Tuesday, August 27, 2013

(472) Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ... Đờm Rãi (Updated: 29-8-2013)

Làng nhạc Việt - nơi những lời nói thật bị hắt hủi
(Dính đến loại "hủi" làm gì nữa. Ca bài Không đi ông nhạc sĩ.)
Câu chuyện lời qua tiếng lại giữa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là ví dụ mới nhất cho thấy, những lời phê bình tâm huyết khó tồn tại trong môi trường chuộng sự tụng ca như showbiz Việt.
 'Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không cần xin lỗi Đàm Vĩnh Hưng'  
Mới đây, trong bài phỏng vấn trên một tờ báo, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chia sẻ quan điểm riêng về một loạt ca sĩ thế hệ sau như Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà... Khi đề cập đến Đàm Vĩnh Hưng, báo dẫn lời nhạc sĩ cho rằng, Đàm không phải là "ca sĩ đúng nghĩa" mà chỉ là "người hát". "Giọng Đàm Vĩnh Hưng nửa Nam nửa Bắc, cách thức hát cũng không có và lối hát cũng vậy. Hồi xưa, Đàm Vĩnh Hưng mà đi hát thì chỉ xứng là ca sĩ loại C hát lót chứ không được vào hạng ca sĩ chính của phòng trà đâu!", bài báo trích lời vị nhạc sĩ. Trước những đánh giá này, Đàm Vĩnh Hưng đáp trả bằng một bức "tâm thư". Anh đưa ra hai giả thuyết: một, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 bị người viết bài phỏng vấn "cài bẫy" và dẫn dắt... Hai: Nếu trong trường hợp Nguyễn Ánh 9 đã nêu ra những nhận xét thực sự như thế, thì đích thực ông là "ngụy quân tử". Bởi theo Đàm Vĩnh Hưng, những hành xử của Nguyễn Ánh 9 từ trước đến nay khác xa với lời nói của ông.Trả lời VnExpress chiều 26/8, Nguyễn Ánh 9 cho biết, ông đã đọc toàn bộ bức "tâm thư" của Đàm Vĩnh Hưng. Ở giả thuyết đầu do nam ca sĩ đặt ra, ông chia sẻ: bài phỏng vấn có những câu nói được đặt, thêm thắt không đúng chỗ khiến cho lời nhận xét của ông càng thêm nặng nề, "mất cái hay của người nói và làm người nghe cũng mất niềm tin". Tuy vậy, Nguyễn Ánh 9 vẫn bảo lưu các ý kiến của mình: "Tôi nói với lòng thành thật và không hề cố ý xúc phạm ai hết vì họ cũng không làm gì tôi để tôi xúc phạm họ".


Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.Nhạc sĩ 73 tuổi khẳng định, ông chỉ nêu lên nhận định cá nhân ở góc độ của tác giả ca khúc Ai đưa em về. "Tôi thấy bài hát đó Đàm Vĩnh Hưng hát không hợp, hát không đúng ý tôi mong muốn, chứ tôi không hề chỉ trích. Tôi chỉ bức xúc và nói về vấn đề bài hát của tôi", ông chia sẻ.
Tác giả Buồn ơi chào mi không buồn khi bị gọi là "ngụy quân tử" vì ông cho rằng, có thể Đàm Vĩnh Hưng viết ra những lời này lúc đang nóng giận và "sốc". Nhưng ông khẳng định, ông chưa bao giờ mời Đàm Vĩnh Hưng hát trong chương trình của mình. "Trong đời mình, tôi cũng chỉ từng một lần đệm đàn cho Đàm Vĩnh Hưng hát ở Trống Đồng. Mà thật ra lần đó là tôi đàn cho Dương Triệu Vũ hát Ai đưa em về, Đàm Vĩnh Hưng hát bè theo. Đó là lần duy nhất!", ông nói.
Không chỉ với riêng với Đàm Vĩnh Hưng, trong bài phỏng vấn "gây bão", nhạc sĩ cũng thấy buồn trước hiện tượng ca sĩ bây giờ quá chú trọng vào chuyện ăn mặc, trang điểm cho đẹp, khi lên sân khấu ít đặt cảm xúc vào âm nhạc, không để tâm hồn vào bài hát. Ông cũng nêu ví dụ cụ thể, những người có khả năng thanh nhạc như Thanh Lam, Mỹ Linh, Bằng Kiều... ngày càng lạm dụng kỹ thuật, cố khoe giọng mà vô tình làm hỏng tình cảm trong bài hát...
Những chuyện Nguyễn Ánh 9 đề cập đều không mới. Từ nhiều năm nay, làng nhạc Việt Nam vốn phát triển bề rộng mà ít có chiều sâu. Sự hời hợt trong sáng tác ca khúc nhạc nội và sự dễ dãi trong việc đón nhận của một bộ phận công chúng là những yếu tố góp phần tạo nên tình trạng này. Vào đầu tháng 5, trong đêm nhạc của chương trình Tiếng hát mãi xanh, ở tuổi 89, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng chê những ca sĩ thích "hét" hơn là hát và "tưởng như thế là hay". Còn nhạc sĩ Quốc Dũng cũng từng thổ lộ với báo chí, ông không còn cảm hứng âm nhạc: "Những cái tôi làm lạc lõng với thế giới âm nhạc bây giờ chủ yếu dành cho tuổi teen. Ít để ý đến thị trường nhạc Việt bây giờ nhưng tôi thấy rằng, mỗi thời gian, mỗi thế hệ có một sở thích âm nhạc khác nhau mà thế hệ của chúng tôi thì xa rồi. Tôi đã 'rửa tay gác kiếm' lâu lắm rồi...".
Trong bối cảnh đó, Việt Nam hầu như không có những nhà phê bình âm nhạc đúng nghĩa. Các ca sĩ, nhạc sĩ thường tự đăng đàn nói về nhau, bằng những lời có cánh. Vì thế, thỉnh thoảng, những lời nói thật, không đi kèm sự tụng ca, lập tức bị "ruồng rẫy".
Những quan điểm của Nguyễn Ánh 9 có thể gây tranh cãi, có thể được đồng tình hoặc bị phản đối. Tuy nhiên, thứ gây ồn ào nhất không còn là nội dung của bài phỏng vấn mà là cách hành xử của người nghệ sĩ. Trước những nhận định của nhạc sĩ lão làng, ca sĩ Mỹ Tâm, Tuấn Hiệp, hai trong số những người ông đề cập đến đã lên tiếng với ý chung, chuyện khen chê, thích hay không thích là bình thường, các ca sĩ cũng cần phải xem lại. Ít nhiều, họ đã đón nhận ý kiến của Nguyễn Ánh 9 bằng sự tiếp thu, lắng nghe. Riêng Đàm Vĩnh Hưng có phản ứng khác khiến vị nhạc sĩ lão làng lên tiếng rằng ông sẵn sàng xin lỗi anh.
Nguyễn Ánh 9 từng một lần đệm đàn cho Đàm Vĩnh Hưng và Dương Triệu Vũ.
Nguyễn Ánh 9 (trái) trong lần đệm đàn cho Đàm Vĩnh Hưng và Dương Triệu Vũ.
Không ít người cho rằng, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã thiếu cân nhắc khi công khai buông lời về đồng nghiệp. Nhưng một bộ phận khác tỏ ra bất bình trước cách đáp trả của Đàm Vĩnh Hưng, đặc biệt là giọng điệu và lời lẽ anh dùng trong bức tâm thư. Một độc giả chia sẻ với VnExpress: "Nhận xét của ông không có chỗ nào sai, có chăng sai ở chỗ đụng trúng tổ kiến lửa showbiz Việt, nơi mà người ta ít chịu tiếp thu, nhìn nhận cái chưa được của mình để hoàn thiện bản thân, suốt ngày gân cổ lên để cãi, thậm chí, dùng những lời lẽ xúc phạm với vị nhạc sĩ già đáng tuổi cha mình". Còn trên trang cá nhân, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Quang Vinh cũng có bài viết bày tỏ về vấn đề này, trong đó có đoạn: "Bác Nguyễn Ánh 9 có gửi lời xin lỗi mọi người, xin lỗi em (Đàm Vĩnh Hưng - PV)... nhưng nếu em từng trải, em hiểu rằng, đó là lời xin lỗi của một người đàng hoàng, đối với lớp cháu con rằng, bác không chấp. Thế đó em nhé. Cái từ xin lỗi của bác nghe nó đau và cay đấy".
Trước đây, trong một bài phỏng vấn, nữ ca sĩ lừng danh một thời - Bảo Yến – cũng từng nêu lên những nhận xét “gây bão” về giới ca sĩ trẻ và showbiz nói chung: “Ca sĩ theo tôi gồm hai loại, loại thứ nhất là ca sĩ thực thụ, chuyên nghiệp và loại thứ hai là những người hát tựa ca sĩ. Với tôi, trời ban cho Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Thanh Thảo, Hồ Quỳnh Hương... chút tài năng để họ bước lên sân khấu múa may quay cuồng như một con rối. Tên tuổi người nghệ sĩ phải trụ vững và tỏa sáng trên sân khấu 20 năm mới đạt đẳng cấp nghệ sĩ thực thụ".
Đáp lại lời nhận xét này, M. Đàm hỏi ngược: “Tôi biết ở cái thời vàng son nhất của chị Bảo Yến lúc đó, chắc chắn là không thể nào đạt được 20 năm. Vậy thì tất cả mọi người phải dùng danh xưng nào khác ngoài hai từ 'ca sĩ' để nói về tài năng của chị?”. Rồi anh tỏ ra "thông cảm" khi cho rằng: "Bảo Yến đáng thương một phần cũng do bệnh tình của chị".
Năm ngoái, diva Thanh Lam cũng từng có những phát biểu gây tranh cãi khinghi ngờ khả năng huấn luyện thí sinh của Hồ Ngọc Hà và Đàm Vĩnh Hưng tại The Voice 2012. Đàm lập tức tuyên bố "không nhìn mặt" Thanh Lam. Còn Hà Hồ đã đăng status lên facebook kèm theo bức ảnh "vỗ mông con", được cho là ngầm đáp trả Thanh Lam: “Luôn dạy con rằng đừng bao giờ làm tổn thương người khác dù là điều nhỏ nhất.  Ai cũng có quyền yêu thương, ghét bỏ nhưng hãy sống đúng với nó, yêu thì thổ lộ, ghét thì bỏ qua. Hãy nhìn điểm mạnh và tốt của người khác để hoàn thiện bản thân, ai cũng đáng để mình học hỏi không phân biệt già trẻ, lớn bé, màu da, ngôn ngữ nhé Subeo, vỗ nhẹ vào mông cho hiểu, não càng đánh càng tổn thương”.
Nhà văn Phan Thị Vàng Anh từng có bài viết Ai cho mày chê con tao xấu: "Hỡi nghệ sĩ, đừng bắt chước bọn báo tường chúng tôi. Hãy tập câm, tập mù, tập điếc. Ai khen không cười, ai chê không giận, cắm cúi mà làm việc. Người ta không hiểu mình trong khi mình có giá trị thật thì trăm năm sau thể nào cũng có thằng sáng mắt nhìn ra. Mà nếu may thì có khi cũng chẳng phải đến trăm năm sau, ngay tuần sau, số báo sau, đã có người nhận ra mình rồi... Chưa kể còn hàng nghìn khán giả âm thầm khen mà mình không biết (tại họ không viết thành bài), và cũng không loại trừ được trường hợp xấu là có hàng ngàn khán giả khác đang chê ở nhà mà mình không hay. Hì hục phá cái chóp con của tảng băng trôi làm gì cho nó mệt".
Những lời phiếm luận mà Phan Thị Vàng Anh viết vẫn mãi giữ giá trị của nó, nhất là trong bối cảnh vàng thau lẫn lộn trong các giá trị nghệ thuật, giải trí như hiện nay.
Thất Sơn
Xem thêm trên Ngoisao.net: Đôi lời muốn nói với Mr. Đàm
Lan Ngọc: 'Ngày xưa như Đàm Vĩnh Hưng chỉ hát đám cưới'
Theo nữ danh ca, ngày xưa với giọng như Mr Đàm hay những ca sĩ nổi tiếng khác hiện nay chỉ hát đám cưới hay hát mấy chỗ nhỏ nhỏ.

Theo dõi bài phỏng vấn dậy sóng làng nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh và phản pháo của Đàm Vĩnh Hưng trên báo, danh ca Lan Ngọc quyết định lên tiếng để góp một tiếng nói khách quan, trung thực về giới nghệ sĩ và đời sống âm nhạc hiện nay.

Danh ca Lan Ngọc không muốn gọi là danh ca mà muốn gọi là ca sĩ một cách bình thường dù bà là ca sĩ rất nổi tiếng Sài Gòn trước 1975, được đánh giá là "thanh sắc vẹn toàn". Ở tuổi gần 60 với hơn 40 năm tuổi nghề, bà vẫn đi hát và theo dõi đời sống âm nhạc Việt hiện nay.


Lan Ngọc: 'Ngày xưa như Đàm Vĩnh Hưng chỉ hát đám cưới'  
Danh ca Lan Ngọc.


"Theo tôi thấy, những lời nói của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là chính xác, không có gì là sai hết. Một người nhạc sĩ chân chính, biết sáng tác, có bề dày về trình độ hiểu biết âm nhạc như ông đã dám nói thẳng không ngại đụng chạm.

Nhiều người cũng biết vậy nhưng họ ngại nói vì sợ đụng chạm. Dĩ nhiên sự thật mất lòng, ai cũng thích người ta khen, không thích bị chê. Cái chê của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng không có gì là ghê gớm, đó là sự thật. Nói thẳng ra, ông Nguyễn Ánh 9 chỉ nói về một số cái tên lớn, nhiều người khác tôi cũng thấy họ hát không chấp nhận được.


Với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người anh, người thầy từng tập bài hát cho tôi, Khánh Ly, Hồng Vân… ngày xưa. Ông có tính tình hiền lành. Giờ ông ấy già bị Đàm Vĩnh Hưng nói vậy, thành ra ông đang rất đau buồn lúc này dù nói sự thật.

Tôi không có ác cảm gì, cũng quý Đàm Vĩnh Hưng nhưng cậu ấy tính bốc đồng, thích nói gì thì nói, không nghĩ đến hậu quả của lời nói. Ai góp ý mình nên nghe, giá Mr Đàm biết nghe thôi, đừng nói gì nữa.

Một người bé là Đàm Vĩnh Hưng phản ứng với một nhạc sĩ lão làng như ông Nguyễn Ánh 9, bảo ông ấy là ngụy quân tử, kịch sĩ, đeo mặt nạ… như thế là không được. Với người lớn, bậc cha chú như thế, dù đúng hay sai mà nói như vậy đều là hỗn.

Đàm Vĩnh Hưng là nghệ sĩ nổi tiếng, được tổ đãi đi hát kiếm ra tiền. Nếu xét về nghệ thuật, cách hát của cậu ấy, những người làm nghệ thuật họ không chấp nhận nhưng hát như vậy vẫn có khán giả xem, hâm mộ nhiều như vậy là trời cho, đâu cần phản ứng vậy?
Đàm Vĩnh Hưng đang ở tuốt trên cao nhưng ông ấy cho xuống dưới thành ra tự ái nổi lên. Nếu có trình độ nên im lặng, không nói gì hết, phải nghĩ 'bố Ánh có nhận xét vậy cũng kệ, con vẫn đi hát, con vẫn kiếm tiền được nhiều, con vẫn có nhiều người hâm mộ…' thì nó đẹp hơn những lời nói nặng nề như vậy.
Tôi thấy, mỗi người có một tính, phản ứng khác nhau. Tôi chưa biết những ca sĩ sau này có phản ứng như Đàm Vĩnh Hưng hay hơn nữa không, tùy theo trình độ văn hóa của họ nhưng tôi nghĩ không nên. Nếu tôi là Đàm, tôi không nói gì hết, có tức quá tới nhà mời 'Bố Chín' đi uống cà phê, tâm sự 'Bố ơi, con rất thương bố và bố cũng rất thương con mà sao bố nói con nặng thế, rớt xuống hạng C luôn', ông ấy chắc cũng nói 'thôi thì bố nhận xét lỡ lời'.
Là người ngoài cuộc nhưng tôi thấy rất buồn. Giờ Đàm Vĩnh Hưng muốn nói gì thì nói khi nóng lên, nhưng có thể một tuần, một tháng sau, cậu ấy nghĩ lại mới nhận ra. Có thể bây giờ cậu ấy chưa hối hận nhưng 10 năm sau, khi qua tuổi bồng bột, lớn rồi mới học hỏi được nhiều. Bây giờ, coi vậy chứ Hưng còn trẻ, còn non, hiếu thắng lắm.
Tôi nói thật, với những ca sĩ trẻ bây giờ, nếu như họ ở ngày xưa không thể nào 'hot' được. Nhiều ca sĩ giờ 'hot' lắm nhưng tôi nghe không được, chất giọng không có, chỉ được cái nhảy, đẹp, trẻ.
Ngày xưa, nói thẳng không phải chỉ Đàm Vĩnh Hưng mà những giọng nổi tiếng khác nữa chỉ hát đám cưới hay hát mấy chỗ nhỏ nhỏ. Hưng không xấu trai, ăn mặc cũng được nhưng đôi khi quá lố. Về giọng, cậu ấy chưa phải là gì ghê gớm, nhưng cũng có giọng lạ. Ca sĩ mỗi người mỗi giọng, dở nhưng cũng có người thích ăn đồ dở, đó là chuyện bình thường.
Trước đây thế hệ chúng tôi, những nghệ sĩ không bao giờ phản ứng như vậy vì rất có tôn ti trật tự. Một người ca sĩ đàn chị đi trước dù không có tên tuổi nhưng những ca sĩ đi sau nổi tiếng hơn vẫn phải chào đàng hoàng khi gặp.

'Ca sĩ hát lót thành siêu sao vì công chúng quá dễ dãi'

Ngày xưa, để thành một nhạc sĩ, ca sĩ, họ phải ngày đêm khổ luyện, hàng chục năm trời như vậy sẽ kết tinh thành tinh hoa của nghệ thuật. Còn bây giờ, ca sĩ nhiều hơn xe ôm.

Nhân sự kiện nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chê Đàm Vĩnh Hưng chỉ đáng là ca sĩ hát lót, tôi xin lạm bàn những vấn đề nhức nhối còn tồn tại của nền giải trí nước nhà.
Đã từ lâu tôi không nghe những ca khúc mới nhạc Việt, không phải vì không yêu nước, mà là nhạc Việt bây giờ quá dở. Đề tài hạn hẹp, không tìm ra được hướng gì mới, chỉ toàn chia tay, phản bội, lừa dối, thất tình… ca từ lủng củng, câu trước đá câu sau, sau khi nghe xong bài hát chẳng rút ra được điều gì.
Vậy, tại sao tình trạng này lại diễn ra, lỗi do công chúng quá dễ dãi hay nghệ sĩ quá cẩu thả? Nhớ ngày xưa, các ca sĩ, nhạc sĩ họ hát bằng niềm đam mê, không cát xê tiền tỷ, không xe hơi bóng lộn, không tung hô của fan, vậy nhưng họ vẫn âm thầm dâng lời ca, tiếng hát cho đời. Và trong số đó, có những ca khúc trở thành bất hủ, nghe đi nghe lại hàng nghìn lần vẫn không chán.
Bởi vì họ không chạy theo số lượng, theo phù phiếm xa hoa như bây giờ. Để thành một nhạc sĩ, ca sĩ, họ phải ngày đêm khổ luyện, hàng chục năm trời như vậy sẽ kết tinh thành tinh hoa của nghệ thuật. Giọng ca truyền cảm, ca từ khúc chiết.
Nhìn vào giới showbiz Việt thời nay, thấy toàn thị phi, nhố nhăng. Nghệ sĩ sống bằng scandal, tới mức cứ mỗi nghệ sĩ sau khi dính scandal lại tăng giá cát xê. Điển hình là một nữ ca sĩ hạng xoàng, sau khi gây sốc với bộ đồ phản cảm, cô lập tức hét giá cát sê lên 60 triệu/đêm. Số tiền bằng thu nhập cả năm của một công chức bình thường.
Nói như vậy để thấy rằng nghệ sĩ ngày nay quá sung sướng, họ quên mất rằng công chúng chính là người nuôi sống, tôn vinh những giá trị ảo của họ. Khi bắt đầu nổi tiếng, họ quay ra coi thường khán giả, mặc kệ dư luận, nghĩ mình đã là siêu sao, tự mình có sức tỏa sáng. Nhưng họ đâu biết rằng khi ánh đèn sân khấu vụt tắt, họ cũng chìm vào bóng tối. Có vẻ sự nổi tiếng quá nhanh đã khiến họ không đủ thời gian để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết.
Tôi nhớ rằng, ngày xưa, để trở thành nghệ sĩ, những người đam mê nghệ thuật ngoài chất giọng trời phú, còn phải khổ luyện trong nhạc viện hàng chục năm. Ra đời vẫn phải chật vật với miếng cơm manh áo, tối đến hát phòng trà, với họ, nghệ thuật đã ngấm vào xương, vào tủy, niềm hạnh phúc được hát với mọi người khiến họ hát hết mình, hát bằng cả tâm hồn.
Nhưng giờ đây, đọc báo suốt ngày thấy nghi án ca sĩ hát nhép, ca sĩ tự tạo scandal để được công chúng nhắc tới. Rồi ca sĩ đang hát bị giang hồ tới đòi nợ. Thử hỏi, những tình huống như vậy, ai có thể hát hết mình, ai có thể cống hiến cho khán giả?
Đó là chưa kể gần đây, có một người lăm le dấn chân vào showbiz mà không có khả năng nghệ thuật gì, vì vậy cô phải dùng cơ thể, "lộ hàng" để PR cho bản thân. Cô vốn định sẽ đi hát, nhưng khổ nỗi, giọng ca ấy nếu hát trong phòng karaoke, trong lúc mà người nghe say sỉn nhất cũng khó mà chấp nhận, huống chi đòi hát trên sân khấu. Cũng may “ca sĩ” này chưa kịp “cống hiến” cho công chúng thì đã bị ngăn chặn.
 Lò "luyện ca sĩ cấp tốc" lan tràn, tờ rơi phát đầy ngã tư, chỉ cần có ngoại hình, giọng ca không quan trọng, và một số tiền kha khá, đủ để thu âm vài bài post lên mạng. Lập tức, những lò luyện ca sĩ này sẽ phù phép họ thành "siêu sao". Chính vì dễ dàng như vậy, lại kiếm được nhiều tiền nên người người làm ca sĩ, nhà nhà cho con đi làm ca sĩ.
Có "ca sĩ" không có tiền vào các lò luyện như vậy nên đã nghĩ ra cách PR cho bản thân cực độc, độc đến nỗi chỉ có ở Việt Nam. Người mà sau này báo chí gọi là "ca sĩ ống cống", hay "ca sĩ cạnh tranh hút hầm cầu".
Nhưng vấn đề là tại sao những ca sĩ bất đắc dĩ này vẫn có đất sống, họ vẫn huênh hoang với đời, vẫn luôn “tự tỏa sáng”?. Lỗi này thuộc về công chúng, thị hiếu âm nhạc của đa phần dân ta quá dễ dãi. Nghe bất cứ loại gì, bất cứ khi nào và bất cứ ai hát. Họ nghe cho vui tai mà không cần để ý nội dung, hoặc có thể họ để ý nhưng vẫn nhìn thấy cái hay.
Tất nhiên, thị hiếu thẩm mỹ của mỗi người không thể ép buộc, họ có quyền yêu, có quyền ghét, và chính họ là người đang tôn những “ca sĩ” kia lên tận mây xanh. Âm nhạc Việt vẫn có những người đang ngày đêm cống hiến hết mình cho nghệ thuật, tôi đã nhìn thấy những em bé tuổi mầm non bấm đàn chảy máu tay, các em vẫn ngày đêm luyện tập, nhưng họ gần như ở một thế giới khác, ít người biết tới. Chính họ là người đang củng cố lại niềm tin về nghệ thuật nước nhà.
Đời sống nhân dân ta đang ngày càng cải thiện, dân mình nhận thức đã cao hơn, chúng ta hoàn toàn có quyền hy vọng nghệ thuật sẽ được nâng tầm, để không còn nghệ sĩ già nào phải tuyệt vọng khi nhìn vào thế hệ con cháu của mình.

Đàm Vĩnh Hưng rơi nước mắt tìm đến Nguyễn Ánh 9
Tối 29/8, khi nhạc sĩ đang biểu diễn tại một khách sạn, Mr. Đàm bất ngờ tìm đến. Nam ca sĩ đã rơi nước mắt trong cuộc trò chuyện đầy cảm thông sau những ồn ào vừa qua.
(Bà con ta liệu có tin nơi người Cộng sản? Đàm Vĩnh Hưng là đoàn viên quan trọng của Đoàn Thanh niên CS/HCM. Giọt nước mắt cá sấu lừa bịp kiểu già Hồ sau vụ Cải Cách Ruộng Đất)
Sau gần một tuần làm “dậy sóng” dư luận, câu chuyện ồn ào giữa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tưởng như không có hồi kết. Sự việc ngày càng bị đẩy đi quá xa với những cuộc tranh luận, đánh giá của giới nghệ sĩ lẫn khán giả. Tối 29/8, vụ lùm xùm chính thức khép lại trong sự thấu hiểu và cảm thông, khi hai nhân vật chính tìm đến nhau để giải tỏa tâm tư, tình cảm của mỗi người.
Khoảng 18h45, khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang biểu diễn piano ở lầu 1 của một khách sạn lớn tại TP HCM như thường lệ, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng bất ngờ xuất hiện cùng một lẵng hoa. Nhìn xuống sảnh thấy Mr. Đàm, vị nhạc sĩ 73 tuổi nở nụ cười hiền từ. Đàm Vĩnh Hưng nhanh chóng chạy lên, ôm chầm từ phía sau và hôn lên má ông. Nam ca sĩ không giấu được sự xúc động, những giọt nước mắt của anh lăn dài trên má.
a1-JPG-1377803997-1377828117.jpg
Đàm Vĩnh Hưng ôm chầm nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và khóc trên vai ông khi vừa đến nơi.
Tặng hoa nhạc sĩ xong, Đàm Vĩnh Hưng sang phòng bên cạnh chờ, để nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 hoàn thành nốt phần biểu diễn. Nam ca sĩ ngồi im, gương mặt toát lên vẻ rối bời khó tả. 15 phút sau, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 xuất hiện. Hai người đàn ông - một già, một trẻ - trao nhau cái ôm thật chặt.
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 chủ động mở đầu câu chuyện. Ông gọi Đàm Vĩnh Hưng là “con” và xưng “bố”. Tác giả Ai đưa em về bày tỏ, khi những chia sẻ vô tư của ông đăng tải trên một tờ báo rồi vô tình tạo nên một “cơn địa chấn”, ông rất buồn lòng. Vị nhạc sĩ muốn gặp Đàm Vĩnh Hưng để giãi bày nhưng chưa biết làm cách nào, không ngờ anh lại là người đến trước.
“Khi nhắc đến con, bố nói rằng bố không thích kiểu con hát bài của bố, nên tốt nhất đừng hát nữa. Chỉ vậy thôi, nhưng có lẽ người viết không biết lựa lời để truyền tải lại”.
Khi thấy mọi việc ồn ào, Nguyễn Ánh 9 lên tiếng trên Ngoisao.net, nếu làm Đàm Vĩnh Hưng buồn thì ông sẵn sàng xin lỗi. Nhạc sĩ tỏ ra rất vị tha khi không trách hay giận những phản ứng của Mr. Đàm sau đó, vì trong mắt ông, nam ca sĩ như một người con.
“Ở nhà mình đi đụng phải đứa con làm nó ngã, mình phải xin lỗi. Đó là do mình thương nên sợ làm nó đau. Nhưng, con cái nhiều lúc thấy cha mẹ xin lỗi nó cũng đâu có chịu, có khi còn xô lại mình. Đó là chuyện bình thường thôi”, nhạc sĩ lấy ví dụ. Ông nói thêm, không phải vì xảy ra chuyện mà ông và Đàm Vĩnh Hưng “nghỉ chơi” hay không nhìn mặt nhau.
Nhạc sĩ cũng nhắc lại những kỷ niệm mà ông đã có với Đàm Vĩnh Hưng khi cả hai cùng đi lưu diễn ở hải ngoại, về những cử chỉ chăm sóc nam ca sĩ dành cho ông. Ông thương Mr. Đàm ở chỗ sống rất tình cảm, biết trên biết dưới và “ăn quả luôn nhớ đến người trồng cây”. Ông nhớ mãi lần đang ăn cơm thì Đàm Vĩnh Hưng đến nhà gửi ông tiền tác quyền. Ông thấy nhiều quá nên hỏi lại, nhưng nam ca sĩ nhất định bắt ông phải cầm.
Nguyễn Ánh 9 cẩn thận dặn dò Đàm Vĩnh Hưng, có được cái tên đã khó nhưng giữ được nó còn khó hơn. Con đường đó chắc chắn sẽ rất chông gai nên anh phải cố gắng vượt qua. Ông cũng mong Mr. Đàm hát ngày càng hát hay và tình cảm, cũng như nỗ lực tìm kiếm những ca khúc phù hợp hơn nữa để thể hiện.
2-JPG-1377804696.jpg
Buổi trò chuyện diễn ra rất thân tình và cởi mở.
Trong suốt buổi trò chuyện, nhạc sĩ luôn nhìn thẳng vào mắt Đàm Vĩnh Hưng. Đôi khi, ông vỗ vai, nắm tay nam ca sĩ một cách tình cảm thay cho sự sẻ chia. Có lúc, ông dang tay ôm Đàm Vĩnh Hưng vào lòng như đang ôm đứa con bé bỏng.
Đàm Vĩnh Hưng chăm chú lắng nghe những chia sẻ thẳng thắn, chân tình của bậc cha chú. Anh bày tỏ, việc mình có mặt ở đây không phải vì sợ dư luận, mà vì muốn đi tìm sự thật. Nam ca sĩ không phủ nhận, cá tính của anh rất mạnh và “nóng”. Đang ở vị trí được nhiều người thương quý, có cả nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, bỗng dưng bị “ném” xuống một nơi thật sâu và xa nên anh không chịu nổi cảm giác đó.
Đàm Vĩnh Hưng nói, năm nay anh 43 tuổi, đã đi qua nửa đời người. Anh chủ động đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 vì anh muốn được nói với ông những lời từ trái tim. Trong thâm tâm, anh luôn nhớ đến tình thân có được với người anh gọi là “bố” suốt nhiều năm qua. Đọc bài báo, anh thấy rất “ức” khi mọi thứ trở nên quay lưng về phía mình. Khi đó, anh không biết bao nhiêu yêu thương đã biến đi đâu mất, để rồi phải đón nhận những lời chê bai nặng nề.
“Đến khi con thấy bố nói sẵn sàng xin lỗi, lòng con đau lắm. Lẽ ra, ở phận con cháu, con mới phải là người xin lỗi bố”, Đàm Vĩnh Hưng nghẹn ngào.
Giọng ca Tình ơi, xin ngủ yên tâm sự, những ngày này, anh đang phải hứng nhiều luồng dư luận khác nhau, có lúc tưởng như quá sức chịu đựng. Nhưng, khi đến gặp trực tiếp nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, được ông dành cho ánh nhìn trìu mến và cái ôm ấm áp, anh rất hạnh phúc.
“Lúc này, cảm xúc trong tôi rất khó tả. Nửa như vui sướng, nửa như cảm động cứ đan xen”.
a3-JPG-1377804696-1377828117.jpg
Sau cuộc trò chuyện ngắn, mọi khúc mắc trong lòng người nhạc sĩ già và nam ca sĩ nổi tiếng đã được gỡ bỏ.
Cuộc trò chuyện thân tình khép lại sau khoảng 20 phút, vì nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 phải về nhà ăn cơm tối với bà xã. Đàm Vĩnh Hưng nhất định đưa về tận nhà nhưng ông không chịu. Ông nói, là bố con không nên khách sáo làm gì, chỉ cần hiểu nhau là đủ.
Trước khi chia tay, ông bắt Đàm Vĩnh Hưng phải hứa không nghĩ ngợi gì nữa, tối cố gắng ngủ một giấc thật ngon. Ông hy vọng, một ngày nào đó lại đứng chung sân khấu và biểu diễn một tiết mục cùng Đàm Vĩnh Hưng. Sau hôm nay, ông thấy nhẹ nhõm hơn vì câu chuyện ồn ào khép lại đúng vào lúc ông đã quá mỏi mệt. Nhạc sĩ cười hiền, từ giờ chỉ tập trung tìm niềm vui tuổi già bên cây đàn piano.
“Bố lúc nào cũng đứng sau lưng con. Con hãy nhớ tất cả những gì ngày hôm nay bố nói với con nhé...”, nhạc sĩ vỗ vai dặn dò Đàm Vĩnh Hưng lần nữa trước khi quay bước.
Trong bài phỏng vấn một tờ báo hôm 24/8, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 thẳng thừng chê hàng loạt ca sĩ nổi tiếng, trong đó có Đàm Vĩnh Hưng. Ông nhận xét, Đàm Vĩnh Hưng chỉ là "người hát" chứ không phải ca sĩ đúng nghĩa. Bài viết còn dẫn lời nhạc sĩ cho rằng, Đàm "cố hát nhạc xưa, nhạc vàng mà hát có ra đâu". Khi nghe Mr. Đàm hát Ai đưa em về của mình, ông bảo: "Con đừng hát bài của bố nữa, tội nghiệp bố lắm. Con không nên hát nhạc của bố thì hay hơn". Ông cũng nhận định, nếu ngày xưa Đàm Vĩnh Hưng đi hát, chỉ xứng là ca sĩ hát lót loại C ở phòng trà.

Sau bài phỏng vấn này của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, Đàm Vĩnh Hưng đã "đáp trả" bằng một lá thư dài. Trong thư, Mr. Đàm tỏ ra thất vọng về Nguyễn Ánh 9. Trong anh, ấn tượng về "một người tài hoa, hiền lành" như ông đã tan biến. Anh chốt lại thư bằng câu "bàng hoàng nhận ra bố mình là ngụy quân tử dù không muốn tin".

Khi lá thư của Đàm Vĩnh Hưng đăng tải trên mạng, dư luận "dậy sóng". Nhiều khán giả không tiếc lời chỉ trích Mr. Đàm là hỗn hào, chua ngoa.
Bài và ảnh: Hàn Quốc Việt
Thứ sáu, 30/8/2013 15:29 GMT+7
Tranh cãi nước mắt Đàm Vĩnh Hưng giả tạo hay thật lòng
“Việc phản ứng sau sự tức giận nhất thời giống như bạn đang đóng một cây đinh vào lòng người khác. Khi cây đinh được rút ra bằng những lời xin lỗi thì lỗ đinh vẫn còn đó, để lại những vết sẹo xấu xí”.
Sau gần một tuần khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”, câu chuyện ồn ào giữa nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tưởng chừng như không có hồi kết. Khi sự việc đang ngày càng bị đẩy đi quá xa với những cuộc tranh luận, đánh giá của giới nghệ sĩ lẫn cả dư luận thì bất ngờ tối 29/8 khi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đang biểu diễn tại một khách sạn, Mr. Đàm tìm đến để nói lời xin lỗi. Nam ca sĩ đã rơi nước mắt và tạ lỗi với người mà anh từng gửi “tâm thư” nói là “ngụy quân tử”.
Sự kiện trên một lần nữa khuấy lên trong cộng đồng mạng những lời bàn tán xôn xao trái chiều về hành động “cháy ở đâu thì dập ở đó” của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
“Nước mắt cá sấu quá”
Nhiều người cho rằng lời xin lỗi của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là quá muộn và đây chỉ là hành động "mang tính giả tạo” của Mr. Đàm để che mắt mọi người và lấy lại lòng người hâm mộ.
“Nước mắt cá sấu quá Đàm Vĩnh Hưng ơi. Anh vừa mới chửi xối xả người ta nào là ngụy quân tử, kịch sĩ, rồi tới "chó cứ sủa và đoàn người cứ đi" thì bây giờ lại khóc lóc. Nếu mà biết "hốt nhiên đại ngộ" thì quả là phúc đức cho chính anh và cũng là cho những người xung quanh. Còn nếu không thì đây chỉ là một kịch bản để che mắt thiên hạ mà thôi”, bạn đọc Trần Vinh nói.
Còn độc giả nickname Jennifer nhận xét: “Tôi thấy có sự giả tạo, khi anh bị nhiều người phản ánh thì anh giả bộ rơi vài giọt nước mắt là có thể nói lời xin lỗi. Nếu là người đàng hoàng, biết tôn trọng các thế hệ đi trước dù họ nhận xét ra sao thì cũng im lặng mà học hỏi chứ đâu lên Facebook chửi bậc cha chú mình là ngụy quân tử như vậy được”.
Còn theo facebooker Tommy Bảo chia sẻ  thì "Đàm Vĩnh Hưng chỉ cần vài câu nhẹ nhàng hỏi: "Thưa chú, cháu làm sai điều gì mà chú nói cháu như thế?". Vậy có phải đẹp không. Đằng này chửi rồi lại đi xin lỗi thế là thế nào? Sẩy cái gì chứ sẩy cái miệng thì khó lòng mà lấy lại được. Bởi thế ông cha ta vẫn hay nói ‘Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói’ là vậy”.
Bên cạnh đó nhiều người cho rằng việc này đúng ra Mr Đàm phải làm từ đầu chứ không nên để cộng đồng mạng “dậy sóng”, chỉ trích mạnh rồi mới chịu đi nói lời xin lỗi như vậy. “Là phận con cháu, nếu người lớn có nói không đúng đi nữa thì cũng nên đến thưa chuyện để làm sáng tỏ và thấu hiểu nhau hơn. Nhất là mình đang là người của công chúng, mỗi cử chỉ, hành động, lời nói đều được dư luận quan tâm”, nickname Nguoiquaduong nhận xét.
“Có thể Nguyễn Ánh 9 tha thứ như những người cha từng tha thứ cho con của mình, nhưng khán giả khó có thể chấp nhận được lối văn hóa ứng xử của một thần tượng mà công chúng luôn để ý theo dõi như vậy. Đặc biệt là bức "tâm thư" mà anh đã từng dùng những lời lẽ cay nghiệt dành cho người "bố" của mình. Anh nghĩ hành động cầm lẵng hoa và vài giọt nước mắt sẽ xoa dịu được dư luận ư? Trò này xưa rồi Mr Đàm ơi”, bạn đọc Triều Dương bức xúc.
Rất nhiều người nhắc lại vụ Đàm Vĩnh Hưng hôn môi nhà sư và rồi viết "tâm thư" xin lỗi.
a1-JPG-1377803997-1377828117.jpg Đàm Vĩnh Hưng ôm chầm nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và khóc trên vai ông khi vừa đến nơi. Ảnh Hàn Quốc Việt
‘Hành động tuy muộn nhưng cũng đáng khen’
Bên cạnh luồng quan điểm chỉ trích là những ý kiến chia sẻ, cảm thông cho nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. “Đây mới chính là anh Hưng mà tôi biết. Mấy ngày qua, dù bị chỉ trích thật nhiều nhưng tôi không tin anh tệ như mọi người nói. Bây giờ, anh đã biết sai mà sửa là quý rồi. Cảm ơn nhạc sĩ đã rộng lượng. Vui vẻ cả nhà như vậy có hơn không?”, bạn đọc Quoc Lee nói.
Thành viên Thiensu90 trên một diễn đàn nổi tiếng bình luận: “Đàm Vĩnh Hưng sống khá thật, xấu hay tốt gì cũng đều phô ra cho thiên hạ thấy cả. Tính cách Đàm Vĩnh Hưng khá bồng bột, nóng nảy và hiếu thắng, thế nên thường xuyên có những hành vi quá khích và phát ngôn không khéo léo, đúng mực. Tôi thấy điều đó còn thành thật hơn những người mặc dù trong lòng khó chịu nhưng vẫn phải nói không đúng lòng mình để xoa dịu dư luận và giữ hình ảnh đẹp. Tôi nghĩ nghệ sĩ cũng là người, cũng có những tính xấu, tính tốt như một người bình thường. Đôi khi khán giả luôn muốn đã là người nổi tiếng thì phải làm gương thế nọ thế kia, phải là hình mẫu thế kia, thế nọ, như vậy có công bằng không?”.
Còn bạn đọc nickname Newvina chia sẻ: “Dù diễn hay thật lòng thì Mr Đàm cũng đã thể hiện thái độ hối lỗi. Tự mình đến gặp và biểu lộ sự ăn năn với một bậc thầy cây đa cây trong làng nghệ thuật là được rồi”.
“Đúng thế, ta nên ủng hộ cái tốt của anh ấy. Dù nói gì Đàm Vĩnh Hưng cũng đã đem lại niềm vui cho biết bao người. Tôi không thích nghe Đàm Vĩnh Hưng hát, nhưng không vì thế mà tôi phủ nhận thiện chí của anh trong hành động này. Chúc anh tiến bộ hơn trong sự nghiệp và xứng đáng với sự thương mến của mọi người”, độc giả Sỹ Văn tâm sự.
‘Hãy để mâu thuẫn kết thúc’
Dù hành động xin lỗi của Mr Đàm là diễn hay thật thì nhiều người cho rằng đó cũng là một cái kết có hậu cho câu chuyện Nguyễn Ánh 9 – Đàm Vĩnh Hưng. “Dư luận đừng khắt khe quá, anh ấy không xin lỗi thì nói là hỗn láo, đến khi xin lỗi rồi thì nhiều người lại chửi là kịch sĩ, giả tạo, mà không biết đó là cảm xúc thật của người ta. Đã là cảm xúc thật thì chỉ có người trong cuộc mới hiểu hết được”, độc giả Tuấn Nguyễn nói.
Facebooker Mạnh Đức nhận xét: “Cuộc sống là vậy, cho dù mình có hoạt ngôn thế nào, giỏi đóng kịch thế nào, giao tiếp khéo thế nào mà đó không có sự chân thành trong đó thì cũng không thể chạm vào trái tim của người khác được. Dù sao cũng là một bài học cho Đàm Vĩnh Hưng và mỗi người trong chúng ta”.
Độc giả Xuân Dung bình luận: “Việc phản ứng sau sự tức giận nhất thời giống như bạn đang đóng một cây đinh vào lòng người khác. Khi cây đinh được rút ra bằng những lời xin lỗi thì dẫu đinh không còn nhưng lỗ đinh vẫn còn đó, để lại những vết sẹo xấu xí. Những người trong cuộc, cả người đóng đinh và người bị đóng đinh đều đã đau đớn lắm rồi. Hãy để cho sự việc được dịu xuống. Chúng ta đừng trở thành những kẻ hành hình tàn nhẫn với những lời nói sắc nhọn của mình nữa”.
Habi tổng hợp
Chia sẻ bài viết của  bạn về đời sống giải trí tại đây 
Lời bình đúng nhất, không cần phải bênh vực tên khạc đờm nữa:
Lạ ở chỗ tại sao ĐVH đi xin lỗi mà có hình chụp, tin tức. Nếu thực lòng thì cần gì làm thế để mọi người biết. Không thể tin được.
Robin - 12 giờ trước (30 Aug 2013)
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 : Tôi chỉ mong dòng nhạc tử tế được hát một cách tử tế
Nhạc sĩ kiêm tác giả Nguyễn Ánh 9 (DR)
Nhạc sĩ kiêm tác giả Nguyễn Ánh 9 (DR)

Thụy My
31-8-2013 -  Vừa qua dư luận đã dậy sóng trước việc nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi trả lời một tờ báo mạng đã có những nhận xét thẳng thắn về một số ca sĩ nổi tiếng tại Việt Nam hiện nay. Một ca sĩ bị chạm tự ái đã phản bác mạnh mẽ.Nhưng điều đáng chú ý là sau đó trên báo chí chính thức cũng như trên các mạng xã hội, hầu hết là những tiếng nói ủng hộ những lời nói chân thành của người nhạc sĩ đã có nhiều năm trong nghề, trong khi các ca sĩ được ông đề cập có lượng fan hết sức đông đảo.

RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cách đây vài hôm, trong lúc các diễn đàn tràn ngập những bài viết về sự kiện này.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - TP Hồ Chí Minh
31/08/2013
by Thụy My
RFI Kính chào nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, rất cảm ơn ông đã nhận lời trao đổi với RFI. Thưa nhạc sĩ, vì sao vừa rồi ông đã lên tiếng ?
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 : Đúng ra thì tôi là một nhạc sĩ sáng tác. Có những báo phỏng vấn là có một số ca sĩ hát bài như thế nào, cảm nghĩ của tôi về ca sĩ bây giờ…Thì tôi cũng có nói là đứng trên phương diện cá nhân riêng tôi, có nhiều ca sĩ nổi tiếng, nhưng khi hát bài của tôi thì không diễn tả hết được bài hát, rồi lại hát bằng một phong cách khác, làm thay đổi hoàn toàn bài hát của tôi.
Cá nhân tôi là tác giả thì tôi có quyền bày tỏ nỗi niềm của tôi là tôi không thích, mặc dầu người đó có thể là một ngôi sao. Tôi đâu có chê họ hát dở, hay chê họ không có tài. Mỗi người có một cái tài riêng, có cái riêng của mình để mà có khách, có số lượng người hâm mộ, nhưng cá nhân tôi thì tôi không bằng lòng.
Khi tôi nói như vậy là trên vấn đề xây dựng, góp ý kiến. Tinh thần mà tôi nói đó, người viết báo viết hơi chệch một chút. Đặt cái tựa đó như là một hình thức tôi xúc phạm tới họ, tôi khinh rẻ họ chẳng hạn. Trong khi tôi không « chửi bới » ai hết, chỉ có lời nói chân thành của tôi mong là nếu là hát bài của tôi được đàng hoàng thì hát, còn nếu không hát được thì thôi. Chớ đừng có hát như vậy thì tội nghiệp cho bài hát của tôi, và tội nghiệp cho tôi nữa !
RFI Vì sao, thưa nhạc sĩ ?
Tại vì tôi quan niệm rằng người ca sĩ là tác giả thứ hai, sau tác giả viết ra bài hát. Vì người ca sĩ đó chuyển tải những gì mà tác giả bài hát đã viết ra, để đưa tới công chúng. Xong rồi còn phải qua ban nhạc đệm nữa, phong cách đệm làm sao cho theo ý tứ bài hát. Chứ không phải một bài hát rất trữ tình, lãng mạn rồi tự nhiên chơi nhạc xập xình vào thì nó mất hết cái lãng mạn của bài hát đi.
Đồng thời mặc dầu giọng ca đó rất đẹp, rất là tốt, có học đàng hoàng, nhưng mà khi hát bài của tôi nhiều khi cường điệu quá, thì đâm ra cái trữ tình, cái dễ thương, cái tình cảm của bài hát không còn nữa. Tôi buồn thì tôi chỉ nói lên vấn đề đó thôi, để rồi nếu người ca sĩ hay những sao đó họ nghĩ lại chút xíu, họ hát bài tôi một cách tử tế hơn, một cách nghiêm chỉnh hơn. Còn hoặc là họ đừng hát thì tốt hơn.
Bài hát cũng như đứa con tinh thần của tôi vậy. Khi sanh nó ra được rồi thì ai cũng muốn con mình đẹp, khỏe, dễ thương. Rồi người ca sĩ mà dẫn nó ra giới thiệu với khán giả thì cho nó bận đồ tử tế một chút. Đừng có hoa hòe quá, tội nó. Tại vì nó đâu có biết gì đâu, cho nó bận cái gì thì nó bận cái đó, thành ra nhiều khi không thích hợp. Đeo bông tai hay vòng vàng vào đâm ra nó dị hợm đứa con tôi đi. Tôi chỉ mong nó trình làng với bà con sao cho đẹp mắt, dễ thương, để ai nấy yêu thương nó. Đó, tôi chỉ mong mỏi thế thôi.
Còn nếu mà anh không cho bận được áo đắt tiền thì thôi, để cho người khác bận cho hợp hơn, họ may đẹp hơn hay là vừa ý hơn, họ trang sức cho cái áo đẹp hơn. Tinh thần là như thế.
Nhưng rồi người viết báo lại viết khác, nhấn mạnh đến chỗ như là tôi thóa mạ những người ca sĩ đó, đâm ra hiểu lầm. Rồi từ sự hiểu lầm đó dẫn đến một giây phút nào đó mất bình tĩnh. Mấy người ca sĩ khác thì họ im lặng không nói, họ hiểu tôi. Tôi vốn là một nhạc sĩ nổi tiếng hiền lành, ít nói, mà tự nhiên giờ tôi nói một lần, tôi « phang » như vậy thì họ cũng hiểu là vì người viết bài chuyển tải không đúng những lời tôi nói.
Chỉ riêng có một người không hiểu điều đó. Hồi đầu tôi cũng buồn, tôi cũng bị sốc. Nhưng sau tôi nghĩ lại chắc đó là tuổi trẻ thành ra thôi, mình cũng thông cảm, nóng nảy là chuyện thường. Nếu chừng nào bình tâm nghĩ lại chắc cũng sẽ ghi nhận ý kiến của tôi thôi .
Tôi chỉ muốn cái đẹp cho tất cả mọi người, và người ca sĩ cũng thấy đó là cái đẹp. Tôi cũng mong là họ hát tử tế - dòng nhạc tử tế của tôi được người tử tế hát, cho những khán giả tử tế nghe. Tôi chỉ muốn thế thôi.
RFI : Nếu ca sĩ được coi là tác giả thứ hai như ông nói, đặt ví dụ như người ca sĩ đó nói rằng họ hiểu bài hát đó như vậy nên diễn đạt như họ hiểu thì ông thấy thế nào ?
Nếu mà họ lười thì tôi chỉ yêu cầu họ đừng có hát nữa – đừng hát bài đó nữa, tội nghiệp chú, thế thôi. Còn nếu họ tiếp tục hát như vậy thì nếu họ có khách, người nghe họ chắc cũng không « tử tế ». Có nhiều người chỉ cần biết là thần tượng của họ hát thôi, họ không biết đương hát bài gì nữa ! Họ chỉ hoan hô sự có mặt của thần tượng của họ thôi - thì đó lại là vấn đề khác rồi.
RFI : Hình như là bây giờ có nhiều giá trị giả tạo quá phải không thưa nhạc sĩ ?
Đương nhiên là tôi thấy cũng có những giá trị ảo. Giá trị thật sự là giá trị tồn tại mãi với thời gian. Còn giá trị ảo chỉ trong một giây phút nào đó thôi, rồi sẽ đi vào quên lãng. Thì đó, tùy theo người ca sĩ. Thời gian làm ngôi sao của họ rất ngắn, họ chỉ muốn rồi họ hưởng an nhàn, họ dư tiền dư bạc, họ về sống với nghề khác.
Còn những người nghệ sĩ thực thụ, tử tế, chẳng những sống với nghề mà họ còn yêu nghề của mình, coi đó là lẽ sống của đời họ. Họ đem tiếng hát phục vụ cho mọi người, nói lên tình cảm của mình. Đó là những người hát tử tế, những người ca sĩ biết yêu nghề của mình.
Và những người yêu nghề thì tôi nghĩ rằng vẫn còn đó, thành ra tôi không sợ những cái danh vọng ảo lấn lướt. Sự thật nó tồn tại mãi.
RFI Có vẻ như làm ca sĩ bây giờ dễ hơn phải không ạ, trong khi thời trước mỗi ca sĩ đều có một phong cách rất riêng…
Đúng rồi. Tại vì hồi xưa thí dụ như Thái Thanh hát thì biết đó là giọng hát của Thái Thanh. Khánh Ly hay là Lệ Thu, Duy Trác, Tuấn Ngọc, Sĩ Phú…mỗi người đều có một giọng riêng của mình, nghe họ hát là biết ai hát ngay.
Còn bây giờ giới trẻ có nhiều người hát đóng khung vào một thứ, cũng cái kiểu hát đó, rồi hát không rõ lời. Người Việt Nam hát tiếng Việt mà giống như người ngoại quốc hát tiếng Việt vậy đó, mình hổng biết ai là ai hết. Có thể người này vắng, người kia thế cũng chẳng ai biết hết trơn. Thành ra không có dấu ấn cá nhân, mà đây chỉ là bắt chước với nhau tập thể thôi - tưởng người đó hát như thế là hay, bắt chước theo.
Trong nghệ thuật nếu mình bắt chước, tức nhiên là mình đã thua rồi, tại vì bản photocopy không bao giờ bằng bản gốc hết. Trong ca nhạc cũng vậy. Cứ đinh ninh là mình bắt chước « sao » thì sẽ được như « sao » – không phải vậy đâu !
Nhưng mà « sao » ở đây là « sao » thế nào ? Có những người tự nhận mình là ngôi sao. Có người được các cơ quan truyền thông báo chí tung hô lên, những người bầu sô tổ chức tự quảng cáo là sao này sao nọ, thét rồi họ tưởng họ là sao. Có những người hát hay thật, tuy không được tung hô, nhưng mà họ vẫn là sao. Sao trong lòng mọi người chứ không phải là sao trên sân khấu.
Tôi nghĩ mình hát không phải là mình kiếm cái « sao », mà mình hát cho tâm hồn mình, sống với cái nghề của mình - đem tiếng hát lời ca đến cho mọi người. Phải trân trọng, trau giồi, phải yêu nghề thì mới tiến triển trên con đường nghệ thuật. Và lúc nào cũng cố gắng rèn luyện mình, ngày mai phải hơn ngày hôm nay. Chứ nếu thành công xong mình đứng một chỗ rồi vênh vênh tự đắc, ngủ quên trên chiến thắng, thì đứng đó hoài thôi chứ không thể nào lên được nữa.
Nghệ thuật nó mênh mông lắm, không thể nào biết đâu là bờ bến, thì làm sao mình biết là mình đã đạt đỉnh cao của nghệ thuật được ? Đó là vô cùng khó, và cả một đời người chưa chắc đã đạt tới vinh quang của nghệ thuật.
RFI Ông cũng có nhận xét là trước đây nhạc sĩ sáng tác vì cảm xúc, bây giờ thì không ít người viết theo đơn đặt hàng…
Nhiều khi mình cũng phải thông cảm như thế này. Nhạc sĩ xứ nào không biết, chứ ở Việt Nam mình nghèo lắm. Nhạc sĩ viết lên tâm tư mình thôi. Ngoài ra có những người viết theo đơn đặt hàng, tại vì họ cần sống chứ.
Rồi khi họ viết được một, hai bài thì thấy kiếm tiền sao dễ quá, đồng tiền làm cho họ quên đi cái bổn phận thiêng liêng của mình là sáng tác. Bây giờ họ sáng tác không phải cho mọi người mà sáng tác cho một, hai người nào đó. Nếu vì cái chung thì luôn tốt hơn vì cái riêng, phải không ?
RFI Trong thị trường ca nhạc hiện nay, dường như giọng hát của ca sĩ không còn là quan trọng nhất, mà phải có những yếu tố khác như có vũ đoàn phụ họa chẳng hạn ?
Bây giờ thì theo « thời trang », mốt bây giờ ca sĩ hát thì phải có múa phụ họa phía sau. Nhưng không nên lạm dụng quá. Bài nào cũng như vậy đâm ra không còn ý nghĩa của phần múa đệm cho bài hát đó mà thành một thứ bắt buộc, thì không còn hay nữa.
Cũng như nếu món nào cũng bỏ ớt nhiều, cay quá làm sao người ta ăn nổi ? Phải tùy theo bài hát, tùy theo phối âm, tùy theo sân khấu để rồi kết hợp hay là không kết hợp với màn múa cho hay hơn. Chứ không phải là không biết màn múa đằng sau là cái gì, chỉ biết múa qua múa lại thấy đẹp thì thôi, hết, không để lại ấn tượng gì.
Đó là sự lạm dụng, riết rồi tập cho người ta nếu ca sĩ ra hát mà không có ban múa thì không phải « sao ». Làm cho con mắt khán giả quen với mấy cái đó, tưởng là hát thì phải có múa, hổng có thì họ la ó.
Đó là một hình thức – xin lỗi nói cũng hơi quá – mình giáo dục cho quần chúng đi xem thế nào là nghệ thuật. Điều đó là quan trọng, mà ít người để ý tới. Đối với người ca sĩ cũng vậy. Ca sĩ kia hát có ban múa mà tôi không có, bộ tôi dở hơn mấy người kia, không « có thớ » bằng mấy người kia ? Đừng có định kiến sai lệch như thế.
RFI : Phải chăng có những ca sĩ ỷ lại vào giọng hát tốt nên không quan tâm lắm đến tình cảm, đến cái hồn của bài hát ?
Đối với tôi, những ca sĩ hát mà tôi tâm đắc là những người ca sĩ hát bài tôi đúng với tinh thần của nó, với những gì tôi viết ra. Tôi không quan niệm ca sĩ « lớn » hay « nhỏ ». Ví dụ cô Thái Thanh hay Lệ Thu, Khánh Ly, Thanh Thúy…chẳng hạn thì các ca sĩ ấy cứ hát, nhưng còn có những ca sĩ hạng B, hạng C…
Nói là hạng B, C chứ thật ra phân hạng thì kỳ lắm. Họ không có may mắn như những người hạng A thôi. Họ vẫn hát hay, nhưng họ chưa có môi trường, chưa có dịp để xuất hiện trước công chúng, và không có ai đưa họ ra ánh sáng hết.
Nếu may mắn có một cơ hội lọt ra ngoài ánh sáng thì họ sẽ tỏa sáng. Nhưng họ vẫn âm thầm hát trong những chỗ nhỏ nhoi, những phòng trà, những quán nho nhỏ. Họ hát vẫn hay như thường. Mà tôi thấy phần đông những ca sĩ hát ở những chỗ nhỏ như thế là những người hát có hồn nhất.
RFI : Trong thời đại điện tử này, dù đã có kỹ thuật làm cho hay hơn nhưng có lẽ vẫn phải tôn trọng người sáng tác và khán giả ?
Tôi nghĩ rằng không riêng ở Việt Nam mà tại các nước khác trên thế giới - dòng nhạc cũ, dòng nhạc hồi xưa, lúc mà chưa có những cái văn minh hiện đại như bây giờ - người ta hát hay hơn nhiều lắm. Vì sao ? Bây giờ những gì hay đều là nhờ máy móc sửa chữa lại hết. Hồi xưa ca sĩ hát thật, ban nhạc chơi thật, và người viết hòa âm cũng thật luôn.
Bây giờ toàn là thâu bài hát thì chỉ cần hát qua một lần rồi máy tự động sửa, cao thấp tùy ý, trong veo hay trầm bổng là máy móc làm hết. Thì họ đâm ra lười biếng, và không lao động nghệ thuật nữa.
Làm sao mà kiếm ra được những Yves Montant, làm sao kiếm được những giọng ca như Edith Piaf, Jacqueline François, hay là Charles Aznavour ? Không ! Mất hết rồi, không còn nữa ! Kỹ thuật nó giết chết tình cảm đi.
Kỹ thuật là con dao hai lưỡi. Nếu mình không biết sử dụng, thì nó giết đi tình cảm con người. Nhưng nếu biết sử dụng, thì vẫn hát một cách tình cảm, cố gắng hát cho tốt. Trừ lúc nào bịnh, yếu quá thì mình cứu vớt bằng kỹ thuật.
Chứ còn thét rồi người ca sĩ ỷ y, thôi, tôi hát không tới thì lên tông. Nhạc sĩ đánh cái tông này khó quá không được, thôi thì cũng đẩy lên một cái. Đâu còn hay nữa đâu. Mà càng hiện đại chừng nào thì tâm hồn càng mất mát.
RFI : Thưa ông, cũng có dư luận cho rằng ông không việc gì phải nói lời xin lỗi ?
Tôi xin lỗi là tại vì thế này : tôi không muốn người ta hiểu lầm tôi. Ví dụ như tôi nói Đàm Vĩnh Hưng hát bài « Đưa em về », nếu mà hát như vậy thì ca sĩ gọi là hạng C, đi hát lót phòng trà cũng hát được. Tại vì những người mới hát thì muốn hát sao thì hát mà, đâu có biết gì đâu ; cũng như mấy người mới học đọc thì đọc tầm bậy tầm bạ vậy thôi. Hát như vậy thì đừng hát, đừng bắt tôi nghe đứa con tinh thần của tôi bị như thế.
Cũng như cô Thanh Lam hát bài “Cô đơn” của tôi. Bài này là một sự lắng đọng, một tình cảm nhẹ nhàng, đầy ăm ắp kỷ niệm trong đó, thì đừng có gào thét. Mặc dầu giọng Thanh Lam rất tốt, nhưng cách thể hiện của Thanh Lam không tốt. Khi tôi nói thế, Thanh Lam cũng hiểu được và có nói tiếng nào đâu. Riêng Đàm Vĩnh Hưng có lẽ còn trẻ, suy nghĩ nông cạn…
Tôi nghĩ rằng khi tôi nói ra, nếu coi đó là những lời phê bình, những gì tôi muốn gởi gấm thì tôi cám ơn. Còn nếu hiểu lầm đó là lời phỉ báng, thì tôi xin lỗi ! Nhưng mà tôi có quyền nói lên ý kiến của tôi - là tác giả của bài hát đó.
RFI : Có lẽ từ hôm đó đến giờ ông cũng rất mệt mỏi ?
Cái gì cũng có điểm đến, điểm đi và điểm dừng. Những việc gì đến thì nó đã đến rồi, và bây giờ cũng đã dừng rồi. Tôi chỉ muốn nói lại một lần chót những suy nghĩ của tôi, ý kiến cá nhân của riêng tôi. Người nào nghe thì tôi cám ơn, không nghe tôi cũng cám ơn. Chứ không phải tôi tự cho mình là một cây « đại thụ » như mấy nhà báo đã phong cho tôi.
Tôi sợ cái chữ « đại thụ » lắm, vì tôi đâu có là cái gì đâu ? Tự nhiên phong cho tôi như vậy, tôi mắc cỡ lắm ! Tôi chỉ là một người nhạc công bình thường thôi mà. Tôi chỉ nói ý kiến cá nhân của tôi, nếu ai hiểu được, thương tôi thì thương, còn ai ghét tôi thì tôi đành chịu .
Cũng nhờ vụ này mà tôi mới biết được là có nhiều người thương thật sự. Không phải vì tôi là nhạc sĩ nổi tiếng, hay vì tôi đàn hay, nhưng vì tôi là một người rất thành thật, và cởi mở, hòa đồng với tất cả mọi người. Không bao giờ muốn một người nào buồn hết, dầu người đó có sỉ vả hay mắng tôi thì tôi cũng cười trừ thôi.
Thì mình xui thôi, ngày nào người đó hiểu là được. Tôi vẫn tiếp tục coi những người đó là bạn đồng hành, không có gì phải trách móc, giận hờn.
RFI : Bữa giờ có thêm những ca sĩ nào phàn nàn, trách móc gì không thưa ông ?
Không, hổng có người nào hết. May quá !
RFI Có lẽ đây cũng là một trong những sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời làm nghệ thuật của ông ?
Đây có thể nói là lần duy nhất, và là một kỷ niệm rất là sâu sắc của tôi, để tập cho tôi bớt cái tánh nói thẳng đi. Vì nói thẳng nhiều khi sự thật mất lòng. Mà mình không nói thẳng thắn thì không được, khổ vậy đó ! Thì thôi đành chịu vậy chứ làm sao bây giờ, bản năng của mình trời sinh ra như thế rồi. Nếu có mang tiếng đi nữa thì cũng chấp nhận, đành mang tiếng thôi.
RFI Xin rất cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

No comments: