Monday, October 26, 2015

(730) Nhỏ Mà Có Võ


Nhỏ Mà Có Võ
Alan Phan - 14 July 2015
(Những ai cẩu thả với sự chân thật trong việc nhỏ, không thể tin được khi giao việc quan trọng – Whoever is careless with the truth in small matters cannot be trusted with important matters – Albert Einstein) 
Vào cuối thập niên 60’s, tôi xách ba lô đi du lịch bụi ở Châu Âu. Đến Madrid, tôi tình cờ gặp một cô sinh viên Việt cũng từ Mỹ qua. Hai đứa share phòng ở một hostel (nhà ngủ trọ) và tuổi trẻ xa nhà đã khiến “chuyện ấy” xẩy ra như một tai nạn. Buổi sáng, tắm chung, cô gõ đầu thằng bé và khen,” nhỏ mà có võ”. Câu nói tôi nghe lần đầu, thấy ngồ ngộ. Sau nghĩ lại, nghiệm ra 2 điều (1) cô này chắc luyện chưởng hơi nhiều nên biết người nào có võ và người nào không và (2) nhìn kỹ lại thì nhận ra là mình “nhỏ” thật.
Cũng vào khoảng thời gian đó, xứ Mỹ đang trải nghiệm những thay đổi sâu xa từ cốt lõi. Phong trào phản chiến của các sinh viên đang lên cao khắp nơi và những cuốn sách như “Small is Beautiful” của Schumacher đặt lại tiền đề “phương cách sống” cho xã hội Mỹ. Trước đó, “bigger is better” (càng lớn càng tốt) là khẩu hiệu đầu môi của người dân và “growth is good” (tăng trưởng là tốt) trở thành một mục tiêu tối hậu cho kinh tế Mỹ. Thống Đốc Jerry Brown của California dùng lý thuyết của Schumacher (nhiều người gọi là Buddhist economy) làm nền tảng cho ba cuộc tranh cử Tổng Thống vào giữa 1970’s Ông thua, nhưng ảnh hưởng của ông và các triết thuyết gia mới tạo những cơn sóng ngầm rất mạnh trong nhiều thập niên kế tiếp, nhất là với thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, sau những biến động xã hội và chính trị tại Mỹ vì cuộc chiến Việt Nam, vì OPEC cartel, vì lạm phát phi mã, vì thua cuộc ở Iran…kinh tế Mỹ lấy lại thăng bằng và phát triển tốt đẹp hơn dưới thời Tổng Thống Reagan. Giói trẻ quay về với truyền thống của các thế hệ trước…size matters (kích cỡ quan trọng). Các người mẫu Playboy với vòng 1 hơn 40 inches (100+ cm) vẫn được ưa chuộng trên khắp mạng truyền thông; và người dân Mỹ bắt đầu sử dụng lại các xe cơ bắp (muscle) như Hummer, Giant Pickup, SUV…với khả năng uống xăng không giới hạn. Arnold Schwarzenegger và Rambo Stallone là 2 diễn viên hàng đầu của thời điểm “America the greatest”.
Woody Allen diễu về thói xấu muốn có nhiều nhất bất cứ món nào lớn nhất, cao nhất, nhanh nhất….trong cảnh mở đầu cho cuốn phim Annie Hall (đoạt giải Oscar). Một cư dân của nhà dưỡng lão than phiền với bạn,”Sao các thức ăn ở đây nấu quá dở?” “Tôi đồng ý. Mà họ lại dọn cho chúng ta những phần ăn quá nhỏ…”
Thế giới lên cơn sốt theo sức mạnh Mỹ. Cũng với hoang tưởng đó, TT Bush (cha và con) lao Mỹ vào cuộc chiến Iraq I & II, Afghanistan, ngay cả những “cách mạng mầu” sau này ở Trung Đông. Ngay cả một anh Mỹ gốc Phi có nhiều định hướng xã hội như Obama cũng hăng hái “xoay trục về châu Á” để ngăn chận Trung Quốc. Cái thay đổi “Change We Can “ mà Obama lan tỏa trong thông điệp cho cử tri 7 năm về trước đã biến thành “No Change Needed” trong kiêu kỳ và ngạo mạn.
Dĩ nhiên, người Mỹ có lý do để nghĩ rằng xứ sở mình “vĩ đại”. Mặc cho một nền dân chủ pháp trị tự do đa nguyên, người dân Mỹ vẫn đủ an ninh và cơ hội để mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình. Kiến tạo một mức sống giàu có cho hơn 320 triệu dân trong một melting pot  là một kỳ tích chưa có đế chế nào trong lịch sử hoàn tất. Sức mạnh quân sự dựa lưng trên một nền kinh tế năng động, sáng tạo, trù phú… sẽ khó có xứ nào qua mặt được trong thế kỷ này. Trên hết, văn hóa, giáo dục và tôn giáo của xã hội cho thấy một nền văn minh đích thực của con người khi tài sản mềm mang giá trị tối ưu.
Tuy nhiên, hiện trạng nào của xã hội cũng sẽ phải thay đổi, theo chu kỳ. Xích đu cấp tiến lên tột đỉnh lại quay về vị thế bảo thủ. Cá nhân tôi từng say men chiến thắng và đấu tranh, mở mắt ra là suy nghĩ về những cột đích phải đạt trong ngày này, tuần này, tháng này…Vào tuổi già hôm nay thì chỉ mong có một sức khỏe và an bình để vui hưởng vài tiếng cười với bạn bè gia đình. Một khủng hoảng nào đó có thể sẽ xẩy đến và nước Mỹ phải thu mình nhỏ lại và phát triển theo Buddhist economy?
Trong cái tư duy gói gọn lúc này, tôi hay nghĩ về những thứ “nhỏ mà đẹp”. Tôi thấy sự tinh tế của văn hóa Monaco, của kinh tế Costa Rica…có vẻ vượt xa cái hào nhoáng của Dubai, hay của dòng tiền từ Silicon Valley. Một nước Thụy Sĩ thanh bình cả ngàn năm nay vẫn là điểm sáng của châu Âu, mặc cho Đức, Nga, Anh…đánh đấm nhau tranh dành “quang vinh” và “đỉnh cao”. Một căn nhà nhỏ với khu vườn Zen trên triền núi Santa Barbara có vẻ hấp dẫn tôi hơn một lâu đài cạnh biển Malibu của một đại gia Mỹ đang kêu giá 140 triệu đô la.
Có lẽ đây là cái ẩn dụ mà cô sinh viên ngày nào muốn truyền lại cho tiềm thức của tôi, “nhỏ mà có võ”.
Quay về Việt Nam, tôi đã từng hy vọng là các lãnh đạo nước nhà sẽ bắt đầu thay đổi sâu rộng để khi đi gặp bất cứ lãnh tụ thế giới nào, siêu cường hay tiểu quốc, họ cũng đều gật đầu thán phục,”bọn này nhỏ mà có võ”. Nhưng dường như trong tư duy các lãnh đạo Việt Nam, họ thích “nói” lớn hơn “làm” lớn. Thích thành tích, tượng đài, tư tưởng bao la, khuyên bảo người khác , kênh kiệu, khoe khoang, nổ bậy…để chứng tỏ cái dốt của mình hơn là kiến tạo một cơ chế chính trị năng động, tự do, sáng tạo về mọi khía cạnh để người dân, nhất là lớp trẻ thông minh, có dịp phát triển kỹ năng của mình.
Tôi không có gì để tự hào vì là một công dân Mỹ hay xấu hổ vì gốc gác người Việt của mình. Nhưng một đứa trẻ sinh ra trong rừng rú, sau 85 năm hội nhập cùng với thế giới đang tiến bộ siêu tốc, mà vẫn còn là đứa trẻ ngu ngơ, nếu không tật bệnh về thể chất, thì chỉ có thể là một trường hợp tâm thần nặng ký.
Aeschylus dặn rằng “hãy cố gieo một hạt giống nhỏ của chân thật để may ra cây cành thành cổ thụ – from a small seed of honesty, a mighty trunk may grow”. Lúc nào cũng hoang tưởng là mình “vĩ đại” không thua một siêu cường nào, nhưng vừa nổ xong lại phải cúi mặt xin …viện trợ? Có lẽ vì vậy mà chúng ta phải lo chặt hết cây vì “chân thật” là một nghịch lý của lòng tham?

No comments: