Saturday, October 31, 2015

(731) Nạn ấu dâm trong công giáo

Nạn ấu dâm trong công giáo – phần 1
Nguyễn Nhân Trí
Tòa Thánh La Mã được xem là trụ sở quản trị tối cao về tâm linh và hành chính của tất cả tổ chức và tín đồ Công Giáo trên toàn thế giới. Tòa Thánh giữ quyết định tối hậu về những giáo luật, tín điều, lẫn các tiêu chuẩn đạo đức của giáo dân. Đức Giáo Hoàng, người đứng đầu Tòa Thánh, được xem là đại diện cho Thiên Chúa, người có khả năng giao tiếp với Thiên Chúa và có quyền phán quyết về mọi vấn đề tâm linh trong Công Giáo. Tòa Thánh có thể ban phép lành cho một người cũng như có quyền trừng phạt người đó bằng cách từ chối không thay mặt Chúa xóa bỏ tội lỗi của họ.
Thế lực tâm linh của Tòa Thánh do đó bao trùm đủ mọi tầng lớp trong tín đồ. Ảnh hưởng chính trị của Tòa Thánh lan tràn hầu hết mọi quốc gia Thiên Chúa Giáo. Tín đồ tôn sùng Đức Giáo Hoàng như một vị thánh sống. Họ xem luật lệ đưa ra bởi Tòa Thánh như những quy lệnh thiêng liêng. Đối với họ, Tòa Thánh là biểu tượng của quyền lực Thiên Chúa và của quang minh, công chính.
Cái nhìn của tôi không hẳn như vậy.
Theo tôi, Tòa Thánh lẫn các Giáo Hoàng, chỉ là một nhóm người vì lý do nầy hay lý do khác đã đạt được địa vị, chức sắc trong tổ chức tôn giáo của họ. Họ cũng chỉ là những người phàm như bạn, như tôi. Họ không có khả năng tâm linh siêu đẳng gì hơn ai khác. Họ cũng có những phản ứng tâm lý, nhu cầu tình cảm, đòi hỏi sinh lý và họ cũng có thể vi phạm những lỗi lầm trong đời sống giống như chúng ta.
Nói về “lỗi lầm”, ở đây tôi muốn nói về cách thức Tòa Thánh đối ứng với nạn ấu dâm bởi các tu sĩ Công Giáo lan tràn từ bao nhiêu thế hệ nay. Tệ nạn nầy đã và vẫn được cố bao che, dấu diếm bởi những giám mục, hồng y cao cấp nhất trong Giáo Hội. Chỉ gần đây thì tệ nạn nầy vì bị phanh phui ra tràn loạt nên mới được Tòa Thánh dần dà nhìn nhận một cách e dè bất đắc dĩ.
Trong bài tiểu luận nầy tôi sẽ nhắc đến tên một số nhân vật liên quan trong vài vụ án nổi tiếng. Điều tôi muốn chú trọng không phải là về hành động ghê tởm của các linh mục phạm tội ấu dâm mà là về hiện tượng Giáo Hội Công Giáo cố tình che dấu các tội ác đó một cách nhất quán và có hệ thống.
Cho đến nay, các cuộc điều tra chỉ có thể kết luận rằng tệ nạn ấu dâm lan tràn khắp nơi, ở nhiều quốc gia và nhiều giáo phận khác nhau. Không ai biết rõ con số chính xác bao nhiêu tu sĩ đã phạm tội (mà chưa bị phát giác), cũng như bao nhiêu nạn nhân (vì họ không bao giờ trình báo). Không có gì cho thấy là tệ nạn nầy đã không từng hiện hữu từ bao nhiêu thế kỷ trước đây trong Thiên Chúa Giáo. Tấm ảnh minh họa ở đầu tiểu luận nầy là bức tượng trong Plaza de San Francisco ở Havana mô tả giáo sĩ Tây Ban Nha Junipero Serra (sống ở thế kỷ 18) đang đứng ôm một đứa bé trai thổ dân lõa thể. Với kiến thức ngày nay về nạn ấu dâm lan tràn trong cộng đồng tu sĩ Công Giáo, bức tượng nầy làm một số du khách rợn người với câu hỏi có phải chăng tác giả của nó muốn ngầm biểu dương một sự kiện gì rất đen tối hơn so với hình ảnh ngây thơ tự nhiên người ta đã từng nghĩ về nó trước đây?
Một cuộc điều tra năm 1990 ở Chicago cho rằng 40 trong tổng số 2.200 tu sĩ Công Giáo (nghĩa là 1,8%) được phỏng vấn có thể đã từng có những hành vi tình dục xúc phạm đến trẻ con trong khoảng thời gian 40 năm trước đó. Một cuộc điều tra khác cho thấy khoảng 2% linh mục trong giáo phận ở Boston có thể đã hành dâm với trẻ con trong khoảng thời gian 50 năm. Một tài liệu khác cho thấy con số nầy là 1,6% trong giáo phận Philadelphia từ năm 1950 đến nay. Đại học Luật Hình sự John Jay ở New York đã phát hành một bản tường trình cho rằng hàng ngàn linh mục Công Giáo đã can dự vào nạn ấu dâm trong vòng 50 năm nay.
Cũng cần nói ngay là vì môi trường điều tra giới hạn nên các bản tường trình vừa kể thường chỉ có thể đưa ra những trường hợp có “giá trị chứng cớ thấp” (“low threshold of proof”). Trong một vụ án hình sự, thí dụ như cưỡng hiếp hay ấu dâm, thì công tố viện cần có những bằng chứng “hoàn toàn bất khả nghi” (“beyond reasonable doubt”). Vì thế tuy hành vi của các tu sĩ trên đã bị tường trình nhưng ngay cả nếu họ có bị đưa ra truy tố thì không có gì chắc chắn tất cả họ đều sẽ bị lãnh án.
Tuy vậy, trong số các vụ trình báo đã được dẫn đến truy tố thì phần lớn các cuộc truy tố nầy đều thành công. Một số giám mục, tổng giám mục và hồng y cũng đã bắt buộc phải từ chức vì tội cố tình dấu giếm các vụ ấu dâm của các linh mục trong giáo phận họ. Hai vụ án nổi bật nhất (có lẽ vì chúng đã được tường thuật trên báo chí nhiều nhất) liên quan đến Hồng Y Bernard Law, người đã từng là Tổng Giám Mục của Boston ở Mỹ, và Giám Mục Brendan Comiskey của Ferns ở Ái Nhĩ Lan. Gần đây hơn vào tháng Năm 2015, Tổng Giám Mục John Nienstedt và một trong các phụ tá thân cận nhất của ông là Phó Tổng Giám Mục Lee Piche tại giáo phận Minneapolis và Saint Paul của Minnesota ở Mỹ đã “được cho phép từ chức” bởi Tòa Thánh khi đứng trước nhiều bằng chứng không chối cãi được cho thấy họ đã chủ tâm bao che một linh mục sau nầy bị kết án tù vì vi phạm tình dục với hai đứa bé trai.
Ngay cả khi tòa án pháp luật không có đủ chứng cớ hoàn toàn bất khả nghi để kết án, trong nhiều trường hợp, thí dụ như vụ án liên quan đến Hồng Y Desmond Connell của giáo phận Dublin ở Ái Nhĩ Lan, thì uy tín và thanh danh của Giáo Hội cũng bị tổn hại nặng nề vì nhiều hành vi mờ ám của họ.
Sau mỗi vụ án dạng nầy bị phanh phui ra ánh sáng thì con số giáo dân tham dự thánh lễ mỗi tuần ở trong các quốc gia nầy giảm xuống rõ rệt. Trong 10 năm sau các vụ án ở Ái Nhĩ Lan, con số giáo dân đến dự thánh lễ hàng tuần giảm từ 63% xuống còn 48%. Theo sau đó là ngân khoản thu nhập của Giáo Hội từ giáo dân cúng lễ mỗi tuần trong các thời kỳ nầy cũng thấp kém hẳn. Các chuyên gia kinh tế của Tòa Thánh đã từng tỏ ý lo ngại rằng hậu quả của những vụ án ấu dâm, kể cả tiền bồi thường, có thể đưa Tòa Thánh đến tình trạng phá sản.
Mỗi lần sau một vụ án ấu dâm xảy ra, một số cơ sở Công Giáo cũng đưa ra thêm vài luật lệ mới để cố chấn chỉnh tổ chức của họ lại. Tuy nhiên nhiều nhà phê bình cho rằng các luật lệ mới nầy vẫn chưa đủ vào đâu trong việc thực sự ngăn ngừa tình trạng ấu dâm xảy ra nữa trong tương lai.
Tất cả các vụ truy tố tu sĩ Công Giáo về tội ấu dâm thường liên quan đến 2 vấn đề chính:
1. Thứ nhất, hành vi tình dục của tu sĩ với trẻ con hoặc xảy ra trong các cơ sở tín ngưỡng (thí dụ, ở nhà thờ) hoặc xảy ra tại các môi trường bên ngoài (thí dụ, ở tư gia giáo dân).
2. Thứ hai, theo tôi nghiêm trọng hơn, là cách hành sử của Giáo Hội đối với các vụ ấu dâm liên quan đến tu sĩ Công Giáo; nói rõ hơn là lập trường của Giáo Hội cố tình không tường trình các sự việc nầy đến chính quyền, trấn áp hoặc thuyết phục gia đình nạn nhân lẫn nhân chứng để họ không phổ biến sự việc ra công chúng hay trình báo với cảnh sát.
Một điều cần thấy là đa số linh mục qua công việc hàng ngày trong giáo phận cho phép họ có nhiều cơ hội gặp gỡ và sinh hoạt gần gũi với trẻ em trai gái đủ hạng tuổi. Hơn nữa, nhờ vào địa vị của họ, các tu sĩ nầy được sự tín nhiệm hầu như vô giới hạn từ gia đình của những trẻ em nầy. Sự kiện trên dẫn đến việc những tu sĩ có khuynh hướng ấu dâm thường có sẵn một nguồn “tài nguyên” to lớn và dễ dàng để sử dụng so với những kẻ tội phạm ấu dâm khác. Các tu sĩ nầy sử dụng nhiều phương cách khác nhau để đạt được mục đích đen tối của họ. Tài liệu từ các cuộc điều tra cho thấy trẻ con nạn nhân thường bị dụ dỗ, gạt gẫm hay bị hăm dọa bằng những lời tiêu biểu sau đây: “Hãy giữ kín việc nầy vì đây là một chuyện bí mật chỉ có hai người chúng ta và Thiên Chúa biết được mà thôi”, hoặc là “Nếu cho Cha làm cái nầy thì Cha sẽ làm phép đưa ông Nội của con, người vừa mới qua đời, lên thiên đàng”, hoặc là “Nếu cãi lời Cha thì mang tội có thể bị đày xuống Địa Ngục”.
Nhiều người cho rằng việc ngăn cấm tu sĩ trong vấn đề tình dục đã dẫn đến tình trạng ấu dâm lan tràn ngày nay. Tuy vậy cho đến nay không có chứng cớ rõ rệt nào cho thấy giả thuyết trên có giá trị thực tế. Trong khi tu sĩ Công Giáo không được có hoạt động tình dục, một số giáo phái Thiên Chúa Giáo khác cho phép tu sĩ của họ được có vợ. Thống kê cho thấy tỉ lệ liên quan đến nạn ấu dâm trong số các tu sĩ được phép có vợ nầy cũng tương tự như tỉ lệ liên quan đến ấu dâm của các tu sĩ Công Giáo (1,5% đến 2% như vừa trình bày ở trên). Điều nầy cho thấy việc ngăn cấm hoạt động tình dục không phải là nguyên do chính sinh ra nạn ấu dâm.
Cũng có lý thuyết cho rằng những tu sĩ có hành vi ấu dâm là những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái. Bởi vậy một trong các tiêu chuẩn tuyển chọn học viên để trở thành tu sĩ Công Giáo là lọc trừ trước những ai được xem là đồng tính luyến ái. Trong chương trình bày trừ nạn ấu dâm trong cộng đồng tu sĩ, Giáo Hội cũng chú ý đặc biệt đến những tu sĩ bị cho là đồng tính luyến ái. Tuy vậy nhiều trường hợp cho thấy nạn nhân của các tu sĩ ấu dâm bao gồm cả trai lẫn gái. Thí dụ như Brendan Smyth (từng là cha xứ của nhiều giáo phận ở Belfast, Dublin và ở Mỹ) tự thú đã xâm phạm tình dục hàng trăm trẻ em nam lẫn nữ. Điều nầy cho thấy khuynh hướng ấu dâm bắt nguồn từ sự kích thích bởi trẻ con thay vì chỉ bởi người đồng giới tính.
Có người cũng cho rằng một số kẻ có khuynh hướng ấu dâm đã cố ý gia nhập hàng ngũ tu sĩ Thiên Chúa Giáo vì đây là một môi trường lý tưởng để hành động mà không thường gặp chống đối hoặc không dễ bị vạch mặt hoặc bị truy tố. Tuy nhiên cho đến nay không có bằng chứng trung lập nào thỏa đáng đủ để ủng hộ giả thuyết nầy.
Chúng ta biết tệ nạn ấu dâm không chỉ hiện hữu trong cộng đồng tu sĩ Công Giáo. Hiện tượng ấu dâm có thể thấy trong nhiều chi nhánh Thiên Chúa Giáo khác, trong những tôn giáo khác cũng như trong các đoàn thể hướng đạo, học đường, trụ sở huấn luyện thể thao, v.v. Tuy nhiên, tỉ lệ xảy ra trong cộng đồng tu sĩ Công Giáo có vẻ rất lớn. Và điểm đáng nói nhất là mức độ nhất quán và tích cực của tầng lớp lãnh đạo trong Giáo Hội để che đậy và bảo vệ những kẻ phạm tội. Vấn đề nầy không thấy xảy ra trong bất kỳ tổ chức, đoàn thể nào khác. Tại sao có sự khác nhau nầy? Câu trả lời rất giản dị: đó là vì Giáo Hội Công Giáo có phương tiện và quyền lực để làm được chuyện đó.
Giáo Hội là một tổ chức “kín” với cấu trúc, luật lệ, đẳng cấp và sự vận hành của quyền lực không khác mấy như trong các thâm cung hay triều đình Trung Hoa thời phong kiến. Mọi sự việc đều được giữ bí mật trong nội bộ. Có những nhân vật trong Giáo Hội mang quyền lực hầu như tuyệt đối, cộng vào đó là vị thế gần như là “thiêng liêng” được e dè kính nễ bởi thế giới bên ngoài. Đây là cửa ngõ dẫn đến tệ nạn lạm dụng quyền thế.
Sự đồng nhất trong các phương cách bao che để đối ứng với những vụ ấu dâm ở mọi nơi, từ Belfast cho đến Ba Tây, từ Úc Đại Lợi cho đến Áo, cho thấy nguồn gốc của vấn đề nầy xuất phát từ chính bên trong Giáo Hội. Phương cách được Giáo Hội sử dụng ở mọi nơi đều giống y hệt nhau. Đây là một hệ thống đã được thiết kế với những mục tiêu rõ rệt ngay từ đầu: giữ bí mật hoàn toàn, tránh tai tiếng bất lợi lan tràn ra dư luận, che chở thanh danh của Giáo Hội, bảo vệ tài sản của Giáo Hội.
Cũng có thể nói rằng tất cả phương cách của Giáo Hội dùng để đối ứng với nạn ấu dâm trong hàng ngũ tu sĩ của họ đều có một dụng ý chung: đó là với bất cứ giá nào cũng phải tránh không để các tu sĩ nầy bị liên quan đến pháp luật.
(Cũng cần phải nói ở đây là không phải tất cả mọi tu sĩ cao cấp trong hàng ngũ Giáo Hội đều đồng lòng che dấu tệ nạn nầy. Tài liệu cho thấy cũng có vài người muốn làm cái gì đó để thay đổi tình trạng nầy, kể cả phanh phui sự thật ra công chúng. Tuy vậy, do áp lực nội bộ và luật lệ nghiêm khắc của Tòa Thánh, tiếng nói của họ không bao giờ được phép thoát ra bên ngoài.)
Khi một linh mục bị giáo dân than phiền về hành vi ấu dâm của họ, trước hết giới cầm quyền trong Giáo Hội sẽ tìm cách để khỏa lấp và dập tắt lời than phiền của giáo dân đó. Họ làm việc nầy bằng nhiều cách: hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề, đòi hỏi sự thông cảm về “tình cảnh khó xử” của Giáo Hội, kêu gọi sự tha thứ của gia đình nạn nhân, bồi thường cho phụ huynh để họ không trình báo chính quyền, v.v. Và điều quan trọng nhất là Giáo Hội luôn luôn yêu cầu gia đình nạn nhân tuyên thệ trước mặt Thiên Chúa rằng họ sẽ giữ kín không kể lại sự việc nầy cho bất kỳ ai khác biết.
Như đã nói, Giáo Hội Công Giáo hiểu rõ là họ sở hữu một thế lực tâm linh rất đáng kể đối với tín đồ. Đó là vì quan niệm của giáo dân cho Giáo Hội là những cá nhân cao cả, tốt lành hơn mọi người khác, và đặc biệt có thể thay mặt Ơn Trên xóa rửa tội lỗi cho họ. Do đó khi thảo luận và thương lượng, Giáo Hội có thể uốn nắn cách suy nghĩ và phản ứng của gia đình nạn nhân theo đường hướng cần thiết. Có khi giáo dân đến tố giác một trường hợp ấu dâm lại được tu sĩ đại diện Giáo Hội làm phép rửa tội cho họ chẳng khác gì chính linh hồn họ bị nhơ nhuốc. Các bản tường trình sau nầy còn cho thấy trong nhiều trường hợp, chính gia đình nạn nhân đã mang mặc cảm tội lỗi vì đã than phiền với Giáo Hội về cha xứ địa phương có hành vi tình dục với con em họ. Những phụ huynh nầy cảm thấy có trách nhiệm vì sự than phiền của họ đưa đến tai tiếng xấu cho tôn giáo của họ, gây ra sự bất an trong giáo phận họ, và luôn cả làm hư hại thanh danh của chính linh mục đã xâm phạm tình dục con em họ!
Hiện tượng “nạn nhân cảm thấy tội lỗi” vừa kể trên thật ra khá bất thường và hầu như chỉ thấy xảy ra với Giáo Hội Công Giáo. Bất thường, và khó hiểu, là tại sao một tổ chức nhân danh đạo đức như thế lại có thể đặt trọng quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của trẻ con, và tại sao họ có thể liên tục làm điều đó thành công một cách lộ liễu như vậy từ vụ nầy đến vụ khác, từ thế hệ nầy qua thế hệ khác.
Việc làm kế tiếp của Giáo Hội khi đứng trước một vụ ấu dâm là thuyên chuyển tu sĩ phạm tội đến một giáo phận mới. Đây là phương cách phổ biến nhất để tách rời phạm nhân ra khỏi phạm trường và đồng thời có thể gây ấn tượng với nạn nhân là “mọi việc đã được giải quyết”.
Tuy nhiên, Giáo Hội hầu như không bao giờ cho ban quản trị (thí dụ như giám mục hay tổng giám mục) của giáo phận mới nầy biết gì về lịch sử cũng như khuynh hướng ấu dâm của tu sĩ vừa đến bổ nhiệm. Trong một số trường hợp, ngay cả khi tổng giám mục địa phương biết rõ về tu sĩ có thành tích vi phạm tội ấu dâm nhiều lần, tu sĩ nầy vẫn được cho phép tiếp tục hoạt động trong những môi trường chung đụng với trẻ em. Vì vậy, một linh mục vừa bị tố giác xâm phạm tình dục trẻ em ở một giáo xứ vẫn sẽ được giao cho trách nhiệm làm việc gần gũi với trẻ em trong giáo xứ khác. Và không lâu sau thì ngựa quen đường cũ và các trẻ em trong giáo xứ mới nầy cũng sẽ mang cùng số phận của các trẻ em trong giáo xứ trước.
Sự kiện nầy tái diễn nhiều lần trong nhiều giáo xứ vì Giáo Hội tiếp tục “giải quyết vấn đề” bằng cách thuyên chuyển vị linh mục từ nơi nầy đến nơi khác. Trong vài trường hợp đặc biệt khi không còn giáo xứ nào để thuyên chuyển nữa thì các linh mục tái phạm tội quá nhiều lần sẽ được gởi sang hẳn qua một quốc gia khác (thí dụ như trường hợp cha xứ Brendan Smyth sau khi không còn chỗ trú ở Ái Nhĩ Lan đã được gởi sang Mỹ để tiếp tục làm cha xứ và tiếp tục xâm phạm tình dục trẻ em).
Chủ trương nổi bật kế tiếp của Giáo Hội là không trình báo nhà cầm quyền khi biết rằng tu sĩ dưới quyền họ phạm tội (hay bị tố giác về tội) ấu dâm. Luật pháp nhiều quốc gia đòi hỏi một người phải trình báo nhà cầm quyền khi nghe biết về một trường hợp vi phạm tình dục liên quan đến trẻ em, ngay cả khi không có bằng chứng rõ rệt. Khi nói về luật pháp, một khuynh hướng phổ biến trong Công Giáo cho rằng tu sĩ là một thành phần đặc biệt trong xã hội. Họ cho rằng vì Công Giáo là “tôn giáo chính thống” (“true church”) của Giê-su nên luật lệ của họ, được đặt ra bởi những người đã được Thiên Chúa giao phái phận sự, có giá trị hơn luật pháp xã hội. Do đó Giáo Hội chủ trương dùng giáo luật (Canon law) để xét xử tu sĩ của họ, thay vì dùng luật hình sự (criminal law) mà luật pháp áp dụng cho tất cả mọi người khác. Điều nầy cho thấy Giáo Hội tự cho rằng họ đứng bên ngoài, và bên trên, luật pháp quốc gia. Vì việc nầy, Giáo Hội đã bị xem là cố ý “ngăn cản quá trình thể hiện công lý” (“perverting the course of justice”), và chính ngay việc nầy cũng là một tội hình sự.
Hơn thế nữa, giáo luật Công Giáo về việc xưng tội và rửa tội không cho phép người nghe xưng tội tiết lộ chi tiết cho ai khác biết. Giáo luật nầy đã được dùng nhiều lần như một lý do (hay một cái cớ để tạo lối thoát?) giải thích tại sao các tu sĩ quản trị trong Giáo Hội không thể trình báo các tu sĩ vi phạm ấu dâm với nhà cầm quyền sau khi các tu sĩ nầy đã xưng tội với họ.
(còn tiếp)
nạn ấu dâm trong công giáo – phần 2
(tiếp theo) - 24.10.2015
Tất cả bản tường trình về các vụ án ấu dâm đã xảy ra cho đến nay đều cho thấy một số lãnh đạo trong Giáo Hội hoặc 1/ có những mưu toan cố tình che dấu hành vi của kẻ phạm tội, hoặc 2/ đã bất cẩn cực kỳ trong quá trình đối ứng với những vụ ấu dâm trong lãnh phận của họ.
Một thí dụ vào năm 1990 có người đã lén thâu âm được Phó Hồng Y Quinn ở Cleverland nói rằng ông đã cho cất dấu tất cả bằng chứng có hại cho Giáo Hội khỏi hồ sơ của các tu sĩ đang bị trình báo phạm tội ấu dâm; tuy nhiên nếu văn phòng của Đức Giáo Hoàng cần thì các bằng chứng phản cảm nầy vẫn có thể được đưa ra với điều kiện là chúng không được sử dụng trước tòa án pháp luật nào.
Một thí dụ khác về trường hợp cha sở Jim Grennan ở Ái Nhĩ Lan, người bị điều tra về tội vi phạm tình dục với 12 nữ học sinh trong nhóm sinh hoạt của ông ta tại một nhà thờ địa phương. Tập hồ sơ cảnh sát của Grennan bỗng dưng ngày nào đó bị thất lạc mất. Vì thiếu bằng chứng đầy đủ, Grennan đã thoát khỏi bị truy tố. Sau nầy, viên cảnh sát quản lý cuộc điều tra về Grennan khi qua đời đã được Giáo Hội ban tặng một giải thưởng tri ơn vì ông “đã tích cực phục vụ cộng đồng”.
Nhiều cuộc điều tra cũng cho thấy một số chức sắc cao cấp trong Giáo Hội đã mua chuộc gia đình nạn nhân bằng tiền để họ không thưa kiện. Vào giữa thập niên 1990, Tổng Giám Mục Desmond Connell (sau nầy trở thành Hồng Y) của Dublin đã cho một tu sĩ dưới quyền ông “mượn” một số tiền lớn để trả cho cha mẹ một bé trai trong đoàn thánh ca địa phương (tên Andrew Madden) để họ không trình báo với cảnh sát là tu sĩ trên đã vi phạm tình dục với con họ. Sau khi sự việc đổ bễ, Hồng Y Connell khai rằng ông không hề cho tu sĩ ấy mượn tiền để mua chuộc gia đình nạn nhân. Ông khẳng định rằng ông “chỉ cho mượn một số tiền, và tu sĩ ấy đã tự ý dùng món tiền nầy để mua chuộc nạn nhân”.
Nhìn tổng quát, có vẻ như thái độ chung của nhiều giới chức cao cấp trong Giáo Hội là phải bảo vệ Giáo Hội bằng mọi cách. Chúng ta biết rằng có những thành viên trong một tổ chức sẵn sàng làm nhiều sự việc mà chính họ biết là sai trái chỉ vì họ tin rằng các sự việc sai trái đó cuối cùng sẽ mang lợi ích cho đoàn thể của họ. Hiện tượng “ăn cây nào rào cây nấy” nầy không có gì lạ. Lý luận “cứu cánh biện hộ cho phương tiện” cũng không có gì lạ. Tuy nhiên, mức độ áp dụng các câu tục ngữ trên và quan niệm “trung thành” trong Giáo Hội Công Giáo được xem là đặc biệt ngoại hạng trong trường hợp nầy.
Khi nhìn lại nhiệm kỳ dài 27 năm của cựu Giáo Hoàng John Paul II (từ 1978 đến 2005) chúng ta có thể thấy một lịch sử ấu dâm khủng khiếp nhất. Có thể chỉ là vì trong thời kỳ nầy những cuộc tố cáo và điều tra mới bắt đầu bùng nổ lớn ra hơn hẳn trước đó. Trong thời kỳ nầy chỉ tại các quốc gia Âu Châu là Ái Nhĩ Lan, Úc, Đức, Chi-Lê, Alaska, Tân Tây Lan, Thụy Điễn, Haiti, Hòa Lan, Anh Quốc, Ý, Caribbean, Kenya, Thụy Sĩ, Croatia, Pháp, Na-Uy, Nigeria, Nam Phi, Áo, Bĩ và Ba Tây đã có hơn 1700 linh mục bị tố cáo về tội cưỡng dâm trẻ em. Đặc biệt chỉ riêng Ái Nhĩ Lan có 800 tu sĩ đã bị tố cáo liên quan tình dục với 14 ngàn trẻ em. Trong Mỹ Châu, tất cả mỗi tỉnh lỵ của Gia Nã Đại đều có ít nhất một tu sĩ Công Giáo bị tố cáo về ấu dâm. Ở Alaska có một địa phương mà 80% tất cả trẻ em trong làng đã bị cha xứ cùng một cộng sự viên thay nhau cưỡng hiếp, lần lượt, và xảy ra mỗi ngày.
Thống kê ở các quốc gia Á Châu cũng không khá gì hơn so với các nước Âu Mỹ. Ngay cả hội Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), một tổ chức nhân quyền lớn nhất thế giới, lần đầu tiên trong 50 năm đã phải nêu danh Tòa Thánh La Mã trong bản tường trình quốc tế hàng năm và khuyến cáo họ là “đã bỏ lơ trách nhiệm liên quan đến việc bảo vệ nhân quyền trẻ em”.
Vào năm 2010, một giám mục dựa trên con số đơn nộp tố cáo và tuyên bố nạn ấu dâm ở Hoa Kỳ đã giảm xuống rõ rệt. Giám mục nầy cho biết trong 2009 trên toàn quốc “chỉ nhận được 15.235 vụ than phiền” (!) Việc nầy lập tức đưa ra câu hỏi “Thế thì thật sự con số trẻ em bị tu sĩ Công Giáo cưỡng bức tình dục là bao nhiêu!?”
Bản tường trình của Hội Đồng Điều Tra Murphy năm 2009 ước đoán chỉ nội trong Hoa Kỳ có khoảng 100 ngàn trẻ em là nạn nhân ấu dâm bởi tu sĩ Công Giáo trong 3 thập niên. Nếu ngoại suy ra thì con số trẻ em trên thế giới đã bị tu sĩ Công Giáo cưỡng bức tình dục trong khoảng thời gian nầy lên đến không dưới 300 ngàn.
Trong suốt nhiệm kỳ của Giáo Hoàng John Paul II, Tòa Thánh có vẻ như đã làm đủ mọi cách để bảo vệ tu sĩ phạm tội. Tòa Thánh qua nhiều năm đã đứng đơn chống án xin Tòa Thượng Thẩm ở Mỹ được phép không phải đệ trình bộ hồ sơ dầy 12 ngàn trang của họ chứa đựng dữ kiện liên quan đến các tu sĩ bị tố cáo ấu dâm. Đại diện Tòa Thánh, Hồng Y Angelo Sodano, tại thánh lễ Phục Sinh ở Công Trường St Peter vào tháng Tư 2010 tuyên bố rằng “những cáo buộc của báo chỉ chỉ là lời nhỏ nhen không đáng để tâm đến”. Tuy nhiên, khi Tòa Thượng Thẩm ra trát lệnh cho phép phóng viên báo chí được khảo nghiệm bộ hồ sơ trên thì người ta thấy có vô số các dữ kiện gớm ghiếc về tu sĩ cưỡng dâm trẻ con chứa đựng bên trong. Việc nầy đã phát khởi một phong trào như nước vỡ bờ chỉ trích, phản đối hành vi bao che của Tòa Thánh.
Người kế vị John Paul II là cựu Giáo Hoàng Benedict cũng được xem là đã góp phần vào chính sách bao che, dấu giếm tệ nạn ấu dâm trong Công Giáo. Vào năm 1980, Benedict (lúc đó vẫn còn mang tên Joseph Ratzinger) là tổng giám mục của giáo phận Munich ở Đức. Tài liệu vừa được đưa ra ánh sáng vào năm 2010 cho thấy lúc đó ông đồng ý thâu nhận vào Munich một tu sĩ tên H. (dấu tên) đã từng có bị trình báo nhiều lần về tội ấu dâm ở giáo phận Essen. Tuy vậy, tu sĩ H. nầy vẫn được tiếp tục làm việc thân cận với trẻ em trong giáo phận Munich, dưới quyền quản trị của Ratzinger. Tài liệu nầy cũng cho biết tu sĩ H. mặc dù vào năm 1986 đã bị phạt và mang án treo vì tội ấu dâm vẫn được giữ chức vụ của ông ta tổng cộng hơn 30 năm, và tiếp tục vi phạm tình dục với trẻ em nhiều lần trong thời gian nầy.
Cũng cần nói thêm là sau khi sự việc nầy bị phanh phui ra vào năm 2010, Giáo Hội đã cử người điều tra để tìm hiểu chi tiết và lý do tại sao Đức Giáo Hoàng đương thời lúc đó của họ đã không có hành động thích hợp vào những năm 1980. Giới phê bình cho rằng đây chỉ là một màn cố chữa cháy buồn cười: Giáo Hội tự đề cử người của họ để điều tra lãnh tụ của họ! Dĩ nhiên là kết quả cuộc điều tra nầy đã không dẫn đến bằng chứng nào cho thấy Benedict có lỗi trong vấn đề trên.
Sau khi Benedict bị cáo buột là đã có trách nhiệm, ít nhất là vì bất cẩn, trong vụ tu sĩ H. trước đây, người ta nghĩ rằng với cương vị một Đức Giáo Hoàng thì ông đáng lẽ sẽ nỗ lực sửa đổi, cải thiện hệ thống kiểm soát và quản lý các tu sĩ có tiền tích ấu dâm trong Công Giáo. Tuy vậy, trong suốt thời gian còn lại cho đến khi từ chức năm 2013, Benedict đã không làm một điều gì cả để thay đổi tình trạng nầy. Vài hội bảo vệ trẻ em đặt ra câu hỏi vì thái độ “không làm gì cả” đó nên không biết có bao nhiêu trẻ em khác sau nầy đáng lẽ đã tránh khỏi nhưng đã trở thành nạn nhân ấu dâm của tu sĩ Công Giáo.
Ngay cả lá thư của cựu Giáo Hoàng Benedict gởi đến xin lỗi cộng đồng Công Giáo ở Ái Nhĩ Lan vào tháng Ba, 2010 cũng đã làm nhiều nạn nhân phẫn nộ thay vì cảm kích. Người ta cho rằng lá thơ nầy chỉ xin lỗi về vấn đề tu sĩ phạm tội ấu dâm. Tuyệt nhiên không có gì nhắc đến việc Tòa Thánh có trách nhiệm về việc bao che các tu sĩ nầy và cung cấp cơ hội cho họ tiếp tục phạm tội nhiều lần nữa. Trong lá thơ nầy, Benedict cũng không đề cập đến những hồng y, tổng giám mục đã liên quan đến các vụ bao che nổi bật sẽ bị Giáo Hội trừng phạt như thế nào.
Năm 2014, chính hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng phải lên tiếng chỉ trích Tòa Thánh đã không dập tắt được tệ nạn ấu dâm mà còn dung dưỡng việc bao che. Dưới áp lực từ mọi phía, Tòa Thánh bắt buộc phải tỏ cho thế giới thấy họ đang tích cực sửa đổi lỗi lầm của họ. Đương kim Đức Giáo Hoàng Francis đã thành lập một ban cố vấn gồm 7 nữ và 9 nam trong đó có tu sĩ lẫn thường dân, dưới sự hướng dẫn của Sean O’Malley, một Hồng Y người Mỹ. Ban cố vấn nầy có nhiệm vụ nghiên cứu và góp ý với Đức Giáo Hoàng tìm kiếm phương cách hữu hiệu nhất đối phó với tệ nạn ấu dâm. Đặc biệt là trong ban cố vấn trên có một người Anh và một người Ái Nhĩ Lan đã từng là nạn nhân bởi tu sĩ Công Giáo.
Thể theo đề nghị của ban cố vấn trên, vào đầu 2015 Giáo Hoàng Francis đã chuẩn duyệt việc thành lập một hội đồng tòa án chủ yếu nhằm điều tra những giám mục đã cố tình che đậy các vụ án ấu dâm trong giáo phận họ, cụ thể nhất bằng cách thuyên chuyển các tu sĩ phạm tội từ giáo phận nầy sang giáo phận khác thay vì trình báo cảnh sát đúng theo luật pháp đòi hỏi. Hội đồng tòa án nầy có một quy trình thẩm tra quy định rõ ràng từng bước những gì cần phải làm để đảm bảo các giám mục, tổng giám mục đó bị trừng phạt nhanh chóng và thích đáng. Hội đồng tòa án nầy đồng thời cũng dùng quy trình trên để phục hồi thanh danh cho những giám mục vô tội đã bị tố cáo sai lầm. Đây là một lối đi chưa từng thấy trong những chiến dịch bài trừ ấu dâm (nói chung là đều đã thất bại) của Giáo Hội từ trước đến nay.
Nhiều người cho đây là một bước tiến đúng hướng của Đức Giáo Hoàng Francis trong việc bắt buộc giới chức cao cấp trong Giáo Hội chịu trách nhiệm về các tu sĩ phạm tội dưới quyền họ. Đây cũng được xem là một bước tiến lạc quan trong việc phòng chống các trường hợp ấu dâm trong tương lai cũng như giúp đỡ quá trình bình phục tâm lý của những nạn nhân. Tuy nhiên cũng có không ít người khác vẫn cho là hành động nầy không giúp gì nhiều vì nó quá ít oi và quá trễ. Nhóm Nạn Nhân bị Cưỡng Bách bởi Tu Sĩ nhận xét: “Đức Giáo Hoàng đáng lẽ cần tước bỏ chức vị của hàng tá giám mục về tội đồng lõa. Tuy vậy cho đến nay vẫn chưa có ai bị mất chức cả!”
(Trường hợp Tổng Giám Mục John Nienstedt và Phó Tổng Giám Mục Lee Piche tại Minnesota ở Mỹ đã kể ở Phần 1 là họ đã được Tòa Thánh “cho phép tự nguyện từ chức” chớ không phải bị Tòa Thánh lột chức vì đã phạm lỗi).
Becky Ianni, lãnh đạo của nhóm Nạn Nhân bị Cưỡng Bách bởi Tu Sĩ ở Washington, cho rằng bà không cần thấy sự thành lập của một hội đồng nữa, nhất là hội đồng nầy cũng sẽ gồm có những người hoặc đã đích thân liên can đến ấu dâm hoặc đã hỗ trợ việc bao che ấu dâm trong Giáo Hội. Vấn đề ở đây, theo bà, không phải là Giáo Hội thiếu người được giao cho trách nhiệm điều tra đồng nghiệp của họ. Vấn đề ở đây là Giáo Hội không có người đủ can đảm để thi hành hoàn chỉnh trách nhiệm điều tra các đồng nghiệp của họ. Bà không hề yêu cầu được thấy sự thành lập một quy trình hướng dẫn cách thức điều tra, truy tố và trừng phạt những kẻ phạm tội. Bà chỉ muốn thấy những việc đó thật sự xảy ra mà thôi. Và, theo bà, cho đến nay vẫn chưa có gì xảy ra.
Peter Saunders là một trong hai thành viên đã từng là nạn nhân ấu dâm trong ban cố vấn vừa kể trên. Ông nói: “Chừng nào các tu sĩ cao cấp đã bị tố giác ra đến trước mặt hội đồng thì chúng ta mới biết quy trình thẩm tra nầy có ích lợi gì hay không”.
Câu nói của bà Becky Ianni ở trên “hội đồng nầy cũng sẽ gồm có những người hoặc đã đích thân liên can đến ấu dâm hoặc đã hỗ trợ việc bao che ấu dâm trong Giáo Hội” có lẽ dựa vào bài tường thuật của một ký giả người Ý tên Eugenio Scalfari của tờ báo Ý La Repubblica ngày 14 tháng Bảy 2014. Ký giả nầy cho biết vào ngày Chúa Nhật trước đó, ông đã được gặp mặt và đàm thoại riêng với Giáo Hoàng Francis. Cuộc đàm thoại nầy vì không phải là một buổi phỏng vấn chính thức nên ông đã không dùng máy ghi âm. Ông kể lại Giáo Hoàng Francis khi nói đến vấn đề ấu dâm của tu sĩ Công Giáo đã so sánh tệ nạn nầy “giống như một bệnh cùi hũi trong Giáo Hội”. Giáo Hoàng cũng tuyên bố: “Chúng ta có khoảng 2% là những kẻ ấu dâm bao gồm những linh mục, giám mục và hồng y. Một số khác, lớn hơn nhiều, tuy biết về điều nầy nhưng vẫn không lên tiếng gì cả”, và “Đây là một điều không tha thứ được. Giống như Giê-su, tôi sẽ lấy gậy đập đầu các tu sĩ ấu dâm nầy…”
Các báo chí thế giới xem đây là lời thú nhận của Giáo Hoàng Francis về 2 điều. Thứ nhất, trong Giáo Hội có khoảng 2% tu sĩ có tính ấu dâm (con số nầy có vẻ phù hợp với các tỉ lệ của những cuộc điều tra trước đây – như đã nói ở trên). Điều nầy có nghĩa là khoảng 8 ngàn tu sĩ có khuyn hướng ấu dâm trong số tổng cộng 410 ngàn tu sĩ của Công Giáo. Thứ hai, trong số 2% nầy ngoài các linh mục, giám mục còn là cả một số hồng y nữa (“hồng y” là phụ tá thân cận của Giáo Hoàng làm việc trong Tòa Thánh). Tuy nhiên ngay sau khi bài báo trên được đăng ra, Tòa Thánh đã vội vã cãi chính rằng “bài tường thuật trên báo La Repubblica tuy diễn tả được nội dung tổng quát của cuộc đàm thoại nhưng có vài chi tiết không chính xác. Đáng kể nhất là Đức Giáo Hoàng không hề nói là 2% tổng số tu sĩ Công Giáo có khuynh hướng ấu dâm mà thật ra chỉ nhắc đến 2% như một con số thường được các nhà bình luận ước lượng; và Đức Giáo Hoàng không hề nói là trong số đó có bao gồm cả những hồng y”.
Một sự kiện khác không mấy gì có lợi cho Giáo Hoàng Francis là việc người giữ chức Trưởng Tài Vụ hiện tại của Tòa Thánh lại cũng đã bị điều tra về việc bao che một tu sĩ phạm tội ấu dâm dưới quyền ông ấy. Hồng Y George Pell, một tổng giám mục người Úc đã được Giáo Hoàng Francis tuyển chọn đến Vatican làm Trưởng Tài Vụ cho Giáo Hội vào tháng Hai năm 2014. Chỉ đến tháng Ba cùng năm, George Pell bị Hội Đồng Thẩm Tra Hoàng Gia Bài Trừ Ấu Dâm của Úc Châu gọi ra chất vấn về một vụ án ấu dâm xảy ra vào năm 1993 ở Ballarat (một thành phố nhỏ ở miền đông nam nước Úc).
Cuộc điều tra nầy thật ra chú trọng vào các vụ ấu dâm đã xảy ra trong vài thập niên bắt đầu từ 1970 tại Ballarat. Tài liệu cho thấy rằng rất có thể tất cả trẻ em trai từ 10 đến 16 tuổi tại trường tiểu học St Alipius ở thị trấn thôn quê nầy đều đã bị cưỡng dâm bởi các linh mục làm việc ở đó. Việc nầy có ảnh hưởng sâu đậm lâu dài đến rất nhiều gia đình trong vùng. Một người đã từng là nạn nhân đưa ra một tấm ảnh lớp học cũ của ông ấy có 33 học sinh, trong đó cho đến nay đã có 12 người tự tử chết. Một người khác, cũng đã từng là nạn nhân, nhắc đến Viện Mồ Côi St Joseph’s trong thị trấn nơi mà ông đã bị cưỡng hiếp liên tục từ lúc 5 tuổi. Ông kể lại lúc đó ông được bảo rằng: “Cha chỉ muốn thanh tẩy cho con mà thôi”.
Trong vụ án nầy, tổng giám mục George Pell không phải là nghi phạm trực tiếp. Tu sĩ phạm tội tên Gerald Ridsdale (là một trong những linh mục làm việc ở Ballarat lúc đó và hiện đang ở tù vì vụ nầy) là chú ruột của nạn nhân (David Ridsdale, chỉ mới 11 tuổi lúc bị cưỡng dâm). Gia đình nạn nhân khai rằng khi họ than phiền với tổng giám mục George Pell (lúc đó thân thiết với họ như là một người bạn gia đình) thì ông hỏi họ muốn được trả bao nhiêu tiền để đổi lấy sự im lặng của họ. Họ cũng khai rằng George Pell lúc đó đã giải quyết vấn đề bằng cách thuyên chuyển tu sĩ phạm tội ấy từ giáo xứ nầy đến giáo xứ khác.
Trong buổi thẩm vấn vào tháng Ba 2014, Hồng Y Pell đã phủ nhận tất cả cáo buộc trên. Ông khai rằng tuy ông rất thông hiểu nỗi đau đớn của nạn nhân và gia đình nhưng ông không hề cố mua chuộc ai cả, cũng không hề liên quan gì đến việc linh mục Ridsdale được thuyên chuyển từ nơi nầy đến nơi khác. Ngay khi bài tiểu luận nầy được soạn thảo (tháng Chín 2015), cuộc điều tra trên vẫn còn đang tiếp diễn. Nhóm Nạn Nhân bị Cưỡng Bách bởi Tu Sĩ ở Úc kêu gọi Hồng Y Pell tình nguyện trở về Úc một lần nữa để ra trước Hội Đồng Thẩm Tra cung cấp thêm dữ kiện cần thiết nhưng đến nay Hồng Y Pell đã từ chối làm điều nầy.
Một chi tiết gần như lý thú là sáng ngày linh mục Gerald Ridsdale ra hầu tòa vào năm 1993 về tội ấu dâm thì người ta thấy có giám mục George Pell đi theo kèm kế bên để ủng hộ tinh thần. Trong khi đó bên phía nạn nhân thì không có ai đại diện Giáo Hội đến để hỗ trợ cả. Nếu George Pell thật sự “thông hiểu nỗi đau đớn của nạn nhân và gia đình” như ông nói thì tại sao hôm đó ông lựa chọn đi theo hỗ trợ kẻ tội phạm thay vì đi theo hỗ trợ gia đình nạn nhân? Nhiều người cho rằng chỉ nội việc nầy thôi cũng cho thấy rõ Giáo Hội đứng bên phe nào giữa tu sĩ phạm tội và đứa bé nạn nhân.
clip_image002
Những sự kiện lịch sử vừa được trình bày ở đây đã làm giới phê bình kết luận rằng đàng sau những giáo đường trang nghiêm và những chương trình phước thiện bác ái của Công Giáo chỉ là một thế giới quan liêu, đẳng cấp, phe phái và lắm lúc đầy gian trá của Tòa Thánh. Như đã nói, cấu trúc từ xưa đến nay của Tòa Thánh không khác mấy với các tổ chức phong kiến của vua chúa thời xưa. Những người làm việc trong môi trường nầy nếu muốn tồn tại sẽ phải hành sử tương tự, bằng không họ sẽ bị nghiền nát bởi guồng máy khổng lồ và phức tạp của Giáo Hội.
Người ta cũng dùng thí dụ nầy để cho thấy Tòa Thánh La Mã không phải là một cơ sở hoàn toàn thánh thiện, trong sạch và quang minh chính đại như chúng ta thường nghĩ. Và tu sĩ Công Giáo không phải là những người lúc nào cũng cao cả, đức hạnh và đáng tín nhiệm hơn mọi người khác.
(Thật ra thì kết luận trên có thể áp dụng cho bất cứ tổ chức tôn giáo và bất cứ dạng tu sĩ nào. Tuy nhiên câu tục ngữ “chiếc áo không làm nên thầy tu” mặc dù dễ hiểu nhưng cũng rất khó nhớ cho nhiều người để áp dụng khi giao dịch trong môi trường tôn giáo.)

http://damau.org/archives/39525
Tin tức tháng 9 năm 2018:
Đức Giáo Hoàng triệu tập các giám mục bàn việc bảo vệ trẻ em
Wednesday September 12, 2018
Đức Giáo Hoàng Francis. (Hình: AP Photo/Andrew Medichini, File) 
VATICAN CITY (NV) – Đức Giáo Hoàng Francis hôm Thứ Tư triệu tập các chủ tịch hội đồng giám mục khắp thế giới về Vatican từ ngày 21 đến ngày 24 Tháng Hai, 2019 để bàn việc bảo vệ trẻ em, sau các vụ xì căng đan liên quan đến các linh mục bị tố cáo lạm dụng tình dục giới trẻ, theo thông cáo báo chí của tòa thánh đưa ra.
Thông cáo báo chí của Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng Francis đưa ra quyết định này sau khi bàn bạc với các hồng y cố vấn trong cuộc họp kéo dài ba ngày.
Sự kiện này sẽ là lần đầu tiên vị chủ chăn Công Giáo La Mã thế giới gặp đại diện các giáo hội hoàn vũ để bàn về vụ khủng hoảng hiện nay.
Thông cáo được đưa ra một ngày trước khi Đức Giáo Hoàng gặp một nhóm giám mục và tu sĩ đại diện Hội Đồng Giám Mục Mỹ, đến Vatican để nghe câu trả lời của vị chủ chăn, cũng như yêu cầu Vatican mở một cuộc điều tra là tại sao một trong những chức sắc trong giáo hội Mỹ vẫn được đưa lên giữ chức vụ cao nhất, mặc dù bị tố cáo lạm dụng tình dục các thầy tu trong nhà dòng.
Chính các tố cáo này liên quan đến Hồng Y Theodore E. McCarrick, cựu tổng giám mục Tổng Giáo Phận Washington, DC, dẫn đến việc ông phải từ chức.
Ngoài ra, cũng vào ngày Thứ Năm, Hồng Y Donald Wuerl, tổng giám mục Tổng Giáo Phận Washington, DC hiện nay, sẽ gặp Đức Giáo Hoàng.
Hôm Thứ Ba, Hồng Y Wuerl cho biết ông dự trù xin Đức Giáo Hoàng cho ông từ chức.
Hồng Y Wuerl trước đây là giám mục Giáo Phận Pittsburgh, một trong sáu giáo phận của tiểu bang Pennsylvania, nơi mà một đại bồi thẩm đoàn và bộ tư pháp tố cáo có hơn 300 linh mục lạm dụng tình dục hơn 1,000 trẻ em từ thập niên 1940 đến nay.
Vụ này “nổ” lớn hơn sau khi Tổng Giám Mục Carlo Maria Vigano hồi tháng trước tố cáo Đức Giáo Hoàng Francis là người xóa bỏ trừng phạt của Đức Giáo Hoàng Benedict đối với Hồng Y McCarrick và đưa ông này nắm giữ chức vụ cao trọng.
Tổng Giám Mục Vigano từng là sứ thần tòa thánh ở Washington, DC trong năm năm. (Đ.D.)


No comments: