Saturday, February 11, 2012

(5) Lễ hội... "làm tình phầm phập"

Nghi lễ dân gian 'tế nhị' nhất Việt Nam

Khoảng mấy năm gần đây, lễ hội "dương vật... phập âm vật" ở Việt Nam được thông tin mỗi dịp Xuân về.  

Đây là bài viết cho năm Nhâm Thìn 2012.  
Mỗi lần hô “linh tình… phộc!”, người đàn ông cầm biểu tượng dương vật bằng gỗ đâm vào biểu tượng âm vật cũng bằng gỗ mà người phụ nữ đang cầm trong bóng tối. Nếu trúng, đó là điềm may mắn cho cả làng trong năm.
Đêm 11 tháng Giêng âm lịch, hàng nghìn người dân xã Tứ Xã (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) và các vùng lân cận đã đội mưa, chịu rét để xem lễ hội Trò Trám, còn gọi là lễ hội “Linh tinh tình phộc” - lễ hội có một không hai của người dân xóm Trám, xã Tứ Xã.
Nói đây là lễ hội “tế nhị” và phồn thực nhất Việt Nam quả không sai. Tất cả các trò diễn xướng trong lễ hội đều có một sự ẩn dụ về khả năng sinh sôi nảy nở của con người. 

Nghi lễ "tế nhị" linh tinh tình phộc, mô tả cảnh giao hợp dựa trên tín ngưỡng phồn thực. Ảnh: Đặng Tuyền.
Mở đầu, các trò như: đi cày, cấy, câu cá, đánh lờ, dệt lụa, cung bông, thợ mộc, mua Xuân - bán Xuân và dạy học được trình diễn tại sân miếu Trò. Tiếp đó là trò “Tứ dân chi nghiệp”, miêu tả một cách dân dã nhất những nghề xưa như Sĩ, Nông, Công, Thương…

Tâm điểm và cũng là linh hồn của Trò Trám là “lễ mật” diễn ra lúc nửa đêm 11 rạng ngày 12 tháng Giêng âm lịch. Đây là thời gian giao hòa giữa trời và đất, ngày cũ qua và ngày mới bắt đầu. Sau lễ tế (bắt đầu vào lúc 23h) do các cụ cao niên trong làng thực hiện, đến đúng 0h (ngày 12 tháng Giêng), cụ thủ từ miếu Trò thắp hương và bắt đầu rước “nõ nường” - hai vật tương trưng cho giới tính nam và nữ (làm bằng gỗ và sơn màu đỏ) đặt thờ trong miếu Trò và trao cho đôi nam nữ đã được chọn từ trước.
Lúc này, đèn, nến trong và ngoài miếu tắt phụt, cụ chủ tế hô “linh tinh tình… phộc”, hai nhân vật chính: nam cởi trần đóng khố cầm nõ, nữ mặc váy đeo yếm đào cầm nường làm các thao tác như giao hợp của người nam và người nữ. Nếu ba lần đâm trúng - mùa màng tươi tốt, bội thu; hai lần - được mùa; một lần là làm ăn kém... Trong đêm tối chủ tế nghe tiếng “cạch” đủ ba tiếng đèn lại sáng. Phút ấy gọi là phút “thiêng”, “dập” chiêng trống để mừng và kính báo với thần linh, thiên địa biết “lễ mật” đã thành công.
Nếu như ngày trước, sau 3 câu khẩu lệnh “linh tinh tình phộc”, cụ thủ từ sẽ hô to “tháo khoán”. Mọi người hò reo, các đôi trai gái trong làng được “tự do” mọi chuyện ngoài rừng trám. Cô nào mang thai trong dịp đó là lễ “hèm” của làng đã thành công, đem lại điều may mắn cả năm cho gia đình và làng xã. Những đứa trẻ được sinh ra trong đêm “linh tinh tình phộc” làng chấp nhận vì họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ đem lại sự phồn thực cho cả làng.
Ngày nay, tục “tháo khoán” không còn, chỉ còn hò reo vui vẻ nhưng tín ngưỡng phồn thực và hoạt động tính giao vẫn được tôn vinh và trở thành linh thiêng, chứa đựng ý niệm và nguyện ước về sự phát triển phồn vinh của cư dân nông nghiệp.


Một hoạt động diễn trò trong lễ hội Trò Trám. Ảnh: Đặng Tuyền.
Sáng ngày hôm sau (ngày 12 tháng Giêng âm lịch) là lễ “Rước lúa thần” cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Ông Nguyễn Hồng Toàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tứ Xã cho biết: đây là lễ hội dân gian mang đậm tính phồn thực của vùng trung du, đồng bằng châu thổ sông Hồng, phản ánh ước nguyện sinh tồn, cầu mong con người cùng muôn vàn cỏ cây được sinh sôi, phát triển, xã hội phồn thịnh, đời sống no ấm, hạnh phúc …
Cũng theo ông Toàn, đây là lễ hội thu hút được rất nhiều khách thập phương đến tham gia. Năm nào, lượng khách đến với lễ hội cũng tăng hơn năm trước đó.

Lâm Tuyền
https://giadinh.vnexpress.net/tin-tuc/to-am/nghi-le-dan-gian-te-nhi-nhat-viet-nam-2285153.html

Bài cũ năm trước:

Đêm Đụ Đị và lễ hội phồn thực độc nhất Việt Nam 

Ở làng Tứ Xã (Lâm Thao, Phú Thọ), người ta đặt niềm tin kỳ lạ vào trò Đụ Đị, khi những nét "dung tục" được thiêng liêng hóa.

Tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ từng được lưu giữ trong nhiều hội lễ giêng hai gắn với những làng có thờ dâm thần như La Khê, Hoài Đức, Hà Nội; Đồng Kỵ, Bắc Ninh; Văn Trưng, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc; đền Bà Banh, Hải Dương; Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ... Quê ấy, từ khai hội đến rã đám, rộn ràng trống hội.
Miếu Đụ Đị ở Phú Thọ
Từ sáng mờ đất đến khi nhọ mặt, ngày đu xuân trai khom gối hạc, gái uốn lưng ong; đêm mật, già trẻ hỉ hả vui trò nõ nường... Trong giá rét, khi đã ngấm men say, chỉ mới thoáng nghĩ hay chợt nhớ đến hội làng thì đã nao nức, dậm dật khắp ngõ ngách cơ thể. Tình ấy mới động lòng trời. Xuân ấy mới thực là Xuân.
Cây lúa được thờ trang trọng trong miếu
Nay, nhiều tục xưa đã mất, còn lại gần như độc nhất một nơi…
Xưa, bên ngòi nước trong khu rừng trám có một ngôi miếu cổ linh thiêng. Cứ hai hoặc bốn năm một lần - các năm chẵn, vào đầu Xuân, dân làng ở đây lại mở lễ hội diễn nhiều tích trò, nên gọi là miếu Trò, và vì nằm trong khu rừng trám nên còn có tên khác là miếu Trò Trám.
Lễ hội diễn ra vào lúc nửa đêm
Xóm ở đó cũng được gọi tên xóm Trám, thuộc làng có tên tục là Kẻ Gáp, tên chữ là Thạch Cáp, nay là xã Tứ Xã nằm trong vùng di tích đồ đá cũ của người Việt cổ như Gò Mun, Đồng Đậu con… ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, bởi vậy Lễ hội Tứ Xã cũng có tên gọi khác là Lễ hội Kẻ Gát.
Cách Đền Hùng khoảng 5km về phía Đông Nam và nằm bên bờ tả ngạn sông Thao, xưa kia Tứ Xã là vùng đồng trũng ngập nước, thỉnh thoảng nổi lên những đồi gò là chỗ ở của người Việt cổ, lúa chỉ làm một vụ, quanh năm sinh sống bằng nghề vó bè.

Ai ơi chớ tưởng tôi già, tôi còn gánh được dăm ba cái... lờ! (trò Trám).
Thực ra Trò Trám chỉ là một phần, nhưng là phần hấp dẫn và vui nhất của Lễ hội Tứ Xã kéo dài trong 3 ngày (10 đến 12 tháng Giêng). Diễn ra vào nửa đêm ngày 11 và kéo dài tới rạng sáng ngày 12, Trò Trám diễn ra tại miếu Trò gồm: Lễ mật, hay lễ phồn thực cầu cho nhân dân được bình an, cầu mong giống nòi sinh sôi nảy nở; Lễ rước lúa thần - lễ cầu mùa; và Trò Trám: Trò trình nghề tứ dân chi nghiệp với bốn nghề chính trong dân gian là sĩ, nông, công, thương.
Đúng 12 giờ đêm, đèn đuốc tắt phụt, mọi người nín thở, vị trưởng lão cẩn trọng mở chiếc hòm thiêng, mở các lớp khăn điều lấy ra bộ dùi gỗ tả thực hình dương vật sơn son (Nõ) với chiếc mảng gỗ đỏ tạo hình âm vật (Nường), kính cẩn trao Nõ cho người nam ở trần chít khăn và Nường cho người nữ yếm thắm.
Khẩu lệnh “Linh tinh tình… Phộc” lặp lại 3 lần, sau mỗi lần, trong bóng tối, người nam dùng Nõ đâm “phộc” vào Nường. Nếu cả ba lần Nõ đâm trúng Nường thì năm đó thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu… Mỗi lần Nõ đâm trúng Nường, chiêng trống nổi lên, dân làng đứng quanh miếu reo hò vui vẻ.
Tình phộc! Xưa diễn ra trong bóng tối của Lễ Mật, nay dưới ánh sáng flash
của rừng ống kính báo chí và những kẻ tò mò.
Sau màn “Linh tinh tình… Phộc” này, đến màn “Tháo khoán”, trai gái và dân làng đổ ra khu vườn đằng sau miếu thờ thoải mái ghẹo nhau. Theo lệ làng, sau đêm “Tháo khoán”, những đôi trai gái nghèo chỉ cần đem cơi trầu trình với các cụ là có thể về ở với nhau làm vợ chồng. Những đứa trẻ sinh ra từ đêm “Tháo khoán” cũng không bị làng chê cười, mà trái lại, còn được xem là đem lại may mắn…
Tất nhiên đấy là những chuyện ngày xưa.
Một thời gian dài lễ hội Tứ Xã và Trò Trám bị đứt đoạn, thậm chí, nó còn bị bài bác là trụy lạc… Đầu những năm 1990, lễ hội Tứ Xã bắt đầu nhen nhóm trở lại nhưng phải tới năm 2000 lễ hội độc nhất vô nhị này mới được chính thức phục hồi với quy mô quốc gia. Năm ngoái, 2010, nhân dịp miếu Trò được công nhận di tích cấp tỉnh, lễ hội Tứ Xã được tổ chức rất to.
Trở lại Tứ Xã, Lâm Thao mùa Xuân này, nhiều thứ đổi thay. Làng Gáp đã đổi tên, thay dạng. Không còn những hình ảnh như thời nữ sĩ Hồ Xuân Hương về làm lẽ Tổng Cóc. Quê đang nguy cơ thành phố. Các nghi lễ, thủ tục trong lễ hội xưa được phục dựng gần như trọn vẹn, cũng “Linh tinh tình… Phộc”, cũng “Tháo khoán”, nhưng sự thiêng liêng kính cẩn và cả sự hồn nhiên xưa khó còn.
Theo lệ, Lễ mật (hay Lễ phồn thực) với màn “Linh tinh tình… Phộc” diễn ra trong bóng tối, mọi người nghe tiếng vang của Nõ và Nường chạm nhau mà đoán biết trúng hay trật. Năm 2010, do phải phục vụ cánh báo chí mà màn lễ thiêng liêng này lần đầu tiên phá lệ, diễn ra tới hai lần: một lần “làm thật”, một lần cho báo chí chụp ảnh, ghi hình.
Cũng theo lệ, màn “Tháo khoán” dành cho trai tân, gái tân là chính, cũng diễn ra khi trời tối đen như mực. Nay cũng do e ngại cánh báo chí đưa hình ảnh…lên mạng nên năm vừa rồi nam thanh nữ tú trong làng “chạy” sạch, chỉ còn các ông bà ngũ tuần tham gia “diễn” trò “Tháo khoán” cho quay phim chụp ảnh. Du khách hiếu kỳ, báo chí chen vai, thích cánh…, Trò Trám có nguy cơ đi theo con đường mòn của những phiên chợ tình… diễn thay cho tình yêu.
Nhưng may mắn là cái tinh quý của hội làng hay dấu tích tín ngưỡng phồn thực vẫn còn phảng phất, quyến luyến đâu đó. Ấy là những ẩn ngữ trong văn tế cùng các trường đoạn diễn xướng tứ dân chi nghiệp. Trước Lễ mật, những nghệ sĩ ưu tú của làng Tứ Xã sẽ có màn trình diễn về thợ cày cấy, kẻ đi câu, người bán mua Xuân, nhóm sĩ tử rao bán chữ nghĩa…
Chị nông dân thì véo von:
Người ta đi cấy lấy công
Tôi đây đi cấy lấy ông chủ nhà
Đi cấy thì gốc chổng lên
Ngọn thời cắm xuống mới nên mùa màng.
Lời ca của chàng thợ mộc có câu:
Người ta xẻ gỗ trên ngàn
Anh đây cưa lấy một nàng đương tơ
Với phường buôn bán hay kẻ sĩ thì câu chữ, lời ca có vẻ trau chuốt, ý tứ:
Còn Xuân thì mua Xuân đi
Nay lần mai lữa còn gì là xuân
Hay:
Học trò đi học sách kinh
Tay cầm quản bút “quệt” tình nghiên đây
Nhưng với mấy anh, chị hề hát pha trò thì câu chữ ngổn ngang sự tinh nghịch…:
- Giờ đây anh mới hỏi nàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần
- Chàng hỏi thì thiếp thưa rằng
Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay
Trước Lễ mật, trong một tiết điệu lạ lùng của đêm Xuân, những ẩn ngữ cứ lặp đi, khi bổng lúc trầm, các động tác, vũ điệu cứ nhắc lại, tái hiện như một thức ma thuật.
Những cái “dung tục” đang được thiêng hóa? Chỉ có thể tìm câu trả lời trong niềm tin kỳ lạ của từng người dân Tứ Xã. Hàng trăm năm nay họ tin rằng khi diễn trò Đụ Đị vào thời khắc thiêng liêng của trời đất thì sẽ cảm tất thông, cầu tất ứng.
https://thethaovanhoa.vn/van-hoa-giai-tri/dem-du-di-le-hoi-phon-thuc-doc-nhat-viet-nam-n20110211171749300.htm
Từ Hà Nội có thể tới xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ bằng ô tô hoặc xe máy. Đường đi như sau: Hà Nội - Sơn Tây - Trung Hà - Cổ Tiết - qua cầu Phong Châu, rẽ phải đi Tam Nông, đi chừng 4 km thì rẽ phải tiếp và hỏi đến Tứ Xã. Đường từ Hà Nội đến làng khoảng 100 km, đường tốt.
Đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng hàng năm, tại miếu Trò, hay miếu Đụ Đị, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, diễn ra một lễ hội độc nhất vô nhị: hội Trò Trám, hay còn có tên khác là hội Nõ Nường - nơi duy nhất ở miền Bắc còn lưu giữ tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ trong một lễ hội tụng ca tình yêu và sự sinh sôi với mùa Xuân đất trời.

Phim tư liệu đặc sắc về lễ mật trong ngôi đền thiêng thôn Miếu Trò (Miếu Đụ Đị), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
Được giới thiệu bởi TS, Nguyễn Xuân Diện, Viện Hán Nôm

Uploaded by on Dec 9, 2009

Lễ mật trong đền thiêng

 

0h ĐÊM NAY: LỄ MẬT "LINH TINH TÌNH PHỘC" Ở MIẾU ĐỤ ĐỊ


Cặp linh vật. Ảnh: Đỗ Doãn Hoàng. Xuân Canh Dần (2010)

Thưa chư vị,
Đây là một phim tư liệu đặc sắc về lễ mật trong ngôi đền thiêng thôn Miếu Trò (Miếu Đụ Đị), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.


Sau khi hát thờ trước điện, xin âm dương, cụ thủ từ trèo lên khám thờ lấy ra cặp dương vật, âm vật bằng gỗ (sơn màu đỏ, tả thực) đưa cho một cặp trai gái. Khi ấy đèn nến đã tắt hoàn toàn. Cụ thủ từ hô "Linh tinh tình ...Phộc" 3 lần. Mỗi lần như vậy, trong đêm tối mịt mùng và trong im lặng, người đàn ông cầm dương vật gỗ đâm vào lỗ âm vật gỗ trên tay người phụ nữ. Nếu đâm trúng cả 3 lần thì cả năm đó làng được nhân khang vật thịnh, mùa màng tươi tốt. Nếu đâm trượt thì năm đó coi như mùa màng thất bát, người vật đều không thịnh.

Sau lễ mật, một cụ già trong làng hô "Tháo khoán", thì trai tân gái tân và dân làng đổ ra khu vườn đằng sau miếu thờ trêu ghẹo sàm sỡ với nhau để cầu mùa. Sau đêm tháo khoán, những đôi trai gái nghèo chỉ cần đem cơi trầu trình với các cụ là có thể về ở với nhau làm vợ chồng.
Lễ hội chỉ diễn ra 1 lần vào đêm 11 rạng sáng 12 tháng Giêng hàng năm.

Đây là một nghi lễ phồn thực, cầu mùa của cư dân Việt cổ.

Phim này quay bằng một máy quay đặc biệt của bác Vũ Hoàng Liên (Tổng Giám đốc VDC), lúc 12 đêm 11 tháng Giêng năm Mậu Tý (2008) khi đèn nến bị tắt hoàn toàn. Đài TH Phú Thọ cũng không ghi được cảnh này, nên đã về Hà Nội để xin coppy lại, đưa lên sóng cho bà con trong tỉnh được chiêm ngưỡng.
Nguyễn Xuân Diện

TƯỜNG THUẬT LỄ HỘI TRÒ TRÁM TẠI MIẾU ĐỤ ĐỊ 
XUÂN CANH DẦN (2010)

Năm nay là năm Tứ Xã mở hội đông vui hơn cả kể từ sau năm 2000 - lần đầu tiên lễ hội này được phép phục hồi, sau một cuộc hội thảo lớn. Xuân Canh Dần này, Miếu Đụ Đị (Miếu Trò) được công nhận là Di Tích Lịch Sử Văn hóa cấp Tỉnh. Dân làng và dân trong vùng tụ tập rất đông, và có khoảng 70 phóng viên báo chí các cơ quan thông tấn ở TW và các địa phương về dự.

16h chiều chúng tôi xuất phát từ HN, lên đến nơi là 8h tối. Khi ấy chương trình văn nghệ của dân làng đã bắt đầu với những bài hát ca nhạc mới. Sau đó là dân làng diễn các tích trò TỨ DÂN CHI NGHIỆP (còn gọi là trò BÁCH NGHỆ KHÔI HÀI). Trò này diễn tả cuộc sống và hành nghề của bốn hạng Sĩ Nông Công Thương và Ngư Tiều Canh Mục với cái nhìn vô cùng hài hước, dí dỏm và giàu tính nhân văn. Nhạc vẫn là nhạc bát âm, nhưng những điệu múa thì rất đơn giản mà đẹp một cách mộc mạc, nguyên gốc. Những trò diễn mộc mạc như: Ông Đồ dạy học thì dạy cho lũ học trò bướng bỉnh và ngộ nghĩnh. Dạy xong ông bảo: Bây giờ học xong rồi, các trò giả lại hết chữ cho Thầy, để Thầy còn đi dạy cho các nơi khác (kiểu các thầy đi dạy ĐH tại chức ở các tỉnh). Người đi câu thì không câu cá mà đi câu "một cô không chồng". Người đi buôn bán không bán hàng mà đi "Mãi Xuân, Mại Xuân"(Mua Xuân bán Xuân). Các cụ già ở đây viết và sử dụng đúng chữ Mại và chữ Mãi (chữ Hán).
Các câu hát trong trò Bách Nghệ Khôi Hài:
Tiện đây anh mới hỏi nàng
Cái gì lủng lẳng một gang trong quần....
Vua ra đi cày. Lời của Vua rằng:
Làm vua cho đáng làm vua
Làm vua thì ở cho vừa lòng dân
Thánh quân cho đáng Thánh quân
Thánh quân phải biết thương dân nhọc nhằn!
Sau các trò diễn là trao bằng công nhận di tích Miếu Trò. Có đông đảo các quan khách và lãnh đạo tỉnh, huyện, xã về dự lễ trao bằng trang trọng này.
.
Đến sát 0h, cụ thủ từ lại đến ngồi trước điện thờ gảy cây đàn Giằng Xay (giống một cái dương vật khổng lồ), rồi hát thờ. Hát xong, cụ già lại một mình trèo lên trên điện thờ lấy ra hai linh vật, rồi đưa cho đôi trai gái thực hiện lễ mật. PV báo chí, dân làng và khách đều được mời đứng ra xa,cách thềm điện 5 m và tuyệt đối không dùng đèn flash khi chụp ảnh. Các PV đều tuân thủ và đưa ra điều kiện rằng sau khi thực hiện lễ mật thì phải diễn lại dưới ánh đèn điện để họ chụp ảnh đưa tin.

Sau khi lễ mật kết thúc, hai người nam nữ thực hiện lễ mật đã thay quần áo và đi ra ngoài. Lúc đó một số PV báo chí đã nêu lại yêu cầu. BTC lễ hội đành thể theo nguyện vọng này và gọi loa yêu cầu anh chị trở lại miếu, thay trang phục và thực hiện lại lễ mật dưới ánh đèn điện để các nhà báo chụp ảnh. Tất cả những hình ảnh mà các PV báo chí đưa tin về lễ hội năm nay đều là ảnh chụp trong lúc này. Như vậy, Lễ hội Miếu Trò năm nay có hai lần thực hiện Linh tinh tình phộc. Mỗi lần 3 lượt hô Linh tinh tình Phộc.

(Hồi năm 2000, lần đầu tiên phục hồi lễ mật, khi cụ từ hô Linh Tinh Tình Phộc 3 lần, đôi nam nữ làm xong, thì có mấy anh nhà báo vội nói: "Cụ ơi, cụ Phộc lại đi, con chưa quay được". Cụ thủ từ nghiêm mặt nói: "Không được!". Thế là phải chịu!).

Một năm mà nhờ có "sự cố" này, mà hai linh vật đưa vào nhau đến 2 lần, mỗi lần 3 PHỘC, thì vui vẻ hoan hỷ lắm! Năm nay chắc Tứ Xã và cả nước Việt sẽ bách cốc phong đăng, được mùa lúa ngô khoai sắn, nhân khang vật thịnh, con người con vật tốt tươi sinh sôi nảy nở! Và làng báo chí năm nay chắc cũng được "đắc tài sai lộc", "động bút hữu thần" lắm đây!
.
Khi các cụ hô "THÁO KHOÁN" thì chiêng trống ngũ liên giục vang. Đỗ Doãn Hoàng đem theo vợ (!), bèn "áp giải" vợ lên nhốt trên xe. Vợ Hoàng cự nự, may được Nguyễn Xuân Diện bảo lãnh nên được Đỗ Doãn Hoàng yên tâm cho xem màn Tháo khoán. Tôi nhanh tay được nắm tay cả hai anh chị thực hành lễ mật để lấy may. Anh chị vui lắm, nắm tay tôi rất chặt. Mọi người đổ ra khu vườn đằng sau Miếu để thực hiện màn tháo khoán được chờ đợi suốt một năm qua. Nam nữ của làng, trạc tuổi 40 - 50 ăn mặc áo nâu sồng, chít khăn đổ ra sau miếu để hô hoán và ...Chúng tôi thấy rất ít thanh niên nam nữ tham gia. Hỏi ra mới biết các em ấy rất e ngại các anh chị PV chụp ảnh đưa lên báo. Nhỡ ra ...

Sau khi tháo khoán, dân làng mời tất cả quan khách và anh chị em báo chí thụ lộc tại sân đình. Lộc Thánh là xôi trắng, thịt lợn và lòng lợn chấm với muối vừng. Rượu tất nhiên là cuộc lủi. Say rượu thì ít mà say cái tình Xuân rạo rực thì nhiều! Say bí tỉ cái tình Xuân từ thiên thu gửi lại.... 
_________________________

Nguyễn Xuân Diện cảm nhận về lễ hội trò Trám ở Miếu Đụ Đị:

Nguyên sơ còn sót lại trong lễ hội phồn thực 

Mặc Lâm - RFA : Vâng, thưa Tiến Sĩ, chúng tôi chú ý tới một lễ hội rất là đặc biệt của Việt Nam mà có thể là trong các nước ở Đông Nam Á thì chỉ có Việt Nam là còn, đó là lễ hội phồn thực Trò Trám. Ông là người tham gia nhiều lần lễ hội này vậy theo Tiến Sĩ thì những cảm xúc của người tham dự lễ hội phồn thực này nó có tinh khôi, nó có tinh tuyền như là những năm tháng về trước hay không so với thời đại bây giờ ?  


TS Nguyễn Xuân Diện:  Tôi bắt đầu quan tâm tới lễ hội này từ năm 2.000  và năm ấy là năm đầu tiên sau mấy chục năm gián đoạn cái “lễ mật” của Trò Trám mới được khôi phục. Ngay cái buổi đầu tiên mà tôi dự lễ hội đó thì từ đó đến nay thì gần như là năm nào tôi cũng tham gia. Tôi chưa thấy một lễ hội nào mà đem lại cho tôi nhiều cảm xúc về một tín ngưỡng nguyên sơ, về một văn hóa đậm chất hồn Việt như thế ở trong cái lễ hội đó. 


Năm nào cũng vậy, khi tôi đi dự cùng với bạn bè ở lễ hội này thì tôi cảm thấy rằng mình đã được sống hẳn hoi, mình được đắm mình vào trong một truyền thống cổ xưa của người Việt. Lễ hội này vẫn còn giữ được tính chất tinh khôi của nó với tất cả những cái gì cổ xưa nhất. 


Ví dụ như là trước ngày lễ hội thì người ta có tục rước Thần Lúa. Có một bó lúa người ta thờ quanh năm và đến ngày hôm đó người ta rước đi. Thế rồi người ta diễn cái trò “bách nghệ khôi hài” là sĩ – nông – công – thương. Có những  người dân ở địa phương người dân tự may quần áo lấy, người ta tự múa những điệu múa đã được truyền dạy từ đời này qua đời khác. Với những vũ điệu đơn sơ như vậy, cổ kính như vậy, với những trang phục như vậy, và diễn xuất hồn nhiên như vậy, thì nó mang lại cho chúng tôi cái cảm xúc vô cùng xúc động. Tất cả những người tham gia lễ hội đó cùng với tôi đều nói rất là xúc động khi chứng kiến lễ hội đó. 


Đặc biệt nữa là phần sau của nó là lễ hội cầu mùa, tức là theo người Việt Nam chúng ta sống trong một xã hội nông nghiệp cho nên rất trông chờ vào thời tiết mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Để có được mùa màng tốt tươi thì người ta cầu được mùa qua những nghi thức phồn thực, tức là mong cho sinh sôi nẩy nở, tức là bông lúa thì trĩu hạt, khoai thì nhiều củ, các con vật như gà, ngan, ngỗng, dê, lợn các thứ sinh sôi nẩy nở nhiều. Lễ hội đó bắt đầu vào lúc 0 giờ và sau khi diễn ra cái “linh tinh tình phộc” đó thì đèn mới được thắp lên. 


Lúc bấy giờ đàng sau cái Miếu Trò đấy, họ gọi là cái “miếu đụ đị” rất là nhỏ bé như vậy, có mấy vuông đất rộng, trai gái trong thôn chạy 3 vòng ngược chiều kim đồng hồ chung quanh cái Miếu Trò đó, và lúc bấy giờ từng cặp trai gái có thể tiến hành các hoạt động tình dục mà không bị việc gì. Nếu đôi trai gái nào sau đêm lễ hội đó mà có con thì ra trình trước làng chuyện đó và làng sẽ hợp pháp hóa tình trạng hôn nhân cho hai người mà không phải qua thủ tục kết hôn tốn kém. Hiện nay ở trong làng vẫn còn 3 cụ là những người được sinh ra sau những đêm lễ hội như thế. 


Tôi cho rằng đấy là một lễ hội rất nguyên sơ và cũng rất may là ngành văn hóa của tỉnh đó vẫn chưa can thiệp gì sâu để có thể làm hỏng cái lễ hội đó, và nó vẫn còn giữ được tính chất nguyên sơ của nó. 


*Ghi bên lề: NXD đã từng là người phản biện 1 cho một luận văn thạc sĩ về đề tài lễ hội này.
Nguồn: RFA Việt ngữ.
__________________________

Đến hẹn lại lên, năm nay, lễ hội trò Trám ở Miếu Đụ Đị vẫn diễn ra để cầu cho quốc thái dân an, bách cốc phong đăng. Nghe đồn là năm nay các cụ có tân trang & nâng cấp "linh vật" hi hi..i... Đường đi như sau (hành trình khoảng 80 km): Từ Hà Nội, đi đường Láng - Hòa Lạc (tên mỹ miều là đại lộ Thăng Long), đi về hướng Sơn Tây, đi qua Sơn Tây thì đi tiếp về phía Trung Hà, qua cầu Phong Châu hỏi thăm để đi 3-4 km nữa là đến Tứ Xã. Nên khởi hành từ 4h chiều từ Hà Nội. Đến nơi phải là lúc 8h tối để xem cho được trò Bách Nghệ Khôi Hài, sau đó xem tế, rồi lễ mật. Sau lễ mật là thụ lộc Thánh, dự kiến đến 2h sáng hôm sau mới tan hội. Khi ấy, có thể đi về Hà Nội trong đêm, hoặc về Việt Trì ngủ lại để sáng sau về HN.

Nguyễn Xuân Diện kính trình

https://xuandienhannom.blogspot.com/2012/02/linh-tinh-tinh-phoc.html


No comments: