Wednesday, August 20, 2014

(645) Hơi lạ nghe: Họp hành sao tự do quá vậy ? CA tha Tào chăng?

hnbdl-305.jpg
Một kỳ họp của Hội Nhà Báo Độc Lập.
Thứ Tư, ngày 20 tháng 8 năm 2014 
Họp Hội Nhà Báo Độc Lập - Ấn tượng khó phai
Cảm xúc thiêng liêng

Kể từ khi Hội Nhà Báo Độc Lập thành lập, tôi được tham gia họp Hội 2 lần và họp Ban lãnh đạo 2 lần. Mỗi lần đi họp, tôi đều có một cảm xúc rất thiêng liêng. Rồi qua kỳ họp đầu tiên của Chi Hội Miền Bắc nữa, tôi hiểu ra, cảm xúc ấy không chỉ mình tôi có.

Hôm họp Hội nghị thành lập Hội, Phạm Bá Hải đưa tôi đến phòng họp hơi muộn (hôm trước máy bay trễ, khi đi nghỉ được thì đã rất khuya). Anh em thấy tôi xuất hiện đều reo lên. Tôi cảm được không khí thân tình, chân thành và ấm áp của những người cùng chung nỗi trăn trở trước hiện tình đất nước. Linh mục Lê Ngọc Thanh đang điều khiển cuộc họp liền hồ hởi đứng dậy đi nhanh về phía tôi, bắt tay thật chặt, nói: “Chúc mừng người hùng”. Tôi hiểu, anh em gặp nhau vui mừng thì nói thế, chẳng chết ai, chứ tôi biết, tôi anh hùng gì đâu. Nhất là nhìn qua một lượt, thấy rất nhiều người nổi tiếng, đặc biệt là nhiều tù nhân lương tâm. Nếu ai đó hay huyễn hoặc, cho mình là tầm này tầm nọ thì hãy nhìn vào những tù nhân lương tâm để mà biết mình còn nhỏ bé. Các anh chị ấy đã cống hiến, đã tổn thất, đã được thử thách bằng những năm tháng khắc nghiệt trong nhà tù cộng sản. Thế nhưng chính họ lại là những người khiêm nhường hơn cả. Chợt có một xúc cảm rất lạ, chạy khắp cơ thể khi tôi nhìn thấy Đỗ Thị Minh Hạnh, một tù nhân lương tâm vừa mới được trả tự do trước thời hạn vô điều kiện. Lần đầu tiên, tôi gặp Minh Hạnh. Tôi nhận ra ngay bởi hình ảnh Minh Hạnh đã khắc sâu vào tâm khảm. So với tôi, Minh Hạnh kém một thế hệ nhưng lòng nể trọng Minh Hạnh còn đến trước cả tình thương yêu của một người lớn tuổi dành cho thế hệ sinh sau.


hnbdl-250.jpg



Cuộc họp đi vào thảo luận Tuyên bố và Điều lệ của Hội. Chưa bao giờ tôi được tham gia một cuộc họp nghiêm túc, đầy trách nhiệm và dân chủ như thế này. Những ý kiến khác nhau về một chi tiết nào đó đều được lấy biểu quyết. Mọi người tham gia ý kiến rất sôi nổi. Tôi thấy vui vì nhiều ý kiến của mình được cuộc họp chấp nhận. Bản Tuyên bố và điều lệ đã được sửa nhiều chỗ so với dự thảo ban đầu.

Ấn tượng nhất đối với tôi là việc bầu Ban lãnh đạo. Danh sách Ban lãnh đạo được dự kiến, Ban tổ chức đề nghị hội nghị giới thiệu thêm. Không thấy giới thiệu thêm ai và thành phần Ban lãnh đạo thông qua một cách nhanh chóng. Khi thảo luận sôi nổi bao nhiêu thì bầu Ban lãnh đạo nhanh chóng bấy nhiêu. Sự thống nhất này khác hẳn về bản chất khi so với sự miễn cưỡng thông qua hoặc thông qua cho qua chuyện trong các cuộc bầu bán trước đây mà tôi từng chứng kiến.

Hội nghị không có bè phái. Các chức vụ bầu ra không vì quyền lợi cá nhân hay phe nhóm nào mà chỉ là sự tự nguyện nhận về phần mình sự hiểm nguy.

Tôi lặng người khi Phạm Chí Dũng, thay mặt Ban lãnh đạo công bố thứ tự thay thế vị trí Chủ tịch Hội nếu có mệnh hệ gì. Giờ phút ấy, lòng tôi xúc động khôn tả. Đây là Hội nghị của những người dấn thân, dám chấp nhận sự hy sinh vì một nền báo chí độc lập và cao hơn nữa, vì tất cả những điều tốt đẹp cho tương lai của Đất Nước, của Dân Tộc. Cho đến lúc gõ những dòng chữ này, lòng tôi lại dâng lên nguyên vẹn cảm xúc ấy.

 Vì sự tồn tại và phát triển Hội
Hôm sau, tại diễn đàn các hội đoàn xã hội dân sự, khi được mời phát biểu ý kiến, tôi dành vài phút nói về Hội nghị thành lập Hội Nhà Báo Độc Lập. Đến khi tôi nói, tôi được bầu làm Phó chủ tịch Hội, mọi người vỗ tay rầm rầm và kèm theo những tiếng chúc mừng. Tôi biết mọi người chưa hiểu ý tôi vì tôi nói chưa hết. Tôi ngừng một lúc cho lắng xuống, nói tiếp:

“Vâng, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập, với tôi là một vinh dự. Nhưng điều vinh dự hơn là tôi được giúp việc cho một người mà tôi rất quý trọng: Chủ tịch Phạm Chí Dũng.”

Nói rồi tôi đưa tay về phía Phạm Chí Dũng. Lúc này, tiếng vỗ tay đồng cảm còn nhiều hơn.

Tôi chắc khi ấy, Phạm Chí Dũng cũng xúc động và cũng thấy vinh dự, dù biết rằng khoảnh khắc ấy sẽ nhanh chóng qua đi để sẵn sàng đối mặt với những thử thách trong những ngày sắp tới.

Hôm tới nhà nhà văn Phạm Thành tham dự buổi ra mắt bạn bè cuốn tiểu thuyết “Cò hồn xã nghĩa”, anh Trần Nhương trông thấy tôi liền chúc mừng tôi được bầu làm Phó chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập. Tôi cười: “Có gì đâu anh, chia sẻ với nhau một chút hiểm nguy thôi mà”. Anh cười vui, gật đầu tâm đắc với điều tôi nói.

Ngày 4/8/2014, Chi Hội Miền Nam họp lần đầu, đúng vào dịp Hội ra đời tròn 1 tháng. Với chi Hội Miền Bắc, cân nhắc nhiều mặt, tôi mới quyết định họp vào ngày 10/8 tại nhà bác Nguyễn Thanh Giang.

Trong Ban lãnh đạo, ở miền Bắc chỉ có một mình tôi nên tôi cũng lo lắm. Một số hội viên không liên lạc được. Tuy nhiên điều tôi lo hơn cả là chất lượng cuộc họp. Đây là kỳ họp lần đầu, nếu thành công sẽ tạo đà rất tốt cho sự phát triển Hội. Thành viên tại Hà Nội chỉ trừ 1 người còn lại tôi biết hết, đã gặp gỡ nhiều lần, đã có nhiều kỷ niệm. Cũng vì quá hiểu nhau nên thú thực tôi cũng lo mấy người bạn hay là ngòi nổ cho sự tranh luận có phần gay gắt thậm chí dẫn đến xung đột. Tranh luận là tốt nhưng xung đột thì không nên. Thế nhưng cuối cùng thì thảo luận rất hăng, có những ý kiến trái nhau nhưng đều được tôn trọng, ghi nhận sự khác biệt chứ không mang tính áp đặt và tất cả đều vui vẻ. Mấy anh bạn hay tranh cãi lại là người đưa ra nhiều ý kiến hay nhất và anh nào cũng thân thiện với anh nào.

Bác Nguyễn Thanh Giang đã 78 tuổi, bậc cao niên trong Chi hội nhưng lại là người có tư duy rất thoáng. Bác cho rằng, tất cả mọi đóng góp, dù nhỏ đều là quý chứ không nên chê bai lẫn nhau. Chúng ta phải thảo luận trên tinh thần đa nguyên, tôn trọng những ý kiến trái chiều. Bác nói, có người bảo tôi dũng cảm. Tôi thì không bao giờ tự đánh giá mình như thế, đừng nghĩ ai đó làm việc nhỏ mà không dũng cảm, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, sức chịu đựng và áp lực cũng khác nhau. Điều quan trọng là phải có tấm lòng….

Tôi không có ý định tường thuật buổi họp Chi hội ở đây. Nội dung cuộc họp đã có biên bản và tôi tổng hợp làm báo cáo gửi tới Ban lãnh đạo. Vì vậy, xin tiếp mạch điều đang nói dở.

Khi nói về việc viết bài cho Việt Nam Thời Báo, Ban biên tập cố gắng đảm bảo trả nhuận bút, anh em cho rằng, chúng ta viết không phải vì nhuận bút. Từ trước tới nay, anh em ở đây đã viết rất nhiều, viết do bức xúc, do trăn trở, không hề nghĩ tới phải được cái gì cho bản thân. Có được, chỉ được sự sách nhiễu, đe doạ, thỉnh thoảng lại bị triệu tập để thẩm vấn. Có những người được cả án tù như Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào… và bị bắt chưa thành án như Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm).

Tất cả những hội viên có mặt đều tham gia ý kiến. Các ý kiến xoay quanh công việc tổ chức của Hội, về sự công kích từ dư luận viên, từ báo chí nhà nước, về những khó khăn, nguy hiểm mà Hội có thể vấp phải, về xây dựng tờ báo của Hội… Tất cả mọi ý kiến đều thể hiện thái độ nghiêm túc đối với sự tồn tại và phát triển của Hội, không hề có ý kiến nào xuất phát từ động cơ cá nhân.

Ngay sau khi họp về, anh Nguyễn Đình Ấm ghi cảm xúc. Tôi xin trích một đoạn để thay cho lời kết:

“Không thể quên lần đầu đi họp hội viên Hội nhà báo độc lập VN. Thật không giống các cuộc họp hội nhà báo quốc doanh chỉ hình thức, họp cho qua chuyện... Tại đây đúng là tập hợp của những người nhiệt huyết với đất nước, với nhân dân, sự tiến bộ xã hội... Làm báo không vì mưu sinh, rất dân chủ, mọi người thoải mái góp ý làm sao để xây dựng hội thật vững mạnh, chính danh, nội dung tờ Việt Nam Thời Báo của Hội phải phản ánh thật trung thực, khách quan hiện thực xã hội, không sợ phê phán, cảnh báo sai phạm của nhà cầm quyền... Tất cả hoạt động của Hội, hội viên phải nhằm góp phần bảo vệ tổ quốc xây dựng xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh... đúng như tôn chỉ, mục đích của hội. Nói chung các hội viên nhất trí với cương lĩnh, điều lệ cũng như các lãnh đạo lâm thời của hội...”

Hà Nội 20/08/2014

Nguyễn Tường Thuỵ

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

       ( RFA )
Note: Dưới chế độ độc đảng, Báo hay Đài chỉ có “lề phải”, Công An dày đặc như rươi mà lập Hội được như thế này, ra vào thong thả, lập Thông Cáo, ra báo (có chi tiền cơ!)… chắc cũng hơi có “vấn đề”.
Hay đây là một cái bẫy ‘lớn, rộng” như Hồ Ba Bể do nhà nước làm ra để các cua, cá, lươn, trạch, ếch nhái… có chỗ vùng vẫy rồi tưởng là tự do chăng?

Xem thêm:

No comments: