Jang Song-Thaek tại tòa án quân sự Bắc Triều Tiên (Ảnh ghi ngày 12/12/2013) - REUTERS/Yonhap
Chuyện 120 con chó của Kim Jong Un và nghề báo
Đăng ngày 2014-01-17 17:20
Phải chăng lãnh đạo độc tài Bắc
Triều Tiên Kim Jong Un dùng 120 con chó đói để hành quyết ông chú dượng bị quy
tội phản bội? Tin đồn này trước tiên lan truyền trên mạng internet và sau đó khoảng một tháng thì được
nhiều tờ báo trên thế giới đăng lại với ngầm ý coi đây như chuyện có thật. Với
tin đồn và internet, mọi thông tin về một quốc gia khép kín như Bắc Triều Tiên
đều có sức thu hút độc giả, đến mức làm cho giới nhà báo quên đi những quy tắc
cơ bản của nghề này.
Đầu tháng 12/2013, ông Jang Song
Thaek, vốn được coi là nhân vật số hai của chế độ Bình Nhưỡng, chú dượng và là
người đỡ đầu Kim Jong Un trong những ngày tháng mới lên cầm quyền, đã bị cáo
buộc tội phản bội. Một phiên tòa xét xử chóng vánh và nhân vật này bị hành
quyết.
Thông tín viên của RFI Frederique
Ojardias, tại Seoul cho biết, ngày 11/12, trên mạng xã hội Trung Quốc Vi Bác,
xuất hiện một thông tin cho rằng, để hành quyết ông Jang và các cộng sự thân
cận, người ta đã thả 120 con chó đói cắn xé các tử tù cho đến chết.
Tin đồn này, có thể coi như một
dạng đùa cợt, đã được Văn Hối Báo (Wen Wei Po), ở Hồng Kông, chuyên đăng các
chuyện giật gân, có thể gọi là « báo lá cải », đưa lại như một thông tin,
với khẳng định rằng ông Jang đã bị 120 con chó đói cắn chết.
Ngay lập tức, thông tin đã được
rất nhiều cơ quan truyền thông nước ngoài, kể cả các trang mạng của một số tờ báo Pháp, đăng lại nguyên văn mà
không hề kiểm chứng. Cho đến khi một nhà báo Mỹ của tò Washington Post chứng minh rằng tin đồn này vô căn cứ.
Đây không phải là vụ việc đầu
tiên. Dường như đối với Bắc Triều Tiên, các phương tiện truyền thông quên hẳn
một trong những quy tắc cơ bản của nghề báo chí : Đó là thẩm tra. Nhiều
website, tờ báo không ngần ngại đăng lại những tin đồn đánh vào sự tò mò, với
dụng ý câu khách.
Mọi người còn nhớ là vào mùa hè
năm ngoái, có tin đồn về việc Bắc Triều Tiên hành quyết một trong những ca sĩ
vốn là người tình của Kim Jong Un. Thông tin này cho đến nay vẫn chưa hề được
kiểm chứng.
Đúng là đối với một nhà báo, việc
kiểm chứng các thông tin về Bắc Triều Tiên rất khó vì đây là quốc gia khép kín
nhất hành tinh. Rất ít nhà báo có cơ hội đến Bắc Triều Tiên để tác nghiệp và
nếu có đến được thì họ cũng bị kiểm soát rất chặt chẽ. Khai thác tình trạng khó
khăn này, một số nhà báo tự cho phép mình đăng tải đủ loại thông tin về Bắc
Triều Tiên, bởi vì chẳng ai có thể kiểm chứng được.
Tuy nhiên, theo thông tin viên
RFI Ojardias ở Séoul, thực ra, các nhà báo có khá nhiều nguồn tin khác nhau tại
Hàn Quốc để có thể đối chiếu, kiểm chứng, như các tổ chức phi chính phủ, các hiệp
hội của những người Bắc Triều Tiên tỵ nạn. Những tổ chức này có các mạng lưới «cộng tác viên » bí mật, ở Bắc Triều Tiên. Họ trao
đổi thông tin qua điện thoại di động và nhờ vậy, người ta có được những thông
tin thật và chính xác. Một số tổ chức còn có website tiếng Anh, với nhiều thông
tin khả tín, như Daily NK ở Seoul.
Việc đưa tin giật gân, câu khách,
không kiểm chứng gây ra những hậu quả. Rất nhiều tờ báo, website nước ngoài đưa
tin về Bắc Triều Tiên như một trò giải trí, hài hước. Tình hình thực tế ở nước
này không phải như vậy : Các vụ thanh trừng, trấn áp, các trại giam giữ tù
chính trị, các hoạt động tuyên truyền tư tưởng quân phiệt là những vấn đề
nghiêm trọng. Nếu muốn hiểu được guồng máy của một chế độ hà khắc, cầm quyền
tại Bắc Triều Tiên từ hơn 60 năm qua, thì cần phải xem xét, xử lý thông tin một
cách nghiêm túc nhất.
Mặt khác, việc đưa tin thiếu cẩn
trọng, thậm chí mang tính hài hước về Bắc Triều Tiên có nguy cơ làm nản lòng
các tổ chức phi chính phủ, thiện nguyện muốn thực hiện các dự án hợp tác nhân
đạo, văn hóa, giáo dục… để có thể thúc đẩy Bắc Triều Tiên mở cửa ra bên ngoài
và đặc biệt là giúp cho người dân nước này thoát ra khỏi sự cô lập, bưng bít
thông tin.
No comments:
Post a Comment