Nguyễn Văn Hai
GS/TS Toán, nguyên HT/QH Huế ,Phó Viện Trưởng kiêm Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học, Viện Đại Học Huế
GS/TS Toán, nguyên HT/QH Huế ,Phó Viện Trưởng kiêm Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học, Viện Đại Học Huế
Anh Nam kính mến,
Chúng tôi vừa coi xong cuốn
video “Chiến Tranh và Hòa Bình” của hãng Asia. Một đoạn video gây chúng tôi
nhiều xúc động nhất là buổi phỏng vấn anh Phước về cái chết đầy khí tiết của
Anh, một vị Tướng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vào giờ phút buồn thảm nhất của
lịch sử đất nước. Một chi tiết đến hôm nay chúng tôi mới biết và làm tôi ngạc
nhiên đến sửng sốt là Anh thọ trì thần chú Thủ Lăng
Nghiêm đã từ lâu. Sửng sốt là vì thật không ngờ từ lâu Anh đã
suy ngẫm nhiều về chân tướng cuộc đời, phát tâm tin Phật Pháp thâm diệu, sống
ung dung thanh thản giữa một thế giới lắm tai ách và khổ đau.
Tướng Nguyễn Khoa Nam lễ Phật
Thực ra, Anh là người đã rất nhiều lần gây cho tôi những giây phút
bàng hoàng sửng sốt. Duyên nghiệp cho tôi được cái vinh dự cùng Anh học một lớp
và ở chung một ký-túc-xá suốt năm năm ở trường Trung Học Khải Định. Lúc bắt tay
Anh lần đầu khi Anh sắp leo lên chiếc giường ngủ đặt sát cạnh giường tôi đêm
trước ngày khai giảng niên khóa 1940 – 41, tôi có ngay cảm tưởng từ hôm nay tôi
may mắn có thêm một bạn đồng song hiền lành, chăm học, dáng ngoài đúng điệu một
thư sinh. Nhưng tôi để ý Anh có một nụ cười bí ẩn, mãi đến nay tôi vẫn còn chưa
hiểu hết ý nghĩa của nó. Thường Anh ít nói mà chỉ cười, cười kiểu “ngậm kim”.
Có khi tôi tưởng Anh cười nhạo báng, có khi tôi tưởng Anh cười đồng ý, và có
khi tôi cho là Anh cười để tránh nói ra những cảm nghĩ làm mất lòng người khác.
Nguyễn Khoa Nam thời làm công chức
Sau đây là một câu chuyện khác,
nhưng lần này xin nhường cho Phan Thụy Dung, một người bạn học khác của Anh kể hay hơn tôi nhiều: Một hôm
trong lớp học xuất hiện một giáo sư Việt Nam, thầy B. H., dạy tiếng Nhật vừa
được ghi thêm vào chương trình trung học. Học trò bên ngoài ngoan ngoãn học
ngoại ngữ mới, thật ra bên trong chẳng mấy người hăng hái sốt sắng vì mặc cảm
hết tiếng Tây đến tiếng Nhật đang đè nặng. Tất nhiên đám học trò có phản ứng và
sự việc xảy ra đã làm cả lớp thích thú:
Hôm đó thầy B.H. giảng cách dùng tiếng Nhật
khi nói về “đàn ông” và “đàn bà,” đại khái nói về “đàn ông” thì dùng chữ “Watakusi.” về “đàn bà” thì dùng chữ
“Watasi.” Một anh bạn đứng dậy giơ tay nói: Thưa
thầy, như rứa là “đàn bà” thì không có “ku” phải không? (*)
Cả lớp
được một dịp cười hả dạ. Tui không bao giờ quên được anh bạn đó, người đã dùng
óc hài hước để hóa giải mặc cảm nói trên. Người học sinh có óc hài hước đó lại
là một con người tài ba, sau này đã thành công trong đời, đã lên đến đỉnh cao
trong binh nghiệp và khi không giữ được nước, đã noi gương trung liệt của Võ
Tánh, Ngô Tùng Châu, Phan Thanh Giản, v.v… làm rạng danh một dòng họ lớn ở đất
Thần Kinh: họ Nguyễn Khoa.(Trích trong Tiếng Sông Hương “Kỷ Niệm 100 Năm Trường
Quốc Học”).
Anh Nam ơi! Rồi duyên nghiệp đưa tôi trở thành con rể trong gia
đình bên ngoại Anh, và qua nhà tôi, tôi trở thành người em cô cậu của Anh. Tin
Anh tình nguyện gia nhập binh chủng Nhảy Dù sau khi mãn khóa 3 Sĩ Quan Trừ Bị
Thủ Đức làm tôi kinh ngạc hết sức. Đúng ra, theo phong cách của Anh, Anh phải
là một văn nhân, một nghệ sĩ. Nay Anh lại tự ý muốn trở thành quân nhân quả cảm
của một binh chủng có tiếng oai hùng nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, điều
này làm tôi mến phục Anh vô cùng!
Anh nhớ không, sau Tết Mậu Thân, tôi có dịp cùng một số sinh viên
Đại Học Huế lên thăm tiền đồn của Dù bảo vệ Huế đóng trên núi ở phía Tây kinh
thành. Lại một lần nữa Anh làm tôi bàng hoàng sửng sốt khi thấy nơi chốn Anh ăn
nằm không có chút gì khác biệt giữa cương vị của một vị Đại Tá cao cấp với một
anh binh Nhì thuộc cấp.
Trong thời gian Anh đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh,
tôi được gặp Anh một lần ở Sài Gòn và hỏi về chuyện một Giáo Sư trường Đại Học
Dược Khoa muốn theo Anh để nâng khăn sửa túi. Nhưng rồi Anh không nói có, Anh
cũng chẳng nói không, mà chỉ cười cái cười ngậm kim như thuở nào!
Anh Nam ơi! Trong trại tỵ nạn ở Subic Bay, chúng tôi bàng hoàng
sửng sốt khi nghe tin Anh đã tự sát để đền nợ nước và để tránh khỏi đầu hàng
quân địch. Anh lại gây trong lòng chúng tôi một sự sót xa kính phục vô cùng tận
không lời nào tả xiết.
Cuối cùng, nhờ được biết Anh thọ trì Thần chú Thủ Lăng Nghiêm từ
lâu, nên nay chúng tôi mới rõ trong thời kỳ trước 1975, Anh đã thần thông thấy,
biết trước mọi điều bất hạnh sẽ xảy ra cho đất nước, nhưng với trí tuệ giải
thoát, Anh vẫn sống an nhiên tự tại, quan niệm sanh tử tức Niết Bàn, thảy thảy
đều không. Nay tuy Anh đã đi vào cảnh chân như tịch tịnh, đời đời hậu thế sẽ
không bao giờ quên đề cao gương trung liệt của Anh.
Thương kính nhớ Anh vô cùng
Tro Cốt tướng Nguyễn Khoa Nam tại chùa Già Lam
Nguyễn văn Hai & gia đình
----
* Trong một dịp đi theo em vợ anh Phan Thụy Dung để lại
thăm khi chị đang bịnh, người có đuọc bài viết này - Thiết Trượng - đã hỏi anh về chuyện không có “ku” thơi học tiếng Nhật, anh Phan Thụy Dung
(đã hơn 90 tuổi) cười vui và còn nhắc ngay đến hai chữ watasi và watakusi.
No comments:
Post a Comment