Wednesday, October 3, 2012

(247) Guimet Paris giới thiệu lịch sử của trà

Trà ướp sen
Trà ướp sen Ảnh: Nguồn Internet

Bảo tàng Guimet Paris giới thiệu lịch sử của trà

Đức Tâm
Bắt đầu từ hôm nay, 03/10/2012 và cho đến ngày 07/01/2013, viện bảo tàng Guimet ở Paris tổ chức triển lãm, giới thiệu lịch sử 4000 năm của văn hóa trà (mà người miền bắc thường gọi là chè). Có rất nhiều loại trà khác nhau như trà xanh, trà đen, bạch trà, hồng trà… Đây là đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới, chỉ sau nước. 
Với chủ đề « Trà – Lịch sử ngàn năm một đồ uống », cuộc triển lãm tại viện bảo tàng Guimet tập trung vào Trung Quốc, giới thiệu những bức tranh quý hiếm liên quan đến trà của viện bảo tàng quốc gia Đài Bắc (Đài Loan) và những tác phẩm từ lâu nay vẫn được cất giữ trong kho của viện bảo tàng nghệ thuật châu Á.

Cuộc triển lãm được mở đầu với tác phẩm « tấn trà », một khối trà nén của nghệ sĩ Trung Quốc Ngải Vị Vị, sau đó là bộ phim ngắn của đạo diễn Trần Anh Hùng. Trong phim, bà Tang Dục Tuệ (Tseng Yu-hui), một chuyên gia nổi tiếng người Đài Loan nói về trà. Giống như rượu vang, trà cũng có những mùi vị khác nhau. Cùng một loại trà, có thể có tới 600 hương vị khác nhau. Bà Tang Dục Tuệ còn giới thiệu một cách chi tiết những cách thức pha và thưởng thức trà.
Ông Jean Paul Desproches, phụ trách triển lãm, cho biết là từ xa xưa, ở Trung Quốc, rượu vang và trà đã cạnh tranh với nhau, dường như chịu ảnh hưởng của sự ganh đua giữa văn học và nghệ thuật. Suốt cả thời kỷ cổ đại của Trung Quốc đều xoay quanh rượu vang, đạo Phật đã mang trà đến xứ này. Từ đó, nẩy sinh sự đối đầu giữa một bên là thế giới các nhà nho ưa thích say sưa mơ màng và bên kia là sự điềm tĩnh.
Viện bảo tàng Guimet chia lịch sử ngàn năm của trà thành ba giai đoạn chính, mỗi giai đoạn được minh họa bằng nhiều dụng cụ chế biến, pha trà, các bản viết, tranh vẽ và sách hiếm nói về trà.
Giai đoạn đầu mang tên : « Trà nấu », dưới thời nhà Đường (618 – 907). Đó là thời kỳ trung cổ tại Trung Quốc, thế giới lạt ma ở Tây Tạng, Mông Cổ. Vào thế kỷ thứ VIII, xuất hiện quyển sách đầu tiên chuyên nói về trà mang tựa « Trà Kinh – Le Classique du thé » của Lục Vũ (Lu Yu). Trà được ca ngợi là có nhiều công dụng phòng ngừa, chữa trị bệnh, tốt cho sức khỏe con người và trở thành đồ uống hàng ngày của các tu sĩ cũng như các nhà nho. Trong thời kỳ này, người ta vò nát lá trà, thả vào ấm nước đang đun sôi, rồi có khi thêm cả bơ và các gia vị khác vào.
Giai đoạn tiếp theo là thời kỳ « Trà bột » dưới thời Tống (960 – 1279). Trà xanh được tán thành bột và nén thành từng tấm nhỏ. Khi pha, thả viên trà vào và khuấy đều cho tan, đánh sủi bọt. Kiểu uống trà này rất được ưa thích và phổ biến, dẫn đến sự phát triển ngành công nghiệp chế tạo ấm chén sứ uống trà. Các tu sĩ Phật giáo đã đưa trà vào Nhật Bản và từ đó, xuất hiện nghi lễ uống trà, còn gọi là Trà đạo.
Tiếp đó là giai đoạn « Trà pha » thời nhà Minh (1368-1644) : Lá trà được phơi khô, rang xấy và cách thức pha trà giống như ngày nay, cho trà vào ấm và chế nước nóng. Kể từ đây, việc uống trà đã trở thành phổ biến, không chỉ giới hạn trong giới trung lưu, trí thức, mà được bình dân hóa. Cùng với việc xuất hiện các quán bán nước trà, sản phẩm này cũng bắt đầu được xuất khẩu.
Phần cuối của triển lãm nói về sự phát triển của công nghiệp chế biến và tiêu dùng trà trên thế giới.
Vào năm 1848, nhờ hoạt động tình báo công nghiệp tại Darjeeling (Ấn Độ), nước Anh đã khám phá ra bí mật chế biến trà theo kiểu của Trung Quốc. Ngay từ năm 1887, nhập khẩu trà của Ấn Độ đã cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc.
Hiện nay, Trung Quốc vẫn đứng đầu thế giới về sản lượng trà : 29%, theo sao là Ấn Độ 25%, Sri Lanka 9% và Nhật Bản 3%.

No comments: