|
Cụ Beo kể lại những chuyện ly kỳ xung quanh giếng thần. |
Hàng
trăm năm nay người bản Khộp (xã Ngọc Lâu, Lạc Sơn, Hòa Bình) vẫn coi cái giếng
đó như vật báu. Mặc cho thời tiết khô hạn thì nước ở đó vẫn đầy ăm ắp, đáy
giếng phun ra 2 tia nước với 2 màu sắc khác nhau. Cho đến nay tục tắm tiên tại
giếng này là một nét văn hóa cực kỳ độc đáo. Với người Mường ở đây tắm tiên tại
giếng mục đích là để trừ tà ma.
Ly
kỳ nước giếng bản Khộp hai màu
Con
đường trải nhựa vắng tanh chạy vắt qua 2 quả núi, đổ chừng dăm khúc cua khá dốc
chúng tôi mới tới được bản Khộp. Cách thị trấn không quá xa nhưng cuộc sống ở
bản người Mường này khá thanh bình, nguyên sơ. Lũ trẻ con nhốn nháo, chỉ trỏ
rồi xì xào với nhau bằng tiếng của người Mường khi thấy người lạ.
Biết
chúng tôi tìm hiểu về giếng thần, anh Bùi Văn Quyết trưởng bản Khộp tự hào:
"Bản Khộp chúng tôi chẳng có thứ gì quý giá ngoài chiếc giếng này. Từ ngày
có con người ở đây thì đã có giếng rồi. Dù thời tiết khô hạn thế nào thì giếng
này không bao giờ cạn. Mùa đông nước giếng rất ấm áp, ngược lại mùa hè thì vô
cùng mát".
Từ thị trấn chúng tôi đã được người
ta quảng cáo rằng: Nếu giữa trưa có nắng sẽ nhìn thấy 2 tia nước với hai màu
khác nhau hoàn toàn phun lên từ đáy. Chúng tôi vội vã đến bản Khộp vào giữa
trưa những mong được chiêm ngưỡng giếng có hai màu nước kỳ lạ chưa từng có này.
Mặc dù biết trước nhưng ai trong
chúng tôi cũng đều vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến một hình ảnh đẹp hiếm gặp.
Đứng trên thành giếng quan sát thật kỹ, dưới đáy giếng hai tia nước có hai màu
đang phun ra mạnh mẽ. Một tia màu trắng tinh, một màu hồng nhạt. Hai tia nước
này bắn lên từ một khe nhỏ của khúc gỗ dưới đáy giếng.
Anh Quyết vui vẻ nói: "Anh chị
là may mắn lắm mới có thể nhìn thấy hai tia nước này đó. Chỉ khi trời thật đẹp,
trong xanh và có nắng thì hai tia nước này mới phun ra như thế. Chúng tôi cũng
không hiểu có phải vì phản xạ với ánh nắng mặt trời hay không nhưng trong bản
ai cũng cho rằng đó là nước thần phun ra".
Theo hướng dẫn của trưởng bản muốn
tìm hiểu gốc tích của giếng thần này chỉ còn cách duy nhất là tìm những cụ cao
niên trong bản. Bởi, chẳng có sách vở nào ghi chép lại cả. Chúng tôi may mắn
được gặp cụ Bùi văn Beo - 92 tuổi nhưng cụ còn rất minh mẫn. Cụ là người được
nghe và chứng kiến nhiều sự tích ly kỳ nhất xung quanh giếng thần này.
|
Mới đây giếng Khộp được xây xung quanh nhằm thuận lợi cho việc sinh hoạt của người dân. |
Cụ kể: "Tôi cũng chẳng biết
giếng có từ khi nào. Có ăn nước giếng, chứng kiến bao biến đổi mới thấy giếng
này thiêng lắm. Mọi người có đổ bỏ bất cứ thứ gì xuống cũng không thể làm nước
giếng bẩn được. Thế nhưng kiểu gì cũng bị báo oán đấy". Đã có nhiều người
ở đây không tin vào sự linh thiêng của giếng nên đã đổ chất thải xuống, chỉ vài
ngày sau ốm thập tử nhất sinh.
Không thầy mo, thầy lang nào chữa
nổi. Có lần một cậu thanh niên mới lớn đứng cạnh giếng chửi thề thế là bị méo
mồm và nằm liệt ngay. Chữa chạy tứ phương đều không được sau có người ta mách
là làm lễ xin thần giếng và múc nước giếng uống mới khỏi.
Tục tắm tiên của cả làng bên giếng
thần
Điều đặc biệt ở giếng thần này là từ
già tới trẻ, nam hay nữ đều tắm tiên ngay bên miệng giếng. Anh Quyết cười bình
thản: "Đó là truyền thống của bản chúng tôi rồi. Nam nữ, già trẻ lớn bé
đều tắm tiên ở đây mà chẳng ai ngại ngùng gì cả. Cứ khoảng 11h trưa và 5h chiều
là mọi người kéo nhau ra tắm. Người bản Khộp tắm trần chung với nhau mà không
bao giờ mảy may một ý nghĩ xấu nào cả. Thấy các cụ nói là tắm ở giếng thần này
sẽ gột rửa được những tội lỗi trần tục. Hơn nữa con gái ở bản Khộp đều rất
trắng trẻo là vì tắm nước giếng thần này".
Theo những vị cao niên hiểu biết
trong bản thì tục tắm tiên ở giếng thần có liên quan đến lời đồn ma quái hàng
trăm năm nay. Cụ Bùi Văn Chinh chia sẻ: "Ông cụ nhà tôi kể lại. Thời kỳ
còn hoang sơ con ma rừng hay bắt người mang về hang trên núi. Con ma rừng đã
giết hại rất nhiều người trong vùng mà bất lực không có cách nào chế ngự được.
Rồi một vị pháp sư danh tiếng xứ Mường Bi từ ông Mã đạp nước cưỡi mây dùng bùa
phép yểm được con ma này. Vị pháp sư này căn dặn dân bản Khộp phải thường xuyên
tắm nước giếng thần thì con ma mới không dám bắt. Thế là từ đó giếng Khộp
(giếng thần) có tục tắm tiên nổi tiếng khắp các miền".
Chiều xuống, Bùi Thị Ré và mấy người
con gái cùng bản đang té nước tắm cho nhau. Không biết việc nhìn thấy người lạ
lạc vào nơi tắm tiên có làm cho các cô các chị ngại hay không. Chỉ biết họ vẫn
say sưa đắm mình vào dòng nước mát. Đợi lúc Ré đã trang phục chỉnh tề, chúng tôi
mới dám tiến gần và hỏi: "Cứ tắm tiên thế này, cả nam lẫn nữ mà các chị
không ngại sao?". Ré hồn nhiên trả lời: "Có gì mà ngại chứ. Bọn mình
tắm thế này từ bé rồi. Lớn lên vẫn tắm, có làm sao đâu?".
Sang phía bên phải là tồng ngồng đám
trai làng, già có trẻ có… Họ đi tắm như đi hội. Cười đùa, chọc ghẹo nhau. Một
chàng trai cao to, béo trắng nổi bật trong đám đông ấy cũng trả lời rất thản
nhiên khi tôi hỏi, không ngại với đám con gái kia sao thì anh ta trả lời:
"Không ngại đâu. Ở đây già trẻ lớn bé ai cũng tắm thế nên quen rồi".
"Thế không cảm thấy thinh thích khi nhìn thấy đàn bà con gái tắm à?".
"Không đâu, trông cũng giống như đàn ông tắm cả thôi"… Có lẽ vì thế
chăng mà từ trước đến nay những người dân nơi đây coi việc tắm tiên như một nét
văn hóa cần được lưu truyền. Và tuyệt nhiên chưa từng xảy ra chuyện gì ảnh
hưởng đến thuần phong mỹ tục của những người dân xứ Mường này.
Khúc gỗ chấn long mạch nơi đáy giếng
Đi tìm nguyên nhân của giếng nước
thần không bao giờ cạn chúng tôi đã tìm được lời giải thích đầy huyền bí của
nhiều vị cao niên. Theo các vị cao niên này thì dưới đáy giếng Khộp có 1 khúc
gỗ kỳ lạ, nó được coi là khúc gỗ chấn long mạch của giếng. Cụ Bùi Văn Beo kể:
"Dưới đáy giếng thần có 1 khúc gỗ rất kỳ lạ. Mặc dù bị ngâm dưới đáy giếng
hàng nghìn năm nhưng chẳng bị mục ruỗng mà cứng như thép".
Chuyện kể rằng, khúc gỗ nằm nơi đáy
giếng Khộp là cành 1 loại cây có tên Nhội. Truyền thuyết kể rằng gốc cây Nhội
rất lớn nằm ở cánh đồng Nà Cả trên xóm Điện xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình)
cách bản Khộp không xa về phía Tây Bắc. Cây Nhội này lớn đến mức, tán lá của nó
có thể che kín khắp 3 xã của huyện Lạc Sơn. Ngày đó có hai anh em ruột, một
người ở bản Khộp, người kia ở xóm Điện. Người em ở bản Khộp làm ăn khấm khá có
tiếng trong vùng. Thấy thế người anh ghen tức bèn chặt cây Nhội đi. Cành cây đổ
trúng nhà em và tạo thành cái giếng. Khúc gỗ dưới đó là phần còn lại của cây
Nhội bị chặt.
Tuy vậy, người dân ở đây lại có cách
lý giải khác về sự tồn tại của khúc cây Nhội dưới đáy giếng. Cụ Bùi Văn Chính kể:
"Tôi có nghe từ lâu rồi rằng, đó là một lời nguyền liên quan đến việc giữ
rừng của người Mường xưa kia". Câu chuyện của cụ Chính được nhiều người
dân ở đây tin hơn cả. Cụ kể, đây là vật yểm của thầy pháp sư sau khi đánh nhau
với ma rừng. Đó là một phần cây gậy thần mà vị pháp sư đã dùng để đánh đuổi ma
rừng, cứu người bản Khộp. Khúc Nhội nằm ở đáy giếng nhằm khơi long mạch cho
người bản Khộp. Chính nhờ khúc gỗ đó mà nước hàng ngày cứ phun lên, người dân
tắm nước này sẽ tránh được tà ma.
Anh Bùi Văn Quyết trưởng bản Khộp
chỉ tay nơi khúc gỗ dưới đáy giếng chia sẻ: "Không có loại gỗ nào ngâm
nghìn năm trong nước mà không bị mục ruỗng. Đây lại là loại gỗ không phải quý
nhưng lại tồn tại được như vậy thì thật kỳ lạ. Có lần bản chúng tôi mang khúc
gỗ này lên định làm củi nhưng rìu, búa chém vào cũng chẳng hề hấn gì".
Để chứng minh cho sự linh thiêng của
khúc gỗ Nhội anh Quyết kể: Cách đây khoảng hơn chục năm, UNICEF cho tiền xã
Ngọc Lâu xây dựng hệ thống nước sạch. Giếng nước thần cũng là 1 điểm cần nạo
vét. Cán bộ địa phương chỉ đạo vớt khúc gỗ nằm dưới đáy giếng lên để dễ dàng
cho việc nạo vét bùn.
Lúc đó hàng chục trai bản được huy
động dùng dây thừng, đòn để vớt khúc gỗ Nhội lên. Mặc dù nước không sâu, cây gỗ
không quá lớn nhưng phải mất cả ngày đám thanh niên mới đưa được khúc gỗ đó lên
bờ. Sáng hôm sau, cả bản Khộp hoảng loạn, ai nấy đều hoang mang vì giếng không
còn một giọt nước. Không những vậy khu vực ao chuôm quanh vùng cũng khô cạn,
đất đai quanh giếng cũng nứt nẻ khác thường.
Ông Chinh tiếp lời: "Quả đúng
là thế, hôm đó cảm giác ở bản Khộp này sắp có biến. Trẻ con khóc không tài nào
dỗ được. Bà con kéo nhau ùn ùn ra giếng nhìn thất thần. Cảm nhận được điều
chẳng lành, các vị cao tuổi bàn nhau cho thanh niên trai tráng thả lại khúc gỗ
xuống đáy giếng. Trước sự chứng kiến của dân làng, nước từ đâu lại phun lên
mạnh mẽ. Mọi vật lại trở về bình thường".
Những câu chuyện thần bí xảy ra xung
quanh giếng Khộp khiến chúng tôi nửa tin nửa ngờ. Để giải mã cho những bí ẩn đó
cần có những nghiên cứu nghiêm túc của các nhà khoa học. Tuy vậy việc tin vào
giếng thần, tin vào khúc gỗ chấn long mạch của người bản Khộp lại như một nét
văn hóa tâm linh của người dân xứ Mường.
Ông Bùi Văn Chấn, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâu:
Giếng thần Ngọc Lâu là kho báu quý giá của người
Mường bản Khộp. Những câu chuyện ly kỳ, thần thánh hóa đã có từ xa xưa.
Nó như những câu chuyện truyền thuyết mà đời này kể cho đời khác nghe.
Với người bản Khộp, giếng thần là nguồn sống của các loài người nên họ
luôn có ý thức bảo vệ, không ai có thể xâm phạm đến khu giếng này nếu có
ý đồ xấu.
Việc nước giếng không bao giờ cạn và rất ấm áp vào mùa
đông, mát mẻ vào mùa hè là chuyện hoàn toàn có thật. Còn nguyên nhân
nước giếng đầy là do khúc gỗ Nhội đúng hay không thì còn phải chờ các
nhà khoa học tìm hiểu.
Anh Bùi Văn Quyết, trưởng thôn bản Khộp chia sẻ:
"Bản thân là người trẻ tuổi nhưng cũng từng nghe rất
nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh giếng Khộp này. Quả đúng bà con trong
bản từ xưa tới nay ai ai cũng ra đây tắm tiên. Mặc dù hiện nay nhà nước
cũng đã xây hệ thống nước hút từ giếng về từng nhà nhưng bà con bản Khộp
vẫn chưa bỏ được tục tắm tiên ở giếng này. Chúng tôi hy vọng, các cơ
quan chức năng sẽ sớm tìm lời giải thích cho những bí ẩn đùn nước 2 màu
từ khúc gỗ dưới đáy giếng.
|
|
No comments:
Post a Comment