Monday, May 28, 2012

(157) Báo chí Ý nói về vụ bê bối tại Tòa Thánh Vatican

Ông Paolo Gabriele (ngồi trước), người “hầu cận” của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI, bị bắt hôm 25/5/2012.
Ông Paolo Gabriele (ngồi trước), người “hầu cận” của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI, bị bắt hôm 25/5/2012.

Báo chí Ý nói về vụ bê bối tại Tòa Thánh Vatican

Huê Đăng / Đức Tâm
Ngay sau hôm giám đốc Ngân hàng Tòa Thánh Vatican Ettore Gotti Tedeschi bị cách chức, ngày 25/05/2012, lực lượng cảnh sát của Tòa Thánh Vatican đã ra lệnh bắt giam ông Paolo Gabriele, người “hầu cận” của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI, vì bị tình nghi làm “nội gián” với các hoạt động nhằm tẩu tán ra ngoài các văn kiện “bí mật nhà nước” Vatican.

Vụ bê bối  tại Vatican đang gây xôn xao dư luận Ý với những tin đồn đấu tranh giành quyền lực nội bộ Tòa Thánh La Mã. Thông tín viên Huê Đăng từ Roma tường trình:
Ngày 24/05/2012 vừa qua, ủy Ban điều hành của cơ quan Viện Giáo Vụ (IOR – Istituto per le Opere Religiose), mà thực chất là Ngân hàng của Tòa Thánh Vatican, đã chính thức quyết định bãi nhiệm chức giám đốc của ông Ettore Gotti Tedeschi với những lý do như ông “đã không thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quan trọng hàng đầu”, hoặc có những “hành vi thất thường và sai trái”, hay “tập trung thái quá vào tay các chính sách quản lý”, lại còn thêm “không có khả năng thu thập thông tin về các họat động của ngân hàng để bảo vệ cho chính ngân hàng”.
Đó là một vài phán xét được ghi trong thông báo của chính ủy ban điều hành về quyết định bãi nhiệm nói trên. Thông cáo cũng nói rằng ông Ronald Hermann Schmitz, đương kim phó giám đốc sẽ tạm thời thay thế ông Tedeschi trong chức vụ giám đốc.
Theo tin báo chí Ý, quyết định bãi nhiệm giám đốc của ông Ettore Gotti Tedeschi được coi như là cao điểm cuối cùng của một cuộc đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Tòa Thánh Vatican trong quá trình tìm cách áp dụng các uy luật tài chính của châu Âu trong chính sách nhằm phòng chống các hoạt động rửa tiền của các ngân hàng.
Trong thời gian gần đây, Jp Morgan, một trong những tập đoàn hoạt động tài chánh hàng đầu trên thế giới, đã tuyên bố đóng cửa tất cả các “tài khoản” với IOR vì cho rằng IOR đã trở thành một “đối tác có quá nhiều khả năng rủi ro”. Và cũng như báo chí loan tin, vào khoảng tháng 3 năm nay, chính Tòa án Roma đã mở một số điều tra về các hoạt động của ngân hàng IOR bị nghi ngờ là có vi phạm các điều luật phòng chống rửa tiền.
Thậm chí, hồi tháng 9 năm 2010, Tòa án Roma cũng đã quyết định cho tịch biên 23 triệu Euro nằm trong một tài khoảng của một chi nhánh của một ngân hàng Ý là “Credito Artigiano” vì số tiền này đã đang sắp được chuyển đến ngân hàng Jp Morgan Frankfurt và một ngân hàng Ý khác là “Banca del Fucino”. Theo điều tra của Tòa án Roma thì tài khoảng nói trên đều nằm trong tay của IOR, nhưng IOR không có khả năng làm sáng tỏ nguồn gốc của số tiền này từ đâu đến. Chính trong vụ điều tra này, giám đốc IOR lúc đó là Gotti Tedeschi cũng bị ghi tên vào danh sách những nghi phạm.
Hiện nay , vẫn theo tin báo chí Ý, đang có nhiều vụ điều tra trên số lượng tiền vài trăm triệu Euro bị tình nghi là đã được “sử dụng một cách không phù hợp với các nguyên tắc của Viện Giáo Vụ”, đặc biệt là Tòa án Milano bắt đầu điều tra về những quan hệ giữa Cơ sở Y tế San Raffaele và Ngân hàng của Vatican.
Cũng nên nhớ là Cơ sở Y tế San Raffaele gần đây đã được báo chí nhắc đến với những vụ bê bối về quản trị tài chánh của cố đạo Don Verzé, người đã sáng lập ra San Raffaele, rất gần gủi với cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi. Don Verrzé vừa mới đột ngột từ trần hồi cuối năm 2011, do đó, các vụ điều tra về bê bối tài chính lại càng thêm khó khăn.
Điểm đáng ghi nhận là trước các phóng viên báo chí, khi được hỏi về quyết định bãi nhiệm, ông Gotti Tedeschi đã tuyên bố nửa úp nửa mở rằng “Tôi không muốn tuyên bố chi cả, vì nếu tôi mở miệng thì tôi chỉ nói lên những điều xấu xa nhơ nhớp”.
Được biết, chính Hồng Y Tarcisio Bertone, quốc vụ khanh của Tòa Thánh, năm 2008 đã đề nghị đưa ông Gotti Tedeschi vào làm giám đốc Ngân hàng IOR .... Nhưng theo thời gian lần lần sau đó, quan hệ giữa ông Tarcisio Bertone và ông Gotti Tedeschi trở nên có vấn đề, nhất là từ khi chính ông Bertone tìm cách cứu vãn Cơ sở Y tế San Raffaele của cố đạo Don Verzé đang trên đường phá sản ... thì lúc đó, ông Gotti Tedeschi lại có những thái độ kình chống lại quyết định của ông Bertone và cuối cùng là kế hoạch cứu vớt San Raffaele đã không thành.
Vào cuối năm 2010, khi các điều lệ về quản lý tài chánh được thỏa thuận giữa Tòa Thánh Vatican và Hội Đồng Châu Âu bắt đầu trở nên có hiệu lực, thì Ngân hàng IOR bắt đầu phải có quy trình thay đổi phương cách quản trị cho phù hợp với quy định quốc tế về biện pháp phòng chống rửa tiền, còn được gọi là Moneyval.
Hiện nay Ngân hàng IOR của Tòa Thánh không được xếp vào danh sách “Bạch thư” (White list), tức là danh sách của những ngân hàng được Hội Đồng Châu Âu đánh giá có tiêu chuẩn quản trị phù hợp với chính sách phòng chống rửa tiền Moneyval. Và cũng theo lịch trình thì đến tháng 7 sắp tới, Hội Đồng Châu Âu sẽ phải tuyên bố quyết định có đưa IOR vào danh sách “Bạch thư” hay không ... Và chính đây là lý do khiến ông Gotti Tedeschi đã bắt đầu có vấn đề trong ngân hàng của Tòa Thánh.
Tin về bãi nhiệm của giám đốc Ngân hàng Tòa Thánh Vatican chưa ráo mực ... thì ngày hôm sau 25/05/2012, báo chí lại đưa tin lực lượng cảnh sát của Tòa Thánh Vatican đã ra lệnh bắt giam ông Paolo Gabriele, người “hầu cận” của Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI, vì bị tình nghi làm “nội gián” với các hoạt động nhằm tẩu tán ra ngoài các văn kiện “bí mật nhà nước” của Vatican.
Theo các cuộc điều tra sơ khởi thì cảnh sát Vatican đã tìm thấy ngay trong nhà riêng của ông Paolo Gabriele rất nhiều bản sao của các tư liệu mật của Tòa Thánh. Cũng được biết là gần đây, một ký giả Ý, ông Gianluigi Nuzzi, vừa tung ra một quyển sách mang tựa đề “Sua Santità” (Đức Cha) với phụ chú “Những tư liệu mật của Benedetto XVI”, trong đó quyển sách đã sao chụp lại rất nhiều tư liệu đã bí mật được tuồn từ Tòa Thánh ra ngoài. Do đó, người ta tình nghi chính người “hầu cận” của Đức Giáo Hoàng là người bí mật đã cung cấp tài liệu cho tác giả của quyển sách nói trên.
Nhưng, theo các nhà quan sát am tường thế giới Vatican, người ta nghi rằng ông Paolo Gabriele chỉ là một con “cá bé”, chỉ là “tay sai” của một nhóm người nào đó cao cấp trong hàng giáo phẩm đang tìm cách nói xấu Đức Giáo Hoàng nói riêng, bôi nhọ Tòa Thánh nói chung trong một chiến dịch đấu đá tranh giành quyền lực trong nội bộ Tòa Thánh. Nhưng đây là điều mà chính các cơ quan điều tra của Tòa Thánh cũng vẫn chưa có khả năng làm sáng tỏ.
Trước mắt, Đức Giáo Hoàng Benedetto đã tuyên bố là Ngài rất đau lòng trước những gì đang xẩy ra trong Tòa Thánh.

Một Hồng Y làm nội gián tiết lộ tài liệu mật của Vatican

Giáo Hoàng Benedicto 16 và Hồng y Tardisio Bertone, một nhân vật nhiều quyền thế, trong một buổi lễ Thánh tại Vatican ngày 27/5/2012
Giáo Hoàng Benedicto 16 và Hồng y Tardisio Bertone, một nhân vật nhiều quyền thế, trong một buổi lễ Thánh tại Vatican ngày 27/5/2012
REUTERS/Stefano Rellandini

Huê Đăng / Tú Anh
Thứ hai 28 Tháng Năm 2012- 

Báo chí Ý hôm nay tiếp tục tiết lộ về vụ tai tiếng đang gây chấn động tại Tòa Thánh. Thủ phạm phát tán tài liệu «nhạy cảm» không phải là cá nhân người quản gia của Đức Giáo Hoàng mà là một « nhóm » trong đó đứng đầu là một vị Hồng Y. Vì sao mà một bộ phận giáo phẩm Vatican sử dụng chiến thuật « vạch áo cho người xem lưng?».

Từ Roma, thông tín viên Huê Đăng lược thuật những thông tin vừa được đăng tải tại Ý:
Đúng là như các mạng truyền thông dự báo từ mấy hôm nay. Người quản gia của Đức Giáo Hoàng thực ra chỉ là một con “cá bé”, nói theo từ vựng của báo chí Ý chỉ là “lao động đơn giản”, tẩu tán tư liệu mật của Tòa thánh theo yêu cầu của một nhóm người nằm ngay chính trong thượng tầng của hàng giáo phẩm Vatican.

Sáng nay, 28/5/2012, nhật báo “la Repubblica” ở Ý đã cho đăng tải một bài phỏng vấn một nhân vật dấu tên tuyên bố là một trong những người trong nhóm nói trên. Theo bài báo thì trong nhóm có đủ cả: từ cố đạo đến hồng y, đến các cận thần của một số người cao cấp trong hàng giáo phẩm, có cả những nhân viên thế tục (tức là những người không phải là tu sĩ) làm việc cho Tòa Thánh, có cả phụ nữ.

Vì lý do gì  một nhóm người đang “bật mí” những chuyện kín đáo của bên trong Tòa thánh ?
Vẫn theo nội dung của bài báo vừa nêu trên, thì những người đang tìm cách hé lộ ra ngoài những thông tin “tế nhị” của Tòa thánh, là vì họ muốn “bênh vực, bảo vệ Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI”. Người được phỏng vấn đã trình bày chi tiết hơn như thế này “.

Có rất nhiều người trong hàng giáo phẩm không tán thành việc từ lâu nay Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh của Tòa thánh, đang giữ trong tay quá nhiều quyền lực và chi phối gần như toàn bộ các hoạt động và quyết định của Vatican, và Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI đã không có phản ứng mạnh bởi vì Ngài không muốn tạo ra rạn nứt trong hàng giáo phẩm.

Tình hình này hiện nay đã làm suy  yếu vai trò của Đức Giáo Hoàng, do đó một số người trong hàng giáo phẩm muốn đưa ra ngoài những sự kiện mà chính phe nhóm của Quốc vụ khanh Bertone muốn che dấu, với ý đồ là vừa làm trong sạch hàng giáo phẩm, vừa để bênh vực che chở cho Đức Giáo Hoàng Benedetto XVI.
Ngoài lý do như muốn làm trong sạch hàng ngũ giáo phẩm và bênh vực Đức Giáo Hoàng, còn có những nguyên nhân nào khác ?
Vẫn theo lời của người được phỏng vấn thì có dính líu đến cả quyền lực kinh tế trong Tòa thánh. Từ những năm 2009-2010 một số Hồng y đã cảm thấy quyền lực kiểm soát kinh tế của họ trong Tòa thánh bị suy giảm, một phần là vì thời đó đang có vụ tố cáo của Hồng y Carlo Maria Viganò, đại diện của Tòa thánh ở Mỹ, về một số sự kiện lạm dụng tài chánh của một số người trong hàng giáo phẩm.

Như ta đã biết là Hồng Y Carlo Maria Viganò đã viết thư gởi cho Đức Giáo Hoàng tố cáo những tệ nạn nói trên và xin Đức Giáo Hoàng tìm cách giải quyết vấn đề. Nhưng cũng như mọi người đều biết là Đức Giáo Hoàng đã không có một phản ứng nào trước những lời tố cáo của Hồng y Vignanò, bởi vì Đức Giáo Hoàng không muốn tạo ra rạn nứt với một Quốc vụ khanh.

Từ đó, một số người cao cấp trong hàng giáo phẩm đã khám phá ra rằng Đức Giáo Hoàng không có mấy bản lãnh ... và thế là họ tập trung chạy theo núp dưới bóng của Quốc Vụ Khanh.
Còn trường hợp của ông Giám đốc ngân hàng Vatican, Ettore Gotti Tedeschi, bị bãi nhiệm ?
Vẫn theo bài báo nêu trên thì Gotti Tedeschi là một người trong sạch và không hề có ý đồ chống đối hay đã phá Tòa thánh. Và chính ông ta cũng không hề đóng vai “nội gián” để tuồn thông tin mật của Tòa thánh ra ngoài. Chuyện bãi nhiệm là do những căng thẳng trong quan hệ giữa ông Tedeschi với Quốc Vụ Khanh Bertone trong chánh sách nhằm thay đổi các điều lệ hoạt động của ngân hàng Tòa thánh theo như các quy ước về phòng chống rửa tiền của Liên Hiệp Châu Âu.
Vatican: Không có Hồng Y trong số nghi can tiết lộ bí mật
Monday, May 28, 2012 

VATICAN (AFP) - Tòa Thánh Vatican hôm Thứ Hai bác bỏ các nguồn tin nói rằng có một Hồng Y trong số những người tình nghi chỉ huy một nhóm người tiết lộ các tài liệu bí mật của Ðức Giáo Hoàng, tuy nhiên cũng xác nhận là có nhiều người đang bị thẩm vấn.



Quản gia Paolo Gabriele là người bên trái trong hình này, cầm dù. Gabriele bị bắt vì tình nghi tiết lộ bí mật Tòa Thánh cho báo chí, và Vatican lên tiếng khẳng định không có Hồng Y nào trong số người bị nghi liên quan tới vụ này. (Hình: AP Photo/Luca Bruno)
“Không có Hồng Y nào trong số các nghi can. Tôi hoàn toàn bác bỏ nguồn tin này,” theo lời phát ngôn viên Vatican, Ðức Ông Federico Lombardi cho báo chí hay, tiếp theo các tin đồn nói rằng nhóm tiết lộ tin gồm khoảng 20 người và do một Hồng Y cầm đầu.
“Trong giai đoạn này có thể có các cuộc lục soát và có các Hồng Y được thẩm vấn, nhưng điều đó không có nghĩa là có Hồng Y bị nghi ngờ,” theo phát ngôn viên Lombardi. Ông cho biết thêm rằng “có nhiều người” đang được thẩm vấn.
Lời phát biểu được đưa ra trong lúc Vatican đang vất vả tìm cách đối phó với các tin đồn về vụ tai tiếng “Vatileaks” này, sau khi quản gia của Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI, Paolo Gabriele, bị bắt hồi tuần qua và các tài liệu mật được tìm thấy ở nhà ông ta.
“Giới chỉ huy đầu não là các Hồng Y. Kế đó là các Ðức Ông và những người có chức vụ thấp hơn,” theo một nguồn tin cho biết là từng tiết lộ tin tức mật từ Vatican cho tờ báo La Repubblica hay.
Ông Gabriele, làm việc tại Vatican từ năm 2006 đến nay và là một trong số rất ít người vào được phòng riêng của Ðức Giáo Hoàng, bị bắt hồi tháng qua sau khi Ðức Giáo Hoàng thành lập ủy ban đặc biệt gồm một số Hồng Y để điều tra vụ lộ mật.
Một nguồn tin cho tờ La Repubblica hay rằng việc để lộ mật là nhằm hỗ trợ Ðức Giáo Hoàng “vì mục đích là để cho thấy tình trạng tham nhũng bên trong Giáo Hội từ mấy năm qua.”
Nguồn tin trên cũng cho hay Ðức Giáo Hoàng xúc động vì việc giải nhiệm tuần qua chủ tịch Ngân Hàng Vatican Bank, ông Ettore Gotti Tedeshi, sau một loạt các tai tiếng tài chánh.
“Ngài (Ðức Giáo Hoàng) khóc rồi sau đó ngài trở nên giận dữ, thề sẽ đưa sự thật ra ánh sáng,” nguồn tin này cho biết.
Ông Gotti Tedeshi bị hội đồng quản trị ngân hàng bỏ phiếu bất tín nhiệm hôm Thứ Năm tuần qua vì không tạo được sự tin tưởng của công chúng nơi ngân hàng và cũng bị nghi có thể là nguồn cung cấp các tin mật về ngân hàng này. (V.Giang)

No comments: