APEC thất bại !
Trong phiên thảo luận, các quan chức Trung Quốc có thái độ chống
đối, phát biểu dài dòng chán ngắt, dù biết rằng thời gian hạn hẹp và các nhà
lãnh đạo thế giới còn phải lên phi cơ về nước. Khi thời gian đã hết, và thế là
hội nghị thượng đỉnh chính thức thất bại, phái đoàn Trung Quốc trong gian phòng
gần bên địa điểm đàm phán chính đã vỗ tay ào ào như sấm động !
Tác giả Josh Rogin rút ra ba kết luận từ vở bi hài kịch những sai
lầm của chính quyền Trung Quốc. Trước hết, họ hành xử một cách ngày
càng vô liêm sỉ và thô bạo. Điều này đặc biệt đúng đối với những nước nhỏ ở
khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, như Papua New Guinea, vốn đang ngập ngụa trong
các dự án và gánh trên vai những món nợ khổng lồ.
Thứ hai, tính chất hoang tưởng và siêu nhạy cảm trong phần lớn thái
độ của Trung Quốc, là dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ Bắc Kinh cảm thấy đang bị Hoa
Kỳ và đồng minh đe dọa. Đó là điều mà người Mỹ cần ý thức khi thương lượng với
Trung Quốc.
Cuối cùng, việc Bắc Kinh hành xử theo cung cách làm các nước khác
xa lánh - một điều đi ngược lại với quyền lợi của chính Trung Quốc - cho thấy
những hành động chính thức của Trung Quốc được kiểm soát từ trên đỉnh xuống, và
thường cản trở những quyết định đúng đắn. Ngay cả khi phái đoàn Trung Quốc thấy
rằng chiến thuật của mình phản tác dụng, họ cũng không có quyền thay đổi.
Theo tác giả, đó cũng là hình
ảnh của chính quyền Trung Quốc ngày nay : ngạo mạn, thiếu tự tin, thiếu kiềm
chế, không còn muốn chứng tỏ sẽ tôn trọng các quy định của cộng đồng quốc tế từ
nhiều thập niên qua. Đối mặt với thực tế ấy như thế nào, đây là
cuộc tranh luận mà thế giới cần phải nghiêm túc khởi đầu ngay từ bây giờ.
No comments:
Post a Comment