Nhân ngày Valentine 2012
Những người khách trên xe buýt nhìn với vẻ thương
cảm khi người phụ nữ trẻ xinh đẹp lần dò lên chiếc xe buýt bằng cây gậy
màu trắng. Cô trả tiền cho bác tài, và dùng tay dò dẫm từng chiếc ghế
ngồi, từ từ đi xuống theo lối đi giữa xe và tìm được ghế trống bác tài
đã nói. Rồi cô ngồi vào chỗ, đặt chiếc cặp lên lòng và chiếc gậy dựa vào
chân.
Đã một năm rồi từ ngày Susan, khi ấy mới 30 tuổi, bị
mù. Do một chẩn đoán y khoa sai lầm khiến cô thành khiếm thị. Cô đột
nhiên rơi vào một thế giới tối đen, phẫn nộ, tuyệt vọng, chỉ còn biết
thương thân trách phận. Và cô phải bám chặt vào chồng cô, Mark. Mark là
một sĩ quan không lực và anh yêu vợ với cả trái tim bằng lòng chung
thủy: một tình yêu mãnh liệt như 5 năm trước mới yêu nhau. Khi vợ bị mất
thị lực, thấy cô chìm sâu trong tuyệt vọng, anh xót thương và quyết
định giúp vợ lấy lại sức mạnh cũng như sự tự tin – những gì cô ấy cần để
có thể tìm lại sự độc lập cho bản thân.
Cuối cùng, Susan cảm thấy cô đã sẵn sàng trở lại làm
việc, nhưng cô sẽ đi đến đó bằng cách nào? Trước đó cô vẫn thường đi xe
buýt, nhưng bây giờ cô quá sợ nên không thể đi lại trong thành phố một
mình. Mark tự nguyện lái xe đưa cô đi làm hàng ngày mặc dù nơi làm việc
của họ ở hai đầu thành phố.Thoạt đầu, điều này an ủi Susan, và khiến cho
Mark thấy dễ chịu vì đã làm được việc bảo vệ người vợ khiếm thị của anh
hiện giờ cảm thấy bất an trong mọi chuyện.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu Mark nhận ra cách sắp xếp
như thế không ổn, không giúp được cho Susan tự hòa nhập với hoàn cảnh
mới. Anh tự nhủ: Susan cần phải đi xe buýt trở lại. Nhưng cô còn quá yếu
đuối, quá bi quan- cô sẽ phản ứng như thế nào với những tình huống trên
xe? Đúng như Mark dự đoán, Susan kinh hoàng trước ý kiến đi xe búyt như
trước.
Cô cay đắng nói: “ Em mù lòa! Lam sao em biết em đang đi đâu? Em có cảm giác anh muốn bỏ em.”
Trái tim Mark như vỡ ra khi nghe những lời này, nhưng anh biết mình
phải làm gì. Anh hứa với Susan rằng anh sẽ đi xe buýt với cô mỗi sáng
và mỗi chiều bao lâu cũng được cho đến khi cô đã quen và tự lo liệu
được.
Quả đúng như vậy. Trong suốt 2 tuần, Mark, mặc bộ
quân phục, đi cùng vợ trên xe buýt đi về mỗi ngày. Anh dạy cô cách dựa
vào các giác quan kia, nhất là thính giác, để xác định xem mình đang ở
đâu và làm thế nào để thích nghi được với hoàn cảnh mới. Anh giúp cô kết
bạn với các tài xế xe buýt những người có thể trông chừng cô và dành
cho cô một chỗ.
Cuối cùng , Susan quyết định cô đã sẵn sàng để tự
mình đi xe buýt. Buổi sáng thứ sáu đó, trước khi đi làm, cô vòng tay ôm
Mark, người bạn đồng hành xe buýt, người chồng, người bạn tốt nhất đời
cô.. Mắt cô đẫm lệ, những giọt lệ biết ơn về lòng chung thủy, sự kiên
nhẫn của chồng cô. Và vì tình yêu của anh nữa. Thứ hai, thứ ba, thứ tư,
thứ năm …. Mỗi ngày qua đi với những chuyến xe buýt cô tự lên xuống
thành công, và Susan cảm thấy như chưa bao giờ cuộc đời chìm trong bóng
tối của cô có thể tốt hơn. Cô đang làm được việc đó. Cô sẽ tự đi làm một
mình.
Sáng thứ sáu, Susan đón xe buýt đi làm như thường
lệ. Khi cô trả tiền vé để xuống xe, bác tài nói: “ Này cháu, bác ghen
với cháu đó”. Susan không chắc là bác tài đang nói với mình. Xét cho
cùng, còn ai trên đời này lại đem lòng ganh tị với một phụ nữ bị mù phải
vật vã tìm hi vọng sống trong một năm qua? Ngạc nhiên, cô hỏi bác tài :
” Tại sao bác nói bác ghen với cháu?”
Bác tài đáp: “ Cháu biết đấy, suốt tuần rồi sáng nào một người đàn
ông đẹp trai mặc quân phục cũng đứng ở góc đường nhìn cháu xuống xe. Anh
ấy chờ đợi cháu băng qua đường an toàn rồi nhìn cháu đi vào tòa nhà văn
phòng.
Anh chàng gửi cho cháu một nụ hôn gió, vẫy tay chào rồi quay đi. Cháu là một phụ nữ thực may mắn. “
Những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn trào trên má
Susan. Dù cô không thể nhìn thấy Mark, cô vẫn cảm nhận sự có mặt của
anh. Cô thực may mắn, may mắn vô cùng. Vì anh đã tặng cho cô tặng vật
quý giá hơn cả thị giác của cô, tặng vật mà cô chẳng cần nhìn thấy mới
tin.
Tặng vật của tình yêu đã đem ánh sáng đến soi sáng cho nơi chỉ có bóng tối bủa vây.
Chồng già vợ trẻ
Tôi vừa bước chân vào nhà, chồng tôi đã gọi:
- Em ơi, cạo gíó cho anh…
- Lại cảm rồi hả? Gớm, gió đầu Đông cảm, gíó cuối Đông cũng cảm. Mà lại cảm ngay vào ngày Valentine, ngày mùa tình yêu, người ta tưng bừng hẹn hò hay đi chơi, còn anh thì ngồi đây ăn vạ.
- Đầu hay cuối gì cũng là gió lạnh cả.
Tôi ngao ngán: - Anh thì dị ứng với cả bốn mùa, giữa mùa hè trời bỗng dưng đổ cơn mưa anh cũng ngây ngây người khó chịu, mùa Xuân anh không chịu nổi phấn hoa tha hồ sổ mũi hắt hơi, còn mùa Thu gió chuyển mùa hiu hiu, trong khi em muốn được đi theo gío đến tận chân mây cuối trời thì anh đã cảm vì lạnh, phải uống vài viên thuốc Tylenol và nằm nhà đắp chăn để ngủ, mặc cho mùa Thu mơ màng ngoài khung cửa.
- Thì anh khác, em khác. Anh đã 60 tuổi rồi còn gì! mà em thì mới 40, cái tuổi nồng nàn và rực rỡ.
- Em muốn lấy chồng lớn tuổi để nép bóng tùng quân, để mãi mãi là người tình bé bỏng được nuông chiều, hóa ra em lại là người phải chiều anh và hầu anh đủ thứ.
Tôi nhìn anh đang ngồi trong ghế như đã chờ đợi tôi từ nãy giờ, mặc áo len dày, chân đi vớ, đầu còn đội cả mũ len nữa. Càng thêm ngao ngán:
- Trông anh lù đù như ông gìa trong nursing home ấy, trong nhà chứ có phải ngoài sân hay ngoài cánh đồng lộng gío đâu mà anh trang bị quần áo, mũ và vớ kỹ thế?
- Biết thế, nhưng thà thừa hơi ấm còn hơn là một chút lạnh vào người.
Tôi ra lệnh: - Thôi đủ rồi, anh chuẩn bị cởi đống quần áo len, áo khóac tổng cộng mười mấy pound của anh ra để em cạo gío. Từ ngày lấy anh em bỗng trở thành người đàn bà cạo gío thành thạo, tay nghề cao dần theo năm tháng.
Ông chồng tôi lê dép đứng lên đi lấy chai dầu gío xanh và dụng cụ cạo gío. Kể cũng lạ, mỗi lần cảm lạnh hay nhức mỏi hai vai và lưng, chỉ cần cạo gío cho người nóng ran lên anh thấy đỡ ngay.
Vừa ngửi mùi dầu xanh vừa cạo gío trên tấm lưng gầy của chồng, trong căn phòng này dường như chỉ là tuổi gìa và đau ốm. Trong khi cuộc sống bên ngoài luôn sống động xôn xao, lúc nãy tôi có ghé vào chợ đã thấy cửa hàng bán hoa tấp nập khách mua. Tôi đã dừng chân ngắm nhìn cái điều có lẽ chẳng còn đến với tôi nữa trong ngày Valentine, những bó hoa, những bình hoa đủ loại, đủ màu, bên cạnh những qủa bóng hình trái tim cột dây bay lơ lửng đang chờ được mua và trao tặng.
Tôi đang say sưa cạo gío, bỗng anh rướn người lên và kêu thống thiết: - Trời ơi, em cạo kiểu gì mà đau qúa vậy?
- Hình như…em quên chưa bôi dầu xanh chỗ này…
Anh hỏi tội tôi: - Em chưa già mà lơ đãng và xớn xác thế! Chưa bôi dầu mà cạo thì ai chịu nổi!
Tôi chanh chua:
- Em già trước tuổi để bằng anh, tuổi gìa của anh như một loại vi khuẩn lây lan sang cả đời em. Anh biết chưa?
Anh nhăn mặt:
- Sao em lắm lời thế? Ngày xưa em ngây thơ hiền dịu bao nhiêu bây giờ em chanh chua đỏng đảnh bấy nhiêu. Nếu như được làm lại từ đầu thì…
Tôi gắt gỏng:
- Thì anh sẽ làm gì? Anh chê tôi chanh chua, anh sẽ không cưới tôi chứ gì?
- Thì… anh vẫn yêu em và cưới em, xưa yêu em hiền dịu, nay yêu em cả những chanh chua, cả khi đỏng đảnh.
- Thôi đừng có nịnh nọt. Còn anh, chàng hào hoa ngày xưa của em đã thay thế bằng một ông gìa dở hơi rồi đấy.
Không dám than đau nữa, anh hỏi sang chuyện khác:
- Nãy em đi đâu mà lâu thế?
- Đi đủ thứ, nhà băng này, ghé chợ này, và… nhân thể em ghé vào văn phòng bác sĩ thẩm mỹ hỏi thăm để cắt mí mắt, vì mắt em hơi bị sụp mí rồi.
Tấm lưng anh lại rướn lên, lần này để phản kháng:
- Thôi em ạ, vốn dĩ em đã trẻ hơn anh nhiều, mà lại sửa sắc đẹp thì càng trẻ hơn nữa, coi sao được?
- Biết làm sao bây giờ? chuyện em sửa sắc đẹp chẳng vì anh bao nhiêu tuổi cả, mà vì em thích.
Tôi than thở: - Nếu anh không qúa gìa, hay nói một cách khác nếu anh còn trẻ độ tuổi như em, thì giờ này anh không thể nằm đây bắt em cạo gío, mà đã ra tiệm chọn hoa tặng em và chiều nay sẽ mời em đi nhà hàng để làm ấm lại tình vợ chồng đã nhạt phai vì thời gian, vì bận rộn của cuộc đời. Em có bao nhiêu quần aó, giày dép thời trang để diện, có son phấn để điểm trang mà mấy khi dùng đến?
- Tình yêu là ở trong lòng, cái màn tặng hoa, tặng qùa Valentine chỉ là hình thức phù phiếm, làm lợi cho giới kinh doanh. Năm nay kinh tế khó khăn, thất nghiệp lan tràn, càng giản tiện, tiết kiệm càng tốt, ở California có ông bị thất nghiệp đã giết chết vợ con và tự tử theo. Tình yêu đã cũ, hâm đi hâm lại như nồi nước phở cũng chẳng làm ngon thêm tí nào.
- Còn hơn là không hâm sẽ bị… thiu, sẽ tệ hại hơn nữa.
Anh vừa nói vừa thở vì vẫn còn đau mỗi khi tôi mạnh tay: - Anh có muốn thế này đâu. Thật dại khờ khi người ta lấy nhau bất kể tuổi tác. Mà tại sao ngày ấy em cứ xông vào đời anh, đòi lấy anh trước khi anh ngỏ lời cưới em?
- Đấy là lãng mạn một cách bốc đồng. Tại cuốn truyện “Tình Nghĩa Vợ Chồng” của Leon Tolstoi do Bảo Sơn dịch, cô Mai tuổi mới lớn đã yêu chú Sách, người đàn ông hơn cô rất nhiều tuổi và là bạn của cha cô, và chú Sách thì tử tế bao dung tuyệt vời làm ảnh hưởng đến em. Lại thêm bản nhạc nào đó của ông Y Vân với những câu “Năm anh 20 em mới sinh ra đời, năm anh 40 em mới vừa 20…” thật sống động và lãng mạn. Cả hai thứ cộng lại làm hồi đó em chỉ mơ lấy một anh chồng gìa, đến nỗi mấy thằng cùng trang lứa tán em, em coi chúng như hàng ranh con không hề đếm xỉa đến.
- Còn anh háo thắng một cách bốc đồng! Vì anh không mãi mãi là thằng đàn ông 40 sung sức để yêu em, để mỗi lần em giận dỗi anh làm huề bế xốc em lên và ôm gọn trong vòng tay mình, ngược lại bây giờ một cú vung tay vùng vằng hờn dỗi của em cũng làm anh loạng quạng suýt ngã. Thà anh lấy một người vợ ngang vai phải lứa, cả hai cùng gìa, cùng nay ốm mai đau, cuộc sống thoải mái biết bao! Bà ấy cạo gío cho anh, anh cạo gío cho bà ấy, chẳng có gì để phàn nàn cả.
- Nhưng sao anh gìa nhanh thế? người ta 70 còn cưới vợ, mà anh thì mới 60 đã ốm yếu ho hen thế này?
- Thì sức khỏe mỗi người mỗi khác. Mẹ anh kể ngày còn bé anh đau ốm quặt quẹo, vừa chữa bệnh bằng Tây y lẫn Đông y vừa cúng bái chùa chiền tứ phương anh mới lớn nổi.
Tôi lên giọng kể lể:
- Tuy nhỏ tuổi hơn anh mà đôi lúc em như bà chị hai của anh, hay như một người mẹ chăm sóc đứa con thơ ấy.
- Phải nói rõ ra là như một bà chị hắc ám hay người mẹ…ghẻ em nhé, vì em hay gắt gỏng, mắng mỏ va hà hiếp anh lắm đấy.
- Vì anh lẩm cẩm qúa ai mà chịu nổi? Lúc nào cũng than đau mình nhức mẩy và đòi cạo gío. Thôi xong rồi, anh nằm nghỉ đi cho khỏe để em đi nấu cơm.
Tôi kê gối, đắp chăn cho anh nằm êm ấm xong thì có tiếng chuông cửa reo. Người ta đến giao phát một bình hoa tươi làm tôi ngỡ ngàng cứ tưởng có sự lầm lẫn gì chăng? Nhưng đúng địa chỉ nhà này và tên người nhận là… con gái tôi, chứ không phải tôi. Con gái đã 19 tuổi rồi, vậy mà dưới mắt tôi nó vẫn chỉ là một đứa trẻ con. Thì ra đã có anh chàng nào để ý đến nó rồi.
Tôi thận trọng mang bình hoa để lên bàn và ngắm nghía, bình hoa bằng thủy tinh trong suốt, thắt nơ bằng sợi dây màu hồng, trong cắm đầy hoa Hồng, điểm tô bằng những cánh hoa cúc trắng nhỏ lấm tấm với những cành lá dương xỉ xanh tươi.. Lòng tôi bỗng rộn ràng ấm áp, sống lại những phút giây xa xưa .
Chồng tôi cũng tò mò từ trong phòng bước ra: - Hoa của ai đấy em?
Tôi ra khỏi giấc mơ: - Còn ai vào đâu nữa, ngoài con gái mình? không lẽ ai đó tặng hoa cho em, một mụ đàn bà 40 có chồng lù lù bên cạnh?
- Nhưng sao mặt em bâng khuâng thế kia?
- Em chạnh lòng nhớ thuở mới yêu anh, nhưng phút giây ngắn ngủi ấy qua rồi. Thực tế, em đang bực mình đây, con gái mình không thể quan hệ tình cảm yêu đương làm ảnh hưởng đến việc học hành của nó trong lúc này.
Chồng tôi bênh con gái: - Em chỉ hơn nó 1 tuổi mà ngày xưa đã yêu anh thế nào? Lãng mạn đến thế nào? Em đã nói rằng nếu không lấy được anh thì tất cả đàn ông trên cõi đời này đều vô duyên, đều là những tượng đá không linh hồn.
- Thì đã nói ngày ấy em bốc đồng mà, nên phải rút kinh nghiệm cho con mình.
- Trái lại, em không bốc đồng mà còn tỉnh táo và thông minh để chép những bài thơ tình rất hay trên báo tặng cho anh. Em đã từng bỏ học để đi chơi với anh. Còn con mình vẫn đi học nghiêm chỉnh và tử tế hơn em nhiều.
Tôi vùng vằng: - Anh đánh gía tình yêu của em xuống cấp như thời buổi kinh tế khó khăn mọi thứ đều hạ gía hả?
Con gái chúng tôi về đến, chấm dứt sự cãi cọ thường ngày như cơm bữa của cha mẹ:
- Bình hoa này là quà tặng Valentine của con, một người bạn trai yêu con và con cũng yêu anh ấy. Chiều nay chúng con có hẹn.
Tôi lo xa: - Chúng con yêu nhau thì được, nhưng chớ có đòi cưới nhau sớm nhé? phải lo học hành thành tài đã.
- Chuyện cưới nhau còn lâu mẹ ạ, phải tìm hiểu tính tình nhau nữa chứ. Ngày xưa bố mẹ có tìm hiểu nhau trước khi cưới không?
- Không! Chồng tôi đáp.
Tôi khẳng định thêm: - Mẹ cũng không! Trăm lần không, ngàn lần không !
- Hèn gì bố mẹ xung khắc nhau, hay cãi cọ qúa, vậy mà bố mẹ nói lấy nhau vì tình yêu
- Đúng là vì tình yêu con ạ, một tình yêu chớp nhoáng như một tia sấm sét lóe lên ngắn ngủi trong một đêm mưa gío u mê.
Con tôi an ủi:
- Nhưng tình yêu nào chẳng phai nhạt theo thời gian, lâu hay mau mà thôi, có lẽ chúng ta phải biết chấp nhận điều đó. Chuyện tình Romeo và Juliet cũng thế, cả hai đều chết sớm, nếu lấy nhau thì chắc gì có thiên tình sử cho chúng ta đọc.
Con gái chúng tôi ở lứa tuổi đôi mươi là hình ảnh tôi ngày xưa, nhưng suy luận chín chắn hơn tôi nhiều.
Tôi nói với chồng trước khi lăn vào bếp để nấu nướng:
- Anh nằm yên đừng kêu réo gì em để em yên trí làm món thịt bò steak nhé. Thay vì mình đi nhà hàng như người ta trong ngày lễ Tình Yêu thì ăn tại nhà vậy.
Chồng tôi kêu lên:
- Thôi, thôi, anh mệt lắm, sức đâu mà nuốt món bò steak của em, chắc sẽ dai như đỉa đói hay dai dẳng như những lần em cãi nhau với anh và không chịu ngừng nghỉ.
- Anh đừng bi quan hóa vấn đề sẽ làm anh nhanh suy sụp và gìa thêm đấy. Em sẽ nấu theo sách vở, sẽ ngon lành…
- Hai mươi năm qua không lẽ hôm nay em sẽ giỏi nấu nướng đột xuất?
- Cứ coi như thế đi, cũng phải cho em cơ hội chứ. Hai chúng mình sẽ ăn bữa chiều nay với món bò steak và uống chút rượu cho ấm lòng và ấm tình anh nhé.
Anh vẫn cương quyết chối từ: - Thú thật anh chỉ thèm… một tô cháo trắng nóng hổi ăn với thịt chà bông, có lẽ sẽ nhẹ nhàng và khỏe người hơn, và cũng dễ nấu cho em hơn là món bò steak.
Tôi thất vọng thở dài: - Muốn ăn với anh một bữa chiều ấm cúng cũng không được, con gái thì hẹn hò đi ăn ngoài, chỉ còn hai vợ chồng mà hai khung trời khác biệt, chẳng lẽ anh ngồi húp cháo mà em ăn steak thì vui với ai?
- Thì em cùng ăn cháo với anh cho vui, nhân thể diet luôn.
Tôi chán nản dẹp bỏ bịch thịt bò trở vào ngăn tủ lạnh Vừa lúc đó con gái tôi đã trang điểm xong đi ra ngoài, con tôi thật đẹp với đôi mắt long lanh, nụ cười rạng rỡ và mái tóc mượt mà đong đưa.
- Mẹ ơi, con đi đây … Chúc bố mẹ ở nhà bình thường, đừng cãi nhau nữa nhé..
Ngày lễ Tình yêu, mùa của những tình yêu đã cũ, đã phai nhạt, trong đó có vợ chồng tôi. Nhưng vẫn là mùa tình yêu bắt đầu, mới tinh khôi cho bao nhiêu người khác, ở mọi lứa tuổi, đến với nhau bằng nhịp đập của con tim, trong đó có con gái tôi.
Tôi thẫn thờ nhìn con gái đi ra cửa, chợt tôi vội gọi lại, hoảng hốt lo âu: - Con ơi, con sẽ đi hẹn với người yêu của con, mối tình đầu của con, phải không?
- Vâng, con đã vừa nói với mẹ rồi, chúng con sẽ hòan toàn trong sáng và nghiêm chỉnh.
- Mẹ biết điều ấy rồi, vấn đề mẹ chưa biết và muốn hỏi con bây giờ là người yêu của con bao nhiêu tuổi?? bao nhiêu tuổi? bao nhiêu tuổi??
- Sao mẹ hỏi dồn dập và kinh hòang thế? Anh ấy hơn con 3 tuổi.
Tôi thở phào nhẹ nhỏm: - May qúa, mẹ chỉ sợ con cũng lãng mạn như mẹ ngày xưa mà yêu và lấy chồng gìa thì khổ vào thân. Thôi con đi chơi vui vẻ nhé, còn mẹ đi nấu nồi cháo trắng và ăn với bố con cho hết buổi chiều nay.
Khám phá thánh địa Chocolate dịp Valentine
Thứ Hai, 13/02/2012
Nếu chocolate là biểu tượng của tình yêu thì chắc chắn thành phố Bruges sẽ được coi là thánh địa ngọt ngào nhất thế giới.
Khi nhà thám hiểm Columbus tìm ra châu Mỹ, người Tây Ban Nha
đã nhanh chóng tìm thấy một nguồn lợi mới trong việc kinh doanh hạt
cacao từ châu mỹ về châu Âu. Họ thay tiêu bằng đường khiến cho chocolate
thú nước uống từ hạt cacao trở nên ngọt ngào và việc thưởng thức chúng
chở thành mốt thời thượng của giới quý tộc châu Âu. Chocolate du nhập vào Bỉ
từ giữa thế kỷ 17, đây cũng chính là nơi hương vị của nó được sang
trang mới, thơm ngon, quyến rũ và việc thưởng thức nó thành một nghệ
thuật.
Có khoảng 2,000 cửa hàng chocolate tại đất nước chỉ có 10
triệu dân này. Hầu hết những nhãn hiệu chocolate nổi tiếng thế giới đều
được sản xuất ở thành phố Bruges như: Hans Burie, Neuhaus, Galler,
Chocolatier manon. Cứ vài mét đi bộ, du khách lại bắt gặp một của hàng
kẹo với đầy chocolate đủ mùi vị, kiểu dáng và kích thước. Những nhà máy sản
xuất chocolate, cửa hàng, bảo tàng chocolate đều nằm trong lịch trình thăm viếng thành phố xinh xắn này.
Brugescó rất nhiều chocolate. Bruges có lễ hội chocolate, có bảo tàng lịch sử chocolate về một món quà ngọt ngào mà Thượng đế đã ban tặng cho thành phố từ hàng thế kỉ trước và biến nó thành một trong những nơi đáng yêu nhất thế giới, có loại chocolate mang tên Brugsch Swaentje’ (Thiên nga Bruges), có cả những thứ chocolate vị ngọt lịm mà hình thù kì dị và gây cười (vì nó mô tả các bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà!).
Brugescó rất nhiều chocolate. Bruges có lễ hội chocolate, có bảo tàng lịch sử chocolate về một món quà ngọt ngào mà Thượng đế đã ban tặng cho thành phố từ hàng thế kỉ trước và biến nó thành một trong những nơi đáng yêu nhất thế giới, có loại chocolate mang tên Brugsch Swaentje’ (Thiên nga Bruges), có cả những thứ chocolate vị ngọt lịm mà hình thù kì dị và gây cười (vì nó mô tả các bộ phận sinh dục của đàn ông và đàn bà!).
Choco-story là tên của bảo tàng nổi tiếng nhất tại Bruges
đến đây mọi người sẽ có cơ hội được tìm hểu rất tường tận về chocolate:
các mẫu hạt cacao, những dụng cụ làm chocolate, những bức tượng của thổ đân
Maya, những tác phẩm điêu khắc bằng chocolate, truyền thuyết về nữ thần chocolate. Bên cạnh đó du khách còn được tự tay học và làm chocolate.
Có khoảng 2,000 cửa hàng chocolate tại đất nước Bỉ |
Bruges có rất nhiều chocolate |
Tại choco-story quá trình phát triển của chocolate được tái
hiện một cách kỳ thú. Cây cacao được người Maya phát hiện cách đây
khoảng 4000 năm trước công nguyên. Khi đó họ đã biết pha hạt cacao trong
nước nóng cùng với tiêu và muối để cho ra thứ nước uống có tên là
"Xocoatl". Tầm quan trọng của cacao càng tăng nên khi người Maya và
người Aztec phát hiện ra bơ cacao có khả năng chữa vết bỏng, chữa bệnh
dạ dày và có thể làm tiêu độc rắn. Nhiều tài liệu còn sót lại cho thấy
hạt cacao là một đơn vị tiền tệ quan trọng với người Maya và Aztec thời
đó.
Ở thành phố Bruges, cứ vài mét đi bộ, du khách lại bắt gặp một của hàng kẹo |
với đầy chocolate đủ mùi vị, kiểu dáng và kích thước. |
Không chỉ nổi tiếng bởi chocolate, Bruges còn được biết đến
bởi những công trình kiến trúc cổ kính đã được UNESCO công nhận là di
sản thế giới. Nó còn được mệnh danh là "Venice của phương bắc" bởi hệ
thống kênh rạch chằng chịt của mình. Theo thống kê, lượng khách du lịch
có mặt tại Bruges luôn đông gấp đôi dân số của nó, khiến cho nó trở
thành điểm đến hấp dẫn và quan trọng nhất đất nước chocolate.
Theo Huyền Anh
Yeudulich
Yeudulich
No comments:
Post a Comment