Saturday, December 21, 2013

(503) Việt Dzũng đột ngột qua đời (Updated)

Một con người tài hoa, suốt đời đấu tranh cho nhân quyền
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) - Ca nhạc sĩ Việt Dzũng đột ngột qua đời vì bệnh tim tại bệnh viện Fountain Valley sáng Thứ Sáu, 20 Tháng Mười Hai, hưởng dương 55 tuổi, làm nhiều người, cả đồng hương, đồng nghiệp và bạn bè, bàng hoàng, thậm chí nhiều người không tin là sự thật.
Có thể nói, sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa này làm chấn động cộng đồng người Việt tị nạn không chỉ tại Little Saigon mà còn ở khắp nơi trên thế giới.


Cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
“Ðây là một mất mát lớn lao cho đài Radio Bolsa, giới truyền thông, giới nghệ sĩ, nói riêng, và cho cộng đồng người Việt tị nạn, nói chung,” ông Nguyễn Chí Thiện, giám đốc đài phát thanh Radio Bolsa, nơi nhạc sĩ Việt Dzũng làm việc hàng ngày từ gần 20 năm qua, nói với phóng viên nhật báo Người Việt.
“Mới hôm qua, Việt Dzũng gọi điện thoại xin nghỉ bệnh. Hôm nay mẹ của Việt Dzũng gọi vào đài, không gặp anh và bà đến nhà anh thì được biết anh đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu từ sáng,” ông Thiện nói thêm.
Ngoài Bolsa Radio, nhạc sĩ Việt Dzũng còn làm việc cho đài truyền hình SBTN và Trung Tâm Asia trong gần 20 năm qua.
Nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài truyền hình SBTN kiêm giám đốc nghệ thuật Trung Tâm Asia, không cầm được nước mắt, nói với nhật báo Người Việt bằng giọng xúc động: “Khi nhận hung tin, tôi chưa chấp nhận sự thật. Cho tới khi vào bệnh viện, thấy Việt Dzũng nằm đó, mới biết bạn mình thật sự đi rồi. Trong gần 20 năm qua, phải nói rằng nếu không có Việt Dzũng thì SBTN và Asia không được như ngày hôm nay. Ðối với tôi, Việt Dzũng vừa là người bạn, người anh, và đồng nghiệp. Sự ra đi của anh quá đột ngột. Chúng ta mất một người rất tài hoa.”
“Ðiều mà tôi nhớ nhất là Việt Dzũng rất thương 'đàn em' như ca sĩ và xướng ngôn viên, những người được anh đào tạo khi mới vào nghề,” nhạc sĩ Trúc Hồ nói tiếp. “Anh làm cho người khác nhiều và sống vì người khác nhiều lắm. Tôi nhớ anh nhất là những lần sang trại tị nạn quay phim, dù chân anh bị tật, đi lại khó khăn, nhưng anh vẫn cứ lướt tới, không bao giờ chùn bước.”
Nhà báo Khanh Nguyễn, giám đốc Ban Việt Ngữ đài phát thanh Á Châu Tự Do, chia sẻ: “Trong 30 năm làm việc chung với Việt Dzũng, qua các chương trình trên hai đài phát thanh Little Saigon Radio và Radio Bolsa, phải nói là chúng tôi thân nhau như anh em ruột. Tôi nhớ gặp Việt Dzũng lần đầu năm 1980 ở Washington, DC. Trước đó, tôi từng nghe những bản nhạc do anh sáng tác. Tôi nhớ hôm đó Việt Dzũng nói với tôi: 'Trước giờ anh nghe những bản nhạc của em rồi, nhưng do người khác hát. Hôm nay anh sẽ được nghe những bản nhạc đó, nhưng bằng chính giọng của em.'”
“Khi rời đài Little Saigon Radio và ra mở đài Radio Bolsa, Việt Dzũng có mời tôi cộng tác tiếp và nói 'anh đừng bao giờ bỏ em nhé.' Nhưng hôm nay, thì Việt Dzũng đã bỏ tôi rồi,” nhà báo Khanh Nguyễn chia sẻ tiếp. “Rất nhiều người hôm nay đến bệnh viện hỏi tôi 'Có thật là Việt Dzũng ra đi?' Nhiều người không tin vào hung tin này.”
Ông Nguyễn Hữu Công, giám đốc chương trình của Little Saigon Radio ở Westminster, từng làm việc chung với cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng trong những năm đầu tiên khi đài mới thành lập.
Ông chia sẻ: “Phải nói đây là một mất mát lớn cho cộng đồng, cho phong trào nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam. Việt Dzũng rất tích cực, một tiếng nói được nhiều người tin cậy.”
“Về mặt phát thanh, anh là một người đa tài, và là người đầu tiên trình bày tin tức theo phong cách của người Mỹ,” ông Công nói tiếp. “Hồi bên Việt Nam, thế hệ chúng tôi được huấn luyện đọc tin rất trịnh trọng. Nhưng khi Phạm Long, Minh Phượng và Việt Dzũng ngồi chung, thì chính Việt Dzũng là người trình bày bản tin thoải mái, có tiếng cười, từ đó, ngành phát thanh có thay đổi.”


Cố nhạc sĩ Việt Dzũng và xướng ngôn viên Minh Phượng trên trang báo OC Register ngày 1 Tháng Sáu, 1997. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Ông Nguyễn Hữu Công cho rằng, trong ngành truyền thông, ca nhạc sĩ Việt Dzũng là một nhà báo hơn là một xướng ngôn viên đọc tin tức, vì “anh biết tìm tòi tin tức và gởi đến thính giả một cách nhanh nhất.”
Nhà báo Phạm Long, hiện đang làm việc cho đài truyền hình Vietnam America 57.3, tâm sự: “Tôi rất ngậm ngùi khi hay tin, vì Việt Dzũng là một người làm việc rất chuyên nghiệp. Dù tôi ở trong nghề lâu hơn anh, nhưng chính anh là người luôn có những sáng kiến và đánh máy rất nhanh, từ tiếng Anh sang tiếng Việt và từ tiếng Việt sang tiếng Anh.”
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi với anh là khi chúng tôi bắt đầu làm chương trình 'Niềm Mơ Ước Mùa Giáng Sinh.' Chương trình hôm đó rất cảm động, ngày nào chúng tôi cũng nhận được thư từ và đóng góp tài chánh, để có thể mua quà Giáng Sinh cho các em nhỏ.”
Tại Trung Tâm Asia, nhiều ca sĩ vẫn còn ngỡ ngàng khi hay tin “người anh” của họ ra đi.
Ca sĩ Ðoàn Phi kể: “Sáng thức dậy, tôi nhận được rất nhiều tin nhắn. Khi mở ra nghe, không thể tin đó là sự thật, vì tôi mới nói chuyện với anh hôm tham gia chương trình Viet Love for Philippines. Cho đến khi biết sự thật, tôi đi lang thang, thẫn thờ ngoài đường, suy nghĩ về anh, một người tôi coi như anh của mình.”
“Rồi tôi đến Asia để hỏi thăm việc hậu sự, rồi đến nhà thờ cầu nguyện cho anh,” ca sĩ Ðoàn Phi nói tiếp. “Anh là một người tài hoa, đóng góp rất nhiều cho cộng đồng. Hầu như cả cuộc đời anh cống hiến cho nhân quyền Việt Nam. Trong nghề nghiệp, anh là một người bạn, người anh, và người thầy của tôi.”
Ca sĩ Hoàng Anh Thư không nén nổi nỗi xúc động, nói chầm chậm: “Em chỉ biết khóc và cầu nguyện cho linh hồn anh thanh thản. Anh là một người rất tốt. Khi em mới tới Mỹ, anh chính là người nâng đỡ em, dạy dỗ từng lời, nhiệt tình và thật thà. Em chắc chắn anh sẽ lên Thiên Ðàng.”
“Em có rất nhiều kỷ niệm với anh. Mỗi lần đi show chung, em là người đẩy xe lăn cho anh, từng ăn cơm chung với vợ chồng anh tại nhà, rất là vui. Nhưng bây giờ, những ngày vui như vậy không còn nữa,” nữ ca sĩ này nói tiếp.
Từ 10 giờ sáng, một số thân hữu nghe hung tin và đến đài Radio Bolsa để hỏi thăm, như nhà báo Du Miên, ông Nguyễn Bá Thành, ký giả Khúc Minh, nữ sĩ Bích Huyền, Giám Sát Viên Janet Nguyễn, ông Lê Công Tâm, ca sĩ Chung Tử Lưu và một số bạn khác.
Khuôn mặt mọi người buồn rười rượi, có người mắt đỏ hoe.
“Mới gặp đó mà nay Dzũng đã đi rồi,” bà Bích Huyền nói trong cơn xúc động.
Trên tường, trước cửa phòng thu âm có treo bức ảnh cố nhạc sĩ Việt Dzũng và xướng ngôn viên Minh Phượng trong một bài viết của báo OC Register ra ngày 1 Tháng Sáu, 1997, nhân dịp khai trương đài Radio Bolsa.
Một tấm ảnh khác trên bức tường đối diện cũng là hình hai người trên trang “Show Saturday” với tựa đề “Tuning In To Little Saigon.”
Ông Nguyễn Bá Thành đến đài để quảng bá chương trình “Niềm Mơ Ước Mùa Giáng Sinh” cho biết: “Tưởng như mới ngày hôm qua thôi, vì tôi và Việt Dzũng cùng làm MC trên sân khấu ngày 15 Tháng Mười Một trong lần gây quỹ ở Dallas cho nạn nhân Philippines.”
“Chính Việt Dzũng và chị Minh Phượng đặt tên cho chương trình 'Niềm Mơ Ước Mùa Giáng Sinh” 21 năm trước trên đài Little Saigon Radio và Little Saigon Foundation. Việt Dzũng là một 'ông già Noen của thế hệ trẻ Việt Nam ở hải ngoại,'” ông Thành nói thêm.
Trên trang mạng của Người Việt Online, bản tin ca nhạc sĩ Việt Dzũng qua đời có tới hơn 50,000 lượt người vào đọc.
Trên các diễn đàn Internet, mở ra chỗ nào cũng thấy email “Vô cùng thương tiếc ca nhạc sĩ Việt Dzũng” chuyển đi khắp thế giới.
Tất cả các cơ quan truyền thông Việt Ngữ ở hải ngoại đều đưa tin sự ra đi của ca nhạc sĩ được nhiều người biết đến, từ khi còn ở trong nước, cho tới khi ra hải ngoại, nhất là ca khúc do ông sáng tác, “Một Chút Quà Cho Quê Hương.”
Tại hải ngoại, ca nhạc sĩ Việt Dzũng gần như không bao giờ vắng mặt trong các chương trình văn nghệ đấu tranh, nhất là cùng với ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh.


Nữ sĩ Bích Huyền bật khóc trước hung tin khi nói chuyện với ca sĩ Chung Tử Lưu tại đài Radio Bolsa. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Trong một thông cáo báo chí, nữ Dân Biểu Loretta Sanchez (Dân Chủ-Ðịa Hạt 46) chia sẻ: “Hôm nay, chúng ta mất ca nhạc sĩ Việt Dzũng, một người đóng góp trong hơn 30 năm cho cộng đồng Việt Nam ở Orange County cũng như tại hải ngoại. Ông được biết là một nhạc sĩ, ca sĩ, nhà tổ chức, nhà thiện nguyện, nhà báo, MC và xướng ngôn viên Radio Bolsa.”
“Cá nhân tôi được biết ca nhạc sĩ Việt Dzũng trong vai trò một nhà hoạt động nhân quyền, một người bỏ cả cuộc đời đấu tranh cho tự do và dân chủ tại Việt Nam,” bà Sanchez cho biết tiếp. “Tôi xin chia sẻ sự mất mát này với cộng đồng Việt Nam, gia đình cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng, và nhất là những người ngưỡng mộ ông. Mọi người sẽ không bao giờ quên ông.”
Ký giả Khúc Minh, một đồng nghiệp của ca nhạc sĩ tại Bolsa Radio, cho biết: “Việt Dzũng qua Mỹ ngày 30 Tháng Tư trên tàu Trường Xuân của cụ Phạm Ngọc Lũy, khi ấy là thuyền trưởng. Anh tốt nghiệp cử nhân Toán và Âm Nhạc đại học Oklahoma. Sau về làm việc chung với thi sĩ Du Tử Lê ở Houston, Texas, và được nhiều người biết đến qua tuyển tập nhạc 'Kinh Tị Nạn' năm 1983, trong đó có bài 'Một Chút Quà Cho Quê Hương.'”
Cũng theo ông Khúc Minh, cuối năm 1984, cố nhạc sĩ Việt Dzũng dọn về California và tham dự nhiều sinh hoạt văn hóa như cộng tác với báo Diễm (Trần Thị Diễm Phúc), báo Hồn Việt (Ngọc Hoài Phương). Anh từng sinh hoạt trong Phong Trào Hưng Ca Việt Nam với ca nhạc sĩ Nguyệt Ánh, và tham dự nhiều sinh hoạt từ thiện, đấu tranh cho tự do và nhân quyền Việt Nam với các đoàn thể trong cộng đồng. Sau khi làm việc cho đài phát thanh Little Saigon Radio từ năm 1992 đến năm 1996, ông cùng Minh Phượng sáng lập Radio Bolsa ở Westminster từ đó đến nay.
Ngoài ra, ông cũng cộng tác với đài truyền hình SBTN ở Garden Grove và là MC trong nhiều băng nhạc của Trung Tâm Asia.
Hiền thê của ông là nhiếp ảnh gia Bébé Hoàng Anh.
Việt Dzũng tên thật Nguyễn Ngọc Hùng Dũng, sinh năm 1958 tại Sài Gòn.
Thân phụ của ông là Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bảy, và mẹ là cựu giáo sư trung học Gia Long.
Ca nhạc sĩ Việt Dzũng sáng tác nhiều ca khúc, bao gồm nhạc đấu tranh và tình ca. Những ca khúc nổi tiếng của ông, ngoài “Một Chút Quà Cho Quê Hương,” còn có “Lời Kinh Ðêm,” “Mời Em Về,” “Tình Ca Cho Nguyễn Thị Sài Gòn,” “Tình Như Cây Cà Rem,” “Và Em Hãy Nói Yêu Anh,”...




MC Nam Lộc nói rõ hơn về vấn đề “Phủ Cờ” trong tang lễ nhạc sĩ Việt Dzũng.
Kính thưa quý vị, vì là người loan báo về vấn đề “Phủ Cờ” cho nhạc sĩ Việt Dzũng trong buổi Lễ Tưởng Niệm trên đài truyền hình SBTN tối Thứ Sáu 27, 2013 vừa qua, và để tránh những dẫn giải không chính xác, tôi xin phép được nói rõ hơn về vấn đề “Phủ Cờ” trong tang lễ nhạc sĩ Việt Dzũng như sau:
Quyết định không làm lễ “Phủ Cờ” do thân mẫu của nhạc sĩ Việt Dzũng là bà qủa phụ Nguyễn Ngoc Bẩy, nhũ danh Nguyễn Thị Nhung đưa ra vào buổi họp mặt cùng với Ban Tổ Chức tang lễ cho nhạc sĩ Việt Dzũng gồm có đại diện các cơ quan truyền thông và tổ chức mà nhạc sĩ Việt Dzũng đã cộng tác khi còn sinh tiền như: Radio Bolsa, phong trào Hưng Ca, đài truyền hình SBTN, ban Tù Ca Xuân Điềm, đại diện của một số hội đoàn trẻ cùng đầy đủ anh chị em trong gia đình của nhạc sĩ Việt Dzũng. Quyết định này hoàn toàn không chịu ảnh hưởng hoặc vì e ngại bởi bất cứ áp lực của một cá nhân, hội đoàn hoặc tổ chức nào.

Trong buổi họp mặt nói trên, thân mẫu của nhạc sĩ Việt Dzũng cho biết, bà và toàn thể tang quyết vô cùng hãnh diện và trân trọng về nhã ý của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH cùng lời đề nghị của quý hội đoàn trong quân đội cũng như cộng đồng người Việt Tỵ Nạn CS ở khắp mọi nơi về việc “Phủ Cờ” cho Việt Dzũng. Tuy nhiên sau khi đích thân tìm hiểu về nghi thức này, bà cho biết luật phủ cờ có sự khác biệt giữa quốc gia Hoa Kỳ và VNCH. Chính phủ Hoa Kỳ cho phép bất cứ một cá nhân nào dù là quân nhân hay dân sự, nếu có công trạng với đất nước, thì khi nằm xuống người đó sẽ nhận được vinh dự “Phủ Cờ”. Nhưng đối với chính thể VNCH thì luật lệ đã được ghi rõ rằng “lễ nghi quân cách” này chỉ dành riêng cho quân đội mà thôi, đồng thời chỉ có những người hy sinh vì tổ quốc mới nhận được vinh dự đó. Bà cho biết thêm mặc dù con trai của bà, nhạc sĩ Việt Dzũng là một chiến sĩ chống Cộng, luôn luôn đi tiên phong trong những cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ, cũng như bảo vệ chính nghĩa quốc gia cùng là Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ, tuy nhiên Việt Dzũng không ở trong quân đội, cho nên để giữ đúng nguyên tắc, và tôn trọng luật lệ, vì thế bà và gia đình đã đưa ra quyết định nói trên, và đó là lý do duy nhất mà gia đình xin phép được miễn nghi thức “Phủ Cờ”.

Cầu nguyện trước ngày tiễn biệt (ảnh VB)
Là một cựu giáo sư trường trung học Gia Long, đồng thời cũng là quả phụ của một sĩ quan trong Quân Lực VNCH, đặc biệt là với sự tìm hiểu kỹ lưỡng và nghiêm túc của bà Nguyễn Ngọc Bẩy, cho nên tất cả mọi người đều tôn trọng quyết định là sẽ không làm lễ “Phủ Cờ” cho nhạc sĩ Việt Dzũng, và thay vào đó là phần “Trao Cờ” VNCH cho gia đình như một biểu tượng danh dự dành cho Việt Dzũng, một người đã luôn luôn sát cánh bên cạnh lá Cờ Vàng thân yêu từ khi còn sống cho đến khi nhắm mắt. Nhân đây chúng tôi cũng xin nói thêm rằng, một vị dân biểu Liên Bang Hoa Kỳ cũng đã trao tặng lá Quốc Kỳ của nước Mỹ cho gia đình nhạc sĩ Việt Dzũng trong buổi Lễ Tưởng Niệm tối Thứ Sáu vừa qua.
Xin thành thật cám ơn sự quan tâm và ý kiến của toàn thể quý vị,
Nguyễn Nam Lộc
Nhưng chim đã gãy cánh.
Thứ hai, ngày 30 tháng mười hai năm 2013
Tôi định không viết gì về anh, mặc dù những ca từ Chút Quà Cho Quê Hương, Lời Kinh Đêm hay Mời Em Về của anh đọng sâu sắc trong tôi lúc tôi chỉ mười mấy tuổi. Lúc tôi không ý thức nhiều về chính trị, nhưng thân phận con người trong lời ca của những nhạc phẩm mà anh sáng tác thật khủng khiếp. Có lẽ tôi chưa thấy một nhạc sĩ nào vẽ những nét vẽ về thân phận con người mà sự ám ảnh ghê gớm như Lời Kinh Đêm. Nhất là câu hỏi da diết với trời xanh, biển cả đang làm giống tố quăng quật những con thuyền mong manh giữa trùng khơi.

Biển ngây ngô hay biển man rợ
Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ.

Sở dĩ tôi định không viết bởi tôi hèn. Tuy rằng trong thâm tâm tôi nếu có dịp sang Mỹ, kiểu gì tôi cũng tìm gặp để chào anh một cái bắt tay. Tôi hèn chẳng phải tôi sợ những người cộng sản đối nghịch với anh, họ làm gì tôi. Tôi hèn vì tôi sợ '' một số người ''  những người đấu tranh dân chủ.
Họ sẽ chửi tôi tư cách gì viết về anh hả thằng oắt con Bắc Kỳ. Mày định lăng xê cho bản thân mày à.?
Họ chửi bạn tôi hay thằng em Nguyễn Lân Thắng của tôi như vậy. Chỉ hành động ghé thăm nghĩa trang Biên Hòa, thắp nén hương cho người đã khuất. Nguyễn Lân Thắng bị một số kẻ tự nhận là hậu duệ của quân lực VNCH chửi bới. Họ cho rằng Nguyễn Lân Thắng không đủ tư cách để thắp hương , để bén mảng đến nghĩa trang Biên Hòa nơi những chiến sĩ QLVNCH an nghỉ....Cho nên tôi cũng sợ khi nhắc đến những người như các anh.
Tôi kể sơ qua lý do vậy, chứ tôi có cách thủ rồi. Giờ viết gì tôi nhận tôi hèn, ngu, lưu manh, cơ hội...nhận một lô xích xông sẵn thế, cho một số nhà ''đấu tranh dân chủ '' khỏi lo tôi tư cách có hay không. Có chửi tôi thì chả ăn thua vì tôi tự chửi mình trước rồi.
Không biết trình tự của ba nhạc phẩm trên, nhạc phẩm nào có trước. Những cảm nhận của mình tôi sắp xếp trình tự như ở phần đầu. Nhạc phẩm Chút Quà Cho Quê Hương đắng chát, trần trụi về một sự thật tăm tối thời bấy giờ trong nước, trong nhạc phẩm ấy tình trạng đói kém và thiếu thốn về vật chất được phác họa không chút che đậy màu mè, dăm ba thước vải, chiếc nhẫn yêu thương, cây bút máy, hộp diêm nhóm lửa..thú thực khi nghe bài đó. Tôi cũng ước có thân nhân ở nước ngoài để có quà là cây bút máy hay vài chiếc kẹo để ngậm cho ngọt giữa cuộc đời đầy cay đắng vì đói khát, thèm thuồng.
Rồi đến bài Lời Kinh Đêm thật sự tôi không nghĩ đó là cùng một tác giả. Bởi sự trần trụi cay đắng của Chút Quà Cho Hương lớn quá, khiến tôi không nghĩ nổi một nhạc phẩm đầy chất triết lý về sinh tử, chia ly được ẩn sâu trong ca từ như.

Thuyền bấp bênh cuộc sống mơ hồ
Người buông xuôi về nơi đáy nước
Người có mộng một nấm mồ xanh.

Thật khủng khiếp cho những người vượt biển, người vượt biển khi buông xuôi về nơi đáy nước với ước mơ thân xác mình có một nấm mồ xanh cỏ. Như bao nhiêu người chết bình thường khác trên bờ. Người ta có vô vàn ước mơ, nhưng ước mơ chết có được nấm mồ thì mấy nhà văn, nhà thơ nào tưởng rượng nổi. Phải chăng chính sự trải nghiệm của mình qua cuộc vượt biển đã khiến cho anh thấu được ước mơ của những người chết đuối trên biển Đông như vậy.
Thế rồi đột ngột nhạc phẩm Mời Em Về tuy có dấu ấn chung về nỗi buồn thân phận lưu vong như hai bài trước, nhưng nhạc phầm này ca từ lãng mạn một cách êm đềm đến dịu ngọt. Tôi cám ơn anh , mặc dù anh chưa ra Hà Nội lần nào nhưng nét vẽ của anh về Hà Nội, về một bà mẹ Hà Nội tóc bạc ngồi đâu đó đang tụng lời kinh Phật , tiếng Nam Mô buồn..làm tôi nhớ người mẹ già của tôi vô vàn. Người mẹ già của tôi đã bao lần ngồi đâu đó ở ngồi chùa nào của Hà Nội tụng kinh khấn Phật mong cho tôi thoát được cảnh ngục tù.
Bài hát dịu dàng lắm, này Cổ Ngư chiều đổ lá, trong mưa buồn lưa thưa, này phố phường xưa những chiều mưa phủ.
Bài hát mà lời như định mệnh. Mà cả lời của ba bài hát, có bài nào lời không như định mệnh đâu.? Một định mệnh buồn của thân phận tha hương.

Nhưng chim đã gãy cánh
Nhưng mấy đã ngừng trôi
Để cho tôi còn lại nơi này.

Mong anh nằm yên bình nơi ấy, nếu có dịp mà tôi sang bên đó. Chắc chắn sẽ đến nấm mồ xanh của anh để thắp nép hương cho một trong những người nhạc sĩ  Việt Nam, đã viết  những nhạc phẩm về thân phận con người sâu sắc nhất.
Mong lời ca của anh sẽ khiến những con chim xa xứ không bao giờ mỏi cánh ước mơ tìm về với quê cha, đất mẹ. Để chao cánh lượn trên bầu trời Hà Nội, Sài Gòn trong một chiều say nắng.
Chia buồn với trung tâm Asia đã mất đi một người MC ưu tú, người MC quan tâm sâu sát đến từng diễn biến của những người đấu tranh trong nước, nhắc tên những người đấu tranh trên sân khấu giữa hàng nghìn khán giả. Để cho những người yêu nước bên ngoài và những người yêu nước bên trong thấy gần gũi với nhau hơn, gắn bó và hiểu biết nhau hơn. Khoảng trống của anh để lại thật lớn trên sân khấu Asia. Hy vọng những MC như Nam Lộc, Thùy Dương cập nhật tình hình trong nước nhiều hơn và cặn kẽ hơn để lấp khoảng trống mà Việt Dzũng bỏ lại, thiết nghĩ đó cũng là cách tưởng nhớ người nhạc sĩ tài hoa và đầy lòng trắc ẩn, bao dung đó. 
Photo: *** PHÓNG SỰ ĐẶC BIỆT TỪ VIỆT NAM ***

NGƯỜI BIỂU TÌNH TRONG NƯỚC ĐẦU NĂM 2014 DIỄU HÀNH MANG THEO BIỂU NGỮ THƯƠNG TIẾC NHẠC SĨ VIỆT DZŨNG

http://www.youtube.com/watch?v=IGICdvYzBpU

SBTN - Sáng đầu năm 1 tháng 1, 2014, hàng trăm dân oan bất ngờ đổ về Sài Gòn, tập trung trước Dinh Độc Lập và hô vang khẩu hiệu tố cáo chế độ phi nhân của CSVN. Nhưng điều bất ngờ nhất là xen lẫn trong các biểu ngữ tố cáo chế độ, có cả biểu ngữ thương tiếc nhạc sĩ Việt Dzũng.
Như quý vị đã thấy, biểu ngữ thương tiếc nhạc sĩ Việt Dzũng không chỉ được giăng lên mà còn được những người biểu tình hô vang khẩu hiệu, giải thích với mọi người về sự ra đi của ông.

Người thuyết trình cho cuộc biểu tình nói rõ “nhạc sĩ Việt Dzũng là một người tranh đấu bằng bài hát và cùng xuống đường với đồng bào người Việt hải ngoại để tố cáo sự phi nhân của chế độ CSVN. Ông ra đi là một điều vô cùng đáng tiếc cho phong trào tranh đấu”. Sau những lời giải thích như vậy, người ta nghe được những tràng hô to “đả đảo Cộng sản Việt Nam, đả đảo chế độ tham nhũng hại dân”. 
Giải thích thêm về biểu ngữ ghi dòng chữ "Vô cùng thương tiếc cố ca nhạc sĩ Việt Dzũng", những bà con dân oan cho biết đây là hành động nhằm tri ân người nhạc sĩ đã hy sinh và dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho phong trào đấu tranh đòi nhân quyền tại Việt Nam.

Các hãng thông tấn nước ngoài cũng kịp ghi nhận cuộc biểu tình rầm rộ này vào sáng ngày 1/1/2014. Tin tức mô tả hàng trăm dân oan các tỉnh miền Nam mang theo xoong chảo, băng rôn, biểu ngữ... bất ngờ đổ về khu vực công viên 30/4 (Bên hông Nhà thờ Đức Bà) để biểu tình chống tham nhũng, cướp đất. Trước khi bị công an đàn áp, cuộc biểu tình vào lúc cao trào đã thu hút sự quan tâm của khoảng một ngàn người dân Sài Gòn có mặt tại khu vực trung tâm.

Cuộc biểu tình này sự kiện lớn thứ hai trong ngày 1 tháng 1 đầu năm, sau khi có tin tại Hà Nội, một nhóm bảo vệ người dân khiếu kiện đã truyền đi bản Tuyên Bố Thành lập ban vận động Hiệp Hội Dân oan Việt nam. Bản Tuyên bố được gửi đến Chủ tịch Quốc hội và Bộ trưởng Nội vụ. Ban vận động thành lập Hiệp hội Dân oan Việt Nam đề cử bà Lê Hiền Đức, 83 tuổi, người được Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) trao giải thưởng Liêm chính năm 2007, làm Chủ tịch danh dự của hiệp hội. Hiệp hội này hình thành cũng đã làm cho chế độ CSVN rúng động.

Trả lời các đài nước ngoài, bà Lê Hiền Đức cũng không ngần ngại nêu rõ ý nghĩa dân oan, một từ mới trong tự điển tiếng Việt hiện đại. Bà Đức nói rằng : “Dân oan tức là những người dân lành thân yêu của tôi, của chúng ta, bị chính quyền câu kết với nhau, nó đè nén, nó cưỡng bức, nó cướp đất, cướp nhà của người ta”.

NGƯỜI BIỂU TÌNH TRONG NƯỚC ĐẦU NĂM 2014 DIỄU HÀNH MANG THEO BIỂU NGỮ THƯƠNG TIẾC NHẠC SĨ VIỆT DZŨNG

NGHỊ SĨ TIỂU BANG CALIFORNIA LOU CORREA DỰ ĐỊNH ĐẶT TÊN VIỆT DŨNG CHO XA LỘ TỈNH TIỂU BANG
Hãy nghe Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California, Lou Correa, phát biểu cảm tưởng trong đêm tưởng niệm nhạc sĩ Việt Dũng ngày 27/12/2013
Dem Tuong Niem Nhac Si Viet Dzung (The Son Senator Lou Correa)
Good evening.
Minutes ago I was sitting next to the venerable Thich Vien and we spoke and tried to determine Viet's religion. Was he catholic ? was he buddist ? what was he ? I think he was catholic, but as the venerable would say he came to volunteer at my temple many times, just the last two weeks. As so it is with great men, they do not belong to any one religion, but they belong to all of us. Viet was a man with many talents. I knew him as an entertainer, as a writer, as a singer, as a musician, and yet the one area I knew him the best was in his activism for human rights and religious freedom for all around the world but specially for those in Vietnam. That was his passion, and it should be all of our passion. The one area that I knew him best for was as a reporter. Many times I had the honour to sit with him, and to speak about the role of the press and they free a democratic society, the strong, the awesome responsibility of the press in assuring freedom and democracy. And I remembered in those discussions, every once in a while that he would turn to me and asked me a very sharp question, which would put me in a defensive and I would have to answer him very straight, as that the way he wanted to hear ... straight.
Viet was also a very giving man. In many occasions I would ask him to come, and speak to my students at my young senator program and he always came. He never said no. He would show up and spent hours with the students, telling them about the role again of the press in the society, and his opinion is about the role of the press should be in our society.
As I look on here today, I see many elected. I see council members. I see mayor. I am neither. I don't have a resolution today for the family. I don't have the key (?) to the city today. But what I do have is a thought, that we can not forget the lesson that Viet has started. So if I may with the blessing of the family, I am going to see if the State of California can name a part of the state highway in his honour and in his name. So that each time I drive by, each time our children drive by the state highway and they see his name, they will remember and they will ask what this great man was all about.
Thank you very much.
Tạm dịch:

Chào quý vị,
Vài phút trước đây khi tôi ngồi cạnh hòa thượng Thích Viên, chúng tôi có nói chuyện về tôn giáo của Việt Dũng. Chúng tôi không biết anh là người công giáo hay phật giáo ? Tôn giáo của anh là gì ? Tôi nghĩ anh là theo công giáo, nhưng hòa thượng có nói là anh đã tới làm thiện nguyện ở chùa của ông nhiều lần chỉ trong hai tuần qua. Như với những người vĩ đại, họ không chỉ thuộc vào một tôn giáo nào, mà họ là của tất cả chúng ta. Việt Dũng là người đa tài. Tôi biết anh là một người entertainer (nghệ sĩ hài), là văn sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ, nhưng khía cạnh tôi biết anh nhất là một nhà tranh đấu cho nhân quyền, cho tự do tôn giáo cho tất cả mọi người trên thế giới, đặc biệt là cho người Việt. Đó là niềm đam mê của anh, và cũng nên là niềm đam mê cho tất cả chúng ta. Một khía cạnh khác mà tôi biết về anh là như một người phóng viên. Nhiều lần tôi có vinh hạnh ngồi với anh và nói chuyện về vai trò của báo chí và việc báo chí giải phóng xã hội dân chủ, về sức mạnh và trách nhiệm quan trọng của báo chí trong việc bảo đảm tự do và dân chủ. Tôi nhớ lại trong những lần bàn thảo đó, đôi khi anh quay về tôi và hỏi tôi những câu hỏi sắc bén làm cho tôi trở thành bị động, và tôi đã phải trả lời anh ta một cách thẳng thắn, vì đó là cách mà anh muốn nghe, sự thẳng thắn.
Việt Dũng là người có lòng tấm lòng bác ái. Tôi có nhiều lần mời anh tới để nói chuyện với học trò của tôi trong chương trình nghị viên trẻ, và anh không bao giờ từ chối. Anh bỏ nhiều thời giờ với các em học sinh, nói cho các em biết về vai trò của báo chí trong xã hội, và chia xẻ những suy nghĩ của anh về vai trò của báo chí.
Khi tôi nhìn xuống khán giả, tôi thấy có nhiều thành viên hội đồng thành phố, có nhiều thị trưởng. Tôi thì không phải là thị trưởng, cũng không phải trong hội đồng. Hôm nay tôi không có nghị quyết gì cho gia đình Việt Dũng. Tôi cũng không giữ chìa khóa (?) của thành phố. Nhưng có suy nghĩ như vầy, là chúng ta không thể quên bài học mà Việt Dũng đã bắt đầu. Vì vậy, với sự đồng ý của gia đình, tôi sẽ tiến hành việc vinh danh anh bằng cách đặt tên anh cho một phần của xa lộ tỉnh tiểu bang California. Để cho mỗi lần tôi và các thế hệ con cháu khi lái xe trên xa lộ này và nhìn thấy tên của anh thì sẽ tưởng nhớ và sẽ hỏi để tìm hiểu về anh.
Xin trân trọng cám ơn.
Điềm báo trước?
Đại hội 30 năm Việt Dzũng và Phong Trào Hưng Ca. Washington DC tháng 6 năm 2010
 Youtube này quá cảm dông. Moi xem. (Andy Dang)


Ai có thể liên lạc với Nguyệt Ánh xin cho cô ấy biết bài thuốc chữa bệnh đau bao tử. Bản thân tôi là bằng chứng, tôi đã dùng và dứt hẳn bệnh. Dùng nghệ tươi rửa sạch (để nguyên vỏ), xắt lát, phơi hoặc sấy khô, sau đó xay nhuyễn vừa phải, phần nghệ sau khi xay sẽ còn hơi ướt, ta đem trộn với mật ong, vo thành viên như viên thuốc tễ to bằng đầu ngón tay cái. Bỏ các viên nghệ này vào lọ thủy tinh, để trong tủ lạnh cho không bị mốc, tốt nhất là làm đủ để dùng cho 1 hay 2 tuần. Sau mỗi bữa cơm tối, tôi uống 4 viên nghệ trộn mật ong như vậy; nếu bệnh nặng có thể uống thêm 1 lần nữa sau bữa ăn sáng. Khi uống nhớ nuốt chửng với nước, đừng nhai để tránh bị vàng răng và miệng. Đối với tôi, đó là thần dược.

No comments: