Tuesday, May 13, 2014

(576) Lại Chuyện Đi Về Của Bọn Xướng Ca

alt
Lại Chuyện Đi Về Của Bọn Xướng Ca
Ngày xưa Ðỗ Mục than thở: “Thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xướng Hậu Ðình Hoa!” Bên kia sông thì quá gần để tiếng hát còn vẳng lại, xa nửa vòng bên kia trái đất thì ai còn nghe. Thôi thì cứ “Hát nữa đi em!”
Tạp ghi Huy Phương
“...thứ nhất tôi không thích chính trị,
thứ hai là tôi không có dính tới chính trị.
Cuộc đời tôi chỉ có hát, hát và hát mà thôi!”
(Phát biểu của một danh ca tị nạn cộng sản tại hải ngoại)

Tháng Chín, 2012, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn CSVN ký giấy phép đồng ý cho ca sĩ Khánh Ly về Việt Nam hát, theo đó, Khánh Ly sẽ có mặt trong bốn chương trình do Công Ty Giải Trí Ðồng Dao tổ chức tại ba thành phố lớn: Hà Nội, Ðà Nẵng và Sài Gòn. Dư luận hải ngoại đã lên tiếng về chuyện về hay không về, thương và ghét, nhưng rồi như chơi “trò ú tim,” Khánh Ly không về, nhưng không hề nói lý do, trong đó có phải một phần phải chăng từ nguồn dư luận từ hải ngoại tỏ ra không đồng tình với chuyện về của cô.
Nhưng năm nay, Khánh Ly đã thực sự về đến Việt Nam và “hát cho đồng bào mình nghe” như cách nói của ca sĩ Lệ Thu trong một cuộc phỏng vấn của BBC hồi Tháng Giêng, 2013.
Bênh vực cho bạn “đồng nghiệp” Khánh Ly, Lệ Thu nói: “Tôi có thể hát được ở Úc, Pháp, Anh, Ðan Mạch thì tại sao tôi không hát được trên quê hương tôi?” Và Lệ Thu cũng tỏ thái độ rõ ràng hơn: “Từ khi bắt đầu hát cho tới giờ, thứ nhất là tôi không thích chính trị, thứ hai là tôi không có dính tới chính trị. Cuộc đời tôi chỉ có hát, hát và hát mà thôi!”
Tôi nghĩ, khác với Lệ Thu, Khánh Ly chưa bao giờ phát biểu theo lối này. Cô có thái độ chính trị rõ ràng, đã buồn vui theo vận nước nổi trôi, với những ngày “nội chiến,” với những đêm “chôn dầu vượt biển,” thiết tha với “Sài Gòn ơi vĩnh biệt!” với “Ai về xứ Việt,” và cô đã mặc chiếc áo dài vàng quốc kỳ Việt Nam trên sân khấu hải ngoại! Cô cũng là người đã từng nói: “Ði thì cùng đi, về thì cũng cùng về!” Hoặc như là: “Tôi chỉ về khi không còn chế độ cộng sản nữa mà thôi!”
Cũng như chúng ta biết trong một cuộc phỏng vấn của tuần báo Việt Weekly trước đây, ông Nguyễn Hoàng Ðoan, chồng của Khánh Ly, trả lời về nguồn tin “Khánh Ly được trả cát xê $2 triệu để mời cô về hát,” ông Ðoan đã khẳng định rằng: “Chị không thể nhận lời là vì, trong 30 năm nay, khán giả hải ngoại là người đã nuôi sống gia đình anh chị, để anh chị có cơ hội nuôi các con ăn học đâu ra đó. Anh chị không thể nào quay lưng lại, nhổ nước bọt vào những người quý mến mình, cưu mang mình...” và “... chị không thể phản bội lại những người hải ngoại, dù số lượng khán giả hải ngoại rất là nhỏ so với trong nước, nhưng họ chính là người đã từng nuôi nấng tiếng hát của chị trong 30 năm nay.”
Nhưng bây giờ Khánh Ly cũng có thể bắt đầu nói như Lệ Thu và còn tệ hơn thế nữa. Theo báo Giáo Dục Việt Nam ở trong nước, thì Khánh Ly đã có nhiều phát biểu hoàn toàn trái ngược và phản bội lại những gì cô đã nói, đấm ngực mình xưng tội “lỗi tại tôi mọi đàng.”
“Tôi rất hối hận, tôi muốn trong nước quên đi những lỗi lầm quá khứ của tôi. Tôi chỉ muốn về thăm quê hương như một người bình thường.”
Khi được hỏi chuyện Khánh Ly tham gia vào các chương trình ca nhạc kháng chiến thời Hoàng Cơ Minh, thì cô nói: “Tôi tham gia vì ham vui, vì có tiền, chứ chẳng bao giờ tin vào Hoàng Cơ Minh cả,” và: “Dưới sức ép của các phe nhóm phản động, tôi phải hát cho các chương trình của họ. Nếu không sẽ bị coi là không xác định lập trường.” (Báo Giáo Dục Việt Nam, ngày 7 Tháng Tám, 2012)
Và ai bắt Khánh Ly phải nói nặng lời, “vỗ mặt” với những người chưa muốn “về” như cô: “Tôi hy vọng là không phải ước mơ chỉ của riêng tôi mà là ước mơ chung của tất cả những người được gọi là người...”
Tội nghiệp cho Khánh Ly, đã năn nỉ, “hối hận, muốn trong nước quên đi những lỗi lầm quá khứ” nhưng rõ ràng là Khánh Ly không biết thân phận mình, may ra cũng chỉ hát được ở Hà Nội, còn Huế và Sài Gòn thì xin hẹn kiếp khác! Như vậy thì cũng chưa là “bằng chứng hùng hồn của chính sách đại đoàn kết dân tộc,” như lời nói phấn khởi của Phạm Duy đâu!
Ðộng lực nào đã làm cho Khánh Ly thay đổi, quay vòng 180 độ như vậy, nó cũng giống thái độ của Phạm Duy, Nguyễn Cao Kỳ về nước, cũng tuyên bố quá lời, tỏ ra hối hận về những điều họ đã nói đã làm trong quá khứ, tệ hơn nữa, là hết lời lên án cộng đồng tị nạn đã nuôi sống họ một thời gian dài bằng cả tinh thần lẫn vật chất.
Nếu chúng ta đã từng suy nghĩ: “Phạm Duy là thế đó!” thì cũng đừng nên ngạc nhiên với con người Khánh Ly. Về phía chính quyền Việt Nam việc này, việc Khánh Ly về, đương nhiên là có lợi cho họ. 
Vì tiền thì ai cũng cần, vì nhu cầu đứng trên sân khấu với một số lượng khán giả lớn lao thì người nghệ sĩ nào cũng mơ ước, có thể một lần rồi thôi, nhưng như thế cũng làm cho người nghệ sĩ thỏa mãn ít nhất là một lúc nào đó ở cuối đời khi nhan sắc và giọng hát đã đi vào những ngày cuối đời. Ngay cả những nhà văn, nhà thơ miền Nam đã một thời mặc áo lính cũng về nước giới thiệu sách, “giao lưu văn hóa” thì còn trách gì ai! Cũng không thể nói rằng: “Tôi đã ra mắt sách ở Sydney, đọc thơ ở Paris, vì sao tôi không thể làm chuyện ấy ở Hà Nội?”
Nhưng liệu Khánh Ly có cần phải nói những lời hối tiếc và than thở, vì sự thật ở hải ngoại này, ngoài sự hấp dẫn của đồng đô la màu lục, không có “sức ép của các phe nhóm phản động nào” bắt Khánh Ly phải lên sân khấu như lời tuyên bố của cô?
Khánh Ly cứ về, nhưng ai bắt Khánh Ly phải lên giọng kết án nơi chốn mà cô đã dung thân gần 40 năm qua. Không như Phạm Duy về luôn Việt Nam, cô còn có con đường trở lại nơi đây, mà chắc chắn không để nương mình nơi tu viện.
Trước Khánh Ly thì Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Khánh Hà, Thanh Tuyền, Ý Lan, Thái Châu, Sơn Tuyền, Ðức Huy, Giao Linh, Phương Dung, Chế Linh...(danh sách còn dài) đã về hát trong nước. Ca hát cũng là một cái nghề kiếm sống! Những Chế Linh, Sơn Tuyền thì không nói làm gì, ngay cả Lệ Thu, dư luận hải ngoại cũng không hề quan tâm, nhưng với Khánh Ly thì lại khác. Cô đã có chỗ đứng trong lòng người hâm mộ qua một thời gian dài, từ trong nước ra đến hải ngoại. Phải chăng “thương nhau lắm thì cắn nhau đau,” chì chiết lắm cũng vì đã quá thương mến, đã là thần tượng thì phải giữ hình ảnh thần tượng trong lòng những người hâm mộ.
Chỉ có một điều tích cực là dù sao thì Khánh Ly và những ca sĩ “trở về xứ Việt” không phải để hát “Dưới bóng cây Kơ-Nia,” “Tiếng chày trên sóc Bam Bo,” hay “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” mà là những bài hát của một thời thịnh trị, hạnh phúc miền Nam, mà có thể ngày trước miền Bắc chỉ được nghe lén, và người miền Nam đã thương đã nhớ từ ngày Sài Gòn thất thủ. Ðó là những thứ mà khán giả trong nước đang chờ đợi, kể cả những viên chức chính quyền cộng sản như thứ trưởng Văn Hóa Vương Duy Miên. Nỗi khát khao đó được đánh giá trên những chiếc vé vào cửa nghe Khánh Ly hát, đắt hơn nghìn lần bữa cơm của những đứa trẻ mò cua bắt ốc trên cánh đồng Việt Nam!
Tôi chỉ tiếc trong lần về Việt Nam này, trong lần viếng mộ Trịnh Cộng Sơn, những việc như Khánh Ly rót rượu Cognac lên thân tượng, tạo dáng để phóng viên Ngoisao.vn chụp ảnh đưa lên Internet mang đầy kịch tích, không hề có một mảy may xúc động, tình cảm. Gia đình Trịnh Công Sơn cho biết, lần này có nghe chuyện khánh Ly về nhưng không được thăm viếng cũng như không hề liên lạc.
Ðúng là “búa rìu dư luận,” trong nước chê Khánh Ly là “Danh ca về nước vì... tiền” (Tiền Phong Online), “Ca sĩ Khánh Ly lại... nhúng chàm” (Việt Báo Online), “Sự tráo trở của Khánh Ly” (GDVN), hải ngoại thì lên án Khánh Ly là “phản bội.”
Có lẽ Khánh Ly suy nghĩ đã dám sống thật cho mình, bước qua dư luận, chỉ tiếc là trước sau không như một. Thà cách đây mươi năm cô đã nói thẳng như Lệ Thu nói hôm nay “thứ nhất tôi không thích chính trị, thứ hai là tôi không có dính tới chính trị. Cuộc đời tôi chỉ có hát, hát và hát mà thôi!”
Ngày xưa Ðỗ Mục than thở:
“Thương nữ bất tri vong quốc hận, 
Cách giang do xướng Hậu Ðình Hoa!”
Bên kia sông thì quá gần để tiếng hát còn vẳng lại, xa nửa vòng bên kia trái đất thì ai còn nghe. Thôi thì cứ “Hát nữa đi em!”
Khánh Ly: 30/4 Đêm Nhớ Về Sài Gòn vs Hà Nội Live Show
Vài tuần trước đây, có những bích chương đã quảng cáo rầm rộ cho một Khánh Ly Live Show ở Hà Nội được trình diễn vào ngày 9/5/2014, thì mới đây, cũng có một tấm bích chương quảng cáo một đêm nhạc thính phòng mang chủ đề Đêm Nhớ Về Sài Gòn vào đúng ngày thứ tư 30/4/2014 tại Pheonix Art Center, thành phố San Jose, tiểu bang California của Hoa Kỳ. Tại sao có 2 sự kiện đã xảy ra một cách lạ lùng như thế, nói nôm na, một cách bình dân, một cái chống cộng và một cái theo cộng, ở cùng với một KL. 
16/04/2014 - Liên tục trong những ngày qua, báo chí cùng truyền thông trong nước cũng như tại hải ngọai đều liên tục loan tải và chú ý đến bản tin nữ ca sĩ Khánh Ly sẽ về trình diễn tại Hà Nội vào ngày 9 Tháng 5 sắp tới.
Thực ra tin đồn về việc “nữ hòang chân đất” về hát ở trong nước đã được đưa ra nhiều lần trước đây, và rút cục vẫn chỉ là “tin vịt”! Tuy nhiên và sở dĩ việc NCS Khánh Ly về Hà Nội trình diễn lần này được nhiều người chú ý đến là vì nó rơi vào thời điểm khá tế nhị đối với người Việt tỵ nạn, đó là tuần lễ quốc hận 30 Tháng Tư, và đặc biệt hơn nữa, một chương trình nhạc kỷ niệm 39 Năm Ly Hương mang chủ đề “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” sẽ được diễn ra vào đúng đêm 30 Tháng Tư năm nay tại Câu lạc Bộ Âm Nhạc Phoenix Art Center ở San Jose mà trong đó sẽ có sự hiện diện của nữ ca sĩ Khánh Ly cùng tác giả của những ca khúc lưu vong rất nổi tiếng đã gắn liền với tên tuổi Khánh Ly. Trong bối cảnh đó, nhiều bản tin trái ngược kèm với những lời tiên đóan khác nhau đã càng làm cho sự việc tăng thêm phần “căng thẳng”, và có lẽ cũng rất khó xử đối với những người ở trong cuộc như nữ ca sĩ Khánh Ly hoặc ban tổ chức buổi nhạc “Đêm Nhớ Về Sài Gòn” ở San Jose hay các tay thầu văn nghệ ở trong nước nếu đúng với nguồn tin KL về Hà Nội,
Riêng đối với “dân đỏ đen” ở San Jose thì mấy ngày nay họ đã đưa ra một tiêu chuẩn cá độ khá ly kỳ rằng nếu ai bắt cá Khánh Ly về VN hát mà trúng thì cứ đánh 1 mà ăn 2. Còn ngược lại nếu chỉ là tin “Cá Tháng Tư” như những lần trước thì dù bỏ 2 để ăn 1 họ cũng sẵn lòng bắt cá. Phóng viên CaliToday có hỏi dò về sự tự tin của những nhà cá độ “thua 2 ăn 1” này thì họ cho biết, dựa vào lập trường cùng khuynh hướng và đặc biệt là qua những bài tạp ghi có tựa đề là “Bên Đời Hiu Quạnh” hoặc những lời trao đổi với khán giả qua những buổi trình diễn thì người ta tin rằng KL là một trong số những nghệ sĩ có tư cách, và lập trường quốc gia và chống cộng một cách rất rõ ràng và dứt khoát trong suốt 39 năm qua.
Cũng trong những ngày qua, Cali Today cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp do quý độc giả gởi đến, mà một trong những bài viết của tác giả Mỹ Linh trên Blog Free Viet Nam Now mà chúng tôi xin phép trích đăng sau đây, những mong nhận được sự góp ý của quý độc giả về vấn đề nói trên.  Người chuyển bài viết này còn dí dỏm ghi trên phần Subject là “Để Xem: Người Ấy Và Tôi, Em Chon Ai”!!!     
Chúng ta thử cùng chờ xem!
Nhắc đến ca sĩ Khánh Ly, gần như tất cả những ai biết thưởng thức âm nhạc, cũng đã một lần ngưỡng mộ đến giọng hát này, giọng hát không phải chỉ dành riêng cho nhạc Trịnh Công Sơn, mà còn nhạc của Nam Lộc, Việt Dũng, Trần Thiện Khải, Châu Đình An, Song Ngọc, Hà Thúc Sinh, Nguyễn Đình Toàn... Nói chung, KL thường hát lên những bài hát về quê hương hoặc đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do, nhân bản, không cộng sản. 
Vài tuần trước đây, có những bích chương đã quảng cáo rầm rộ cho một Khánh Ly Live Show ở Hà Nội được trình diễn vào ngày 9/5/2014, thì mới đây, cũng có một tấm bích chương quảng cáo một đêm nhạc thính phòng mang chủ đề Đêm Nhớ Về Sài Gòn vào đúng ngày thứ tư 30/4/2014 tại Pheonix Art Center, thành phố San Jose, tiểu bang California của Hoa Kỳ. Tại sao có 2 sự kiện đã xảy ra một cách lạ lùng như thế, nói nôm na, một cách bình dân, một cái chống cộng và một cái theo cộng, ở cùng với một KL.
Chục năm trước đây, tôi có viết bài khuyến khích các ca sĩ, nghệ sĩ ở hải ngoại về Việt Nam trình diễn, nhưng phải mang theo phong cách của một chiến sĩ tự do. Có nghĩa là về nước nhưng không quỵ lụy CS, không khúm núm, thấy bất công là phải đấu tranh, phải lên tiếng. Ca sĩ, nghệ sĩ, cần được hiểu, là người của quần chúng, được quần chúng mến mộ. Trong tất cả những cuộc đấu tranh, muốn mau chóng gặt hái thành công, phải cần có sự xuất hiện của những ca sĩ và nghệ sĩ đứng vào phía hàng ngũ của cuộc đấu tranh, để có thể vận động, thu hút sự quan tâm đông đảo của quần chúng, đồng bào. Hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ, nếu cứ tiếp tục ở hải ngoại trình diễn, sẽ không giúp ích gì nhiều cho quê hương Việt Nam mình, chi bằng về nước, trực diện với CS, hát cho đồng bào mình nghe, sẽ hữu ích cho cuộc đấu tranh lắm. Có thể những ca sĩ, nghệ sĩ sẽ bị những gò bó về bản hát, về nội dung trình diễn, v.v..., nhưng rồi, tâm của một người chiến sĩ tự do sẽ vượt qua tất cả, vì bất cứ khó khăn nào cũng sẽ có hướng giải quyết. Chúng ta về nước, là tìm mọi cách để thay đổi cái đầu óc của CS, chứ không phải để chạy hùa theo những sai lầm, bất công, độc ác của CS, diễn biến hòa bình là thế.
Cách đây vài tuần, khi đọc bích chương quảng cáo về sự trình diễn của ca sĩ Khánh Ly ở Hà Nội vào ngày 9/5/2014, tôi mừng lắm. Nói ngay, Khánh Ly chính là nhân vật rất nổi cộm, vì mang nhiều tính cách chính trị, mà được trình diễn ngay tại thủ đô Hà Nội, thì còn gì bằng. Nói tới Khánh Ly là nói tới những năm đầu tiên của cuộc đấu tranh. Những bài Khánh Ly hát "Sài Gòn Vĩnh Biệt" (*1) và "Người Di Tản Buồn" (*2) của nhạc sĩ Nam Lộc đã làm xúc động hàng triệu người Việt trong và ngoài nước. Cái hay của nhạc sĩ Nam Lộc là lôi cuốn người nghe chú ý và bàn cãi về 2 chữ "Vĩnh Biệt" trong tựa đề bài hát, nhưng lời cuối bản hát lại là một thổn thức, một lời thề hứa chắc chắn "sẽ trở về". Nói tới Khánh Ly, khó ai có thể quên được 2 cuộn băng "Lửa Rực Trời Đông" và "Người Về Từ Khu Chiến" được phát hành để tiễn đưa chiến sĩ tự do Võ Đại Tôn trở về nước và chào đón chiến sĩ tự do Hoàng Cơ Minh trở về từ khu chiến.
Khánh Ly với Đêm Nhớ Về Sài Gòn vào ngày 30/4/2014
Khánh Ly Live Show tại Hà Nội Ngày 9/5/2014

Lẽ dĩ nhiên, khi nói đến ca sĩ Khánh Ly, mà không nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, là một sự thiếu sót lớn. Khánh Ly và Trịnh Công Sơn như bóng với hình về âm nhạc, nghệ thuật. Có lẽ tiếng hát Khánh Ly hoàn hão với nhạc Trịnh Công Sơn hơn bất kỳ ca sĩ nào. Và với riêng 2 người, tình nghệ sĩ bó chặt vào nhau về tinh thần, giao cảm, có thể xem là bất khả phân ly.
Người ta có thể kết tội TCS đã theo VC, lên đài phát thanh Sài Gòn, hát bài ca "Nối Vòng Tay Lớn" vào những phút cuối cùng của cuộc chiến, nhưng cá nhân tôi thì không. Sống trong một xã hội nhân bản như thời VNCH, có ai từng vỗ ngực rằng "tôi không bị CS lừa"? Cá nhân Linh, cũng từng bị CS lừa, dù rằng trước đó Linh đã rất ghét CS qua vụ Mậu Thân chôn sống 7000 dân vô tội và CS pháo kích vào Sài Gòn vào năm Mậu Thân và vào dân di tản ở Đại Lộ Kinh Hoàng của Mùa Hè Đỏ Lửa (tựa đề bài viết của nhà văn Phan Nhật Nam) năm 1972. Ai lại không muốn đất nước mình hết chiến tranh. Hòa bình đến với quê hương VN phải cao hơn việc "ghét CS". Thế là ngay ngày 30/4/1975, Linh chở bà chị đi chiếc PC có ghé bãi cỏ bên cánh trái của Dinh Độc Lập để xem xét  những diễn biến chính trị xảy ra. Khi đoàn quân được chở trên những chiếc Molotova đầu tròn (trên xe và trên thân thể ốm xanh của những anh bộ đội đều có cắm nhiều nhánh cây xanh dùng để ngụy trang) và vài chiếc xe tăng tiến vào dinh độc lập. Một trong số quần chúng đứng xung quanh thốt lên một câu, mà Linh nghe rất rõ:
- Sâu bọ lên làm người.
Làm sao mình có thể chấp nhận sống với một Nhà nước luôn dối trá, lường gạt dân? Nhà Linh trên lầu cao nên nhìn rất rõ chỉ có 2 chiếc máy bay A37 chúi đầu xuống phi trường Tân Sơn Nhất thả bom vào chiều ngày 28/4/1975, ấy thế mà sau này trên mấy báo CS lại nói có 5 chiếc. Linh ở ngay Dinh Độc Lập, lúc đó, có những người bận áo trắng, mang băng đỏ ở cánh tay gần nách, mở cỗng rồi chỉ đường cho xe tăng lái vào Dinh chứ có ủi sập cỗng Dinh hồi nào, mà sau này Linh coi lại những thước phim thời sự có chiếu lại việc xe tăng "ủi sập cỗng Dinh Độc Lập?". Khi rời Dinh, Linh đến Trần Quốc Toản và Ngã Tư Bảy Hiền, có thấy một đoàn quân rất đông, đang đi bộ, đầu đội nón cối, trang phục màu xanh lá cây, trong đó có một người đi trước cầm đầu, không đội nón, tay cầm khẩu súng lục chĩa lên trời, vừa đi vừa hét to:
- Việt Cộng tới, bà con ơi, chạy, chạy...
Linh kể quý vị nghe vì không hiểu tại sao họ lại nói thế, trong khi chính họ là VC. Xe chạy về đến ngã tư Phú Nhuận gần nhà thì lúc đó Linh đã bắt đầu vẫy tay để chào mừng những tên CS chiến thắng. Coi như người dân Sài Gòn bỗng nhiên trở thành "hân hoan" chào đón kẻ chiến thắng, trong đó có Linh. Nhưng chỉ không đầy 2 tháng sau, khi cá nhân mình bị tước đoạt hoàn toàn những quyền tự do cơ bản, Linh nhận ra mình đã bị lừa, và thầm nhủ:
- Chế độ CS này cần phải bị tiêu diệt, không còn cách nào khác. 
Thiện hạ thường nói, bản chất của CS là láo và bịp, chắc không sai đâu. Thế rồi cá nhân Linh cũng bị CS bịp khi mình cũng vỗ tay, reo hò theo sự chiến thắng của CS. Không phải chỉ riêng cá nhân Linh bị lừa, hàng trăm ngàn sĩ quan, quân dân cán chính của VNCH đều bị lừa, ngoan ngoãn trình diện để bước vào trại tù lao động khổ sai, được gọi với danh từ đẹp là Học Tập Cải Tạo. Cũng như hàng ngàn người đã vượt biên rồi, tranh đấu đòi trở về nước bằng chiếc tàu Việt Nam Thương Tín, cũng bị lừa, phải vào ngay những trại tù. Sau này, khi Linh có dịp nói chuyện với ca sĩ tóc đen Quốc Hương của CS, người nổi danh với bản nhạc "Tiểu Đoàn 307", ông ta có kể rằng, ông ta có nhận nhiệm vụ vào Nam để gặp TCS và vận động TCS sáng tác những bài hát ca tụng "Bác và Đảng", nhưng trong 6 tháng, ông TCS không viết được một bài nào. Nhạc của ông bị cấm hát và ông còn bị đày ra nông trường, và sau này ông được Võ Văn Kiệt thả. Kết luận, có thể TCS cũng bị lừa y chang như chúng ta.
Thế rồi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở thành một trong 5 nghệ sĩ được trúng giải thưởng của World Peace Music
Awards Kỳ II, được tổ chức vào ngày 19 tháng 6 năm 2004 tại Nhà Hát Lớn Thành Phố Hà Nội. Nhưng tiếc thay, Bộ Văn Hóa Thông Tin ở Hà Nội đã không cho phép ông Matt Taylor, người tổ chức chương trình trao giải thưởng, nên đã hủy bỏ vào phút chót, để phải tổ chức tại San Francisco, và lúc đó có mời Khánh Ly trình diễn. Đây là cái đểu cáng của nhà cầm quyền Hà Nội nhận bừa TCS là người của mình, đến nỗi gia đình Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải cùng đến đặt vòng hoa và đưa tiễn linh cửu của ông sau khi ông mất đi vào 1/4/2001. Nếu nhạc sĩ TCS là người của Hà Nội, tại sao không cho phép ông Matt Taylor tổ chức WPMA II để vinh danh TCS tại Nhà Hát Lớn Hà Nội ???
Cách đây vài năm, 2012, nhà cầm quyền Đà Nẵng lại đặt tên TCS cho một con đường. Đây chẳng qua là chiêu bài của CS để lừa bịp dân mình. Nhắc đến người nghệ sĩ này, nhà cầm quyền Hà Nội rất nhức nhối về câu “20 năm nội chiến từng ngày” trong bài hát Gia Tài Của Mẹ. Đối với CS, đây là một cuộc "chiến tranh giải phóng", đối với dân, nôm na đây là một cuộc "nội chiến", chính xác phải là "chiến tranh xâm lược". Chính câu nhạc này đã tố cáo bọn Hà Nội đã gây ra cuộc nội chiến thảm khốc chết trên 3 triệu dân khi xây dựng đường mòn Hồ Chí Minh, đem quân vào miền Nam. Sau này, vào cuối đời, TCS để lại 2 bản nhạc "Em Ơi Đừng Tuyệt Vọng" và "Tiến Thoái Lưỡng Nan" với những nội dung vô nghĩa, nhưng tựa đề có thể làm ta liên tưởng đến chủ nghĩa CS trước việc tiến thoái lưỡng nan, tiến lên tư bản, hay thoái lùi CS, đều phải bị tiêu diệt trên quê hương Việt Nam, và em ơi đừng tuyệt vọng.
Trở về với Khánh Ly và hiện tại, đêm trình diễn "Hà Nội Live Show", cộng việc Hà Nội gần đây đã thả một số tù nhân đặc biệt như anh Đinh Đăng Định, anh Nguyễn Hữu Cầu, anh Cù Huy Hà Vũ, anh Nguyễn Tiến Trung, và anh Vi Đức Hồi, cộng việc hàng vài chục bài viết về chủ đề hòa hợp hòa giải, khiến cho người ta liên tưởng đến một sự thay đổi đặc biệt, hay một bước lùi quan trọng nào đó từ phía Hà Nội. Đặc biệt trong chủ đề HHHG, có một bài viết mang tựa đề "Nước Mỹ sau nội chiến và bài học hòa hợp dân tộc"(*3), như một sự công nhận lá cờ vàng 3 sọc đỏ được xuất hiện trong tiến trình HHHG, giống việc chính phủ HK công nhận lá cờ của phe miền Nam bại trận, sau cuộc nội chiến. Nhưng đêm trình diễn "30/4 Đêm Nhớ Về Sài Gòn" của Khánh Ly tại San Jose, CA, có lẽ sẽ làm Hà Nội nhức nhối vô cùng, vì bị gài vào việc tiến thoái lưỡng nan. Muốn tiếp tục "Hà Nội Live Show" thì quá bể mặt và không biết Khánh Ly sẽ làm gì, nói gì với người Hà Nội trên sân khấu, mà chúng ta có thể mường tượng ra được, đó không phải là những lời nói tốt cho nhà cầm quyền Hà Nội. Còn muốn hủy bỏ chương trình "Hà Nội Live Show", cũng không dễ, cũng bị bể mặt, vì vé của 3500 chỗ ngồi đã bán hết sạch, và nhiều khi ban tổ chức phải bồi thường hợp đồng đã ký kết cùng Khánh Ly.
Phải công nhận, ca sĩ Khánh ly có bản lãnh.
Ngày 16 tháng 4 năm 2014
Mylinhng@aol.com
http://freevietnamnow.blogspot.com
Khánh Ly - Một đời tiến thoái lưỡng nan...

*Bích Châu

Tôi đã đọc gần như hết những trang tự sự chị viết về cuộc đời mình, một cuộc đời thấm đẫm dòng nước mắt cực nhục. Chị dường như không có tuổi thơ, hay nếu có chỉ là những kỷ niệm bầm tím nỗi buồn… Tôi đọc những trang chị viết về Trịnh Công Sơn và thấu hiểu tình bạn rất lớn của hai người. Vẫn nhớ mãi lần đầu tiên tôi nghe chị hát Nước mắt cho quê hương trong một đêm thật lắng dưới ánh lửa trại bập bùng. Chúng tôi ngồi tụm vào nhau mà nước mắt tràn mi… Lần đầu tiên ấy đã in một dấu ấn thật sắc vào trái tim non dại của tôi. Và tôi bắt đầu thần tượng giọng hát Khánh Ly hòa cùng tình yêu nhạc Trịnh…

Tôi đã từng nói điều đó với Trịnh Công Sơn và anh đã cười, nụ cười không chút ngạc nhiên. Cũng đúng thôi, điều ấy có gì lạ, tuổi trẻ của những năm 1969-1970 mà không yêu Khánh Ly và nhạc Trịnh mới là điều lạ. Thời đó, chính quyền Sài Gòn cũ không sợ Ta phải thấy mặt trời với những bài ca bão lửa của anh mà lại rất sợ những điệu buồn ray rứt của Nước mắt cho quê hương, và họ gọi đó là những bài ca phản chiến. Vì nó xoáy vào tim gan người nghe nỗi đau tàn phá thân phận con người bởi chiến tranh. Nghe nhạc anh, nơi tiền đồn lính đào ngũ hàng loạt. Vì vậy, nhạc phản chiến bị cấm phổ biến, còn người sáng tác ra nó thì giống như dân du mục, phải liên tục đổi chỗ ở để thoát khỏi số phận “phải cầm súng bắn lại anh em mình”… Và với tôi, không có sự so sánh và bàn cãi, Khánh Ly là người hát nhạc Trịnh hay nhất. Chị sinh ra để hát nhạc Trịnh, dẫu sau này chị hát nhiều tác giả khác, nhưng tôi thấy dửng dưng, vì không tìm thấy độ rung nồng nàn trong trái tim người hát, cũng có thể tôi cực đoan…
Bây giờ, sau 38 năm kể từ ngày Khánh Ly rời đất nước ra đi, tình cờ đọc loạt bút ký Bên đời hiu quạnh của chị, đọc những dòng thao thức chị viết về tình bạn thiêng liêng của hai người, tôi thực sự xúc động. Tôi đã đọc những dòng này và tin chị là người yêu nước: “Nếu bây giờ tôi nói tôi là… người Mỹ. Cũng đúng thôi. Vì tôi đang mang quốc tịch Mỹ. Nhưng nói thế chẳng thà tôi tự lấy dao đâm mình còn sướng hơn. Tôi nhớ là tôi đã khóc rất lớn, khóc một cách tận tình, làm mọi người ngạc nhiên, khi giơ tay tuyên thệ, thề bảo vệ xứ sở này. Tôi đã từ bỏ, chối bỏ nguồn gốc của mình. Bài quốc ca Mỹ vang lên như những mũi đinh nhọn hoắt đâm thẳng vào tim tôi…” (Trích Thời Báo số 39 ngày 31-3-1992).
Đó là năm 1992, cũng là năm chị bay sang gặp lại Trịnh Công Sơn ở Montreal (Canada), sau 17 năm xa cách. Chị viết bằng những dòng tràn ngập yêu thương: “Em theo đời cơm áo. Mai ra phố xôn xao. Bao nhiêu ngày yêu dấu tan theo...”. Tôi có cảm tưởng đó là một lời trách móc anh dành cho tôi. Rất dịu dàng như bản tính anh. Từ bao nhiêu năm nay, câu hát đó theo tôi như một vết thương. Ðời cơm áo quả thật đã cho tôi lắm ê chề, khổ đau, nhưng những ngày yêu dấu bên anh và bạn bè đã chẳng bao giờ tôi quên... dù đời sống có làm tan vỡ, có làm chìm sâu những mơ ước của một đời người - thì trong trái tim bầm dập của tôi, những ngày tháng cũ vẫn là một điểm son, là một bám víu cuối cùng và duy nhất...”(1). Tôi đọc và tin những điều chị viết ra là thật tình, chí ít là với Trịnh Công Sơn, người bạn lớn, người mà khi mất đi chị đã tâm sự: “Anh Sơn mất đi đã mang theo một nửa cuộc đời tôi”…
Ai đọc những dòng này mà không cảm động: “Một chút tâm sự gói ghém trong mấy câu thơ tầm thường, tôi làm bên cạnh Sơn trong một ngày tuyết rơi trắng cả tâm hồn. Đọc rồi, ai muốn hiểu sao cũng được. Dĩ nhiên là thơ rất dở, nhưng tôi quan niệm, cái gì thật vẫn hơn. Thì đây là những gì thật thà nhất:
Từ trời mưa đổ oan khiên
Bờ vai bạc mệnh một miền cưu mang
Xót thân lệ chảy hai hàng
Tà dương kia cũng bàng hoàng phút giây
Thương sao phận mỏng như mây
Phận hèn như cỏ, phận gầy như lau
Phận buồn như hạt mưa mau
Gọi thêm tóc trắng nỗi sầu trăm năm
Ngủ đi thôi. Một giấc đằm
Thiên thu rồi sẽ về nằm cùng ta
Nhớ nhau một giọt lệ sa
Có thương thì cũng đã là... là thôi
Sơn đọc xong. Anh không chê dở. Chỉ nói... Sao buồn vậy. Vì sao?” (Trích Thời Báo số 73, ngày 6-12-1992).
Và Trịnh Công Sơn cũng đã họa lại cùng Lệ Mai(2):
Ừ trời mưa đổ oan khiên
Bờ vai bạc mệnh một miền cưu mang
Trần gian nặng nợ muôn vàn
Mai sau giọt lệ một hàng chẻ đôi.
Khánh Ly từng thú nhận mình chỉ học đến tiểu học, nhưng đi thi cũng rớt nên cuối cùng chẳng có bằng cấp gì trong tay, nhưng đọc chị không ai nghĩ chị học không qua nổi lớp 6. Chị viết hay, văn chương sáng rõ, nhất là những trang tự sự về cuộc đời mình. Nhưng văn chương và đời thật nhiều lúc không hề song hành với nhau. Mặc dù cổ nhân vẫn khẳng định “Văn là người”, nhưng trên thực tế không hẳn như thế, nhiều nhà văn người đọc chỉ có thể ngưỡng mộ trên những trang viết, còn cuộc đời thật thì khó thể đến gần. Có lẽ người ta đã dồn tất cả tinh hoa của con người mình lên trang viết, bởi đó là ánh sáng hướng thiện, nhưng sống cho đúng với những điều mình viết ra thì không dễ chút nào. Có lẽ đó cũng là trường hợp của Khánh Ly. Khi chị viết chị thật sự muốn sống tình nghĩa, muốn được tôn trọng, muốn noi theo nhân cách của người bạn lớn Trịnh Công Sơn. Nhưng với cuộc đời thật nơi hải ngoại thì chị nổi tiếng là người tráo trở. Nhiều thông tin từ báo chí, từ những lời chua chát của một số đồng nghiệp của chị ở hải ngoại cho thấy giữa Khánh Ly và những trang viết Bên đời hiu quạnh của chị gần như là hai con người biệt lập. Bởi vì ở hải ngoại Khánh Ly nổi tiếng với hai biệt hiệu khá phổ biến: “Nữ hoàng xù show” và “Ca sĩ nâng giá”. Cụ thể:
“Năm 2002, một bà bầu show tên Nga tổ chức show tại Majestic, đã nhờ ông Duy Thanh mời Khánh Ly và Khánh Ly đồng ý với giá lên 3.000 USD. Nhưng 10 ngày trước show diễn Khánh Ly nói với Duy Thanh nâng giá lên 5.000USD(?)”. “Ngay cả với Trầm Tử Thiêng, cho đến phút cuối, theo di chúc của anh, gia đình đã không cho chị đến dự đám tang. Dư luận cho rằng, khi còn tại thế, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người đã môi giới chị với một show diễn bên Phi-Luật-Tân (Philippines - người viết) hát cho đồng bào bị nạn nghe... chị đòi giá là $3.000. Mọi người đồng ý, trước vài hôm lên đường, chị đã đòi tăng giá lên $2.000 nữa. Trầm Tử Thiêng vì giữ thể diện, nên đã móc túi $2.000 trả cho chị. Sau đó Trầm Tử Thiêng không muốn nói chuyện với Khánh Ly nữa”(3). Chỉ hai thí dụ cũng thấy rõ nhân cách con người cô ca sĩ nổi tiếng này.
Ai cũng biết khi sang Mỹ, Khánh Ly và chồng là Nguyễn Hoàng Đoan nổi tiếng là người chống phá cách mạng hung hăng, chị đi hát có lúc mặc áo dài cờ vàng 3 sọc đỏ và câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ về nước khi tất cả hàng trăm ngàn đồng bào tôi cùng về…”. Nhưng năm 1996, Khánh Ly vẫn về Việt Nam và đã phát biểu hoàn toàn ngược lại: “Tôi rất hối hận, tôi muốn trong nước quên đi những lỗi lầm quá khứ của tôi. Tôi chỉ muốn về thăm quê hương như một người bình thường”. Song, khi trở về Mỹ, Khánh Ly lại tiếp tục tham gia vào các chương trình ca nhạc chống phá nhà nước. Ngày 4-3-2000, Khánh Ly một mình về Việt Nam lần thứ hai, cũng với mục đích thăm gia đình. Gặp lại những nhà báo từng tiếp xúc chị lại chữa thẹn: “Dưới sức ép của các phe nhóm phản động, tôi phải hát cho các chương trình của họ. Nếu không sẽ bị coi là không xác định lập trường”. Khi được hỏi cảm tưởng những ngày ở Việt Nam như thế nào, Khánh Ly trả lời: “Vui lắm, thoải mái lắm. Chỉ riêng lĩnh vực ca nhạc thôi, ở Mỹ làm sao mà tổ chức được một live show. Hầu hết đều hát trong phòng trà, nhà hàng ăn, trong sòng bạc. Còn ở Việt Nam, tôi thấy ca sĩ làm live show rất tự do. Hôm đi ăn với mấy người bạn tại nhà hàng Bạch Dương trên đường Lê Quý Đôn, nhiều người nhận ra tôi, yêu cầu tôi hát, và tôi đã hát liền một lúc 3 bài”(4).
Thế nhưng, ngày 13-1-2004, tại Mỹ, Khánh Ly đã hô hào lập hội “Ái hữu ca nhạc” và kêu gọi tẩy chay nghệ sĩ trong nước ra hải ngoại biểu diễn(?). Chị đã từng viết, bày tỏ thái độ coi khinh nhạc sĩ và ca sĩ trong nước là chỉ có một giọng điệu giống nhau, không thể phân biệt được ai hát, đồng thời hết lời ca ngợi những ca sĩ thuộc thế hệ chị. Nếu đúng như vậy thì việc gì chị phải lo sợ bị quên lãng mà kêu gọi Việt kiều hải ngoại tẩy chay. Và ngày 20-2-2004, tại khách sạn Capital Hilton - Washington D.C, trong một đại nhạc hội mang tên “Xin đừng quên tôi”, với vai trò người dẫn chương trình, Khánh Ly đã dúi vào tay Bằng Kiều lá cờ vàng 3 sọc đỏ, yêu cầu anh tỏ rõ thái độ để được “cộng đồng người Việt chấp nhận cho ở lại Mỹ”(5).
Một mặt chị bảo chị không về Việt Nam và không muốn hát ở Việt Nam, nhưng chị đã về hai lần. Và năm 2012, khi trong nước cho phép chị về diễn (6) thì chị trả lời phỏng vấn đài BBC là trở về hát ở Việt Nam là niềm mơ ước của chị. Trước đó chị lên án trong nước không có tự do khi kiểm duyệt bài hát: “Bất cứ ca sĩ nào cũng có quyền hát những nhạc phẩm họ yêu thích theo kiểu của họ. Không nên bắt người khác phải làm theo ý mình hoặc phải nghĩ như mình. Chỉ có Cộng sản mới như thế thôi”, nhưng khi trả lời BBC chị lại nói: “Phải có kiểm duyệt. Lỡ hát những bài người ta không cho phép thì phiền lắm. Nhưng mà nhiều khi tôi nghĩ nó cũng đúng. Mình vào nhà người ta thì chỉ được làm những gì người ta cho phép. Cái điều đó chẳng làm phiền gì mình hết. Tại vì nhiều khi cái mình thích chưa chắc là cái người ta thích” (7). Trả lời BBC là thế, nhưng sau đó người nhà Khánh Ly đã nói: “Một năm nay, ít nhất có 10 lời mời chính thức từ phía Việt Nam... Tuy nhiên, chúng tôi từ chối mọi lời mời rất hấp dẫn này. Vì chúng tôi không thể làm ngược lại những gì Khánh Ly đã từng tuyên bố trước đây”.
Thực ra, tất cả mọi sự bất nhất này chính là bi kịch của Khánh Ly, một bi kịch mà chị đã tự tạo ra mà không có cách nào thoát ra được. Ngay từ những ngày đầu ở Mỹ, chị muốn chứng tỏ mình vượt hơn những ca sĩ khác khi theo chồng đi làm chính trị. Và chị đã thực sự nổi bật so với những ca sĩ thầm lặng khác. Những lần về nước có thể chị đã nói thật lòng, nhưng khi trở qua Mỹ, cái vết chàm ngày xưa đã nhúng làm sao mà tẩy xóa được. Đã lỡ tuyên bố ì đùng nên thoát ra đâu phải dễ. Vì vậy, báo chí trong nước gọi chị là con người tráo trở cũng rất đúng. Ngay cả biệt danh ca sĩ xù sô ở nước ngoài cũng nằm trong hệ lụy này. Vì sao khi đi hát với Trịnh Công Sơn thời trẻ, chị nổi tiếng là “Nữ hoàng chân đất” hát cho sinh viên nghe một lúc 30 bài mà không lấy thù lao xu nào. Thời đó bên cạnh con người thánh thiện, chị cũng thánh thiện, không tính toán thiệt hơn. Nhưng khi sống bên cạnh Nguyễn Hoàng Đoan, người chồng hiện tại, chị lại trở thành kẻ hám lợi… Chị đã tự loay hoay trong mạng nhện do mình giăng ra và liên tục mâu thuẫn với chính mình. Chị thật sự muốn về nước hát, thực sự là người Việt Nam yêu nước, điều đó tôi rất tin, nhưng đồng thời cái mạng nhện kia vẫn tiếp tục lôi kéo và cuối cùng chị không thể thoát ra nổi. Đã có biết bao ca sĩ hải ngoại về nước hát như Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Elvis Phương, Hương Lan, Thanh Tuyền… và được đông đảo khán giả trong nước yêu mến. Ngay cả với Phạm Duy, người đã từng chống phá sâu độc cách mạng, nhưng vẫn trở về và được sống yên vui trong lòng dân tộc...
Với Khánh Ly, dù nhà nước Việt Nam đã rộng lòng, nhưng chị vẫn sẽ mãi mãi loay xoay trong cái mạng nhện của mình…
Một Lệ Mai mà anh từng biết và yêu thương. Một cô bé mồ côi cha sống trong sự hà khắc của mẹ và bố dượng, cô bé đầy cá tính đã thoát ra khỏi nhà và sống tự lập bằng tiếng hát từ năm 16 tuổi. 17 tuổi đã lỡ lầm mang thai và lấy chồng, một người cô không hề yêu. Nhiều mối tình qua với 3 đời chồng 4 đứa con. Năm 1975, vượt biên sang Mỹ, những ngày đầu phải đi cọ nhà vệ sinh để có tiền nuôi con… Một cuộc đời lắm gian nan, dông bão…
Tiến thoái lưỡng nan
đi về lận đận
Ngày xưa lận đận
không biết về đâu!
Về đâu cuối ngõ?
Về đâu cuối trời?
Xa xăm tôi ngồi
tôi tìm giấc mơ
Xa xăm tôi ngồi
tôi tìm lại tôi...

BÍCH CHÂU
hình trên :Nhạc sĩ TRỊNH CÔNG SƠN & KHÁNH LY
______

(1) Bên đời hiu quạnh 10.
(2) Tên thật của Khánh Ly.
(3), (4), (5) Trích từ loạt bài Sự tráo trở của Khánh Ly của Đoàn Thạch Hãn (Báo Giáo Dục Việt Nam) và Ca sĩ Khánh Ly lại nhúng chàm (Báo An Ninh Thế Giới).
(6) Để có được Giấy phép số 691/NTBD-PQL Khánh Ly phải làm đơn xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn được diễn ở 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM.
(7) Trả lời phỏng vấn của BBC ngày 24-9-2012 tại Fountain Valley, Nam California 
Nguyễn Ánh 9: 'Tôi coi Khánh Ly là thần tượng'
Nam nhạc sĩ mê đắm chất “bụi”, ngang tàng bất cần đời và nét an nhiên tự tại trong tiếng hát Khánh Ly. Nguyễn Ánh 9 có mặt trong một buổi tập nhạc của Khánh Ly tại TP HCM. Vị nhạc sĩ hơn 74 tuổi này chính là người đệm đàn cho tiếng hát của danh ca nhạc Trịnh ngày xưa. Họ từng là cặp nhạc công - ca sĩ nổi tiếng những năm 1970. Nam nhạc sĩ luôn giữ cho mình nhiều kỷ niệm quý giá với người bạn mà ông coi là tri kỷ, là thần tượng của mình.
- Ông cảm thấy thế nào khi hay tin Khánh Ly về nước biểu diễn?
- Tôi rất thiết tha muốn Khánh Ly về hát và nhiều người chắc cũng muốn vậy. Lứa già như tôi nghe lại Khánh Ly là gặp lại kỷ niệm, gặp lại thời tuổi trẻ của mình. Còn giới trẻ thì háo hức muốn nghe vì tò mò muốn biết ca sĩ Khánh Ly là ai mà nổi tiếng như vậy, tiếng hát của một người tầm 70 tuổi sẽ như thế nào. Bản thân tôi cũng hồi hộp không biết tiếng hát của cô ấy bây giờ ra sao. Ngày xưa tôi từng cảm nhận đó là tiếng hát lạc loài bởi cô đơn, thì mấy chục năm nay tiếng hát đó vẫn còn lạc loài bởi chưa được đậu về trên đất quê hương. Nhưng tôi tin là tình yêu mà Khánh Ly dành cho âm nhạc Trịnh Công Sơn thì muôn thuở vẫn vậy.
1-3304-1399439683.jpg
Khánh Ly bắt tay nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong buổi tập nhạc. 

- Ông và Khánh Ly có mối duyên như thế nào trong âm nhạc? 
- Tôi có cái duyên với Khánh Ly một cách ngộ nghĩnh lắm vì cả ba người chồng của cô ấy đều là bạn của tôi. Những năm 1970, tôi là người đệm đàn cho Khánh Ly hát. 
Từ khi Khánh Ly sang Mỹ, tôi có dịp gặp cô ấy ở Mỹ năm 2005. Chúng tôi có cái lạ là chưa bao giờ gọi điện thoại cho nhau. Tôi chỉ liên lạc với chồng của cô ấy. Còn gặp ở Việt Nam thì từ đó đến nay là lần thứ ba. Lần đầu tiên Khánh Ly về thì còn Trịnh Công Sơn. Sơn gọi tôi ra quán gặp nhau. Ba người chúng tôi ngồi tâm tình được hơn một tiếng đồng hồ. Lần thứ hai Khánh Ly về thì Sơn không còn. Cô ấy có tới nhà tôi ăn uống, đàn hát. 
Tình bạn của hai người gắn kết ra sao?
- Tôi và Khánh Ly có thể hiểu nhau mà không cần nói. Bởi vì những gì tôi muốn nói thì Khánh Ly đã hiểu hết rồi và ngược lại. Giữa hai chúng tôi có một điểm chung là đều coi Trịnh Công Sơn là thần tượng của mình. Và tôi cũng coi Khánh Ly là thần tượng. Bởi tôi thích chất “bụi”, ngang tàng bất cần đời, an nhiên tự tại trong tiếng hát của cô ấy, bất cần mà không hề ngạo mạn. Tôi nghĩ, hát được như vậy thì chỉ có trời cho chứ không ai cố ý tạo nên được và không có người thứ hai nào hát giống y hệt được. Có một tấm hình tôi với Khánh Ly chụp với nhau. Cô ấy tặng tôi, phía sau ghi “Mãi mãi nhớ nhau".
Chúng tôi đều học được từ Trịnh Công Sơn nhiều lắm như cái tâm từ bi hỉ xả, lấy cái hỉ xả hóa giải hết mọi lỗi lầm, giận hờn, để nhìn mọi người bằng con mắt, bằng tình cảm rất người theo kiểu “cứ yêu nhau đi”. Mình yêu người ta, người ta yêu lại mình thì tốt còn không thì thôi. Tôi nghĩ nghệ sĩ cần phải vậy, cần thả lòng mình ra với mọi người.
Tính cách nào ở Khánh Ly khiến ông thấy ấn tượng?
- Khánh Ly là một người phụ nữ mạnh mẽ, cá tính. Hồi xưa cô ấy hút thuốc ghê lắm. Ngồi với nhau, tôi đốt thuốc lúc nào cũng đốt hai điếu, tôi một điếu, cô ấy một điếu. Người ở ngoài thời đó nhìn vô thấy cảnh đàn bà ngồi hút thuốc thì ngứa mắt lắm, cũng xì xào đồn đoán này kia. Tôi với Khánh Ly nghe loáng thoáng thì nói giỡn với nhau: “Kệ, ai nói gì thì nói”. Cô ấy uống rượu ít, nhưng hút thuốc nhiều. Có một đợt Khánh Ly bệnh, bác sĩ cấm hút thuốc, cô ấy cũng ráng cai, tưởng bỏ thuốc thì giọng hát trong trẻo hơn. Ai dè, khi hát lên cô ấy nhận ra tiếng hát không có chất nhựa, chất khàn rất hay của... thuốc lá. Vậy là Khánh Ly nói: “Thôi kệ, còn sống bao nhiêu năm thì hút bao nhiêu năm”, rồi quyết định hút tiếp. 
Khánh Ly không bao giờ biết tiền bạc là gì. Chồng báo đi hát ở đâu thì cô ấy đi, còn mọi chuyện tiền bạc để ông chồng tính. 

2_1399422530.jpg
Nguyễn Ánh 9 vui mừng gặp lại Khánh Ly - người bạn tri kỷ trong âm nhạc. 

Kỷ niệm nào ông nhớ nhất về nữ danh ca?
- Hồi tôi đệm đàn cho Khánh Ly ở bên Nhật, cô hát bài Diễm xưa với bài Ca dao mẹ. Người ta yêu cầu tôi đàn guitar chứ không thích đàn piano. Trên đường hát xong về nhà, tôi vẫn còn mang cây đàn trên vai. Khi về đến khách sạn, đứng trong thang máy, Khánh Ly hỏi tôi: “Ánh, mày còn yêu cô đó nữa không?”. Sẵn cây guitar tôi gảy rồi hát chơi: “Không, không, tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa...”. Khi về đến Sài Gòn, Khánh Ly nhắc lại câu tôi hát chơi trong thang máy rồi kêu tôi viết thành bài hát để cô ấy đem đi hát ở đại nhạc hội do ban nhạc Shotguns đệm. Khi cô ấy hát bài Không xong thì Ngọc Chánh, chủ ban nhạc Shotguns đề nghị nhường lại cho Elvis Phương hát. Từ đó bài Không mới gắn với nam ca sĩ này. Đó là bài hát đầu tiên mà tôi sáng tác. 
Trong các bản nhạc Trịnh mà ca sĩ Khánh Ly hát, ông thích bài gì nhất?
- Tôi thích nhất bài Tình sầu. Có một cuốn băng Khánh Ly hát lúc đó, mở đầu cuốn băng tôi độc tấu bài Tình sầu, xong rồi cô ấy giới thiệu: “Vừa rồi là bản nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thể hiện qua ngón đàn của Nguyễn Ánh 9. Bây giờ Khánh Ly xin hát, Nguyễn Ánh 9 đệm đàn”. Ai nghe cũng ngạc nhiên, bởi vì xưa giờ đâu có ai thu băng tiếng hát mà đàn nguyên một bản không hát, xong rồi giới thiệu người đệm đàn. Khánh Ly làm nhiều cái mắc cười lắm, cô ấy hứng chí lên là làm mà làm một cách tự nhiên, hồn nhiên. Bữa đó, cô ấy làm đạo diễn luôn cho cuốn băng, tôi chỉ có việc nghe cô ấy bày trò, kêu gì làm nấy.
Nhiều người nói chất giọng của Khánh Ly là liêu trai, còn ông thì sao?
- Tiếng hát Khánh Ly là tiếng hát “ngang phè phè”, rất tròn vành rõ chữ, không có chút kỹ thuật, hoàn toàn mộc mạc, bản năng nhưng cảm nhận có sức hút ghê gớm. Tiếng hát của cô ấy đặc biệt lắm và chỉ hợp nhất với nhạc Trịnh Công Sơn, như là trời sinh ra một cặp như vậy. Có nhiều ca sĩ hát nhạc Trịnh nhưng tôi nghe vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì đó, chỉ Khánh Ly là trọn vẹn. Từng gắn bó đệm đàn cho người bạn này một thời gian dài, tôi còn nhận thấy điều đáng quý nữa là cô ấy rất biết cách hòa quyện tiếng hát với tiếng đàn để làm tôn lên cái hay của nhạc phẩm. 

3_1399422561.jpg
Nguyễn Ánh 9 và chồng hiện tại của Khánh Ly là bạn bè. 


Trong dịp hội ngộ này, ông có kế hoạch nào với người bạn tri kỷ này?
- Quà tôi dành cho Khánh Ly là đĩa than nhạc của tôi, có bài Mùa thu cánh nâu. Tôi thích Khánh Ly hát bài Mùa thu cánh nâu. Cô ấy hát một cách rất giản dị, có hồn. Tôi còn mong mỏi có dịp đệm đàn cho Khánh Ly hát nhưng đợt này thì khó vì chương trình đã có ban nhạc riêng.

No comments: